CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ MÔ HÌNH KEYNES MỚI
2.3. Các công trình nghiên cứu trước đây
2.3.1. Các nghiên cứu về CSTT và chính sách an toàn vĩ mô
2.3.1.1. Nghiên cứu quốc tế
Dựa trên nghiên cứu của Cesa – Bianchi & Rebucci (2013), CSTT sẽ chịu trách nhiệm với mục tiêu ổn định giá cả còn các chính sách ATVM sẽ chịu trách nhiệm với mục tiêu ổn định tài chính. Theo đó trong thời gian gần đây, vấn đề sử dụng chính sách ATVM nhằm đảm bảo ổn định tài chính cũng như môi trường kinh tế vĩ mô tại mỗi quốc gia là một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới. Các phân tích, đánh giá và mô hình đã được xây dựng nhằm xác định mức độ hiệu quả của các công cụ ATVM và công cụ thực thi CSTT tại nhiều quốc gia và khu vực. Một số kết quả, nhận định được đưa ra từ các nghiên cứu này như sau:
Valla & Escorbiac (2006) tập trung vào các yếu tố vi mô và vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của các ngân hàng ở Anh như nghiên cứu của Aspachs & ctg (2005). Kết quả nghiên cứu cho thấy, TTTD, GDP và lãi suất ngắn hạn có tác động thuận chiều với tỷ lệ thanh khoản, ngược lại biến lợi nhuận ngân hàng có tác động nghịch chiều với tỷ lệ thanh khoản của các ngân hàng Anh.
Lim & ctg (2011) chỉ ra rằng, các công cụ ATVM như tỷ lệ tín dụng trên giá trị (Loan to value – LTV), tỷ lệ nợ phải trả trên thu nhập (Debt service to income – DSTI), hạn mức tín dụng (HMTD), dự trữ bắt buộc (DTBB) và dự phòng rủi ro thực sự hiệu
quả trong việc làm giảm các biến động rủi ro chu kỳ (counter-cyclical) của tín dụng và đòn bẩy tài chính.
Crowe & ctg (2011) chứng minh được mối quan hệ giữa chính sách ATVM và chu kỳ bất động sản. LTV là công cụ tốt nhất để hấp thụ và giảm thiểu các rủi ro tín dụng do sự bùng nổ bất động sản. Các công cụ với mục tiêu làm gia tăng sức chống đỡ cho hệ thống ngân hàng (như dự phòng linh hoạt) mặc dù không hiệu quả trong việc chấm dứt tình trạng bùng nổ nhưng lại rất có hữu dụng trong việc xử lý tình trạng vỡ bong bóng tín dụng bất động sản.
Claessens & ctg (2012) chỉ ra rằng cấu trúc, tổ chức và đặc điểm của hệ thống tài chính – (dựa trên vào ngân hàng hay dựa vào thị trường tài chính) có tác động làm khuếch trương chu kỳ tài chính và chu kỳ kinh tế thực, vì thế đây là yếu tố quan trọng nhất mà, các cơ quan giám sát cần xem xét khi lựa chọn các công cụ ATVM phù hợp.
Đối với các quốc gia có hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng, các nhà chính sách nên sử dụng các công cụ có liên quan đến hệ thống ngân hàng và tổ chức tài chính và ngược lại. Điều kiện chính sách tài khóa và tiền tệ đang được áp dụng cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn công cụ. Cụ thể, một số quốc gia có thể sử dụng CSTT để tác động vào chu kỳ tài chính nhưng lại có với những quốc gia không thể thực hiện được, đặc biệt là những nước theo chế độ tỷ giá cố định. Một số quốc gia có thể thực hiện chính sách tài khóa ngược chu kỳ để cứu nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, bất ổn nhưng cũng có những quốc gia thì không thể áp dụng được.
Cesa-Bianchi & ctg (2013) nghiên cứu về các công cụ của chính sách ATVM và CSTT nhằm mục tiêu ổn định tài chính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Theo nghiên cứu này các công cụ ATVM và công cụ CSTT có thể giải quyết cả hai biến dạng gây ra bởi ma sát tài chính (financial friction) (Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Hoàng Chung, 2017) và ma sát của các yếu tố kinh tế vĩ mô (macroeconomic friction). Nghiên cứu này cho rằng, công cụ lãi suất và công cụ ATVM (macroprudential tools) như là TTTD (credit growth), giá tài sản (asset price), LTV (loan to value ratio) tạo ra một sự kết hợp giữa lãi suất và quy tắc ATVM để CSTT có thể ngược chiều gió (lean against the wind).
Wang & Sun (2013) nghiên cứu về chính sách ATVM và vai trò của các công cụ này trong việc giảm thiểu rủi ro hệ thống tại Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu thực
nghiệm tại 171 ngân hàng cho thấy, chính sách ATVM (được đại diện bởi hai biến tỷ lệ DTBB và các chính sách về bất động sản) thực sự có hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro tín dụng và bong bóng tài sản nhưng chúng không đảm bảo cho việc bảo vệ nền kinh tế và hệ thống tài chính khỏi rủi ro hệ thống.
Kuttner & Shim (2013) cung cấp những đánh giá về sự hiệu quả của tín dụng và chính sách thuế liên quan đến kênh cho vay nhà ở và giá nhà. Bài nghiên cứu chỉ rõ tác động của sự suy giảm tỷ lệ mức chi trả nợ trên thu nhập (DSTI) và tỷ lệ cho vay (LTV) tới việc tổng cầu và tiêu dùng cuối cùng giảm thông qua cho vay nhà ở và giá nhà.
Ngoài ra, nghiên cứu thống kê lại việc sử dụng các công cụ chính sách khác ngoài lãi suất để đảm bảo sự ổn định tài chính kể từ năm 2000. So sánh giữa các khu vực địa lý, tác giả chỉ ra rằng nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương sử dụng các công cụ ATVM nhiều nhất trong hơn 20 năm qua39. Trong các nước áp dụng lạm phát mục tiêu, Hàn Quốc là quốc gia thực hiện nhiều biện pháp can thiệp nhất với hơn 26 biện pháp ATVM – 21 biện pháp thắt chặt và chỉ sáu biện pháp là nới lỏng. Bên cạnh đó, bài viết còn chỉ ra rằng các biện pháp ATVM thường được sử dụng nhiều đối với các quốc gia theo đuổi mục tiêu ổn định tài chính (Thái Lan, Malaysia,…).
Mặc khác, nghiên cứu của nhóm tác giả này cũng đã chỉ ra các biện pháp CSTT40 và thống kê số lượng hành động chính sách của bộ chỉ tiêu đo lường vĩ mô của 13 nước Châu Á Thái Bình Dương41.
Angelini & ctg (2014) chứng minh được lợi ích của việc phối hợp giữa CSTT và chính sách ATVM trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động. Trong đó, NHTW đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần ổn định sản lượng và tỷ lệ tín dụng trên GDP. Đây cũng chính là mục tiêu của nhà điều hành chính sách ATVM, tuy nhiên sẽ bị đánh đổi bằng việc lạm phát cao hơn và LSCS biến động mạnh hơn.
39 Chi tiết các hành động chính sách ATVM tại các nền kinh tế châu Á Thái Bình Dương áp dụng lạm phát mục tiêu tại Mục 6, Phụ lục 2.
40 Các biện pháp CSTT bao gồm dự trữ bắt buộc – Reserve requirements (RR), giới hạn tăng trưởng tín dụng – Limits on credit growth (Credit), và các yêu cầu về thanh khoản – Liquidity requirements (Liq). Các biện pháp chính sách an toàn vĩ mô bao gồm trần tỷ lệ cho vay – Maximum loan – to – value ratio and loan prohibition (LTV), trần tỷ lệ nợ phải trả trên thu nhập – Maximum debt – service – to – income (DSTI), trọng số rủi ro đối với các khoản cho vay nhà ở - Risk weights on housing loans (RW), trích lập dự phòng mất vốn với các khoản cho vay nhà ở - Loan loss provisioning applied to housing loans (Prov), giới hạn cho vay của ngân hàng đối với lĩnh vực bất động sản - Limits on banks’ exposure to the housing sector (Expo).
41 Chi tiết số lượng hành động chính sách tại các khu vực trên thế giới tại Mục 7, Phụ lục 2.
Gourinchas & Obstfeld (2012) khảo sát sự năng động của các biến số kinh tế vĩ mô trước, trong và sau khi xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính, bằng chứng thực nghiệm tại các nước phát triển và thị trường mới nổi trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2009. Nghiên cứu phát hiện rằng, các quốc gia mới nổi chịu thiệt hại nặng nề hơn về việc sụt giảm sản lượng trong cuộc khủng hoảng tiền tệ. Hai yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất của cuộc các khủng hoảng nói chung, đối với các nước mới nổi và phát triển là TTTD và tăng giá tiền tệ thực (real currency appreciation). Tác giả cho rằng cuộc Đại suy thoái những năm 1930 là kết quả của một hệ thống tiền tệ quốc tế không ổn định, mất cân bằng toàn cầu nghiêm trọng, khó phục hồi và chế độ tỷ giá cố định.
Cuộc khủng hoảng 2007 – 2009 cũng xuất hiện với một cơ chế tương tự như vậy, mặc dù chỉ xuất hiện tại một số quốc gia liên quan đến khu vực đồng Euro.
Imran & Nishat (2013) sử dụng dữ liệu về ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Karachi tại Pakistan nhằm xác định bằng chứng thực nghiệm các yếu tố giải thích tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp trong các môi trường tài chính khác nhau và các thách thức toàn cầu đang nổi lên. Nghiên cứu đề xuất mô hình với TTTD là biến phụ thuộc vào nợ nước ngoài, tốc độ huy động vốn, lãi suất thị trường tiền tệ, cung tiền M2, tăng trưởng kinh tế thực, lạm phát và tỷ giá. Đây được xem là các biến số chính giải thích cho TTTD ngân hàng. Với trọng tâm chính là phía cung, nghiên cứu này sử dụng phương pháp mô hình tự hồi quy phân phối trễ (Autoregressive Distributed Lag – ARDL) sử dụng dữ liệu hàng năm từ 1971 - 2010 cho Pakistan. Kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng các khoản nợ nước ngoài, tiền gửi trong nước, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái và các điều kiện tiền tệ có tác động đáng kể đến tín dụng khu vực tư nhân ở Pakistan, đặc biệt là trong dài hạn. Trong khi đó lạm phát và tỷ giá trên thị trường tiền tệ không ảnh hưởng đến tín dụng khu vực tư nhân. Hơn nữa, trong ngắn hạn, tiền gửi trong nước không ảnh hưởng đến tín dụng tư nhân. Kết quả cũng suy ra rằng sức khỏe tài chính và thanh khoản của các ngân hàng đóng một vai trò quan trọng và quan trọng trong việc xác định cho vay. Đồng thời động lực tăng trưởng GDP là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng gia tăng tín dụng khu vực tư nhân.
Shin (2015) so sánh tác động giữa chính sách ATVM và CSTT đến hệ thống tài chính, nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chính sách ATVM được sử dụng bởi nhiều nền kinh tế phát triển trước năm 1970. Trong khi đó, CSTT ảnh hưởng đến khả năng chấp nhận rủi ro, tác động cả hệ thống tài chính trong nước và lan truyền sang các
nền kinh tế khác. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho rằng, tương quan cùng chiều giữa CSTT và chính sách ATVM là bổ sung, thông qua kết quả của một vài cú sốc khác nhau.
Đó có thể là tương quan cùng chiều (pull in the same direction) (Bruno & Shim, 2015).
Kim & Mehrotra (2016) nghiên cứu về vấn đề đánh đổi giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định tài chính. Nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ các nước tại khu vực châu Á Thái Bình Dương áp dụng khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu, đồng thời cũng thực thi chính sách ATVM và sử dụng mô hình véc tơ tự hồi quy cấu trúc (SVAR). Bài nghiên cứu này sử dụng năm biến nội sinh, trong đó có hai biến công cụ chính sách (policy instruments) – LSCS và biến chính sách ATVM (Shim &
ctg, 2013). Ngoài ra, bài nghiên cứu sử dụng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đại diện cho biến mục tiêu của CSTT; chính sách ATVM được đại diện thông qua biến tổng tín dụng cho khu vực tư nhân (CRD) được sử dụng như mục tiêu của chính sách ATVM. GDP thực (RGDP) cũng được đưa vào mô hình để phản ánh các hoạt động kinh tế phát sinh. Mô hình trong bài nghiên cứu được xem là mô hình mở rộng từ mô hình xác định các cú sốc CSTT của Christiano & ctg (1999). Thông qua trọng tâm nghiên cứu là đánh giá phản ứng của năm biến nội sinh trước các cú sốc về CSTT và chính sách ATVM khi cả hai cú sốc theo hướng thắt chặt: PP tăng trước cú sốc chính sách ATVM và R tăng trước cú sốc về CSTT. Cả hai cú sốc này đều dẫn đến sự sụt giảm có ý nghĩa thống kê của CPI và CRD. Điều đó có nghĩa là CSTT thắt chặt không chỉ làm giảm mức giá mà còn là giảm cả khối lượng tín dụng. Tương tự, chính sách ATVM thắt chặt cũng làm giảm không chỉ tín dụng mà cả mức giá, qua đó tác động đáng kể đến lạm phát. Kết quả cho rằng các cú sốc chính sách vĩ mô làm lạm phát chệch khỏi mục tiêu điều hành của NHTW, các biến động trong mô hình ước lượng cho rằng tồn tại sự tương quan giữa CSTT và chính sách ATVM, và sự tương quan giữa hai chính sách tác động đến tổng cầu của nền kinh tế (aggregates demand).