Chương 2. CƠ SỞ KHOA HỌC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO
2.1. Những khái niệm cơ bản liên quan đến luận án
2.1.1. Tôn giáo, đạo Công giáo và hoạt động đạo Công giáo 2.1.1.1. Tôn giáo và khái niệm đạo Công giáo
Tôn giáo
Tôn giáo là hiện tượng xã hội, hình thành và phát triển cũng với sự phát triển của xã hội loài người ở trong nhiều cộng đồng dân tộc trên thế giới. Do được hình thành và phát triển trong các cộng đồng dân tộc khác nhau, nên tôn giáo rất đa dạng, phong phú. Nghiên cứu, tìm hiểu về tôn giáo cho thấy, có rất nhiều quan niệm khác nhau về tôn giáo, theo tác giả Đỗ Minh Hợp, có 4 cách định nghĩa tôn giáo gồm: định nghĩa thần học, định nghĩa triết học, định nghĩa xã hội học và định nghĩa dân tộc học [69,tr.23-54].
Dưới góc độ thần học, P.A.Phlorensky cho rằng: “... nếu xét về mặt bản thể luận, tôn giáo là sự sống của chúng ta trong Chúa và của Chúa trong chúng ta, thì xét về mặt hiện tượng học, thì tôn giáo là hệ thống những hành vi và cảm xúc đảm bảo sự giải thoát, cứu rỗi tâm hồn. Nói cách khác, sự giải thoát hiểu theo nghĩa tâm lý học rộng nhất của từ này là sự cân bằng của đời sống tâm thần” [69,tr.26].
Tiếp cận dưới định nghĩa triết học, Ph.Ăngghen trong tác phẩm Chống Đuyring đã đưa ra định nghĩa về tôn giáo như sau: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo vào trong đầu óc con người của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế” [63,tr.437]. Các nhà nghiên cứu Mácxít về tôn giáo thường coi câu nói trên của Ăngghen là định nghĩa của Chủ nghĩa Mác về tôn giáo. Theo C.Mác: “tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự cảm giác của con người chưa tìm ra được bản thân mình, hoặc để mất bản thân mình một lần nữa.
Nhưng con người không phải là một sinh vật trừu tượng, ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người chính là thế giới con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo, tức thế giới quan lộn ngược” [63,tr.414].
Từ góc độ chức năng xã hội của tôn giáo, C. Mác trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen đã cho rằng: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là
tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”
[63,tr.570].
Theo quan niệm của nhà xã hội học E.Đuyhem: “tôn giáo là hệ thống những tín ngưỡng và lễ nghi toàn vẹn, có quan hệ với những sự vật thiêng liêng, tức những sự vật xa lạ, cấm đoán; đây là hệ thống những tín ngưỡng và lễ nghi hợp nhất tất cả những người thừa nhận những tín ngưỡng và lễ nghi hợp nhất ấy thành một cộng đồng đạo đức được gọi là giáo hội” [69,tr.39].
Ở Việt Nam cho đến nay cũng có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tôn giáo như: “Tôn giáo là hình thái ý thức xã hội gồm những quan niệm dựa trên cơ sở tin và sùng bái những lực lượng siêu tự nhiên, cho rằng có những lực lượng siêu tự nhiên quyết định số phận con người, con người phải phục tùng, tôn thờ” [124,tr.1281].
Dưới góc độ pháp lý, khái niệm tôn giáo được quy định tại Khoản 5, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 giải thích: “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức” [96].
Khái niệm đạo Công giáo
Tìm hiểu về đạo Công giáo cho thấy, đây là một tôn giáo quốc tế, khởi nguồn từ Do Thái giáo, khoảng năm 26 sau Công nguyên, ở vùng phía Đông, đế quốc La Mã cổ.
Khi mới ra đời đạo Công giáo được gọi là Kitô giáo, tuy nhiên sau nhiều lần chia tách, tôn giáo này có tên mới là đạo Công giáo như ngày nay. Tên gọi này có ý nghĩa là đạo phổ quát để phân biệt với các tôn giáo khác có cùng nguồn gốc là Kitô giáo.
Đạo Công giáo có giáo hội chung để quản lý toàn đạo trên toàn thế giới, còn được gọi là Giáo triều Vatican, trụ sở đặt tại thành phố Roma, nước Ý, đứng đầu giáo hội là Giáo Hoàng. Giáo Hoàng có quyền tối cao đối với toàn Giáo hội Công giáo trên phạm vi toàn cầu.
Đạo Công giáo lấy Kinh Thánh làm kinh điển cho tôn giáo mình, được xem là văn bản linh ứng và trung thực; là mẫu mực tối cao của đức tin phải được tôn sùng.
Theo giáo lý đạo Công giáo, Thiên chúa có trước đời đời, có sau đời đời, có trước cả không gian và thời gian; Thiên chúa tạo ra trời đất, muôn loài và có 3 ngôi.
Về khái niệm đạo Công giáo, cho đến nay chưa có tài liệu nào đề cập. Theo Từ điển Tiếng Việt, đạo Công giáo là Thiên chúa giáo, người theo đạo Thiên chúa [124,tr.217]. Tuy nhiên, tiếp cận theo các thức định nghĩa khái niệm của lô gíc học
hình thức: Đạo Công giáo là một tổ chức tôn giáo quốc tế có nguồn gốc hình thành từ Do Thái giáo. Đạo Công giáo là một tôn giáo nhất thần, thờ Chúa ba ngôi; có giáo hội chung cho toàn giáo là Giáo hội Công giáo, đứng đầu giáo hội là Giáo Hoàng;
Đạo Công giáo sử dụng Kinh Thánh làm kinh điển cho hoạt động và sử dụng giáo luật để quản lý giáo hội.
2.1.1.2. Hoạt động đạo Công giáo
Theo Khoản 11, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016 quy định: Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo[96]. Như vậy có thể hiểu hoạt động Công giáo là hoạt động truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi, quản lý tổ chức của các tổ chức Công giáo.
Nghiên cứu Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các tài liệu liên quan có thể khái quát họat động của đạo Công giáo bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Hoạt động đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung; đăng ký hoạt động đạo Công giáo.
- Công nhận; thành lập, chia tách, sát nhập, hợp nhất tổ chức đạo Công giáo trực thuộc đạo Công giáo.
- Hoạt động phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển, cách chức, bãi nhiệm Hồng y, Giám mục, Linh mục trong đạo Công giáo.
- Hoạt động thành lập, quản lý, giải thể các trường thần học, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động trong đạo Công giáo.
- Những hoạt động sinh hoạt đạo Công giáo trong nước.
- Hoạt động sinh hoạt đạo Công giáo có yếu tố nước ngoài.
- Hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo.
- Hoạt động quản lý tài sản; cải tạo, trùng tu, nâng cấp, xây mới công trình kiến trúc đạo Công giáo.
- Quan hệ quốc tế của tổ chức đạo Công giáo, chức sắc và tín đồ đạo Công giáo.
2.1.2. Giáo lý, giáo luật và lễ nghi tôn giáo
Mỗi một tôn giáo khác nhau thì có sự khác biệt về lịch sử hình thành, hệ thống tổ chức bộ máy, hệ thống các chức sắc (phẩm trật), đồ dùng đạo và đặc biệt là hệ thống những giáo lý, giáo luật và nghi lễ hành đạo.
Giáo lý tôn giáo:có nhiều cách giải thích khác nhau về thuật ngữ “giáo lý tôn giáo”. Theo cách hiểu thông thường: “Giáo lý là hệ thống những lí luận, học thuyết của một tôn giáo” [124,tr.396]. Giáo lý tôn giáo là tập hợp những lý luận, học thuyết
của một tôn giáo. Giáo lý của đạo Công giáo là Kinh thánh, của đạo Hồi là Kinh Koran. Giáo lý tôn giáo đó là luận điểm cơ bản của một tôn giáo được các tín đồ tin theo một cách tuyệt đối.
Như vậy, giáo lý là một hệ thống luân lý,đạo đức cho người tu hành cũng như cho các tín đồ nhằm giáo dục họ, rèn luyện họ theo phương hướng của niềm tin, theo lời truyền dạy được coi là của các thần linh, các nhà tu hành đắc đạo, và đây được coi là thành tố quan trọng của bất kỳ một tôn giáo nào bởi nó bám sát nhất vào cuộc sống hiện thực của con người.
Lễ nghi tôn giáo: là những nghi thức và trình tự để tiến hành các cuộc lễ tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo.Mỗi tôn giáo đều được thực hiện bằng hai phương pháp để có thể quan hệ với các thế lực siêu nhiên ở thế giới bên kia: một là, bằng tự cá nhân (tưởng niệm, cầu xin, ăn chay, nhịn đói một thời gian nhất định, hành xác, kiêng cữ, dân cúng lễ vật, hành hương… cá nhân có thể đại diện cho đơn vị huyết thống là gia đình hay nhóm xã hội. Hai là được tiến hành dưới hình thức cộng đồng (dòng họ, làng xóm, dân tộc, cộng đồng tôn giáo) như hội họp, diễu hành, lễ hội, dâng hương, rao giảng…tất cả những hành vi tôn giáo đó thường được gọi là lễ nghi hay lễ thức.
Hệ thống nghi lễ hay sự thờ cúng: là toàn bộ những hoạt động có tính chất thực tế - hư ảo của tín đồ nhằm cố gắng tác động vào thế giới siêu nhiên (Chúa, Phật, thánh Allha…) hoặc tới những vật thiêng (tượng Thánh, Phật, Chúa…) nhằm cầu mong sự che chở, sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên đó.
Về cơ bản, nghi lễ tôn giáo thường gắn liền với một hành vi thế tục như khi sinh đẻ, khi bước vào giai đoạn trưởng thành, chấm dứt thời con trẻ, khi lấy vợ lấy chồng, lúc bệnh tật ốm đau, khi tắt thở hay liên quan đến tai ương, hạn hán, lũ lụt hay việc thăng chức, ăn nên làm ra.
2.1.3. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc 2.1.3.1. Tổ chức tôn giáo
Tất cả các tôn giáo đều hình thành bộ máy tổ chức để quản lý tín đồ, lo các công việc chung thuần túy tôn giáo như: việc hướng dẫn tu học cho tín đồ, việc đào tạo chức sắc, việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, việc xây dựng nơi thờ tự, việc in ấn xuất bản kinh sách,... việc quan hệ với nhà nước và các tổ chức xã hội thế tục. Cùng với việc hình thành tổ chức tôn giáo, các tôn giáo đều phải hình thành hệ thống nhân sự quản lý, điều hành tổ chức tôn giáo. Nhân sự quản lý và điều hành việc
đạo là những người được tổ chức tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử, suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức tôn giáo. Đáng chú ý trong bộ máy tổ chức nhân sự quản lý và điều hành, đa số là những chức sắc tôn giáo.
Khoản 12, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 giải thích:“Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo” [96].
Điều 21, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 quy định:“Tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo khi có đủ các điều kiện sau đây” [96]:
- Hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo;
- Có hiến chương theo quy định tại Điều 23 của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo;
- Người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;
- Có cơ cấu tổ chức theo hiến chương;
- Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
- Nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, tổ chức tôn giáo được hiểu là một tập hợp những người cùng tin theo một hệ thống giáo lý, giáo luật, nghi lễ và tổ chức theo một cơ cấu nhất định, tổ chức này được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và được cấp phép hoạt động.
2.1.3.2. Tổ chức tôn giáo trực thuộc
Một tổ chức tôn giáo bao gồm nhiều bộ phận hợp thành, bộ phận cấu thành nên tổ chức tôn giáo đó được gọi là tổ chức tôn giáo cơ sở (Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo) hay còn được gọi là tổ chức tôn giáo trực thuộc theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016.
Khoản 13, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: “Tổ chức tôn giáo trực thuộc là tổ chức thuộc tổ chức tôn giáo, được thành lập theo hiến chương, điều lệ, quy định của tổ chức tôn giáo” [96].
Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, trụ sở của tổ chức tôn giáo, cơ sở hợp pháp khác của tổ chức tôn giáo.
2.1.4. Chức sắc và tín đồ tôn giáo
- Tín đồ tôn giáo: những người tin theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo công nhận được gọi là tín đồ tôn giáo. Được thừa nhận là một tôn giáo nhất thiết phải có một bộ phận quần chúng tín đồ nhất định. Trong quá trình hình thành và phát triển các tôn giáo đều tìm cách tuyên truyền để thu hút thêm những người tin theo, tức là phát triển thêm tín đồ. Số lượng tín đồ tôn giáo ở mức độ nào đó cũng phản ánh thế và lực của tôn giáo.
Theo Khoản 6, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: “Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận” [96].
- Chức sắc tôn giáo và chức việc tôn giáo
+ Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức [96]. Chức sắc tôn giáo trước tiên họ cũng là những tín đồ của một tôn giáo, họ khác với các tín đồ tôn giáo ở chỗ là niềm tin tôn giáo của những người này sâu hơn và bền vững hơn niềm tin tôn giáo của các tín đồ nói chung. Họ tự nguyện phụng sự cho giáo hội tôn giáo và được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức liên quan đến tôn giáo để thực hiện những nhiệm vụ tôn giáo do giáo hội giao cho.
+ Chức việc là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức [96].