Chương 2. CƠ SỞ KHOA HỌC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO
2.4. Kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo Công giáo
2.4.2. Bài học kinh nghiệm cho thành phố Hà Nội
Từ những hoạt động thực tiễn tại các địa phương trên, để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo trên địa bàn, thành phố Hà Nội cần quan tâm tới một số vấn đề sau:
Một là, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, chức sắc, tín đồ đạo Công giáovề chính sách đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, qua đó tuyên truyền vận động đồng bào đạo Công giáo nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ công dân, nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đồng bào đạo Công giáo thông qua các hình thức tuyên truyền giáo dục hiệu quả của các đoàn thể hiện nay, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng phổ biến rộng mô hình sinh hoạt tổ nhân dân, hình thức tự quản có hiệu quả và thiết thực. Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật về TNTG cho các chức sắc, tín đồ đạo Công giáo.
Ba là, tiếp tục kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức QLNN về tôn giáo; thực hiện tốt công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo. Tăng cường tổ chức các khóa tập huấn, các lớp nghiệp vụ để từng bước nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo. Mở các khóa bồi dưỡng kiến thức, pháp luật về TNTG cho các cán bộ chủ trốt các cấp.
Bốn là, thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chức sắc, tín đồ; tạo công ăn, việc làm cho thanh niên đạo Công giáo; phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện của nhân dân theo phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và vai trò của nhân dân trong cuộc vận động đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Năm là, thường xuyên tiến hành các cuộc tiếp xúc, trao đổi và đối thoại với chức sắc, tín đồ đạo Công giáo để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền với giáo hội. Đối
với những ngày lễ trọng, các cấp chính quyền cần có những hoạt động chúc mừng, thăm hỏi chức sắc, giáo dân, xây dựng bầu không khí cởi mở giữa chính quyền với cơ sở đạo Công giáo trên địa bàn.
Sáu là, thực hiện tốt công vận động chức sắc, tín đồ đạo Công giáo“sống tốt đời đẹp đạo”, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng đạo Công giáo của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bảy là, đẩy mạnh việc phát triển cốt cán đạo, mở rộng việc xây dựng Đảng trong các cơ sở, dòng tu đạo Công giáo. Vận động các chức sắc, người có uy tín trong các cơ sở đạo Công giáo tham gia vào công tác chính trị tại địa phương.
Tám là, đơn giản hóa các thủ tục hành chính có liên quan đến những vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thời tự; giải quyết dứt điểm những khiếu kiện, khiếu nại có tính chất phức tạp để không bị lợi dụng. Đối với những cơ sở nhà đất liên quan đến đạo Công giáo do các cơ quan nhà nước sử dụng, quản lý, nếu thấy việc sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả và xét thấy nhu cầu của cơ sở đạo Công giáo chính đánh thì cần xem xét, giao lại cho cơ sở đạo Công giáo quản lý, sử dụng.
Chín là, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng ở những vùng, xứ đạo, nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên và chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở; xây dựng và phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt chính trị, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, của đồng bào Công giáo, phối hợp cùng chính quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống nhân dân và nhu cầu chính đáng về TNTG.
Mười là, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, tín đồ đạo Công giáo và các cơ sở đạo Công giáo tham gia các hoạt động phát triển văn hóa, giáo dục, y tế; những hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Mười một là, tăng cường các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những hành vi lợi dụng đạo Công giáo để xâm phạm đến an ninh, trật tự tại địa phương. Các cơ quan Công an cần bán sát những địa bàn nóng về đạo Công giáo, khoanh vùng và sàng lọc những đối tượng có tư tưởng bất mãn, tả khuynh, lợi dụng đạo Công giáo để xâm hại đến an ninh, trật tự của Thành phố.
Mười hai là, thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật TNTG đối với các xứ đạo, họ đạo thường xuyên; tiếp nhận và giải quyết dứt điểm, kịp thời những khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đạo Công giáo.
Kết luận Chương 2
Đối với nhiệm vụ xây dựng hệ thống những cơ sở khoa học QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo, Chương 2 luận án đã đạt được các kết quả sau.
Thứ nhất, tổng hợp tài liệu, Chương 2 đã xây dựng một số hệ thống những khái niệm có liên quan đến nội dung nghiên cứu của luận án như: tôn giáo, hoạt động tôn giáo; giáo lý giáo luật, lễ nghi tôn giáo; giáo hội, tổ chức giáo hội và chức sắc, tín đồ tôn giáo. Qua nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về tôn giáo, có khái niệm tiếp cận dưới góc độ thần học, có khái niệm nghiên cứu tôn giáo theo góc độ triết học, xã hội học. Dưới góc độ của luận án, tác giả tiếp cận khái niệm theo khía cạnh pháp lý về tôn giáo.
Thứ hai, nội dung của chương cũng đã nghiên cứu và khái quát về đạo Công giáo trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy đạo Công giáo ra đời vào khoảng thế kỷ thứ nhất, Công nguyên, phía Đông La Mã cổ đại. Sự ra đời của đạo Công giáo ra đời là kết quả của những mâu thuẫn, xung đột xã hội giữa một bên là chủ nô và bên còn lại là tầng lớp nô lệ. Đạo Công giáo ra đời dựa trên sự kế thừa những tư tưởng Do Thái giáo, tư tưởng triết học của Hy lạp và La Mã cổ đại cùng với những yếu tố của văn hóa, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc Trung cận Đông. Trải qua hai thế kỷ với những biến cố lịch sử khác nhau, đạo Công giáo hiện nay là một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới có mặt ở hầu hết các quốc gia với gần 1,3 tỷ tín đồ.
Đạo Công giáo xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1533, do một giáo sỹ Phương Tây, tên là In-nê-khu truyền vào làng Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chấn và Trà Lũ, Giao Thủy tỉnh Nam Định, đến năm 1615, một số giáo sỹ dòng tên (trong đó có Alexandre de Rhodes - Cha Đắc Lộ) đến cửa Hàn, Quảng Nam, năm 1627, đến cửa Bạng Thanh Hóa mới đạt được những kết quả truyền giáo nhất định. Đến nay, đạo Công giáo trở thành tôn giáo có quy mô lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau Phật giáo) với số lượng tín đồ gần 7 triệu người; 7.458 chức linh mục; 10 cơ sở đào tạo Thần học; sinh hoạt tôn giáo tại 7.771 nhà thờ Công giáo.
Thứ ba, Chương 2 luận án đã xây dựng được hoàn thiện cơ sở khoa học QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo. Nghiên cứu cho thấy, QLNN đối với hoạt động đạo Công giáo là nhiệm vụ mang tính tất yếu, khách quan, điều này xuất phát từ những yêu cầu nhiệm vụ của nhà nước, từ bản chất chức năng của nhà nước đối với xã hội.
Bên cạnh đó, việc QLNN đối với hoạt động đạo Công giáo còn xuất phát từ việc đảm
bảo quyền tự do TNTG cho nhân dân và thực tiễn hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong những năm qua. Nội dung Chương 2 cũng đã chỉ ra những chủ thể và đối tượng QLNN đối với hoạt động đạo Công giáo. Đối với chủ thể QLNN đối với hoạt động đạo Công giáo bao gồm nhiều cơ quan, tổ chức cá nhân ở trung ương và địa phương cả các cơ quan có thẩm quyền chung và các cơ quan có thẩm quyền riêng. Tác giả cũng đã chỉ ra sáu nhóm đối tượng QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo.
Nghiên cứu lý luận QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo cho thấy bao gồm 6 nội dung: (1) xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về TNTG; (2) xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy QLNN về TNTG; (3) xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo; (4) quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đạo Công giáo; (5) phổ biến, giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; (6) thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến đạo Công giáo. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các phương thức QLNN đối với họat động của đạo Công giáo.
Thứ tư, điều tra, tìm hiểu thực trạng hoạt động của đạo Công giáo và thực tiễn QLNN đối với hoạt động của đạo Công giáo tại tại Nam Định, Huế và Đồng Nai, luận án đề xuất một số những kinh nghiệm cho thành phố Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ QLNN đối với hoạt động đạo Công giáo trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn./.
Chương 3