Khái quát về Tổng giáo phận Hà Nội

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo công giáo trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 87 - 92)

Chương 3. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẠO CÔNG GIÁOTRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

3.2. Đạo Công giáo Hà Nội và thực trạng hoạt động của đạo Công giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội

3.2.1. Khái quát về Tổng giáo phận Hà Nội

3.2.1.1. Thời các giáo sĩ dòng Tên (1626 - 1663, vua Lê - chúa Trịnh)

Tổng Giáo Phận Hà Nội đã trải qua gần 400 năm hình thành và phát triển, quá trình lịch sử này được khái quát sơ lược theo ba thời kỳ: thời kỳ giáo sĩ dòng Tên, thời kỳ Hội Thừa Sai Paris (MEP) và thời kỳ nằm dưới triều vua Lê - chúa Trịnh, triều Nguyễn, thời Pháp thuộc cho đến khi đất nước độc lập, thống nhất.

Theo một số tài liệu cho thấy, năm 1626, có hai linh mục là Giuliano Baldinotti, người Ý, và Piani, người Nhật, là hai linh mục thừa sai đầu tiên được cử tới Kẻ Chợ (Thăng Long) truyền đạo. Sau 5 tháng tại Thăng Long, hai linh mục đã rửa tội được bốn trẻ nhỏ hấp hối và phải rời Thăng Long do những nghi kỵ của Chúa Trịnh [49,tr.10-12].

Khoảng tháng 3/1627, từ Macao hai giáo sỹ dòng tên khác là Marques và Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) tới Cửa Bạng (Thanh Hóa) để truyền đạo, trong 2 tuần đợi lệnh chúa Trịnh cho phép tàu lên Kẻ Chợ, hai cha rửa tội tất cả được 32 người.

Ðoàn truyền giáo được chúa Trịnh tiếp đón nồng hậu, hai linh mục được hưởng nhiều ân huệ và được cấp nhà ở trong phủ Chúa [76,tr.52-54]; nhưng để tiện dịp tiếp xúc với

dân chúng, hai cha xin đến ở vùng Cầu Giền. Tại đây, hai cha bắt đầu mở lớp dạy giáo lý, mỗi khóa 8 ngày, mỗi ngày 6 lớp, việc rao giảng Tin Mừng đang tiến triển tốt thì phải tạm dừng do, những nghi kỵ của chúa Trịnh. Năm 1926, trước khi Cha Đắc lộ rời Đàng ngoài, ông đã thu phục được khoảng 3.500 giáo dân bao gồm Hà Nội và khu vực lân cận [49,tr.12-21].

Từ năm 1631-1663, nhiều giáo sĩ dòng Tên đến truyền đạo ở đất Kẻ Chợ như:

Linh mục Gaspar d'Amaral (1631-1638), linh mục Felice Morelli (1636-1647), linh mục Filippo Giovani de Marini (1647-1658)... theo một số tài liệu cho thấy, vào năm 1645 ở Đàng Ngoài, đạo Công giáo được truyền vào một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Hà Nội, Hưng Hóa, Tuyên Quang và một số vùng phụ cận với số lượng giáo dân khoảng 100.000 người, riêng Nghệ An có 72 làng theo đạo, 100 nhà thờ lớn, 300 nhà thờ nhỏ [49,tr.21-27].

3.2.1.2. Thời kỳ Hội Thừa Sai Paris (nhà Trịnh, nhà Nguyễn, và Pháp thuộc)

Năm 1658, Giáo hoàng đã đồng ý cử các giáo sỹ người Pháp sang truyền đạo thế chân Bồ Đào Nha tại Việt Nam. Tháng 9 năm 1659, Tòa Thánh Vatican đã thành lập hai giáo phận ở Việt Nam: Ðàng Trong và Ðàng Ngoài và bổ nhiệm linh mục Francois Pallu làm đại diện ở giáo phận Ðàng Ngoài (1659-1679) [45,tr.33-34]. Tuy nhiên, trong suốt thời gian làm đại diện ở Giáo phận Đằng Ngoài linh mục Francois Pallu chưa từng ra Bắc để nhận chức Thánh. Năm 1679, ông được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Phúc Kiến (Trung Quốc), tháng 10 năm 1684, ông bị bệnh và mất ở Phúc Kiến.

Năm 1678, giáo phận Ðàng Ngoài được chia làm hai: Tây Ðàng Ngoài trao cho MEP, do linh mục Jacques de Bourges coi sóc. Địa phận Đông Đàng Ngoài do Deydier làm giám mục. Năm 1693, Deydier mất, Bouges kiêm nhiệm cả hai địa phận, trong giai đoạn này, Bourges đẩy mạnh các hoạt động truyền đạo, lập chủng viện ở Nghệ An [76,tr.70]. Năm 1709, Bourges cùng hai linh mục khác bị bắt và quản thúc ở Hà Nội, đến năm 1713 bị trục xuất khỏi Việt Nam và mất năm sau đó tại Thái Lan.

Tính đến năm 1753, Giáo phận Tây Ðàng Ngoài có tổng cộng 131.727 giáo dân gồm:

Bố Chính 10.000 giáo dân, Nghệ An 42.500, Thanh Hóa 24.039, Tây Nam (Trấn Sơn Nam) 45.188 Miền Tây (Trấn Sơn Tây) 7.000, Kẻ Chợ 3.000 gồm hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Ðức, mỗi huyện 18 phường, làm thành “36 phố phường” [49,tr.37].

Dưới triều Nguyễn, giáo phận Tây Đàng Ngoài được giám mục J.B. Longer Gia cai quản từ năm 1790 - 1831, trong giai đoạn này giáo phận có 2 giám mục, 6 thừa sai,

87 linh mục bản xứ, 174.000 giáo dân, 50 giáo xứ, 1 đại chủng viện, 20 đại chủng sinh, 2 tiểu chủng viện, 60 tiểu chủng sinh, 595 người lớn được rửa tội, 1.886 trẻ em được rửa tội. Sau khi giám mục Longer mất năm 1831, giám mục Pierre Borie Cao (giám mục hiệu tòa Acanthe) được bổ nhiệm giám mục năm 1838, tuy nhiên vì lí do sức khỏe, giám mục đã mất vào năm 1838 [66,tr.498].

Dưới thời vua Minh mạng, từ năm 1825 đến 1838, triều đình nhà Nguyễn đã ban hành bốn sắc dụ cấm đạo, nhằm mục đích loại bỏ đạo Công giáo ra khỏi đời sống xã hội Việt Nam và tránh sự nhòm ngó của phương Tây [76,tr.75]. Các chính sách cấm đạo của vua Minh Mạng đã gây ra những tổn thất nặng nề cho Giáo hội Công giáo Việt Nam: hàng trăm giáo dân, 20 linh mục bản xứ, 9 linh mục ngoại quốc và 4 giám mục đã chết vì chính sách cấm đạo [76,tr.76]. Mặc dù bị ngăn cấm gắt gao, đạo Công giáo vẫn phát triển khả quan, thống kê cho thấy đến năm 1840, ở Tây Bắc kỳ có 1 giám mục, 8 thừa sai, 76 linh mục bản xứ và hơn 180.000 giáo dân [76,tr.76-77].

Sau sự kiện thực dân Pháp bắn phá một số tàu, thuyền của triều đình nhà Nguyễn, tháng 3/1847, vua Thiệu Trị đã ra sắc chỉ cấm truyền đạo Công giáo, trong giai đoạn này, hoạt động truyền giáo rơi vào thời kỳ khó khăn.

Tháng 3/1846, Toà Thánh lại ban sắc chỉ chia đôi giáo phận thành giáo phận Tây Đàng Ngoài và giáo phận Nam Ðàng Ngoài (giáo phận Vinh) gồm: Bố Chính và Nghệ An, Hà Tĩnh. Do giáo phận Tây vẫn rộng lớn nên giám mục Retord đã chỉ định thừa sai Jeantet làm phó giám mục, phong chức cho 20 linh mục người Việt để tăng cường các hoạt động truyền giáo [76,tr.79].

Dưới thời Tự Ðức, giám mục C.H. Jeantet Khiêm (1847-1866) cai quản giáo phận Tây Đàng Ngoài. Trong giai đoạn này đạo Công giáo bị Vua Tự Ðức cấm gắt gao. Từ năm 1848 đến năm 1862 nhà Vua đã ban hành 6 sắc chỉ nhằm cấm hoạt động của đạo Công giáo, Giáo hội Công giáo Việt Nam bị thiệt hại nặng nề: ở Bắc và Trung kỳ có 8 giám mục và thừa sai, 115 linh mục bản địa bị giết, 50 tu viện bị phá hủy;

2.000 nữ tu bị tản mát, hơn 100 người bị giết chết; hơn 10.000 chức sắc trong các họ đạo bị bắt giam (bị chết hơn nửa); 2.000 xứ đạo bị phá huỷ; hơn 50.000 giáo dân bị giết chết [62,tr.498; 76,tr.81].

Sau hòa ước Nhâm Tuất 1862, điều ước 1874 đạo Công giáo mặc dù bị một số văn thân, sĩ tử gây ra một số khó khăn, tuy nhiên nhìn chung trong thời kỳ này đạo Công giáo đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn được nhà nước phong kiến Việt nam công nhận pháp nhân và truyền đạo tự do, số liệu cho thấy đến năm 1883, giáo phận Tây Đàng Ngoài có chừng 39 giáo xứ, 140.000 giáo dân [66,tr.498].

Sau sự kiện thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn đã phải ký hòa ước đầu hàng Pháp và cho các giáo sỹ được truyền đạo tự do tại Việt Nam.

Giai đoạn này, đạo Công giáo phát triển mạnh mẽ, đến năm 1895, Tòa Thánh phân chia giáo phận Tây thành hai giáo phận, một giữ tên cũ giáo phận Tây Đằng, giáo phận mới lấy tên gọi là giáo phận Ðoài (Hưng Hóa). Năm 1901, Tòa Thánh lại chia giáo phận Tây Ðàng Ngoài thành 2 giáo phận; giáo phận mới mang tên giáo phận Thanh (sau là Phát Diệm); tháng 12/1924, Tòa Thánh đổi tên các giáo phận tông tòa ở Việt Nam theo địa hạt hành chính, nơi đặt tòa giám mục, vì thế giáo phận Tây Ðàng Ngoài được đổi thành giáo phận Hà Nội[49,tr.53].

Giám mục P.M. Gendreau Ðông được Tòa Thánh bổ nhiệm cai quản giáo phận Hà Nội từ 1887-1934. Đến thời kỳ giám mục F. Chaize đạo Công giáo Hà Nội rất phát triển, giám mục đã tổ chức nhều hoạt động xã hội nhằm thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Thống kê cho thấy năm 1930, giáo phận Hà Nội có: 27 thừa sai, 143 linh mục, 88 giáo xứ, 400 thầy giảng, khoảng 400 nữ tu, trong đó có dòng Mến Thánh Giá, dòng Kín Carmel Hà Nội, dòng Sư Huynh La San với 700 học sinh, dòng Ða Minh Pháp, dòng Ðức Bà [49,tr.66-76].

Năm 1948, giáo phận có khoảng hai triệu dân, giáo dân khoảng 195.000 người, 30 thừa sai, 135 linh mục, 95 tu sĩ, 491 nữ tu; Ðại Chủng Viện Xuân Bích đóng cửa ngày 12/1946, được mở lại vào năm 1948 [66,tr.499].

3.2.1.3. Thời kỳ Hàng Giáo Phẩm Việt Nam

Tại Giáo phận Phát Diệm, Bùi Chu và Vĩnh Long đã có giám mục Việt Nam, nhưng giáo phận Hà Nội vẫn thuộc MEP. Năm 1950, Ðức cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được bổ nhiệm làm giám mục Hà Nội, trong thời kỳ đất nước trải qua nhiều biến cố lớn: sự kiện tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, cuộc di cư vào Nam năm 1954 [49,tr.89-95].

Ngày 24/11/1960, Tòa Thánh quyết định thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, nâng giáo phận tông tòa lên hàng chính tòa, giáo phận Hà Nội được nâng lên hàng Tổng giáo phận và đặt Ðức cha Giuse Trịnh Như Khuê làm Tổng giám mục [66,tr.499]. Tháng 6/1963, Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm phó tổng giám giám mục Hà Nội. Sau khi Ðức Hồng Y Khuê qua đời, ngài trở thành Tổng giám mục chính tòa. Tháng 6/1979, Ðức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Tổng giám mục Giuse Trịnh Văn Căn làm Hồng Y, linh mục F.X. Nguyễn Văn Sang làm giám mục phụ tá [49,tr.89-95; 62.tr.499].

Ngày 18/5/1990, giám mục Hồng Y Trịnh Văn Căn từ trần, giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ðức cha Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng làm Tổng giám mục Hà Nội và linh mục Tổng đại diện Phaolô Lê Ðắc Trọng làm giám mục phụ tá[66,tr.500].

Ngày 26/11/1994, Tòa Thánh phong Hồng Y cho Ðức tổng giám mục Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng tại Rôma, và trong Đại hội Công giáo Việt Nam lần VI ở Hà Nội, từ ngày 25/9 đến 1/10/1995 Hồng Y Phạm Đình Tụng được các giám mục bầu làm Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam [66,tr.500].

Tháng 4/2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Giám mục Ngô Quang Kiệt, làm Giám Quản Tông Tòa (Administrateur Apostolique Sede Plena) Tổng Giáo Phận Hà Nội[66,tr.500]. Ngày 19/2/2005, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ông Ngô Quang Kiệt làm Tổng giám mục chính tòa giáo phận Hà nội, thay thế Ðức hồng y Phạm Ðình Tụng, và chính thức chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Ðức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Ðình Tụng.

Sau khi giám mục Ngô Quang Kiệt có đơn xin nghỉ hưu dưỡng bệnh, ngày 22/4/2010, Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã bổ nhiệm Giám mục Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội cho đến tháng 11/2018.

Ngày 17/11/2018, Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Giám mục Vũ Văn Thiên làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội.

Hiện nay Tổng Giáo Phận Hà Nội gồm 5 giáo hạt: Chính Tòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Hà Nam và Nam Định phần lớn nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ một số huyện thuộc giáo phận Bắc Ninh) và và một phần trên địa bàn 4 tỉnh: Hà Tây cũ (trong 9 huyện, trừ một số huyện thuộc giáo phận Hưng Hóa); Hà Nam; Nam Ðịnh (nửa thành phố Nam Ðịnh, huyện Mỹ Lộc, huyện Vụ Bản, huyện Ý Yên thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội); Hòa Bình có 8 giáo xứ trong 4 huyện; Hải Hưng chỉ có một xứ thuộc huyện Kim Thi. Tính đến năm 2009, Tổng Giáo Phận Hà Nội theo thống kê có 337.000 giáo dân; 119 linh mục triều và 7 linh mục dòng, 341 tu sỹ và 1.200 giáo lý viên phục vụ tại 150 giáo xứ [9; 66,tr.501-507].

- Giáo hạt Chính tòa có 21 giáo xứ;

- Giáo hạt Thanh oai, Hòa Bình có 38 giáo xứ;

- Giáo hạt Phủ Lý có 27 giáo xứ;

- Giáo hạt Phú Xuyên có 15 giáo xứ;

- Giáo hạt Lý Nhân có 27 giáo xứ;

- Giáo hạt Nam Định có 22 giáo xứ.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước đối với hoạt động của đạo công giáo trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(224 trang)