Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung của quá trình đổi mới tư duy chính trị từ năm 1986 đến nay ở Việt Nam
1.2.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến đổi mới tư duy chính trị về mô hình kinh tế ở Việt Nam
Từ áp dụng cơ chế thị trường đến phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một bước tiến trong tư duy lý luận của Đảng ta. Việc lựa chọn mô hình kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế theo lý luận kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung cốt lõi về kinh tế trong nhận thức lý luận mới về chủ nghĩa xã hội, thể hiện những đổi mới khá rõ nét về đổi mới tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong nghiên cứu về những chuyển biến, những đổi mới trong tư duy của Đảng ta trong việc lựa chọn mô hình kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế, các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc qua các kỳ đại hội, các Báo cáo tổng kết 20 năm, 30 năm đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh, chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng... là những công trình mang tính định hướng rõ nhất thể hiện toàn diện và đầy đủ nhất những biến chuyển, những thay đổi về mặt tư duy của Đảng ta trong việc lựa chọn nền tảng kinh tế của đất nước để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến nhà nghiên cứu Đặng Phong một chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử kinh tế Việt Nam. Với bộ Lịch sử Kinh tế Việt Nam [99] từ 1945-2000 gồm 3 tập công phu, tác giả đã tái hiện lại toàn bộ nền kinh tế Việt Nam qua từng giai đoạn (từ 1945-1954, 1955 - 1975 và từ 1975 đến 2000). Bộ sách này mặc dù có cách tiếp cận của kinh tế học nhưng sự mô tả chặng đường đã đi qua trong lịch sử của kinh tế Việt Nam đã cho thấy bức tranh lịch sử một cách trung thực và sống động về giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm và gian nan.
Đặc biệt đáng chú ý đối với nghiên cứu của Đặng Phong là những đổi mới, đột phá, “phá rào” thể hiện của tư duy kinh tế (từ năm 1986 trở đi) đã được tác giả dành riêng để xuất bản trong nhiều công trình như “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới” [101], “Tư duy kinh tế Việt Nam - Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989” [100]. Những phân tích của tác giả ở những tác phẩm này là những tài liệu tham khảo thực sự có giá trị, cung cấp một cái nhìn khách quan, sâu sắc, toàn diện, cụ thể về công cuộc đổi mới ở nước ta, về những biến chuyển trong nhận thức của những người lãnh đạo đất nước, về những thay đổi trong tư duy kinh tế - nền tảng của quá trình đổi mới tư duy chính trị sau này. Các công trình của Đặng Phong đã phân tích khá chi tiết về những người thực, việc thực đánh dấu những bước chuyển trong mô hình quản lý kinh tế, những “hàng rào” của thể chế kinh tế
cần phải vượt qua, những đột phá trong kinh tế của các giai đoạn trước và sau đổi mới. Đây là những dẫn chứng sống động, là tài liệu tham khảo có giá trị thực tiễn cao cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án.
Xem xét về mối quan hệ giữa Xây dựng quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội ở Việt Nam [113], công trình của tác giả Lương Xuân Quỳ (2002) đã cung cấp những thông tin gợi mở và suy nghĩ về việc thực hiện công cuộc đổi mới ở những thời kỳ đầu tiên với những hạn chế yếu kém của bức tranh kinh tế - xã hội những năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó, tác giả đã phân tích thực trạng biến đổi quan hệ sản xuất trong 15 năm đổi mới với những tác động chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong 15 năm đó. Theo tác giả, quan hệ sản xuất còn có mặt chưa phù hợp, hạn chế việc giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất; chưa có chuyển biến đáng kể trong việc đổi mới và phát triển cơ cấu và thành phần kinh tế; vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước chưa được khẳng định thuyết phục trên thực tế; kinh tế tập thể phát triển chậm; các thành phần kinh tế khác chưa phát huy hết năng lực, chưa thực sự được bình đẳng và yên tâm đầu tư kinh doanh; cơ chế quản lý, chính sách phân phối có mặt chưa hợp lý, chưa thúc đẩy tiết kiệm, tăng năng suất, kích thích đầu tư phát triển; chênh lệch giàu nghèo tăng nhanh; kinh tế vĩ mô còn những yếu tố thiếu vững chắc. Để khắc phục tình trạng đó, tác giả đã phân tích hệ quan điểm, phương hướng chính sách và giải pháp xây dựng quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trên đất nước ta. Theo đó, tác giả đề xuất 4 quan điểm chỉ đạo quá trình xây dựng quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa như: phải xây dựng một Đảng và Nhà nước thực sự vững mạnh; phải lấy việc giải phóng sức sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất làm phương tiện; phải phát huy được ưu thế, khắc phục hạn chế của cơ chế thị trường, có tình đến xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế; phải đảm bảo tính độc lập, tự chủ quốc gia và có chính sách hợp lý để mọi người được hưởng thành quả chung của sự tiến bộ.
Các tác giả (2012) công trình Quan hệ giữa kinh tế và chính trị ở Việt Nam [91] cho rằng, quan hệ cơ bản, tồn tại khách quan trong mọi xã hội có phân chia giai cấp là quan hệ giữa kinh tế và chính trị, quan hệ giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng, quan hệ giữa cái khách quan và cái chủ quan, quan hệ giữa cái tất yếu và cái có thể. Trong đó, kinh tế là yếu tố cốt lõi của cơ sở hạ tầng, còn chính trị là yếu tố cốt lõi của kiến trúc thượng tầng. Mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng được thể hiện cô đọng nhất, tập trung nhất trong quan hệ giữa kinh tế với chính trị. Trong đó suy đến cùng, kinh tế quyết định chính trị; ngược lại, chính trị định hướng cho quá trình phát triển kinh tế và điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế. Nhận thức đúng và giải quyết thành công quan hệ giữa kinh tế và chính trị là vấn đề có ý nghĩa quyết định chiều hướng, nội dung, nhịp độ, hiệu quả và mức độ bền vững của sự phát triển. Xuất phát từ nhận thức và tư duy đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước vận dụng đúng đắn và giải quyết sáng tạo mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong quá trình đổi mới, nhờ đó cách mạng nước ta đã thu được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức thấu đáo về quan hệ giữa kinh tế và chính trị, chưa làm rõ về mặt lý luận quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Ở nước ta hiện nay, kinh tế đổi mới nhanh hơn chính trị, các yếu tố của kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới trong khi đổi mới chính trị còn nhiều bất cập, đặc biệt là hệ thống pháp luật, những cải cách chính trị chưa theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế thị trường. Những nhận định này của các tác giả là những lưu ý hết sức cần thiết cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án.
Một công trình đáng chú ý khác là Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra [129] do Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Viết Thông đồng chủ biên (2014). Bộ sách gồm 2 tập, được hình thành trên cơ sở các báo cáo tham luận
tại Hội thảo “Định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra”, do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức vào tháng 6/2013.
Nội dung tập 1 tập trung vào các vấn đề: Những quan niệm mới về định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Trong đó, các tác giả nêu rõ những quan điểm mới có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển nhanh và bền vững hơn; phân tích những kinh nghiệm của quốc tế đối với việc giải quyết mối quan hệ giữa các vấn đề kinh tế và các vấn đề xã hội, việc sử dụng kinh tế thị trường để tạo lập những điều kiện, tiền đề cần thiết cho xã hội tương lai; đưa ra những nội dung có giá trị tham khảo cho Việt Nam về cơ chế, chính sách mới trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.
Nội dung tập 2 phân tích thực trạng phát triển kinh tế thị trường và thực hiện định hướng XHCN trong gần 30 năm đổi mới vừa qua ở Việt Nam trên các góc độ lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, thực lực của nền kinh tế, hệ thống doanh nghiệp; vai trò thực tế của kinh tế thị trường trong việc thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; kết quả hội nhập quốc tế; kết quả giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội...
Điều đáng chú ý là, các nhà khoa học đã bước đầu đề xuất những quan niệm, quan điểm và các cơ chế chính sách mới, bảo đảm để nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chuyển sang phát triển theo chiều sâu, với chất lượng tổng thể thực sự cao hơn trong những năm tiếp theo.
Trải qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
ngày càng rõ hơn; tư duy về kinh tế thị trường có sự phát triển mới. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, công nghiệp, dịch vụ còn yếu kém, Việt Nam đã từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với cơ cấu ngày càng hợp lý.
Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, một thị trường lớn, đầy tiềm năng. Tuy nhiên, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam là một sự nghiệp khó khăn phức tạp.
Đánh giá và phân tích cụ thể về nền kinh tế thị trường Việt Nam, công trình “Báo cáo phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam 2014” [84] của các tác giả Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh (2015) đã chỉ rõ về mức độ phát triển nền kinh tế Việt Nam từ tổng thể nền kinh tế cho đến những lĩnh vực và thị trường chủ chốt (như hệ thống luật pháp, quản trị nhà nước, hệ thống tài chính - tiền tệ, hệ thống doanh nghiệp, thương mại quốc tế và các thị trường yếu tố sản xuất, bao gồm thị trường đất đai, thị trường vốn và thị trường lao động). Các tác giả cho rằng, tuy Việt Nam đã đi một bước dài trong việc chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang mô hình nền kinh tế thị trường, nhưng mức độ phát triển nền kinh tế thị trường của Việt Nam cho đến nay vẫn còn ở mức trung bình thấp trên thế giới. Theo các tác giả, một trong những nguyên nhân chính là ở chỗ, Nhà nước Việt Nam vẫn là một nhà nước điều hành dựa nhiều vào mệnh lệnh hành chính chứ chưa chuyển hẳn sang mô hình nhà nước kiến tạo phát triển như các nước Đông Á.
Ở nhà nước điều hành này bộ máy hành chính của Nhà nước còn lớn và cồng kềnh; hệ thống pháp quyền còn yếu; Nhà nước còn can thiệp mạnh vào hệ thống tài chính, thị trường vốn, thị trường đất đai; môi trường kinh doanh kém cạnh tranh; vẫn còn nhiều rào cản cho doanh nghiệp tham gia thị trường; chi
phí thành lập doanh nghiệp và làm các thủ tục xuất nhập khẩu còn lớn và tốn nhiều thời gian [84,tr.540]. Những nhận định của các tác giả này rất đáng lưu ý cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án, bởi chúng tôi khi triển khai nội dung của đổi mới tư duy chính trị về việc xác định mô hình, cơ chế, quản lý kinh tế cũng phải nhấn mạnh và nhìn nhận được những điểm mạnh và hạn chế liên quan đến phương diện chỉ đạo, định hướng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam từ 1986 đến nay của Nhà nước và Đảng ta.
Thời gian gần đây, công trình (2016)Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam [5] của Ban kinh tế Trung ương đã góp phần hệ thống hóa, củng cố và khẳng định những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, đồng thời nhận diện đủ sâu sắc và rõ nét hơn những vấn đề, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cả về lý luận và tổ chức, chỉ đạo thực tiễn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và hiện thực hóa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, các tác giả đưa ra 8 chủ trương và giải pháp. Đó là: 1) tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2) tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; 3) một số giải pháp phát triển hệ thống thị trường đồng bộ, hiện đại; 4) hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chương trình, dự án, trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường; 5) hoàn thiện thể chế vùng kinh tế trọng điểm, liên kết vùng, quy hoạch và phân công, phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương; 6) xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng; 7) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước hoàn thiện nhà nước pháp quyền; 8) Tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo vai trò làm chủ của nhân dân, sự
tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng thời điểm này, một công trình khác đáng chú ý là Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam [4] của Ban kinh tế Trung ương (2016) đã nghiên cứu, tổng kết một cách toàn diện và khoa học những thành tựu, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam, tiếp thu những giá trị chung, phổ quát của nhân loại, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia có điều kiện tương đồng với nước ta. Đây là công trình phục vụ đại hội Đảng bộ các cấp và xây dựng Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Các số liệu trong cuốn sách dựa trên báo cáo của các Bộ, ngành những năm 2013-2014, có cập nhật một số số liệu mới. Nội dung cuốn sách phản ánh một cách tương đối toàn diện, có hệ thống quá trình nhận thức của Đảng, những thành tựu cũng như những hạn chế và những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua đó đề xuất kiến nghị về quan điểm, phương hướng, giải pháp có tính khả thi về vấn đề quan trọng này
Cuốn sách góp phần thể hiện bức tranh tổng quát về quá trình phát triển tư duy lý luận và tổ chức, kinh nghiệm thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tuyên truyền, khẳng định sự đúng đắn và thành quả, cũng như sự cần thiết tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện những chủ trương, định hướng, giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cuốn sách có những đánh giá thẳng thắn về thực trạng của việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có những phân tích về thành tựu và hạn chế của việc thể chế hóa (Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật) nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển lực lượng sản xuất, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong quản lý và phát triển kinh tế… Trong đó, bên cạnh các thành tựu đã đạt được,