Chương 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỔI MỚI TƯ DUY CHÍNH TRỊ
3.2. Quá trình đổi mới tư duy chính trị về mô hình kinh tế ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay
3.2.2. Một số nội dung chủ yếu trong tư duy của Đảng về mô hình kinh tế từ năm 1986 đến nay
Bước ngoặt trong đổi mới tư duy chính trị của Đảng về mô hình kinh tế là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tựu nổi bật nhất trong bước khởi đầu đổi mới tư duy kinh tế là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Quan điểm về mô hình nền kinh tế trong thời kỳ quá độ đã thay đổi căn bản và đến nay đã được xác lập, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ có hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể mà tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế khác nhau.
* Tư duy của Đảng về quan hệ sở hữu và các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước Đại hội VI của Đảng, chế độ sở hữu tư nhân với các hình thức sở hữu đan xen, hỗn hợp và nền kinh tế đa thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh khác nhau không được thừa nhận ở nước ta. Duy nhất một chế độ sở hữu xã hội với hai hình thức chính là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Các hình thức sở hữu toàn dân, tập thể và các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, còn các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế khác như kinh tế cá thể, tiểu chủ,… là đối tượng cải tạo, phải thu hẹp dần và tiến tới bị thủ tiêu, xóa bỏ.
Đến Đại hội VI, quan điểm nói trên đã được thay đổi một cách căn bản, khi Đảng xác định quá trình từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn ở nước ta là quá trình chuyển hóa từ nền kinh tế còn nhiều tính chất tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hóa. Có thể nói, đây là điểm đột phá trong tư duy chính trị của Đảng về mô hình phát triển. Bởi trước đó, trong các Văn kiện chỉ mới nói tới việc sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, thì nay đã khẳng định là chuyển nền kinh tế tự cung, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX và X, Đảng đã hoàn thiện quan niệm về chế độ sở hữu và các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cụ thể:
- Trên cơ sở chế độ sở hữu xã hội và tư nhân, hình thành nhiều hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu hỗn hợp và sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Tư duy chính trị của Đảng về quan hệ sản xuất nói chung, quan hệ sở hữu và các thành phần kinh tế nói riêng đã có những bước tiến mới quan trọng. Với việc từ bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa và các yếu tố của quan hệ sản xuất,
nhất là quan hệ sở hữu đã có sự thay đổi cơ bản. Đảng chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất mới phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phải giải phóng mạnh mẽ và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Các Văn kiện của Đảng ta đều nhấn mạnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta không phải chỉ tồn tại một - hai hình thức sở hữu đơn điệu - sở hữu toàn dân, công hữu, mà còn tồn tại nhiều loại hình sở hữu khác nhau, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức kinh doanh. Bên cạnh công hữu còn có tư hữu của nhà đầu tư trong nước, có tư hữu của nhà đầu tư nước ngoài, có tư hữu tiểu chủ và có tư hữu tư bản tư nhân. Trên cơ sở các chế độ và loại hình sở hữu khác nhau, có các mô hình tổ chức kinh doanh rất khác nhau.
Đảng chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức tổ chức kinh doanh. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp mà chủ yếu là các doanh nghiệp cổ phần để loại hình kinh tế này trở thành phổ biến trong nền kinh tế, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất kinh doanh và sở hữu. Phân định quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Phân định rõ quyền sở hữu của Nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp.
Đại hội XII tiếp tục nhất quán tư duy về nhiều hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Đại hội xác đinh việc cần thiết phải “Thể chế hóa quyền tài sản (bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt và hưởng lợi từ sử dụng tài sản) của Nhà nước, tổ chức và cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bảo đảm công khai, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công để quyền tài sản được giao dịch thông suốt.
Bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế” [47, tr.104-105].
Trên cơ sở đổi mới quan niệm về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tại các Đại hội thời kỳ đổi mới Đảng đều chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đại hội VI của Đảng xác định có 5 thành phần kinh tế. Đó là: kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, tập thể, gia đình); kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ; kinh tế tự cấp, tự túc; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tư bản tư nhân. Đại hội VII xác định có 5 thành phần kinh tế là: kinh tế quốc doanh;
kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước. Đại hội IX xác định có 6 thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước;
kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đại hội X của Đảng xác định có 5 thành phần kinh tế. Đó là: kinh tế nhà nước;
kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân); kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Đại hội XI của Đảng xác định có 4 thành phần kinh tế. Đó là: Kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Về vấn đề thành phần kinh tế, Đại hội XII khẳng định:“nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế;
các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật” [47, tr.25].
* Tư duy chính trị của Đảng về mô hình nền kinh tế thị trường gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình phát triển, tư duy về mô hình kinh tế của Đảng cầm quyền luôn có ý nghĩa then chốt, quyết định con đường phát triển của quốc gia, dân tộc, quyết định sự thịnh suy của đất nước trong giai đoạn lịch sử nhất định.
Sau khi thống nhất đất nước, do chủ quan duy ý chí nên Đảng ta nóng vội, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn; áp đặt mô hình kinh tế đó vào thực tiễn trong suốt thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên phạm vi cả nước từ năm 1975 đến 1985. Việc xác định mô hình kinh tế mới chỉ thực sự bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng. Tuy nhiên, để đi đến khẳng định một mô hình kinh tế mới, Đảng ta cũng đã phải trải qua một quá trình nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm và tổng kết thành lý luận.
Đến Đại hội VII, khái niệm kinh tế thị trường và cơ chế thị trường đã được đặt ra, nhưng chưa được khẳng định công khai. Lúc này, Đảng mới chỉ xác định là phát triển kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội VII, khái niệm cơ chế thị trường chính thức được xác định: “bước đầu hình thành nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” [44, tr.55]. Đến Đại hội VIII mô hình trên được khẳng định rõ hơn. Theo đó sản xuất hàng hóa không bị coi là đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội được xây dựng. Đến Đại hội IX của Đảng, khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chính thức được nêu trong Văn kiện Đại hội, trong đó Đảng xác định rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tại Đại hội X, XI, XII Đảng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về mô hình kinh tế mới, nội hàm, cơ chế vận hành và cấu trúc của nó. Đại hội XII đã đi đến thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như sau: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” [12, tr.102].
* Tư duy chính trị của Đảng về phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước đổi mới, tư duy về phân phối trong chủ nghĩa xã hội có phần giản đơn, cho rằng phân phối càng đồng đều càng tốt, và đã đồng nhất công bằng xã hội với sự phân phối bình quân cào bằng, lẫn lộn giữa thu nhập theo lao động và phân phối lại qua kênh phúc lợi xã hội, thành kiến với người có thu nhập cao (bất kể nguồn thu nhập đó do lao động hay không do lao động).
Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, việc phân phối bình quân đã được thừa nhận là một sai lầm rất nghiêm trọng. Qua các kỳ Đại hội (VI, VII, VIII, IX, X, XI và XII), tư duy của Đảng về phân phối đã được đổi mới và hoàn thiện dần.
Tại Đại hội VI, Đảng khẳng định phải thực hiện công bằng xã hội, thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động. Cụ thể, phân phối phải bảo đảm cho người lao động có thu nhập thỏa đáng phụ thuộc trực tiếp vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, có tác dụng khuyến khích nhiệt tình lao động. Việc thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tính chất bình quân, xoá bỏ từng bước phần cung cấp còn lại trong chế độ tiền lương, áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, Đại hội đã không tuyệt đối hoá nguyên tắc phân phối theo lao động, Văn kiện Đại hội VI ghi rõ: ''Giải quyết một phần quan trọng việc làm cho người lao động và bảo đảm về cơ bản phân phối theo lao động. Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta'' [29, tr.45].
Đến Đại hội VII, Đảng đã mở rộng nội dung của nguyên tắc phân phối theo hướng thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả
lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu; khuyến khích tăng thu nhập và làm giàu dựa vào kết quả lao động; nâng cao phúc lợi xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế; có chính sách bảo trợ và điều tiết hợp lý thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành và các vùng. Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994), Đảng đã đưa ra quan điểm: “Phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh” [34, tr.47].
Đây là lần đầu tiên, ngoài phân phối theo lao động là chính, việc phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh được chính thức thừa nhận và được coi là một sự phân phối hợp pháp, hợp lý trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tại Đại hội VIII, Đảng đã khẳng định: “Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất - kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội, đi đôi với chính sách điều tiết hợp lý, bảo hộ quyền lợi của người lao động” [36, tr.92]. Ở đây, việc phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh không được nhắc tới.
Đại hội IX phục hồi trở lại cụm từ ''phân phối theo nguồn vốn đóng góp”, Văn kiện Đại hội IX viết: ''Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội” [38, tr.88]. Đại hội X, Đại hội XI và Đại hội XII tiếp tục khẳng định phân phối theo mức đóng góp vốn. Văn kiện Đại hội X viết: ''thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội'' [43, tr.26]. Văn kiện Đại hội XI viết:
''Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các
nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội'' [45, tr.74]. Văn kiện Đại hội XI bổ sung thêm phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội bên cạnh phân phối thông qua phúc lợi xã hội. Như vậy, Văn kiện Đại hội XI diễn đạt nguyên tắc phân phối rõ hơn và đầy đủ hơn so với văn kiện trước đó của Đảng. Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta xác định: “thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội” [47, tr 25-26].
Nhìn chung, tư duy chính trị của Đảng mang tính định hướng về phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các kỳ Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là những Đại hội Đảng gần đây, được thể hiện trên một số nội dung sau:
Một là, nguyên tắc phân phối mà Đảng ta chủ trương thực hiện trong thời kỳ trước đổi mới là nguyên tắc phân phối theo lao động (mặc dù trên thực tế chúng ta không thực hiện đúng nguyên tắc phân phối này, thay vào đó chúng ta đã thực hiện sự phân phối bình quân). Nguyên tắc phân phối theo lao động chỉ căn cứ vào sự cống hiến sức lao động. Nếu thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động thì giá trị của tổng sản phẩm xã hội sẽ được chia thành hai phần: phần thứ nhất được dành để tái sản xuất và để giải quyết các vấn đề xã hội chung, để đóng góp vào quỹ phúc lợi xã hội (từ đó phân phối