Chương 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỔI MỚI TƯ DUY CHÍNH TRỊ
2.2. Những nhân tố tác động đến đổi mới tư duy chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam
2.2.2. Những nhân tố bên ngoài
Cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào tình trạng trì trệ, kém hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế đó đặt ra yêu cầu khách quan phải cải cách, cải tổ toàn diện đời sống xã hội. Trung Quốc đã tiến hành cải cách mở cửa từ Hội nghị Trung ương ba khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc (12/1978). Đầu những năm 1980, sau nhiều bước đi cụ thể, Liên Xô đã đi vào công cuộc cải tổ từ Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (4/1985). Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cũng có những khởi động tương tự. Với những điều kiện và lý do khác nhau mà công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc đã thắng lợi to lớn cho đến ngày hôm nay, còn công cuộc cải tổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã không thành công dẫn đến việc chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước đó lần lượt sụp đổ vào năm 1989, 1990 và 1991. Sự thành công hay thất bại này của các quốc gia với những biến chuyển, thay đổi đáng kể trong tình hình, cục diện thế giới cũng là những nhân tố có tác động không nhỏ tới nhận thức và ra quyết sách đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuộc khủng khoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực
Năm 1987, người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô là Mikhail Sergeyevich Gorbachyov đã từ cải tổ kinh tế chuyển trọng tâm sang cải tổ chính trị. Với “tư duy chính trị mới”, ông đã từng bước chuyển sang thực hành chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng đối lập, thực hiện dân chủ hóa, công khai hóa. Từ lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười (7/11/1987), chính quyền đã bật đèn xanh cho các hành động phủ nhận lịch sử, phê phán Stalin. Năm 1988, ông đẩy mạnh cải tổ Ủy ban Trung ương Đảng, việc này được làm mạnh vào năm 1989 đã từng bước gạt bỏ những người cộng sản kiên trung. Năm 1989, ở Liên Xô đã có hội thảo khoa học đòi
bỏ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội.
Tình hình ở các nước Đông Âu rất khó khăn, phức tạp và đều chuyển sang thực hiện đa nguyên, đa đảng. Kết quả là các Đảng Cộng sản cầm quyền đã mất quyền lãnh đạo, chế độ và Nhà nước xã hội chủ nghĩa tan rã vào năm 1989 và 1990. Ở Liên Xô, năm 1990, Gorbachyov trở thành Tổng thống và từ bỏ Nhà nước kiểu Xô Viết, chuyển sang chế độ Nhà nước Cộng hòa Đại nghị.
Ngày 12/6/1990, nước Nga tách ra khỏi Liên Xô tuyên bố độc lập. Cuộc chính biến ngày 19/8/1991 đã mở đầu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ xã hội chủ nghĩa và Liên bang Xô Viết.
Sự thất bại của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô mặc dù chỉ là thất bại của một loại mô hình và quan niệm về chủ nghĩa xã hội, song đó vẫn là một tổn thất nặng nề của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Sự kiện này đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh thống thiết, đã đặt ra cho những Đảng Cộng sản đang cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại (Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba…) nhiệm vụ kép: một mặt phải giữ vững mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa, chứng minh sức sống và tính thuyết phục của chủ nghĩa xã hội hiện thực; mặt khác, phải tìm kiếm, lựa chọn con đường và mô hình phát triển có hiệu quả vừa trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn và hoàn cảnh của mỗi nước.
Kinh nghiệm cải cách thành công của Trung Quốc
Là nước láng giềng, có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội… với Trung Quốc, song so với Trung Quốc, Việt Nam đổi mới, mở cửa chậm hơn 8 năm. Ở giai đoạn trước cải cách mở cửa, Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp nhiều cản trở trong lý luận tư tưởng dẫn tới những nhận thức sai lầm, phiến diện, đơn giản về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản làm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng CNXH và bỏ lỡ một thời gian dài để
hiện đại hóa đất nước. Phải tới Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (12/1978), khi Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định chuyển trọng tâm công tác của Đảng từ “lấy đấu tranh giai cấp là chính” sang “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” mở ra cục diện mới tiến hành cải cách mở cửa xây dựng và hiện đại hóa ở Trung Quốc, Trung Quốc mới thực sự có những đột phá mạnh mẽ trong tư duy phát triển.
Nếu như giai đoạn trước cải cách, sau khi cách mạng dân chủ thành công, trong quá trình xây dựng CNXH, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng Sản Trung Quốc do cách biệt với thế giới bên ngoài nên đã phạm phải những sai lầm về đường lối kinh tế và đường lối chính trị. Những tư duy sai lầm trong cải cách ruộng đất năm 1952, trong thực hiện triệt để mô hình kinh tế kế hoạch của Liên Xô, trong thực hiện “3 ngọn cờ hồng” và “Đại cách mạng văn hóa” đã coi thường các quy luật khách quan khiến cho Trung Quốc trong gần 30 năm dưới thời Mao Trạch Đông phải chịu những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Kinh tế bị giảm sút, chính trị và xã hội bị xáo trộn.
Sau khi Mao Trạch Đông mất, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã tìm mọi cách để thoát khỏi cảnh ngộ đó. Nhu cầu có một cuộc cải cách làm thay đổi và chuyển biến căn bản tình hình, đưa Trung Quốc vào quỹ đạo phát triển của thế giới trở nên cấp thiết.
Năm 1978 đã đánh dấu bước ngoặt trên con đường phát triển của Trung Quốc khi các nhà cải cách do Chủ tịch Đặng Tiểu Bình đứng đầu quyết định mở cửa Trung Quốc ra thế giới bên ngoài và đi theo một mô hình phát triển mới. Vượt qua tất cả khó khăn, Đảng và nhân dân Trung Quốc đã liên tục sửa chữa những sai lầm, từng bước “dò đá qua sông” để đạt được sự phát triển liên tục. Trung Quốc đã không chỉ tồn tại mà còn tiến rất nhanh về phía trước và trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới.
Từ cải cách mở cửa đến nay, trải qua quá trình nhận thức đầy gian nan, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng bước có những đột phá cơ bản trong tư
duy phát triển trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại và văn hóa.
Những đột phá này đã giải quyết nhiều vấn đề thuộc tầng sâu trong cải cách trên sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Cuộc cải cách ở Trung Quốc đã thu được nhiều thành quả [11, tr.309].
Từ bề rộng, cuộc cải cách đã từ đột phá đơn lẻ trước đây phát triển tới đẩy mạnh tổng thể.
Từ chiều sâu, cuộc cải cách đã chuyển từ thể chế cũ, phát triển và xây dựng nên thể chế mới.
Từ phương thức hoạt động, cuộc cải cách đã từ các chính sách cũ được đẩy mạnh phát triển thành quy chế luật pháp.
Từ tư tưởng chỉ đạo, cuộc cải cách đã từ “dò đá qua sông” trước đây phát triển tới “ngồi thuyền qua sông” hoặc “đi cầu qua sông”
Từ trình độ nhận thức lý luận, cuộc cải cách đã đang không ngừng từ
“vương quốc tất yếu” của cải cách tiến mạnh sang „vương quốc tự do” của cải cách.
Những chuyển biến này đã giúp Trung Quốc không chỉ phát triển mà ngày càng khẳng định vị thế lớn mạnh của mình ở mọi phương diện trên trường quốc tế. Những đột phá trong tư duy phát triển mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện trên đây là kinh nghiệm hết sức hữu ích cho Việt Nam trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới của mình.
Sự tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hóa.
Bối cảnh thế giới trong xu thế toàn cầu hóa đã và đang đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu khách quan buộc các nước phải đổi mới tư duy. Bởi toàn cầu hóa có tác động nhân quả tới sự vận động của phương thức sản xuất, là một quá trình xã hội hóa ngày càng rộng, ngày càng sâu sắc đối với sự phát triển của LLSX và QHSX cùng với sự tác động biện chứng giữa hai mặt đó ở phạm vi toàn cầu. Thế giới hội nhập toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu hóa đòi hỏi các quốc gia dân tộc phải mở cửa hội nhập để phát triển. Xu thế toàn cầu
hóa kinh tế đã tạo ra những điều kiện để các nước tận dụng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống cho nhân dân. Ngoài ra tác động của toàn cầu hóa kinh tế gắn với quá trình tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa cũng là một xu thế khách quan và phổ biến: từ nửa sau thế kỷ XX, nhất là từ vài thập kỷ nay, mối quan tâm và bàn luận về toàn cầu hóa ngày càng trở nên sâu rộng và phổ biến. Toàn cầu hóa là một quá trình nhiều mặt, một xu thế lớn trong đời sống thế giới đương đại, tác động hàng ngày, hàng giờ tới mọi mặt sinh hoạt, mọi hoạt động và các mối quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc, đến toàn bộ cuộc sống của từng người trên toàn thế giới.
Cuộc đấu tranh trong thế giới toàn cầu hóa rất phức tạp, gay gắt và quyết liệt, chứa đựng trong đó tổ hợp các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hóa, các lợi ích giữa các quốc gia, dân tộc, giai cấp và nhân loại, giữa chủ quyền an ninh của nhà nước - dân tộc với khu vực và thế giới, sự đụng độ giữa các nền văn minh, sự va chạm giữa các hệ giá trị truyền thống với hiện đại, giữa các thể chế pháp lý - chính trị hiện tồn của từng nước, từng khu vực với những chuẩn mực mà khi mở cửa và hội nhập cũng tác động lớn tới từng quốc gia trong đó có Việt Nam.
Toàn cầu hóa như một quá trình vận động lớn bao hàm trong đó những diễn biến mạnh mẽ của quá trình quốc tế hóa và khu vực hóa, từ sản xuất và kinh tế đã thâm nhập vào các lĩnh vực đời sống văn hóa, chính trị, xã hội. Mở của hội nhập với thế giới toàn cầu, việc chuẩn bị tiềm lực, việc thường xuyên chăm lo bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc là vấn đề cần giải quyết ở tầm chiến lược chính trị thông qua các quyết sách, chính sách trên nhiều lĩnh vực.
Mà điều này cũng đòi hỏi phải có tư duy mới, tức là phải đổi mới tư duy.
Chính yêu cầu này trong bối cảnh toàn cầu hóa và các vấn đề toàn cầu nói chung đã có tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Nó không chỉ tác động ở thời kỳ mở đầu đổi mới mà còn tác động lâu dài trong suốt tiến trình đổi mới ở Việt Nam.
Nửa sau thế kỷ XX, nhất là những năm 70 trở đi, thế giới bước vào thời kỳ cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, ngày càng có nhiều hơn các nghiên cứu, phát minh mới tạo ra sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Khoa học đang ngày càng trở thành LLSX trực tiếp với sự liên tiếp lan tỏa các làn sóng đổi mới công nghệ... đã cho thấy, đây thực sự là giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt trong lịch sử khoa học - công nghệ. Những tiến bộ trong sự phát triển khoa học - công nghệ không chỉ minh chứng cho những bước tiến dài của tư duy và tư tưởng, sức mạnh của trí tuệ và năng lực sáng tạo vô tận của loài người trong nhận thức và cải biến thế giới khách quan, mà còn trở thành động lực quyết định đối với sự phát triển sản xuất, tăng trưởng và phát triển nền kinh tế, đem lại nguồn của cải vật chất to lớn cho xã hội và làm phong phú sâu sắc hơn nhiều giá trị tinh thần của con người - cá nhân và cộng đồng dân tộc.
Cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực khoa học - công nghệ không chỉ đem lại sự đổi mới và nâng cao nhận thức về nhiều vấn đề, về nhiều lĩnh vực mà tác động sâu sắc đến tư duy chính trị. Nó thực sự trở thành một nhân tố mới, một động lực mới tác động đến sự phát triển của tất cả các lĩnh vực trong đó có nhận thức, tư duy của chúng ta. Đây thực sự là một trong những xu thế lớn của thế giới đương đại. Sự lạc hậu về công nghệ là nguyên nhân trực tiếp nhất của sự lạc hậu về kinh tế, đẩy các chủ thể sản xuất - kinh doanh vào tình trạng thua thiệt, phá sản trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Chính những thành tựu to lớn của cách mạng khoa học và công nghệ dẫn tới sự ra đời một nền kinh tế mới: nền kinh tế tri thức. Nền kinh tế này đã tác động làm thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới, nó không những tạo ra bước phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất mà còn tác động đến quan hệ sản xuất, đến tư duy. Trong điều kiện kinh tế tri thức được triển khai nhanh chóng ở các nước phát triển, thì các nước đang phát triển lại sở hữu một nguồn nhân
lực dồi dào. Đây sẽ là thế mạnh cho phát triển kinh tế, nếu biết huy động hết các khả năng sáng tạo của con người, nếu không thì chính nguồn lực to lớn không công ăn việc làm này sẽ là gánh nặng cho các nước với biết bao hậu quả xã hội tiêu cực. Như vậy, sự tác động to lớn tới đời sống xã hội của khoa học - công nghệ, của sự bùng nổ thông tin và sự hình thành xã hội thông tin, của nền văn minh tin học và kinh tế tri thức đã buộc các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) phải lựa chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, bắt kịp đi tắt, đón đầu bước tiến của thời đại. Trước một thế giới đổi thay và phát triển nhanh, làm thế nào để chúng ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ, bắt trúng nhịp sống chung của thế giới hiện đại để bước vào sự phát triển năng động, thích ứng với những đòi hỏi mới của thời đại? Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những đổi mới căn bản về tư duy chính trị để xác định rõ chiến lược phát triển đất nước. Đổi mới - trước hết là đổi mới tư duy chính trị đã trở thành một nhu cầu bức thiết, mang tính sống còn và ngày càng trở nên chín muồi, đòi hỏi phải được hiện thực hóa không chậm trễ.
Tất cả những nhân tố trực tiếp và gián tiếp trên đây đã chỉ ra rằng, đổi mới là một nhu cầu tất yếu để phát triển. Yêu cầu đó không phải là ý muốn chủ quan của một chủ thể cụ thể nào mà là đòi hỏi khách quan do thực tiễn quy định. Ở nước ta, muốn đổi mới toàn diện đất nước, trước hết phải đổi mới tư duy chính trị. Nếu không có tư duy chính trị mới thì không thể hiểu rõ sâu rộng các quan hệ kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, xã hội hiện đại.
Chính tư duy chính trị mới sẽ đảm bảo cho dân tộc ta đổi mới toàn diện và đúng hướng.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, Đảng ta cũng đã nhiều lần bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cho phù hợp với tình hình trong mỗi giai đoạn cách mạng. Thực chất đây chính là sự cụ thể hóa, là những đổi mới, những chuyển hướng trong chỉ đạo chiến lược do tình hình thay đổi, hoặc do dự báo được chiều hướng phát triển của Đảng ta. Những chuyển hướng chỉ
đạo chiến lược này thể hiện năng lực, trình độ tư duy, bản lĩnh, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Đại hội VI đã đánh dấu sự đổi mới quan trọng trong tư duy chính trị của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sự đổi mới này do những đòi hỏi của chính bản thân cuộc sống, của thực tiễn, là sự gặp nhau giữa những nguyện vọng và hoạt động sáng tạo từ cơ sở với sự tổng kết nâng lên thành chủ trương, đường lối của Đảng. Đây thực sự là cuộc giải phóng sức sản xuất, giải phóng con người, giải phóng tư tưởng, tự do sáng tạo. Ý nghĩa cách mạng mở đường của đổi mới tư duy chính trị của Đảng ta chính là đây. Giá trị mở đường và ý nghĩa sâu xa của đổi mới tư duy chính trị, nhất là tư duy chính trị về kinh tế, không chỉ cho phép chúng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn vấn đề cần phát triển sản xuất hàng hóa, thừa nhận tính đa dạng của các hình thức sở hữu, tính bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế, từng bước xác định rõ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, v.v. mà còn cho phép chúng ta quan niệm ngày càng rõ nét hơn, nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về mô hình chủ nghĩa xã hội, về quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tiểu kết chương 2
Để có căn cứ cho việc xem xét quá trình đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay, trong chương này, chúng tôi đã tập trung làm rõ các khái niệm công cụ như tư duy chính trị, đổi mới tư duy chính trị và phân tích các nhân tố tác động đến đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay.
Riêng về các khái niệm tư duy hay khái niệm chính trị cũng là những khái niệm khá rộng và được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Trong luận án này, chúng tôi xem xét tư duy chính trị được hiểu theo nghĩa rộng là tư duy chỉ đạo, định hướng mang tính chất chính trị của Đảng ta đối với mục tiêu