Chương 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỔI MỚI TƯ DUY CHÍNH TRỊ
3.1. Quá trình đổi mới tư duy chính trị về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
3.1.1. Tư duy chính trị về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trước năm 1986
Trong các Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975 đã thể hiện tư duy chính trị trong nhận thức bước đầu về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là những nhận thức khái quát nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam về xã hội xã hội chủ nghĩa theo tinh thần, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội và về chính sách đối ngoại.
Trên phương diện kinh tế, Đảng ta chủ trương: xây dựng một nền kinh tế quốc dân “có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến” làm cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong giai đoạn này, Đảng đã đưa ra quan điểm thừa nhận có sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là thừa nhận và bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất thực tế của nông dân. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đã góp phần xác lập và khẳng định vị trí chủ thể của kinh tế hộ nông dân; tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp - hoạt động kinh tế chủ yếu có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, quan điểm về sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đã không được thực hiện nhất quán và lâu dài.
Trên phương diện chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được Đảng vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp cách mạng chưa có tiền lệ: cả nước cùng một lúc tiến hành thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Đường lối chính trị đúng đắn này đã thể hiện phương châm chiến lược sáng tạo của Đảng về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Mối quan hệ hữu cơ giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội đã được thể hiện sinh động trong việc xác định nhiệm vụ cách mạng cụ thể ở miền Bắc và miền Nam trên cơ sở mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng của cả nước.
Trên phương diện văn hóa, quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới ở miền Bắc, cũng như những vùng giải phóng ở miền Nam - đã chứng tỏ sự vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về văn hóa vô sản - văn hóa xã hội chủ nghĩa để xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam.
Trên phương diện xã hội, Đảng ta đã cố gắng vận dụng công bằng, bình đẳng xã hội trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhất quán với chủ trương lấy phân phối theo lao động là hình thức phân phối chủ yếu, chú ý quan tâm những gia đình chính sách. Về con người, Đảng ta đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về con người xã hội chủ nghĩa, coi đó là tiền đề, điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Về chính sách đối ngoại, Đảng chủ trương nhất quán quan điểm luôn tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Việt Nam luôn trung thành với tinh thần quốc tế vô sản, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc.
Có thể khẳng định rằng ở giai đoạn này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhận thức đúng ở mức độ khái quát nhất về các nội dung mang tính bản chất của chủ nghĩa xã hội trên các lĩnh vực. Trên cơ sở tư duy của Đảng về
các đặc trưng chủ nghĩa xã hội nêu trên, là cơ sở xác định đặc điểm, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải đánh giá khách quan thì thời kỳ này tư duy của Đảng về nhận thức mô hình chủ nghĩa xã hội còn rất nhiều hạn chế, bất cập, đòi hòi cần phải tiếp tục được làm sáng rõ các giai đoạn sau.
Sau Đại thắng của mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong hai nhiệm kỳ Đại hội IV (1976) và Đại hội V (1982). Đảng đã có bước chuyển nhất định trong tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội. Đại hội IV nêu rõ những đặc điểm của đất nước thống nhất. Trên cơ sở đặc điểm, Đại hội đã đề ra đường lối chung của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là: “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng về khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”
[40, tr.523-524].
Từ đường lối chung đó, Đảng đã cụ thể hóa tư duy về mô hình chủ nghĩa xã hội thành những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta lúc đó.
Những đặc trưng được thể hiện cụ thể trên tất các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, chính sách đối ngoại.
Nhìn chung, quá trình hình thành tư duy lý luận về mô hình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1986 tuy có những bước phát triển nhất định, song về cơ bản, nhận thức vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơ chế quản lý kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, hành chính và bao cấp; chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn cảnh và quy luật của chiến tranh và bên cạnh đó là những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế. Chủ nghĩa xã hội mới chỉ được nhận thức chung theo mô hình Xô Viết, chưa chỉ ra được nét đặc thù của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.