Những công trình nghiên cứu liên quan đến đổi mới tư duy chính trị về mô hình nhà nước

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay (Trang 39 - 44)

Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung của quá trình đổi mới tư duy chính trị từ năm 1986 đến nay ở Việt Nam

1.2.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến đổi mới tư duy chính trị về mô hình nhà nước

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân) là một chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đây là một bước đột phá về lý luận và thực tiễn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cùng với đề cao xây dựng nhà nước pháp quyền thì việc nhấn mạnh Đảng cầm quyền là vấn đề quan trọng của hệ thống chính trị của tất cả các quốc gia, công trình Thể chế cầm quyền: một số vấn đề lý luận và thực tiễn [125] do Đặng Đình Tân chủ biên (2004) cho rằng trong thời đại ngày nay, vấn đề đảng chính trị và đảng cầm quyền ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị nói chung và với nhà nước nói riêng. Trong các nền chính trị dân chủ, trong quan hệ với nhà nước, các đảng chính trị và đảng cầm quyền đều được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc thể chế của đảng nhưng không trái với hiến pháp và pháp luật nhà nước. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước là một nguyên tắc hoạt động cơ bản, là trụ cột của cơ chế vận hành của cả hệ thống chính trị. Hệ thống thể chế đảng lãnh đạo nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định và nhờ đó đã góp phần quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, hệ thống các thể chế đảng lãnh đạo nhà nước còn chưa hoàn chỉnh. Có tình trạng phân định chức năng lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước chưa rõ ràng, chồng chéo, làm ảnh hưởng nhất định đến vai trò lãnh đạo của đảng cũng như vai trò quản lý của nhà nước. Việc hoàn thiện thể chế Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước ở nước ta hiện nay là một nội dung quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đổi mới mối quan hệ Đảng với Nhà nước trong điều kiện mới. Những nhận định này của các tác giả là những gợi ý quan trọng cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án.

Cũng đề cập đến nội dung này nhưng các tác giả Phạm Ngọc Quang và Ngô Kim Ngân (chủ biên) (2007) trong công trình Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân [112] lại nêu rõ quá trình đổi mới nhận thức của Đảng về vai trò lãnh đạo và ý thức lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới; đã nêu bật tính cấp thiết đổi mới phương thức lãnh đạo, phân định giữa sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý của Nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động sáng tạo của Nhà nước trong quản lý đất nước và xã hội.

Đề cập đến những vấn đề chung, khái quát của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, công trình Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới [164] của các tác giả Nguyễn Văn Yểu, Lê Hữu Nghĩa đồng chủ biên (2006), đã cho rằng, bối cảnh mới của tình hình quốc tế và xu thế toàn cầu hóa đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Việt Nam cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện hơn về hệ thống chính trị của nước ta, trước hết cần phải cải cách và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Nhà nước, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý hơn nữa. Đây là một công trình nghiên cứu khá toàn diện về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, công trình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân - lý luận và thực tiễn [118] của các tác giả Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn (2008)đã hệ thống hóa những cơ sở lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền; làm rõ những quan điểm về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong điều kiện Việt Nam; đồng thời đưa ra được những phương hướng và giải pháp cơ bản để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp cận nhà nước pháp quyền từ góc độ luật pháp các tác giả Đào Trí Úc - Phạm Hữu Nghị (chủ biên, 2009) trong công trình Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCNVN trong giai đoạn hiện nay, một số vấn đề lý luận và thực tiễn [148] đã chỉ rõ vai trò của nhân dân trong việc giám sát hoạt động của bộ máy Đảng và Nhà nước và các thiết chế tổ chức trong hệ thống chính trị; xây dựng các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm sự giám sát của nhân dân và đề xuất các cơ chế và hình thức, các căn cứ pháp lý để nhân dân thực hiện có hiệu quả vai trò giám sát của mình.

Trong khi đó, đánh giá về nhận thức và thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công trình 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam [69] của tập thể tác giả Đinh Thế Huynh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu

Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên, 2015), cho rằng Đảng ta đã nhận thức được tính tất yếu khách quan, cấp thiết của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hôi chủ nghĩa Việt Nam. Tuy đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn hạn chế cả trong nhận thức và thực tiễn. Về nhận thức “cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được một hệ thống lý luận đầy đủ về Nhà nước pháp quyền và về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn hạn chế, chưa đầy đủ và hệ thống, chưa lý giải và làm sáng tỏ nhiều vấn đề mới do thực tiễn đặt ra…” [69, tr.269]. Về thực tiễn “Nhiều chủ trương đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là đúng đắn nhưng chậm được thể chế hóa để triển khai trong thực tiễn…” [69, tr.284]. Từ đó các tác giả chỉ ra một số nguyên nhân như: chưa chú trọng cho công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, thiếu cách nhìn tổng thể, hệ thống.

Công trình Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Trung Quốc [61] do Hội đồng Lý luận Trung ương (2015) biên soạn là kết quả của cuộc Hội thảo lý luận lần thứ 10 giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc. Công trình này đã làm rõ việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh công cuộc đổi mới, cải cách đang bước vào giai đoạn mới, xã hội đang bước vào thời kỳ phát triển mới; khẳng định về những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội.

Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền công dân; nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước.

Gần đây, một công trình cũng mới được xuất bản năm 2016 cũng liên quan trực tiếp đến nội dung đề tài luận án là Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong văn kiện Đại hội XII của Đảng [16] của Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Bộ quốc phòng.

Nội dung của cuốn sách đã tập trung làm rõ quá trình nhận thức của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa qua 30 năm đổi mới và sự cần thiết phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay; nội dung quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đề xuất những định hướng quán triệt và tổ chức thực hiện quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Qua đó, phân tích làm rõ bản chất khoa học, cách mạng trong từng quan điểm của văn kiện, đồng thời gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong tình hình mới. Chúng tôi có thể kế thừa được phần tri thức trong công trình này liên quan đến nội dung đổi mới tư duy chính trị trong việc lựa chọn và xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, công trình chủ yếu phân tích nội dung này trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, còn luận án của chúng tôi thì không chỉ đề cập đến nội dung này trong Đại hội XII mà phân tích sự kế thừa, tiếp nối trong cả quá trình dài từ Đại hội Đảng VI đến nay.

Đặc biệt, đáng chú ý trong vấn đề này không thể không nhắc đến công trình “Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển” [85]do Đinh Tuấn Minh và Phạm Thế Anh chủ biên (2016) đã cung cấp một cách tiếp cận mới về vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường dựa trên khung khổ lý thuyết về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển từ góc nhìn kết hợp giữa lý thuyết kinh tế học thể chế mới và lý thuyết phát triển năng lực của Amartya Sen (Ấn Độ). Khác với các cách tiếp cận của các nền tảng lý thuyết

khác, cách tiếp cận này được xem như là phiên bản mềm hơn về nhà nước kiến tạo phát triển. Theo các tác giả, hiện nay nổi lên 4 nhóm vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết để xây dựng thành công nhà nước kiến tạo phát triển. Đó là: nhóm vấn đề về hệ thống chính trị của Việt Nam; nhóm vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô; nhóm vấn đề liên quan đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và nhóm vấn đề liên quan đến xây dựng hệ thống quyền tài sản rõ ràng và hoàn chỉnh đối với tài sản công. Công trình là một tài liệu tham khảo khá bổ ích cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận án. Bởi mặc dù tiếp cận từ góc độ của kinh tế học nhưng công trình đã đem đến một cái nhìn khá mới mẻ cho người thực hiện luận án vì các tác giả đã phân tích và luận giải chi tiết để hình thành và hoàn thiện một mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mà trong đó xây dựng nhà nước pháp quyền được coi là yêu cầu mang tính nền tảng để đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả.

Như vậy, nghiên cứu về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng đã được nhiều công trình đề cập đến ở nhiều phương diện khác nhau từ lý luận đến thực tiễn, từ việc định ra chủ trương đường lối đến đưa ra phương hướng, giải pháp. Tuy nhiên, việc phân tích sâu về bước chuyển, những thay đổi trong tư tưởng chỉ đạo định hướng của Đảng về việc lựa chọn xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam qua các chủ trương, đường lối, chiến lược, văn kiện của các kỳ đại hội từ khi đổi mới đến nay thì vẫn cần nhiều các công trình nghiên cứu hơn nữa. Luận án của chúng tôi hy vọng cũng có thể góp phần làm rõ hơn những khía cạnh này trong nghiên cứu về nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)