Những tồn tại trong đổi mới tư duy chính trị của Đảng về mô hình

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay (Trang 128 - 131)

Một là, tư duy về chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp được Đảng ta xác định trong các văn kiện, nghị quyết, còn nhiều vấn đề cần phải được luận giải một cách thuyết phục hơn. Như tư duy về chế độ sở hữu ở nước ta, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân đã phù hợp với lý luận và thực tiễn hay chưa; bởi

vì, lý luận và thực tiễn kinh tế thị trường trên thế giới chỉ có hai chế độ sỡ hữu: công hữu và tư hưu, với nhiều hình thức khác nhau.

Về tư duy phân định thành phần kinh tế đã minh bạch, rõ ràng hay chưa?

Trong văn kiện Đại hội XI, XII ghi nhận có bốn thành phần kinh tế như trên đã phân tích. Trong đó, thành phần kinh tế nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ dự trữ quốc gia, tài nguyên, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, … và các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò nòng cốt. Có ý kiến cho rằng quan niệm về thành phần kinh tế nhà nước nêu trên là chưa chính xác cả về lý luận và thực tiễn, dẫn đến bất bình đẳng ngay trong cách nhìn nhận. Điều này đặt ra đòi hỏi cần phải luận giải một cách thuyết phục hơn về vai trò của thành phần kinh tế nhà nước và các thành phần kinh tế khác, là cơ sở định hướng cho các thành phần kinh tế phát triển.

Vấn đề xác định kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có phù hợp với thực tiễn. Vì trong thực tiễn đổi mới cho thấy, xét đóng góp vào cơ cấu nền kinh tế thì khu vực kinh tế nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) và kinh tế tập thể luôn chiếm tỷ trọng nhỏ và luôn có xu hướng giảm xuống, còn kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài lại chiếm tỷ trọng cao và xu hướng ngày càng tăng.

Điều đó, cần phải có sự luận giải rõ ràng hơn từ định hướng của Đảng.

Việc xác định vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước có đúng với chức năng hay chưa vẫn cần tiếp tục làm rõ. Đặc biệt là làm rõ được mối quan giữa chức năng vốn có nói chung của doanh nghiệp là tạo ra của cải, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho xã hội và chức năng công cụ điều tiết vĩ mô và định hướng xã hội cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam của doanh nghiệp nhà nước.

Hai là, do phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp, một quá trình chưa có tiền lệ nên có những vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay cần phải được tiếp tục xem xét, hoàn thiện.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là một nền kinh tế mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước và những giá trị xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu. Thế nhưng, vấn đề cần xem xét là liệu chúng ta có thể nghiên cứu để áp dụng nhiều hơn, đầy đủ hơn những quy luật, những giá trị chung của thể chế kinh tế thị trường - một thành tựu của nhân loại vào nền kinh tế của chúng ta, nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển vừa nhanh hơn, vừa bền vững hơn hay không? Nếu thế thì cần phải có những điều kiện nào kèm theo?

Định hướng của Đảng, Nhà nước và thực tiễn vừa qua đã chứng minh rằng, để phát triển nền kinh tế Việt Nam không thể chỉ dựa vào một thành phần kinh tế nào, mà cần phải khơi dậy được mọi tiềm năng, mọi nguồn lực của đất nước, với một khát vọng chung là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường. Để hiện thực hóa điều đó, cả nước đang phát động một tinh thần khởi nghiệp với mục tiêu là tới năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Như vậy, nòng cốt để phát triển kinh tế Việt Nam, là chỗ dựa bền vững cho kinh tế đất nước, phải chăng là mọi thành phần kinh tế trong nước, bao gồm cả: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân? Như vậy, về định hướng vĩ mô, liệu chúng ta cần có sự thay đổi nào không để khơi dậy được mọi tiềm lực kinh tế của đất nước, tạo ra một sân chơi thực sự công bằng, bình đẳng, trong thụ hưởng chính sách, được tiếp cận các nguồn lực và việc tuân thủ luật pháp?

Với những biểu hiện lợi ích nhóm, biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu đang diễn ra trong nền kinh tế, cần phải có giải pháp gì để ngăn chặn, để bảo đảm rằng những lợi ích từ phát triển kinh tế đất nước sẽ không bị một bộ phận thiểu số trong xã hội chiếm dụng, mà sẽ được chia sẻ công bằng; bảo đảm rằng sự phát triển của đất nước là sự phát triển có tính bao trùm chứ không quá thiên lệch, tạo ra sự phân biệt về giàu nghèo quá lớn giữa các vùng miền, giữa các thành phần, đối tượng trong xã hội.

Cần có chiến lược, cùng những giải pháp hữu hiệu như thế nào để việc phát triển kinh tế của đất nước bảo đảm hài hòa hai yếu tố đó là: Phát triển

“nhanh” và “bền vững”. Đây là hai yêu cầu song hành. Bởi với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam nếu không có giải pháp để đạt một tốc độ phát triển ở mức cao thì rất dễ bị tụt hậu, rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Thế nhưng, việc phát triển nhanh về kinh tế phải bảo đảm yếu tố bền vững, đó không phải là sự phát triển bằng mọi giá, đặc biệt không phải là việc hy sinh môi trường sống để phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế đất nước không ngoài mục đích nào khác là để bảo đảm cho mọi người dân có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc.

Động lực và triển vọng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục phụ thuộc vào đổi mới tư duy chính trị của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam một cách đầy đủ, sâu sắc hơn.

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay (Trang 128 - 131)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)