4.4. Một số nội dung trọng tâm trong tiếp tục đổi mới tư duy chính trị của Đảng
4.4.3. Tiếp tục đổi mới tư duy chính trị của Đảng về Nhà nước pháp quyền
Một là, tiếp tục đổi mới tư duy, Đảng cần phải quán triệt quan điểm, xét về bản chất, Nhà nước pháp quyền theo nghĩa đầy đủ nhất đồng nghĩa với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền trong chủ nghĩa xã hội. Chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa, nhân dân mới là chủ thể đích thực, duy nhất và tối cao của mọi quyền lực và quyền lợi trong xã hội, mới có thể tự mình tổ chức xã hội và bộ máy nhà nước xoay quanh quyền lực và quyền lợi của mình. Vì thế, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền trên thế giới là rất quan trọng, song chỉ có ý nghĩa tham khảo. Việc tiếp thu và vận dụng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn này cần được đặt trên nền tảng tư duy phê phán.
Hai là, tư duy chính trị mới của Đảng cần hướng đến việc xác định xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Trong đổi mới chính trị thì nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò chi phối, quyết định đến các nhiệm vụ khác và đến việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Việc nhấn mạnh này thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng. Đảng xác định các nhiệm vụ cụ thể như: phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao
hơn, xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa - xã hội.
Ba là, tư duy chính trị mới của Đảng về nhà nước pháp quyền hướng đến đổi mới đồng bộ các nội dung về hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là, cần tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Muốn làm được điều này, đầu tiên phải làm rõ nguyên tắc mới về kiểm soát quyền lực nhà nước trong luật cụ thể, để các cơ quan nhà nước về lập pháp, hành pháp và tư pháp phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm và thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được nhân dân giao cho mỗi quyền; hạn chế và ngăn ngừa tình trạng lạm dụng quyền lực nhà nước, phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Xây dựng hoàn thiện pháp luật nhưng thực hiện pháp luật phải nghiêm minh, công bằng. Điều này chính là giữ gìn sự nghiêm minh, giữ gìn vai trò của Nhà nước trong việc sử dụng hệ thống pháp luật để bảo vệ trật tự, ổn định và chân lý của xã hội. Tư duy chính trị mới của Đảng cũng chỉ ra
“quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội” đây là một điểm mới, thể hiện rõ tính nhân văn trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Cần phải quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, nhưng để bảo đảm tính bền vững của pháp luật, kỷ cương xã hội con người không chỉ cần được điều chỉnh, kiểm soát hành vi bằng luật, mà còn bằng cả đạo đức và lương tâm con người.
Bốn là, tư duy chính trị mới của Đảng về nhà nước pháp quyền hướng đến việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nghĩa là, thực hiện các nhiệm vụ về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân; hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ;
đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp; tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm các nguyên tắc xét sử luật định; tổ chức viện kiểm sát; kiện toàn tổ chức cơ quan điều tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của luật sư, bổ trợ tư pháp.
Năm là, tư duy chính trị mới của Đảng về nhà nước pháp quyền, chú trọng hơn đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, Đảng tập trung lãnh đạo về đường lối, chủ trương, xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ chế, chính sách về cán bộ, công chức; đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ; hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Mục tiêu hướng đến thực hiện tốt hơn quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, thông qua đó vừa hoàn thiện các hình thức dân chủ, vừa bảo đảm cho nhân dân thực sự được thực hiện quyền làm chủ của mình đối với Nhà nước và xã hội.
Tiểu kết chương 4
Để thấy được sự cần thiết, tất yếu phải tiếp tục đổi mới tư duy chính trị trong giai đoạn hiện nay, trong chương này, tác giả tập trung đánh giá những vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới tư duy chính trị của Đảng; phân tích sự tác động của bối cảnh quốc tế và trong nước; từ đó chỉ ra một số vấn đề đặt ra đối với Đảng và những nội dung trọng tâm trong việc tiếp tục đổi mới tư duy chính trị của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, tác giả luận án tập trung khái quát vấn đề đặt ra trong tư duy chính trị của Đảng, như về mô hình chủ nghĩa xã hội trong 30 năm đổi mới:
Đảng cần phải luận giải thuyết phục bằng những phân tích làm rõ kiểu, mô hình chủ nghĩa xã hội nảy sinh, phát triển và được thực hiện hóa. Nhiều vấn đề về các đặc trưng thể hiện mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, phát triển và làm sáng rõ hơn…; về lựa chọn mô hình kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế: Tư duy về chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, sự phát triển của các loại hình doanh nghiệp được Đảng ta xác định trong các văn kiện, nghị quyết, còn nhiều vấn đề cần phải được luận giải một cách thuyết phục hơn. Có những vấn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra trong điều kiện hiện nay cần phải được tiếp tục xem xét, hoàn thiện…; về Nhà nước pháp quyền: vấn đề tư duy thiết kế mô hình cụ thể Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vấn đề cụ thể hóa mối quan hệ giữa Đảng cầm quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; vấn đề tạo lập những điều kiện, cơ sở cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; vấn đề cơ chế nâng cao vai trò của nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội…
Thứ hai, tác giả khái quát bối cảnh mới của tình hình trong nước đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội; bối cảnh thế giới khu vực đang và sẽ diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học
công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó rút ra được sự cần thiết phải đổi mới tư duy chính trị của Đảng trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tác giả nêu vấn đề đặt ra trong chính phương thức tổ chức và lãnh đạo của Đảng, đó vừa là tiền đề, vừa là điều kiện để tiếp tục đổi mới tư duy chính trị của Đảng về ba lĩnh vực đã nêu. Đó là, để tiếp tục đổi mới tư duy chính trị của Đảng, vấn đề đặt ra là ai sẽ là lực lượng khởi xướng và tiên phong. Toàn Đảng có tiếp tục quyết tâm, nhất quán và đồng thuận trong các quan điểm, chủ trương tiếp tục đổi mới tư duy chính trị của Đảng hay không?
Đảng có thực sự thay đổi đến cùng cách thức tổ chức lãnh đạo xã hội không?...
Thứ tư, tác giả tập trung phân tích một số nội dung tiếp tục đổi mới tư duy chính trị của Đảng trong xác định mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam;
mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.