Khái quát chung tư duy chính trị của Đảng về mô hình kinh tế

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay (Trang 99 - 105)

Chương 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỔI MỚI TƯ DUY CHÍNH TRỊ

3.2. Quá trình đổi mới tư duy chính trị về mô hình kinh tế ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay

3.2.1. Khái quát chung tư duy chính trị của Đảng về mô hình kinh tế

Sau ngày toàn thắng và thống nhất đất nước (30/4/1975), cách mạng nước ta đã chuyển sang thời kỳ mới, nhưng tư duy chỉ đạo về kinh tế của chúng ta đã không theo kịp sự chuyển biến của tình hình. Chúng ta đã nóng vội, chủ quan, lấy quy luật của chiến tranh thay cho những quy luật kinh tế đang phát huy tác dụng trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lẽ ra, giai đoạn mới của cách mạng đòi hỏi phải có nhận thức mới, tư duy mới, thì những quan niệm cũ, tư duy cũ, kiến thức cũ vẫn tiếp tục làm nền tảng lý luận cho sự tồn tại của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài đúng một thập kỷ. Chúng ta đã thi hành chế độ bao cấp thời chiến; thực hiện cấp phát và giao nộp; hiện vật hóa phân phối; bù lỗ qua ngân sách; đẻ ra bộ máy nhà nước và các tổ chức kinh tế quan liêu; duy trì hoạt động kinh tế cứng nhắc và thụ động. Từ đó, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế không ngừng giảm sút đến mức chúng ta “không nuôi nổi mình”.

Đổi mới tư duy chính trị về việc lựa chọn mô hình kinh tế là bước đổi mới quan trọng của Đảng ta. Điều đó không chỉ vì kinh tế có địa vị hàng đầu,

có tác dụng quyết định, mà còn là vì phát triển kinh tế trong điều kiện bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội như nước ta có tầm quan trọng đặc biệt, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất. Vai trò kinh tế tuy chiếm vị trí hàng đầu, nhưng tư duy chính trị về kinh tế của chúng ta trong nhiều năm còn quá lạc hậu so với cuộc sống, cản trở không ít đến sự phát triển kinh tế. Tư duy chính trị về kinh tế lỗi thời bắt nguồn từ căn bệnh giáo điều, bảo thủ, luôn bám lấy cái cũ, không chịu đổi mới, chính vì vậy nền kinh tế nước ta đã lâm vào khủng hoảng, trì trệ và trở thành một vấn đề nóng bỏng, nổi lên hàng đầu. Đổi mới tư duy chính trị về kinh tế vì vậy là điểm xuất phát trong đổi mới tư duy của Đảng ta và cũng phù hợp với thực tế cuộc sống.

Việc lựa chọn đường lối đổi mới kinh tế, mô hình kinh tế ở Việt Nam vào năm 1986 diễn ra dưới áp lực gay gắt của thực tiễn trong và ngoài nước.

Ở trong nước, mô hình kinh tế phi thị trường và đơn nhất thành phần kinh tế đã tỏ ra kém hiệu quả. Từ lâu, mô hình kinh tế mà chúng ta xác lập không có gì khác hơn là mô hình kinh tế hiện vật, mô hình phủ nhận sản xuất hàng hóa, phủ nhận kinh tế thị trường và quy luật giá trị, là mô hình kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển. Đó là mô hình quá đề cao vai trò của một thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa dưới hai hình thức: kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, còn các thành phần kinh tế khác bằng những chính sách, biện pháp hành chính, áp đặt nóng vội để đẩy nhanh tiến độ cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với chúng, với mục tiêu chính không phải là để huy động, phát triển, mà là hạn chế, thu hẹp, thậm chí xóa bỏ các thành phần kinh tế được gọi là “phi xã hội chủ nghĩa”. Kết quả là thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh và tập thể) phát triển nhanh về số lượng, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và ngày càng có xu hướng giảm sút.

Mô hình như thế nào thì sẽ đẻ ra cơ chế quản lý như thế ấy. Đó là cơ chế tập trung quan liêu trong bộ máy nhà nước và trong các tổ chức kinh tế. Nền

sản xuất trở nên cứng nhắc và thụ động. Chính điều đó đã kìm hãm, làm thui chột động lực và tính cạnh tranh giữa các lực lượng kinh tế; không huy động và sử dụng được các nguồn lực của đất nước để tạo đà cho sự phát triển. Mô hình kinh tế tập trung quan liêu, hành chính - mệnh lệnh cùng với cơ chế bao cấp, bình quân đã tạo ra nhiều kẽ hở, gia tăng tình trạng lãng phí, nạn tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi; đã bào mòn tài sản vật chất của xã hội và làm biến dạng các quan hệ xã hội; làm gay gắt thêm tình trạng bất bình đẳng, sự suy thoái cả kinh tế lẫn xã hội. Do đó, đoạn tuyệt với cơ chế kinh tế cũ, lạc hậu và phát triển kinh tế đã trở thành đòi hỏi bức thiết và tất yếu đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, lúc này Mỹ thi hành chính sách cấm vận kinh tế đối với Việt Nam (từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX nhằm đặt nền kinh tế Việt Nam vào thế cô lập, suy yếu, dẫn tới sụp đổ); Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng lâm vào khủng hoảng kinh tế, nguồn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa bị suy giảm. Tình thế của nền kinh tế Việt Nam vào nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX có thể nói là vô cùng khó khăn và “nguy nan”. Chính tình huống đó đã tạo áp lực đối với Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đòi hỏi phải đổi mới để ổn định và phát triển.

Xét từ giác độ đó, đổi mới tư duy chính trị về mô hình kinh tế không phải đến Đại hội VI (năm 1986) mới bộc lộ ra. Ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (Khoá IV), tháng 8/1979, Đảng ta đã thấy rằng cần có những chủ trương, biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết, nhằm đẩy mạnh sản xuất, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân. Muốn vậy, phải tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển, bằng mọi cách làm cho sản xuất "bung ra". Trung ương đưa ra chủ trương: ổn định nghĩa vụ lương thực trong 5 năm, phần dôi ra được bán cho Nhà nước hoặc lưu thông tự do; sửa lại thuế lương thực nhằm khuyến khích thâm canh tăng vụ; sửa lại giá lương thực để khuyến khích sản xuất; sửa lại chế độ phân phối trong nội bộ hợp tác xã nông nghiệp; bỏ lối phân phối theo định xuất, định lượng; thực hiện hình thức phân phối theo lao

động, xem đó là hình thức phân phối hợp lý và chủ yếu; không coi kế hoạch hoá là hình thức duy nhất để phát triển kinh tế; khẳng định sự cần thiết phải kết hợp kế hoạch với thị trường; kết hợp thị trường có kế hoạch với thị trường không có kế hoạch; có sự nhìn nhận tích cực hơn với kinh tế tư nhân; nhằm làm cho sản xuất "bung ra"; xem tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá tính đúng của chính sách kinh tế là năng suất lao động ngày một nâng cao, sản xuất phát triển và đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Ngày nay nhìn lại, chúng ta có thể khẳng định, Hội nghị Trung ương 6 (khoá IV), tháng 8/1979, đánh dấu bước đột phá đầu tiên trên con đường đổi mới tư duy chính trị về kinh tế của Đảng ta.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương (Khoá V), tháng 6/1985, chủ trương dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp; thực hiện cơ chế một giá; xoá bỏ chế độ cung cấp hiện vật theo giá thấp; chuyển mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; chuyển công tác ngân hàng sang nguyên tắc kinh doanh. Điểm đặc sắc là, Hội nghị này đã thừa nhận sản xuất hàng hoá và những quy luật của sản xuất hàng hoá. Có thể xem đây là bước đột phá thứ hai trong quá trình đổi mới tư duy chính trị về mô hình kinh tế của Đảng.

Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI, Bộ Chính trị có cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 25/8/1986 đến ngày 1/9/1986, bàn về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế. Bộ Chính trị đã xem xét kỹ ba vấn đề lớn: cơ cấu và thành phần kinh tế; cơ cấu ngành và cơ cấu đầu tư; cơ chế quản lý kinh tế. Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị kết luận về ba quan điểm kinh tế trong tình hình mới. Một là, trong bố trí cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, phải lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; ra sức phát triển công nghiệp nhẹ; công nghiệp nặng được phát triển có chọn lọc. Hai là, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, phải xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ba là, trong quản

lý kinh tế, lấy kế hoạch làm trung tâm, nhưng đồng thời phải sử dụng đúng quan hệ hàng hoá - tiền tệ, dứt khoát xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chính sách giá phải vận dụng quy luật giá trị, tiến tới thực hiện cơ chế một giá. Đây là bước đột phá thứ ba, có ý nghĩa lớn trong đổi mới tư duy chính trị về kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, định hướng cho việc soạn thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng.

Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt trong đổi mới tư duy chính trị của Đảng về mô hình kinh tế.

Đại hội VI của Đảng đánh giá rằng mô hình kinh tế được áp dụng ở nước ta trong nhiều năm qua thực chất là mô hình kinh tế hiện vật, phi sản xuất hàng hóa và phi kinh tế thị trường. Đại hội VI xác định rõ quan điểm từ bỏ mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp; chuyển sang phát triển sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường; coi đó là sự vận động của quy luật khách quan. Đại hội VI cũng khẳng định sự tồn tại và phát triển tất yếu của kinh tế nhiều thành phần nhằm phát huy tiềm năng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, giải phóng lực lượng sản xuất.

Đề cập đến sự cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đại hội VI khẳng định: “Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp từ nhiều năm nay không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn trong phân phối lưu thông, và đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội” [33, tr.395-396].

Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, xác định rằng phải xây dựng đồng bộ cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là bước tiến mới trong tư duy chính trị của

Đảng về mô hình kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế so với Đại hội VI, khi khẳng định rõ nhiệm vụ xây dựng kinh tế theo cơ chế thị trường ở nước ta.

Ở Đại hội VIII, tư duy chính trị của Đảng về mô hình kinh tế thị trường ở nước ta được xác định rõ hơn. Theo đó, không đối lập sản xuất hàng hóa với chủ nghĩa xã hội, không coi kinh tế thị trường là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản, mà coi đó là thành quả chung của xã hội loài người, kinh tế thị trường là thực thể khách quan cần sử dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội IX của Đảng khẳng định rằng mô hình tổng quát của nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội X của Đảng đã tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 20 năm đổi mới và tiếp tục làm sáng tỏ hơn một số vấn đề về lý luận về nội dung cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đại hội đã nêu lên vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Lần đầu tiên sau 20 năm đổi mới, Đảng ta cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân.

Đại hội XI của Đảng, xác định rõ hơn nội hàm của khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đại hội XI chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu; kết hợp mở rộng quy mô và đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng với việc cơ cấu lại nền kinh tế.

Đại hội XII đánh giá những thành tựu đạt được sau năm năm thực hiện tư duy đổi mới mô hình tăng trưởng được vạch ra từ Đại hội XI của Đảng là:

“Mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng đã bước đầu có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; đã hình thành những mô hình mới và cách làm mới, sáng tạo” [45, tr.82]. Đại hội xác định mô hình tăng trưởng trong thời gian tới là “kết hợp có hiệu quả phát triển kết hợp giữa chiều rộng với chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới

và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” [47, tr.87].

Những đổi mới tư duy chính trị về mô hình kinh tế nói trên là tiền đề cho đổi mới pháp luật kinh tế, chuẩn mực quan niệm đạo đức xã hội. Sự đổi mới đó tạo ra một không gian rộng rãi cho mọi thành phần kinh tế, mọi tài năng kinh tế đua tranh phát triển. Những thành tựu đạt được mỗi người chúng ta đều có thể cảm nhận rõ rệt ngay trong cuộc sống hằng ngày.

Nhìn chung, từ Đại hội VI đến nay, tư duy chính trị của Đảng là chuyển đổi từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bằng cơ chế quản lý thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Quá trình đổi mới tư duy chính trị ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay (Trang 99 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)