CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ HÀNH VI MUA SẮM TRỰC TUYẾN Ở VIỆT
1.2. Tác động của mua sắm trực tuyến đến nền kinh tế
MSTT ngày càng được nhiều người tiêu dùng sử dụng trong thời đại số hiện nay và ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế. Theo báo cáo “Tương lai của thương mại điện tử trong ngành hàng tiêu dùng nhanh” do công ty nghiên cứu thị trường Kanta Worldpanel công bố cho thấy, TMĐT hiện đóng góp đến 36% mức tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn cầu.
Tại Việt Nam, nhờ vào vào sự phát triển của Internet mà các kênh mua sắm cũng có những phát triển đáng ghi nhận. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Ngày Internet 2019, hiện nay có khoảng 64 triệu người dân Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày. Cùng với đó là tăng lên về số người sử dụng di động để truy cập hiện nay là 61,73 triệu người, chiếm khoảng 96% lượng người dùng Internet. Với tần suất sử
12
dụng Internet lớn như vậy, các hình thức kinh doanh trực tuyến được đầu tư mạnh bởi đây là một thị trường nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai phá hết. Với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng MSTT như hiện nay thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình này.
Trước hết, MSTT phát triển có ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề về chi phí trong chuỗi giá trị thị trường – yếu tố tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu được một số chi phí như: chi phí sản xuất, quảng cáo hay bán hàng. Đối với chi phí sản xuất, trước hết là giảm thiểu chi phí cơ sở vật chất như tiền thuê cửa hàng, văn phòng. Việc giảm thiểu các khoản chi phí cố định này giúp doanh nghiệp có thể tập trung vào việc phát triển chất lượng và dịch vụ, đem đến những lợi ích mang tính dài hạn hơn cho doanh nghiệp. Chi phí quảng cáo và bán hàng sẽ giảm thấp hơn thông qua việc kinh doanh trực tuyến. Một nhân viên kinh doanh có khả năng tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn thông qua Internet. Ngoài ra, trong sự bùng nổ của mạng xã hội như ngày nay, việc chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến (Facebook, Zalo, Instagram) cũng sẽ tiếp cận nhiều khách hàng hơn hình thức quảng cáo truyền thống, đem lại cho doanh nghiệp hiệu quả kinh doanh cao hơn. Việc tiết kiệm được những chi phí này tác động trực tiếp lên giá bán của sản phẩm và khách hàng là người được hưởng lợi trực tiếp từ điều này. Người tiêu dùng thường có mong muốn tìm được những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của bản thân với mức giá rẻ. Như vậy, khi doanh nghiệp tối đa hóa được các chi phí kể trên cũng sẽ giảm giá thành sản phẩm, đem đến sự hài lòng cho khách hàng và tăng năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hình thức MSTT không chỉ tiết kiệm thời gian mà cả chi phí giao dịch. Việc giao dịch trực tuyến bằng các hình thức như chuyển khoản hay thanh toán qua ví điện tử sẽ tiết kiệm được thời gian hơn là sử dụng tiền mặt. Đối với doanh nghiệp, điều này còn giúp làm giảm số lượng và thời gian lưu kho của sản phẩm, tiết kiệm được chi phí lưu kho.
Việc đẩy mạnh TMĐT tác động trực tiếp tới thị trường lao động và làm chuyển dịch cơ cấu lao động hiện nay. TMĐT phát triển dựa trên nền tảng của sự phát triển về công nghệ thông tin, vì vậy các nhà tuyển dụng sẽ cần những ứng viên sử dụng thành thạo
13
công nghệ để có thể bắt nhịp nhanh chóng với công việc, tiết kiệm chi phí và thời gian đào tạo. Hơn nữa nhu cầu về lao động trong kinh doanh điện tử cũng tăng lên, đòi hỏi các ứng viên phải có trình độ để có thể cạnh tranh trong thị trường việc làm.
TMĐT cũng đem đến những cơ hội thâm nhập thị trường với chi phí thấp, đây là cơ hội lớn đối với SMEs. Việc thành lập một cửa hàng trực tuyến có những lợi thế nhất định so với thành lập cửa hàng hữu hình truyền thống như tiết kiệm chi phí cơ sở vật chất, chi phí quảng cáo, và trong nhiều trường hợp cửa hàng trực tuyến này đem lại hiệu quả lớn hơn gấp nhiều lần. Trong thời đại hiện nay, yếu tố sáng tạo là một trong những yếu tố cơ bản tạo ra lợi thế cạnh tranh. Việc xây dựng website bán hàng, đầu tư về mặt hình ảnh thương hiệu, các chiến dịch marketing phù hợp cho từng nhóm khách hàng sẽ dễ thu hút được một lượng người tiêu dùng nhất định mà không tốn quá nhiều chi phí.
Bên cạnh những tác động tích cực, TMĐT cũng đem đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đầu tiên đó là thách thức từ áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Trong thời đại số hóa, thông tin được truyền tải nhanh chóng, vì vậy khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu và so sánh sản phẩm giữa các bên bán hàng. Cung cấp sản phẩm giá thấp cũng là một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên về lâu dài, việc xây dựng lợi thế cạnh tranh nổi bật như sản phẩm độc đáo, chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại sẽ hấp dẫn khách hàng, xây dựng một lượng khách hàng trung thành và ổn định. Với các SMEs đây là vừa thách thức nhưng cũng là cơ hội để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, những yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống MSTT cũng là một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Nhất là khi nền kinh tế đang có xu hướng tiến lên nền kinh tế số hóa với nền tảng là tri thức và công nghệ. Đây là thách thức mang tính chiến lược vì điều này đem lại cơ hội để doanh nghiệp có bước nhảy vọt nhưng cũng đồng thời là thách thức nếu không đáp ứng được và bị tụt hậu.
Nhìn chung, TMĐT hiện nay đang là xu thế hiện nay, không chỉ ở khắp thế giới mà ngay cả Việt Nam, hình thức này cũng đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Việt Nam cũng là thị trường TMĐT đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau
14
Indonesia và Thái Lan. Với tốc độ tăng trưởng trên 30% vào năm 2018, TMĐT ở Việt Nam đã và đang thể hiện những tăng trưởng vượt bậc, mở rộng quy mô thị trường và được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tiếp theo. Có thể khẳng định rằng, TMĐT đã mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực cho nền kinh tế hiện nay như dễ dàng tiếp xúc với các nền kinh tế nước ngoài, rút ngắn khoảng cách với những quốc gia phát triển trên thế giới.
Nhất là khi phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta là SMEs thì việc ứng dụng công nghệ vào trong lĩnh vực kinh doanh càng trở nên cần thiết, góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nước nhà nói chung.