1.2. Xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại
1.2.3. Các biện pháp xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại
Khi khách hàng vay của ngân hàng gặp khó khăn về tài chính, ngân hàng có
thể áp dụng biện pháp phi tố tụng như nhắc nhở, đôn đốc KH trả nợ thông qua công văn, điện thoại, thư điện tử, tin nhắn, trao đổi trực tiếp để thỏa thuận với KH về kế hoạch, thời gian, phương thức trả nợ.
1.2.3.2. Biện pháp tài chính
+ Cơ cấu lại thời gian trả nợ: đây là biện pháp mà TCTD chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ cho khách hàng do tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng suy giảm khả năng trả nợ gốc hoặc lãi đúng thời hạn ghi trong hợp đồng tín dụng nhưng TCTD có đủ cơ sở để đánh giá khách hàng có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ đã cơ cấu lại.
+ Gia hạn nợ: Một khi khách hàng đã gặp phải khó khăn trong việc trả nợ gốc thì phần lãi càng khó có khả năng thanh toán cho ngân hàng. Vì vậy chế tài chuyển nợ quá hạn với lãi suất cao càng làm khó khăn thêm cho khách hàng.
Trong trường hợp này, ngân hàng phải tiến hành điều tra, xác minh xem nguyên nhân chính do đâu và thái độ của người vay như thế nào? Nếu do các nguyên nhân: thua lỗ do giá cả thị trường biến động mạnh ngoài dự kiến, sản lượng và doanh thu đạt thấp, thiên tai địch hoạ….thì món vay này có thể xem xét gia hạn nợ cho khách hàng.
+ Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ: Đối với các khoản vay mà ngân hàng xác định kì trả nợ không đúng chu kỳ kinh doanh, cho vay ngắn hạn các đối tượng trung và dài hạn thì ngân hàng nên xem xét điều chỉnh kỳ hạn nợ cho phù hợp để tạo điều kiện cho khách hàng có thể trả nợ đúng hạn.
Điều quan trọng nhất khi áp dụng các biện pháp tài chính là ngân hàng phải nắm được phương án trả nợ cam kết, cũng như các dự định tiến hành của khách hàng để từ đó kiểm soát được tình hình, tránh nợ xấu thêm, đưa ra các tư vấn tài chính, thậm chí là hỗ trợ phù hợp.
+ Tư vấn tái cấu trúc kinh doanh: Đây là biện pháp xử lý nợ xấu không mới, nhưng đang được áp dụng ngày càng nhiều hơn và có vẻ nhân đạo hơn. Các ngân hàng thay vì đẩy khách hàng ra khỏi nhà thì ngồi lại bàn bạc, tái cấu trúc khoản vay và bàn phương án trả nợ như miễn giảm lãi, miễn giảm các khoản phải chi trả thay
vì tịch thu nhà đất, đẩy khách hàng của mình ra đường. Cách xử lý nợ xấu này ở Việt Nam có lẽ sẽ phù hợp nhiều hơn với các doanh nghiệp. Bản thân ngân hàng khi cho vay cần phải kiểm soát được mục đích và quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng. Khi có dấu hiệu không trả được nợ, hoặc đủ tư cách để yêu cầu doanh nghiệp tái cấu trúc, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp không bị đẩy vào bước đường phá sản, xuất hiện thêm cơ hội doanh nghiệp làm mới mình, có khả năng trả nợ trong tương lai.
Cho vay để tiếp tục duy trì hoạt động: trong những giai đoạn khó khăn, một số khách hàng không những không trả được nợ đáo hạn, xin gia hạn nợ mà còn có nhu cầu vay thêm vốn để giải quyết khó khăn tài chính tạm thời như: sản phẩm chưa tiêu thụ được nhưng vẫn phải tiếp tục mua vật tư, trả lương công nhân để duy trì sản xuất bình thường, khắc phục sự cố kĩ thuật… Ngoài ra, việc biến các khoản nợ thành một phần vốn góp của chủ nợ ở các doanh nghiệp cũng đã được áp dụng khá nhiều. Và thực tế, doanh nghiệp có sự tham gia của ngân hàng đều có một tương lai mới tốt đẹp hơn. Còn trong trường hợp khi giám đốc đương nhiệm không có khả năng tiếp tục lãnh đạo hoặc có bằng chứng về tính gian dối thì ngân hàng cần nắm giữ phần chủ động, thậm chí điều hành hoạt động kinh doanh đến khi đảm bảo rằng khoản vay sẽ được chi trả.
1.2.3.3. Biện pháp xử lý tài sản bảo đảm
Các biện pháp thường được áp dụng tại các NHTM bao gồm:
Ngân hàng thuyết phục khách hàng tự bán tài sản thế chấp: Đây là một cách giải quyết có lợi cho khách hàng và ngân hàng. Việc khách hàng tự bán tài sản thường được đánh giá cao hơn là buộc phải phát mại, đồng thời tránh cho khách hàng khỏi bị giảm uy tín trên thương trường. Mặt khác ngân hàng cũng tránh được chi phí phát mại và thủ tục pháp lý gắn với sở hữu và phát mại tài sản tài chính.
+ Xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ: Đây là cách giải quyết không dễ dàng bởi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này gây khó khăn đến quyền xử lý TSĐB của ngân hàng. Ngân hàng không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng
thuận, cố tình chống đối, hay tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSĐB để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý. TCTD sẽ phải chờ bản án của Tòa án, tạo tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ, tạo áp lực lên các cơ quan xét xử.
Theo quy định tại Luật Thi hành án dân sự, số tiền thu được từ việc bán TSBĐ sẽ phải được ưu tiên thu án phí, lệ phí tòa án trước khi chuyển cho TCTD.
Việc này làm cho số tiền thu nợ của TCTD bị giảm, không thu hồi đủ. Ngoài ra, với nhiều khoản chi phí và phí phải trả trong quá trình bán TSĐB, trong nhiều trường hợp, nếu chủ nợ khó có thể thu hồi đủ giá trị khoản nợ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bên được thi hành án.
+ Gán nợ: Trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ, không có nguồn thu nhập nào khác và có uỷ quyền cho ngân hàng toàn quyền định đoạt trong việc bán tài sản tài chính để thu hồi nợ.
1.2.3.4. Biện pháp khởi kiện
Ngân hàng có thể nhờ công an địa phương thúc ép trả nợ hoặc khởi kiện ra toà. Đây là biện pháp mà các ngân hàng đều không muốn áp dụng vì nó rất phức tạp, thủ tục lại rườm rà và mất nhiều thời gian. Ngân hàng sẽ phải sử dụng đến biện pháp pháp lý để đòi nợ khi các biện pháp trên không khả thi. Ngân hàng có thể nhờ tòa án, trọng tài thương mại hoặc tại các cơ quan tư pháp buộc khách hàng phải có biện pháp thanh toán tiền cho ngân hàng. Trên thực tế, việc phải sử dụng đến biện pháp này thường không đem lại hiệu quả cao cho việc đòi nợ của ngân hàng do khách hàng thường không còn khả năng trả nợ, TSĐB có tranh chấp về pháp lý hoặc không đủ giá trị bù đắp cho khoản vay…
1.2.3.5. Xử lý từ quỹ dự phòng rủi ro
Khi các biện pháp thu hồi khác không có hiệu quả, ngân hàng có thể dùng nguồn từ quỹ DPRR để bù đắp các khoản nợ xấu. Ưu điểm của biện pháp này là tính chủ động cao nên biện pháp này thường được các NHTM vận dụng tối đa nhằm xử lý nợ nhanh chóng. Tuy nhiên, thực chất của biện pháp này là dùng nội lực của ngân hàng để khắc phục gánh nặng nợ xấu nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Việc sử dụng quá nhiều giải pháp này làm giảm thu nhập của
ngân hàng trong khi vốn cho vay vẫn không thu hồi được. Vì vậy ngân hàng nên chú trọng vào các giải pháp thu hồi có tính triệt để hơn, dùng quỹ dự phòng để bù đắp rủi ro không có nghĩa là khoản nợ của khách hàng được xóa bỏ. Các khoản nợ này vẫn được tiếp tục theo dõi ngoại bảng và thu hồi khi khách hàng có thể trả nợ.
1.2.3.6. Các biện pháp thu hồi nợ đặc biệt.
+ Sự hỗ trợ từ Chính phủ: Đối với các khoản nợ xấu phát sinh do các khoản vay theo chính sách của Chính phủ, các NHTM phải trông chờ vào nguồn bù đắp từ NSNN. Thực chất các khoản vay theo chính sách có thể coi là các khoản vay có bảo lãnh của người thứ ba là Chính phủ. Do vậy, khi NHTM không thể thu hồi được nợ từ khách hàng vay thuộc đối tượng này thì Chính phủ phải đứng ra giải quyết cho ngân hàng. Chính phủ cũng có thể sử dụng vốn ngân sách mua toàn bộ số nợ khó đòi của NHTM để xử lý dần trong một số năm, nhằm giải thoát cho các NHTM không bị sa lầy vào khủng hoảng nợ xấu, giúp các ngân hàng tập trung vào hoạt động kinh doanh.
+ Bán nợ: là việc chuyển nhượng khoản nợ, theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền chủ nợ của khoản nợ cho bên mua nợ và nhận thanh toán từ bên mua nợ.
+ Xóa nợ (gốc, lãi): là biện pháp không thu hồi nợ gốc, nợ lãi đối với khách hàng gặp rủi ro không còn khả năng trả nợ sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi và xử lý nợ theo quy định.