Nguyên nhân hạn chế

Một phần của tài liệu Xử lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần bưu điện liên việt chi nhánh hà giang (Trang 69 - 74)

CHƯƠNG 2. PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG XỬ LÝ NỢ XẤU TẠI NGÂN HÀNG TMCP BƯU ĐIỆN LIÊN VIỆT CHI NHÁNH HÀ GIANG

2.3. Đánh giá chung về hoạt động xử lý nợ xấu tại ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt chi nhánh Hà Giang

2.3.3. Nguyên nhân hạn chế

- Chính sách, cơ chế trong hoạt động xử lý nợ xấu của LPB chi nhánh Hà Giang

+ Chi nhánh chưa xây dựng được kế hoạch xử lý nợ xấu một cách cụ thể, khả thi.

+ Chi nhánh chưa có một cơ chế giám sát trong việc định giá tài sản bảo đảm và một quy trình xử lý nợ xấu thống nhất: Trong quá trình xét duyệt cho vay, việc xác định giá trị tài sản cầm cố, thế chấp chưa sát thực, phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá chủ quan của nhân viên cho vay trong khi trình độ còn hạn chế, không có đủ kiến thức chuyên môn trên những lĩnh vực khác nhau nên không thể đánh giá được hiện trạng của tài sản. Đặc biệt, chưa có một chuẩn mực về định giá giá trị tài sản bảo đảm cụ thể đối với từng loại tài sản như: bất động sản, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, hàng hóa... dẫn đến tình trạng định giá không sát với giá trị thực do vô tình hoặc cố ý, ảnh hưởng tới kết quả xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, một số khoản vay mặc dù đã xử lý hết tài sản bảo đảm nhưng cũng không đủ để thu hồi nợ.

+ Chưa có quy trình xử lý nợ xấu thống nhất nên có sự lúng túng trong công tác quản lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu nói riêng. Chưa có được sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận chức năng trong xử lý thu hồi nợ xấu tại chi nhánh cũng như với các cơ quan chuyên trách tại Hội sở, chưa phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm cũng như tiến trình xử lý cụ thể đối với các khoản nợ xấu phát sinh, vì thế ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả xử lý nợ xấu tại chi nhánh.

+ Do áp lực kinh doanh dẫn đến công tác quản lý, chỉ đạo xử lý nợ xấu chưa được chú trọng đúng mức: Bộ phận xử lý nợ xấu kiêm nhiệm cả nhiệm vụ kinh doanh, không được đào tạo bài bản do đó công tác xử lý nợ xấu thường bị lơ là, làm hình thức và hiệu quả đạt được thấp. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo vẫn tập trung chủ yếu cho hoạt động kinh doanh, công tác xử lý nợ xấu chưa được chú trọng và chỉ đạo kịp thời, sát sao, chưa có đánh giá khách quan về kết quả xử lý nợ cho bộ phận xử lý nợ xấu dẫn đến cán bộ xử lý nợ thường có tâm lý chán nản, không quyết tâm cho công việc của mình.

+ Công tác giám sát sau cho vay vẫn còn nhiều hạn chế và không thực hiện chặt chẽ.

- LPB chi nhánh Hà Giang chưa xây dựng được cơ chế tài chính trong hoạt động xử lý nợ xấu, dẫn đến việc Chi nhánh thiếu nguồn tài chính trong việc phối hợp với các cơ quan/đơn vị liên quan trong hoạt động xử lý nợ, dẫn đến thời gian xử lý nợ kéo dài và không xử lý được.

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều hạn chế.

- Trình độ và năng lực cán bộ XLNX chưa cao: Kiến thức chuyên môn sâu của cán bộ XLNX vẫn còn hạn chế. Các cán bộ nhân viên thường thực hiện kiêm nhiệm với hoạt động xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, việc triển khai xử lý nợ xấu chưa gắn với việc quy trách nhiệm đến cán bộ tín dụng và người có trách nhiệm liên quan. Việc sắp xếp vào các vị trí trong Chi nhánh vẫn chưa được tối ưu, chế độ đãi ngộ chưa được hợp lý, do đó, hàng năm Chi nhánh luôn mất đi một số lượng lớn nhân viên mới tuyển vào. Thời gian gần đây vẫn còn hiện tượng cán bộ làm việc

chưa chuyên tâm, tính chủ động sáng tạo trong công việc còn hạn chế.

2.3.3.2. Nguyên nhân khách quan

- Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong giai đoạn 2020 – 2021 đã ảnh hưởng rất lớn khả năng chi trả và công tác xử lý nợ xấu tại các NHTM nói chung và tại LPB chi nhánh Hà Giang nói riêng.

- Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm chưa có được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ các các quy định của pháp luật khác có liên quan (pháp luật về tố tụng, hành chính, định giá tài sản bảo đảm, bán đấu giá tài sản ...).

+ Một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm là bán đấu giá tài sản.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm rất cần sự hỗ trợ từ chính các quy định và sự hoạt động chuyên nghiệp của tổ chức đấu giá và tổ chức định giá bán tài sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta hiện nay, hoạt động định giá chưa mang tính phổ biến và chuyên nghiệp nên việc xác định giá bán tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn, thậm chí phát sinh nhiều tranh chấp, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý tài sản bảo đảm.

+ Quy trình tố tụng hiện hành cũng dẫn đến khó khăn cho chủ nợ có bảo đảm trong quá trình tiếp cận tài sản bảo đảm và giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm. Trong nhiều trường hợp, hợp đồng bảo đảm đã được các bên ký kết theo đúng quy định của pháp luật (hợp đồng được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm), nhưng khi phát sinh tranh chấp thì Tòa án vẫn phải giải quyết theo một quy trình tố tụng chung nên dẫn đến hệ quả là tài sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ theo bản án, quyết định của Tòa án do giá trị bị giảm, bị hư hỏng, bị tẩu tán.

+ Các quy định hiện hành về xác định quyền ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, mà chưa đưa ra các nguyên tắc chung về xác định vị thế quyền của các chủ thể khác có quyền và lợi ích liên quan đến tài sản tài sản bảo đảm.

- Hệ thống thông tin chưa hoàn thiện và mức độ tin cậy chưa cao: Thông tin luôn là yếu tố chi phối đến các quyết định cho vay của ngân hàng. Khi các quyết định cho vay được đưa ra trong trạng thái thông tin không đầy đủ hoặc thiếu chính

xác sẽ tiềm ấn nguy cơ nợ xấu. Mặt khác, khi nợ xấu phát sinh nếu không có đầy đủ thông tin về khách hàng và các mối quan hệ liên quan thì sẽ cản trở rất lớn đến xử lý thu hồi nợ. Hiện nay, Việt Nam chưa có một cơ chế công bố thông tin đầy đủ về doanh nghiệp và ngân hàng, gây trở ngại cho việc đánh giá và ra quyết định.

- Một số khách hàng do hạn chế về trình độ, kỹ năng quản lý nên đầu tư mở rộng quá mức hoặc không quản lý được dòng tiền của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng nợ đến hạn thanh toán nhưng nguồn thanh toán lại về chậm hơn dự kiến, do đó xử lý nợ xấu bị kéo dài trong khoảng thời gian thiếu nguồn thanh toán.

- Một nguyên nhân nữa phải kể đến đó là: Tình trạng khách hàng vay vốn, sau đó cố tình cho vay lại (điều này thường xảy ra đối với cá nhân/hộ vay vốn kinh doanh) hoặc do thiếu hiểu biết nên đã tự ý chuyển giao nghĩa vụ nợ cho người khác.

Về mặt pháp lý, khách hàng vẫn là người chịu trách nhiệm thanh toán các nghĩa vụ nợ tại ngân hàng. Tuy nhiên, họ lại giao lại toàn bộ nghĩa vụ nợ này cho người khác mà không hề có sự giám sát hay ràng buộc nào. Chỉ đến khi ngân hàng thông báo về tình hình khoản vay quá hạn, phát sinh nợ xấu thì khách hàng mới biết. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý thu hồi do người chịu trách nhiệm pháp lý lại không có khả năng trả nợ. Mặt khác, xét về tình thì khách hàng cũng là người bị hại do đó việc xử lý nợ thường phải kéo dài và khó khăn do ngân hàng khó có thể tiếp cận xử lý trực tiếp đối với người vay lại, trừ trường hợp có đơn kiện và có sự can thiệp của cơ quan Tòa án.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Nội dung chương 2 tác giả đã thực hiện giới thiệu khái quát về LPB chi nhánh Hà Giang. Thực hiện phân tích thực trạng nợ xấu tại Chi nhánh giai đoạn 2019 – 2021. Tiếp đó, luận văn phân tích thực trạng xử lý nợ xấu thông qua các biện pháp xử lý nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu. Kết quả phân tích cho thấy, công tác xử lý nợ xấu tại LPB chi nhánh vẫn còn nhiều hạn chế như: Tỷ trọng nợ xấu nhóm 5 hiện nay của chi nhánh luôn chiếm tỷ trọng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng mất vốn và tổn thất của ngân hàng. Đặc biệt trong những năm gần đây, LPB chi nhánh Hà Giang đang tập trung cho vay không có tài sản bảo đảm cán bộ công chức viên chức; Tỷ lệ xử lý nợ xấu của LPB chi nhánh Hà Giang vẫn còn thấp so với hệ thống LPB và so sánh với các chi nhánh NHTM khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang như BIDV chi nhánh Hà Giang và VietinBank chi nhánh Hà Giang;

Hiện nay biện pháp xử lý nợ xấu từ quỹ dự phòng RRTD đang chiếm tỷ trọng khá cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tổn thất của chi nhánh; Tỷ lệ chi phí xử lý nợ xấu trong tổng nợ xấu thu hồi được rất cao và có xu hướng gia tăng. Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ chi phí xử lý nợ xấu chỉ đạt 21,38%. Nhưng đến năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên là 46,64%. Trên cơ sở đó, tác giả chỉ ra được các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng nợ xấu đó. Đây là cơ sở quan trọng để đề xuất giải pháp trong chương 3.

Một phần của tài liệu Xử lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần bưu điện liên việt chi nhánh hà giang (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)