1.2. Xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại
1.2.5. Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại
- Chính sách, cơ chế trong hoạt động xử lý nợ xấu của Ngân hàng
Ngân hàng cần chú trọng xây dựng các quy trình, quy định, các văn bản hướng dẫn liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu. Việc xác lập một quy trình tín dụng, quy trình xử lý nợ xấu và không ngừng hoàn thiện nó đặc biệt quan trọng đối với một NHTM, một quy trình hợp lý sẽ giúp cho Ngân hàng nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu RRTD và xử lý nợ có hiệu quả.
- Tiềm lực tài chính của NHTM
Xử lý nợ xấu một cách triệt để đòi hỏi NHTM phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, mà cụ thể ở đây là quy mô vốn chủ sở hữu. Thực tế trong số các biện pháp xử lý nợ xấu thì việc trích lập và sử dụng quỹ DPRR vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể.
Tuy nhiên, không phải NHTM nào cũng có thể trích đủ DPRR theo quy định của pháp luật vì số thực trích DPRR tín dụng được tính vào chi phí và trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng. Thực tế đã có các NHTM lâm vào tình trạng năng lực tài chính kém, mất nhiều năm mới có thể xử lý hết nợ tồn đọng. Vì vậy, nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn chủ sở hữu là điều kiện quan trọng giúp cho NHTM chủ động hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu của mình.
Các ngân hàng với tiềm lực tài chính mạnh cũng sẽ vững vàng hơn khi gặp phải khoản tổn thất lớn do nợ xấu gây ra. Tuy nhiên ở các quốc gia đang phát triển còn cần có sư hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm nâng cao năng lực tài chính cho NHTM.
- Trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ.
Các trang thiết bị hiện đại đã hỗ trợ nhiều trong hoạt động xử lý nợ xấu. Sự phát triển của các máy tính hiện đại và việc ứng dụng các phần mềm chuyên dụng giúp các ngân hàng lưu trữ được cơ sở dữ liệu lịch sử lớn, nhất quán của khách
hàng, từ đó tính toán các chỉ tiêu nhanh chóng, chính xác hơn, rút ngắn được thời gian xử lý nợ xấu. Với sự trợ giúp của các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại, ngân hàng có thể giải quyết được một khối lượng lớn thông tin xung quanh các dự án, phương án, có khả năng truy cập nhanh chóng vào các cơ sở dữ liệu, khai thác các thông tin cần thiết cho quản lý, áp dụng các phương pháp quản lý tài chính hiện đại, sử dụng những mô hình, hàm số phức tạp nhưng vẫn có thể tính toán, phân tích và dự đoán một cách nhanh chóng, chính xác. Do đó, kết quả của hoạt động xử lý nợ xấu ngày một nâng cao.
- Nhân sự của Ngân hàng
Hoạt động xử lý nợ xấu không phải công việc đơn giản, đòi hỏi đội ngũ nhân sự Ngân hàng “không những phải có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ, am hiểu các lĩnh vực cho vay, đầu tư của ngân hàng mà còn phải nắm vững các kiến thức về kinh tế, pháp luật, tâm lý học... và phải nhanh nhạy trong thực tế. Bên cạnh đó, tính kỷ luật cao và phẩm chất đạo đức tốt của người quản lý cũng đảm bảo kết quả của hoạt động xử lý nợ xấu, sự an toàn trong hoạt động cho vay, mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng.” Các NHTM hoạt động có hiệu quả cao bao giờ cũng rất quan tâm đến việc tuyển chọn cán bộ có trình độ, năng lực và tâm huyết. Các ngân hàng thường phải có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại để cán bộ ngân hàng thích ứng với yêu cầu thực tế. “Vì vậy, việc tuyển chọn và xây dựng đội ngũ nhân sự nhanh nhạy, có phẩm chất tốt, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, phát hiện xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình quản lý nợ xấu hết sức quan trọng.
1.2.5.2. Các nhân tố khách quan.
- Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế lành mạnh, minh bạch, với sự phát triển của các thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cũng là nhân tố ảnh hưởng rất mạnh” đến hoạt động xử lý nợ xấu của NHTM. Một đất nước ổn định về chính trị, có quan hệ tốt đẹp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước cũng như xuất nhập khẩu. Ngược lại, một đất nước bất ổn, biểu tình, đình công,
khủng hoảng, bị cấm vận… thì nền kinh tế chắc chắn sẽ kiệt quệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thành phần kinh tế và làm nợ xấu của Ngân hàng cũng gia tăng lên rất nhiều.
- Môi trường pháp lý
Hệ thống pháp luật có vai trò rất quan trọng trong mọi hoạt động của xã hội và có tác động lớn đến các thành phần kinh tế. Hành lang pháp lý cũng như hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh, “rõ ràng, thuận lợi và đủ mạnh thì sẽ góp phần làm minh bạch quy trình tín dụng, lành mạnh hoạt động của doanh nghiệp và NHTM, hạn chế RRTD phát sinh.” Khi cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến các hoạt động của NHTM đồng bộ, toàn diện và có các quy định pháp luật cụ thể sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Ngân hàng Trung Ương cũng như các NHTM trong việc thực hiện các quyền lợi chính đáng của mình. Các văn bản pháp luật cần rõ ràng, việc một văn bản có nhiều cách hiểu sẽ gây ra tình trạng áp dụng luật không thống nhất đồng thời kéo dài thêm thời gian xử lý công việc. Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho các NHTM nói chung và cán bộ xử lý trực tiếp nói chung. Ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ cũng như sự chỉ đạo của NHTM khi pháp luật chưa có quy định về những vấn đề liên quan. Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật cũng là vấn đề rất lớn ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công việc. Một nội dung nhưng tại các văn bản khác nhau lại có quy định khác nhau gây khó khăn cho người thực hiện.
Đối với hoạt động quản lý nợ xấu, một trong những vấn đề đáng quan tâm là các văn bản quy phạm pháp luật về thu hồi nợ xấu cho Ngân hàng. Việc thu hồi nợ xấu cần được giải quyết nhanh chóng và dứt điểm. Các khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa các văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhất là liên quan đến xử lý TSBĐ không được kịp thời tháo gỡ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của hệ thống các NHTM.
Ngoài ra, hiệu quả của hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật cũng ảnh hưởng đến hoạt động xử lý nợ xấu tại Ngân hàng. Mặc dù đã có văn bản hướng
dẫn cụ thể hoặc có chỉ đạo từ cấp trên nhưng cán bộ thực hiện vẫn cố tình kéo dài thời gian, gây khó dễ cho Ngân hàng. Sự phối hợp không thống nhất giữa các cơ quan hoặc áp dụng cứng nhắc các quy trình, thủ tục cũng gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của Ngân hàng nói chung và hoạt động xử lý nợ xấu nói riêng.
- Môi trường tự nhiên
Môi trường tự nhiên như thiên tai, bão lụt, hoả hoạn, mất mùa, dịch bệnh.
Đây là những nhân tố khách quan ảnh hưởng đến hoạt động xử lý nợ xấu của NHTM do sự biến đổi của môi trường tự nhiên đã gây ra sự hoạt động thất bại của khách hàng vay, nhất là các khoản cho vay nông nghiệp, dẫn đến nợ xấu phát sinh, làm suy giảm hoặc mất mát tài sản bảo đảm. Nguyên nhân này nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của cả NHTM và các khách hàng vay. Đây là nguyên nhân gây ra rủi ro không thể tránh được, những mất mát do nguyên nhân này gây ra cần được sự sẻ chia của nhà nước, và của cả xã hội.
- Sự hợp tác của khách hàng
Khách hàng là những người có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xử lý nợ xấu của NHTM. Nếu khách hàng có thiện chí và hợp tác tốt với ngân hàng thì công tác xử lý nợ xấu được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Nếu không thì việc xử lý nợ xấu mất nhiều thời gian hơn và chi phí xử lý nợ xấu cao hơn.