Các giải pháp khác

Một phần của tài liệu Xử lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần bưu điện liên việt chi nhánh hà giang (Trang 84 - 89)

CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ NỢ XẤU TẠI NGÂN HÀNG TMCP BƯU ĐIỆN LIÊN VIỆT CHI NHÁNH HÀ GIANG

3.2. Giải pháp tăng cường xử lý nợ xấu tại ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt

3.2.4. Các giải pháp khác

3.2.4.1. Đẩy mạnh thu hồi nợ xấu qua biện pháp đôn đốc

Trên cơ sở kết quả việc phân tích và phân loại nợ xấu, Chi nhánh cần tiến hành các biện pháp thích hợp đôn đốc khách hàng huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ vay ngân hàng trong thời gian ngắn nhất. Đây được xem là biện pháp thu hồi nợ ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả mang lại không phải là nhỏ.

Ngay sau khi phát hiện các dấu hiệu phát sinh nợ xấu, Chi nhánh lập tức đưa

vào danh sách các khoản nợ cần chú ý để theo dõi các luồng tiền về tài khoản của khách hàng mở tại ngân hàng để thực hiện giám sát, thu hồi nợ kịp thời, tránh để khách hàng sử dụng nguồn tiền quay vòng dẫn đến không trả nợ đúng hạn. Chi nhánh cũng cần chủ động phối hợp cùng khách hàng rà soát các khoản công nợ phải thu, các tài sản không còn nhu cầu sử dụng... để hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi công nợ, phát mại những tài sản hợp pháp của khách hàng mà khách hàng không còn nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả nhằm tạo nguồn vốn trả nợ vay ngân hàng. Để có thể đạt được kết quả như mong muốn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải thực sự khôn khéo, linh hoạt trong cách ứng xử để tạo lòng tin đối với khách hàng, giúp họ nhận thức được việc thanh toán dứt điểm nợ vay ngân hàng vừa là nghĩa vụ nhưng cũng vừa là giúp cho chính khách hàng thoát được khỏi áp lực của việc trả nợ quá hạn.

Để hoạt động thu hồi nợ trực tiếp đạt được kết quả cao nhất, Chi nhánh cần xây dựng một cơ chế thưởng hấp dẫn đối với tất cả các đối tượng hỗ trợ, giúp đỡ Chi nhánh thu hồi nợ xấu bao gồm cả cán bộ nhân viên cũng như các cá nhân và tổ chức khác có tham gia. Nhằm tối đa hoá giá trị các khoản nợ xấu thu hồi, Chi nhánh cần xây dựng nguyên tắc thưởng theo phần trăm giá trị nợ xấu thu hồi được.

Bên cạnh đó, trường hợp những khoản nợ xấu do chủ quan cán bộ ngân hàng gây ra: Cần tiến hành kiểm tra, xác minh và quy trách nhiệm cụ thể, buộc phải bồi hoàn, nếu không thực hiện được phải xử lý nghiêm túc, triệt để. Nếu cán bộ ngân hàng cố ý lừa đảo, móc ngoặc với khách hàng để rút vốn ngân hàng thì phải truy tố trước pháp luật.

3.2.4.2. Cơ cấu lại nợ cho khách hàng trên cơ sở đánh giá được nguồn thu đảm bảo, chắc chắn

Theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Thống đốc NHNN về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có cho phép các TCTD được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ giúp khách hàng khó khăn tạm thời về nguồn trả nợ hiện tại nhưng có khả năng trả nợ trong tương lai, thời gian gia hạn nợ phải phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh nhưng phải đảm bảo đúng quy định. Để cơ cấu lại thời hạn trả nợ đúng đối tượng, ngân hàng phải kiểm tra, phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ việc trả nợ của doanh nghiệp, để từ đó đưa ra những biện pháp hỗ trợ cũng như điều chỉnh thời hạn trả nợ cho phù hợp.

Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng. Khi đến hạn mà khách hàng vẫn không có nguồn để trả nợ thì ngân hàng thực hiện phân loại nợ đó theo đúng quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021.

Đối với khoản nợ xấu phát sinh do nguyên nhân khách quan nhưng chưa phải là bất khả kháng, khách hàng còn tồn tại và hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường và Chi nhánh có đủ thông tin để đánh giá khách hàng có khả năng phát triển trong tương lai, khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả và khả thi, phương án nguồn trả nợ của khách hàng là khả thi và chắc chắn thì Chi nhánh có thể xem xét thực hiện việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhằm giảm bớt sức ép trả nợ đến hạn, giúp cho khách hàng có được cơ hội để tiếp tục sản xuất kinh doanh và có nguồn thu để trả nợ cho ngân hàng.

Việc cơ cấu lại nợ phải được thực hiện trên cơ sở khách hàng có đủ tài liệu:

căn cứ chứng minh nguyên nhân dẫn đến khó có khả năng trả nợ; phương án khắc phục lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh (đối với các doanh nghiệp họat động sản xuất kinh doanh bị thua lỗ) khả thi; phương án nguồn trả nợ cơ cấu rõ ràng, cụ thể, chắc chắn, khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ (gốc và lãi) đầy đủ, đúng hạn theo thời hạn đề nghị cơ cấu. Tránh cơ cấu những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vì sẽ càng gây rủi ro trong thu hồi, xử lý nợ cho Chi nhánh.

3.2.4.3. Đẩy nhanh tiến độ phát mại tài sản đảm bảo, chủ động rà soát đánh giá để bán các khoản nợ xấu kịp thời, thu được hiệu quả cao

- Về phát mại tài sản đảm bảo

Thông thường, các TSĐB nợ đã được các chủ tài sản đăng ký giao dịch đảm

bảo khi ký hợp đồng thế chấp vay vốn với TCTD. Các TCTD sẽ thực hiện việc bán TSĐB nợ hoặc nhận chính TSĐB để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được đảm bảo để thanh toán nợ gốc, lãi vay, lãi quá hạn của bên bảo đảm sau khi trừ đi các chi phí khác (nếu có) và được tiếp nhận tài sản đó. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện xử lý nợ xấu, nhất là nợ nhóm 5, thông qua việc xử lý TSĐB nợ gặp không ít khó khăn, tiến trình xử lý mất rất nhiều thời gian và thủ tục, giá trị thu hồi thấp.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các TSĐB của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn cho ngân hàng cần phải hoàn thiện quy trình, hệ thống cơ chế chính sách, công cụ quản lý TSĐB trong nội bộ ngân hàng.

Đối với các khoản nợ xấu có TSĐB: Nếu LPB chi nhánh Hà Giang đánh giá khách hàng không còn khả năng trả nợ thì phải tích cực áp dụng các biện pháp xử lý TSĐB để có thể thu hồi sớm được nguồn vốn kinh doanh, giảm bớt tỷ lệ nợ xấu.

+ Nếu TSĐB đã được tòa án giao cho LPB chi nhánh Hà Giang thì Chi nhánh chủ động xử lý hoặc ủy thác cho Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản xử lý theo các hình thức: tự bán công khai, bán qua Trung tâm dịch vụ đấu giá…. Tiền bán TSĐB được xử lý làm cơ sở để thanh toán nợ gốc, lãi vay quá hạn của bên bảo đảm sau khi trừ đi các chi phí theo quy định (nếu có). Đối với những tài sản để nguyên thì không thể bán được, mà phải cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mới có thể bán được thì phải lập phương án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Nếu TSĐB chưa được tòa án giao cho LPB chi nhánh Hà Giang xử lý thì Chi nhánh cần nhanh chóng thu thập hồ sơ, thực hiện khởi kiện lên tòa án để nhanh chóng giành quyền xử lý TSĐB.

3.2.4.4. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý trước khi khởi kiện

Để các vụ kiện sớm được Tòa án và cơ quan thi hành án xử lý, tăng khả thu xử lý nợ xấu qua khởi kiện thì trước khi khởi kiện, Chi nhánh cần rà soát, chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng hồ sơ pháp lý liên quan đến vụ kiện, cụ thể như: Đơn khởi kiện, Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm được ký giữa ngân hàng với khách hàng, chứng từ cho vay, các giấy tờ có giá khách hàng đang cầm cố tại Chi nhánh...

Nếu Chi nhánh gặp khó khăn, để tăng khả năng thắng kiện và rút bớt thời

gian chờ đợi, Chi nhánh có thể thuê luật sư để tư vấn giúp chuẩn bị thủ tục, hồ sơ pháp lý cho các vụ kiện.

3.2.4.5. Sử dụng quỹ dự phòng rủi ro hợp lý, kịp thời và có hiệu quả

Thực tế cho thấy, xử lý nợ xấu bằng giải pháp sử dụng quỹ dự phòng rủi ro chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các giải pháp xử lý nợ xấu của các NHTM ở Việt Nam, là giải pháp mà ngân hàng hoàn toàn chủ động thực hiện, không phụ thuộc vào khách hàng cũng như sẽ làm giảm nhanh chóng các khoản nợ xấu trên bảng tổng kết tài sản của ngân hàng.

Thông tư 11/2021/TT-NHNN quy định ít nhất mỗi quý một lần, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải rà xoát, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, từ đó giúp ngân hàng phân loại nợ chính xác. Sau khi có kết quả phân loại nợ, ngân hàng tiến hành điều chỉnh mức trích lập dự phòng đối với các khoản vay.

Mục đích của việc trích lập dự phòng RRTD là để ngân hàng có nguồn chủ động xử lý các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 kịp thời, giảm thiểu nợ xấu. Vì vậy, các ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo nguyên tắc tính đúng và tính đủ.

Chi nhánh cần thực hiện phân loại nợ một cách khách quan, khoa học, phản ánh trung thực thực trạng dư nợ tín dụng theo các nhóm nợ tương ứng, đồng thời tính toán và tăng cường trích lập dự phòng rủi ro ở mức tối đa, cố gắng trích đủ dự phòng rủi ro theo quy định, chủ động tạo lập nguồn tài chính nhằm vào việc xử lý nợ xấu được thực hiện hàng năm, nhờ đó làm giảm tỷ lệ nợ xấu. Bên cạnh đó, Chi nhánh nên đề nghị LPB ban hành quy định cụ thể về việc sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu theo quy định hiện hành, tạo cơ sở cho việc thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Ví dụ sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp đối với các khoản nợ xấu theo thứ tự ưu tiên: những khoản nợ không có khả năng thu hồi, những khoản nợ có khả năng thu hồi thấp và những khoản nợ có khả năng thu hồi cao hơn. Với những khoản nợ có khả năng thu hồi thì hạn chế tối đa việc sử dụng quỹ dự phòng. Chi nhánh có thể định ra một khoảng thời gian tối đa để xử lý

nợ bằng giải pháp thu nợ trực tiếp trước khi sử dụng quỹ dự phòng.

Với những khoản nợ xác định không có khả năng thu hồi cần xử lý sớm, tránh để tỷ lệ nợ xấu tăng cao, kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Chi nhánh với các đối tác và khách hàng.

Song song với việc xử lý nợ xấu bằng quỹ dự phòng rủi ro, Chi nhánh cần nâng cao hơn nữa nhận thức của một số bộ phận cán bộ trong việc tích cực tận thu hồi nợ sau khi đã được chuyển hạch toán ngoại bảng vì trong trường hợp tận thu hồi được nợ ngoại bảng thì đây chính là nguồn thu nhập bất thường của ngân hàng, tạo cơ sở nguồn vốn cho ngân hàng để thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mới phát sinh cũng như tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

Một phần của tài liệu Xử lý nợ xấu tại ngân hàng thương mại cổ phần bưu điện liên việt chi nhánh hà giang (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)