CHƯƠNG 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHUYÊN MÔN TRƯỜNG THCS Ở HUYỆN MÊ LINH, HÀ NỘI
3.2. Đề xuất biện pháp quản lý hoạt động của tổ chuyên môn của Hiệu trưởng trường THCS ở huyện Mê Linh, Hà Nội
3.2.2. Xây dựng kế hoạch, quy chế sinh hoạt chuyên môn của nhà trường
- Đổi mới cơ chế quản lý, bằng cách thiết lập hành lang pháp lý trong việc điều hành và quản lý các hoạt động sinh hoạt chuyên môn của giáo viên cũng như hoạt động học tập của học sinh trên cơ sở phát huy tính dân chủ, tính tự chủ động và sáng tạo cho giáo viên và học sinh để tạo động lực cho giáo viên và học sinh thực hiện phong trào thi đua “Hai tốt”.
- Chủ động cho nhà trường triển khai sinh hoạt chuyên môn.
- Giúp cho giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân trên cơ sở kế hoạch của trường của tổ chuyên môn.
- Xác định rõ và thống nhất trong hội đồng sư phạm nhà trường về yêu cầu trong sinh hoạt chuyên môn trong giảng dạy của giáo viên trong năm học.
- Có công cụ để nhà trường, tổ chuyên môn đánh giá giáo viên khách quan, công bằng và giáo viên tự đánh giá được phát triển năng lực trong năm học.
3.2.2.2. Nội dung và cách thức thực hiện
- Xây dựng kế hoạch là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình quản lí sinh hoạt chuyên môn. Hoạt động này nhằm xác định hệ thống mục tiêu, nội dung hoạt động, các biện pháp cần thiết để đạt được trạng thái mong muốn của sinh hoạt chuyên môn khi kết thúc một giai đoạn phát triển. Kế hoạch là
nền tảng của quản lí, là sự quyết định lưạ chọn lộ trình của hoạt động sinh hoạt chuyên môn của nhà trường và các tổ chuyên môn, từng giáo viên phải tuân theo nhằm hoàn thành các mục tiêu của sinh hoạt chuyên môn.
- Phân tích thực trạng của sinh hoạt chuyên môn.
- Xác định mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt được của sinh hoạt chuyên môn và đánh giá tính khả thi của mục tiêu, chỉ tiêu đó.
- Xác định các hoạt động đổi mới sinh hoạt chuyên môn tương ứng với các mục tiêu.
- Xác định các nguồn lực thực hiện sinh hoạt chuyên môn của nhà trường.
- Xác định các biện pháp, chỉ số theo dõi, kiểm tra và đánh giá sinh hoạt chuyên môn của nhà trường.
- Trình bày kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của nhà trường.
- Thực hiện sinh hoạt chuyên môn thường xuyên 2 tuần một lần.
- Tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm về nội dung sinh hoạt tổ, thống nhất trong tổ, thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyên môn gồm:
+ Nội dung chương trình giảng dạy nội khóa - ngoại khóa.
+ Các loại hồ sơ chuyên môn của cá nhân giáo viên và của tổ chuyên môn, kế hoạch hoạt động của cá nhân, của tổ chuyên môn...
+ Quy trình, tiêu chuẩn đánh giá xếp loại giờ dạy theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Nội dung, phương pháp soạn giáo án bộ môn đối với tất cả giáo viên.
Quy trình kiểm duyệt giáo án của tổ trưởng chuyên môn theo sự ủy quyền của Hiệu trưởng.
+ Nội dung kiểm tra, cho điểm, đánh giá phân loại học sinh theo khối lớp, theo bộ môn.
+ Lựa chọn phương pháp giảng dạy đối với bộ môn.
+ Rà soát chương trình để thống nhất những tiết giảng thực hành có thể tiến hành ở phòng học bộ môn, những tiết có đồ dùng thí nghiệm mới được bổ sung hoặc làm mới.
+ Những chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học.
+ Bàn bạc, rút kinh nghiệm dạy học sinh giỏi, khá và phụ đạo học sinh yếu, kém. Phân công giáo viên phụ trách các công việc này trong năm học mới.
+ Thống nhất mục tiêu, yêu cầu của từng tiết dạy trong chương trình giảng dạy, cũng như hình thức, nội dung soạn bài của tổ.
+ Trao đổi, thảo luận những bài soạn khó trong chương trình, từ đó sắp xếp thời gian biểu cho tổ thao giảng, rút kinh nghiệm trong các tuần hoạt động.
- Hiệu trưởng phải là người đi đầu trong sinh hoạt chuyên môn; phải hiểu biết đầy đủ các mục tiêu, nội dung, phương thức sinh hoạt chuyên môn;
phải kiên trì tổ chức hướng dẫn các giáo viên trong nhà trường thực hiện sinh hoạt chuyên môn; đồng thời phải chăm lo các điều kiện, phương tiện trong và ngoài nhà trường phục vụ giáo viên thực hiện sinh hoạt chuyên môn.
- Bên cạnh đó, hiệu trưởng phải thường xuyên tổ chức hợp lý việc lấy ý kiến của giáo viên và học sinh về chất lượng giảng dạy, giáo dục của từng giáo viên trong nhà trường; Đánh giá sát và đúng trình độ, năng lực và sự phù hợp trong sinh hoạt chuyên môn của từng giáo viên trong nhà trường, từ đó, kịp thời động viên, khen thưởng cho những giáo viên thực hiện sinh hoạt chuyên môn mang lại hiệu quả.
- Hiệu trưởng cũng cần phải biết phân công hợp lý để lãnh đạo các tổ chức trong nhà trường tham gia có hiệu quả sinh hoạt chuyên môn.
- Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn quản lý các hoạt động chuyên môn theo dõi hoạt động dạy và học, bố trí sắp xếp thăm lớp, dự giờ, thao giảng, thực hiện các chuyên đề về sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra đánh giá sinh hoạt chuyên môn của giáo viên,…
- Phó hiệu trưởng phụ trách CSVC chỉ đạo các bộ phận phục vụ chuẩn bị:
+ CSVC, TBDH, tài liệu tham khảo,… phục vụ sinh hoạt chuyên môn + Liên hệ với các cơ quan, đơn vị ngoài trường để tổ chức tham gia học tập, hoạt động ngoại khóa.
+ Chỉ đạo phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên tích cực hưởng ứng, thường xuyên đôn đốc, chuẩn bị các hoạt động sinh hoạt chuyên môn.
- Tổ trưởng chuyên môn phải xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán về thực hiện sinh hoạt chuyên môn; Chuẩn bị các chuyên đề, các hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa phục vụ sinh hoạt chuyên môn; Lập danh sách phân công giáo viên đăng ký thao giảng, thực tập sư phạm; Phân công giáo viên bộ môn dạy khối, lớp có định hướng trong việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn cho phù hợp với khả năng của từng giáo viên và có định hướng bồi dưỡng phát triển lâu dài.
- Các tổ chuyên môn phải thường xuyên tổ chức việc dự giờ, thao giảng, tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực, động viên tinh thần cầu thị trong việc tự bồi dưỡng của giáo viên, giáo dục ý thức khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Đánh giá đúng đắn và đề xuất khen thưởng đối với những giáo viên tích cực thực hiện sinh hoạt chuyên môn có hiệu quả. Tổ chuyên môn có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện sinh hoạt chuyên môn, cần được xây dựng như một “trung tâm” bồi dưỡng giáo viên nhằm giúp giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn.
- Kiểm tra việc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn;
- Dự giờ thăm lớp;
- Tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn;
- Thu thập các nguồn tin phản ánh về sinh hoạt chuyên môn thông qua các kênh thông tin từ Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, giáo viên, học sinh và đặc biệt qua phản ánh của tổ trưởng chuyên môn.
3.2.2.3. Điều kiện thực hiện
- Hiệu trưởng phải là người gương mẫu đi đầu trong sinh hoạt chuyên môn; hướng mọi hoạt động của nhà trường vào mục tiêu nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh, nâng cao hiệu quả làm việc của các thầy cô giáo; động viên, khích lệ mọi thành viên trong nhà trường tích cực tham gia phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực”.
- Để thực hiện tốt kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn, Hiệu phó chuyên môn, Hiệu trưởng có trách nhiệm:
+ Giải đáp những thắc mắc của giáo viên trong cuộc họp để đảm bào sự đồng thuận của giáo viên trong việc thực hiện sinh hoạt chuyên môn.
+ Cùng giáo viên thảo luận những khó khăn có thể gặp phải và tìm phương án giải quyết.
+ Chỉ đạo sâu sát hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Là người điều hành chính trong buổi sinh hoạt chuyên môn, là người đặt các câu hỏi hoặc nêu vấn đề trọng tâm để định hướng cho giáo viên thảo luận.
+ Xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của nhà trường, kiên định thực hiện kế hoạch.