CHƯƠNG 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHUYÊN MÔN TRƯỜNG THCS Ở HUYỆN MÊ LINH, HÀ NỘI
3.2. Đề xuất biện pháp quản lý hoạt động của tổ chuyên môn của Hiệu trưởng trường THCS ở huyện Mê Linh, Hà Nội
3.2.5. Xây dựng tổ chuyên môn thành “Tổ chức biết học hỏi”
3.2.5.1. Mục tiêu của biện pháp
- Hiệu trưởng làm tốt việc quản lý công tác tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên góp phần khuyến khích cá nhân giáo viên có động cơ, hăng hái công tác, tăng kiến thức, kĩ năng sư phạm, phát triển chuyên môn, nâng cao sự tự tin của giáo viên, góp phần tăng cường tinh thần và năng lực hợp tác trong hoạt động tổ chuyên môn, nêu cao tinh thần học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong tổ chuyên môn.
- Nó có tác động tích cực trong việc nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng rèn luyện kĩ năng nghiệp vụ sư phạm của giáo viên. Từ đó góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên nhà trường ngày càng có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên được học hỏi thường xuyên, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy, trong việc giáo dục học sinh, có điều kiện cập nhật kiến thức trong quá trình giảng dạy.
- Nó giúp cho Hiệu trưởng nắm bắt được trình độ, ý thức tự rèn luyện tu dưỡng đạo đức, khả năng tự học, tự vươn lên về chuyên môn của mỗi giáo viên trong các tổ, từ đó có biện pháp chỉ đạo tốt hơn trong hoạt động tổ chuyên môn.
- Giúp cho Hiệu trưởng nắm bắt được năng lực chuyên môn của mỗi giáo viên, từ đó có căn cứ để phân công chuyên môn hợp lý, phù hợp, đúng người, đúng việc ngay từ đầu năm học nhằm phát huy hiệu suất lao động của đội ngũ giáo viên trong nhà trường.
- Giúp cho giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, có nhiều suy nghĩ trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi.
- Một hiện thực trong thực tiễn các nhà trường hiện nay là việc giáo viên tự học tự bồi dưỡng chưa tự giác, chưa thường xuyên, do nhiều nguyên nhân trong đó có tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, do cơ chế chạy theo thành tích ảo, nên chưa tạo ra sức ép về chất lượng thực, chưa có yêu cầu cao trong việc bảo vệ thương hiệu nhà trường đối với đội ngũ giáo viên, hạn chế này còn do ảnh hưởng của cung cách quản lý cũ, chính bản thân đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cũng chưa tích cực trong việc tự học, tự bồi dưỡng. Nên nếu làm tốt công tác quản lý việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên nó sẽ có tác dụng kép cho cả đội ngũ giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở mỗi nhà trường.
3.2.5.2. Nội dung và cách thức thực hiện
- Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường thống nhất với các tổ chuyên môn, bàn bạc lên kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên hàng năm, tùy theo tình hình đội ngũ của nhà trường để bổ sung nội dung học tập, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
- Hiệu trưởng cùng với các tổ trưởng chuyên môn lập kế hoạch. Phân công cụ thể cho từng giáo viên nghiên cứu những vấn đề cần thiết để thảo luận trước tổ trong buổi họp chuyên môn và phương pháp, cách thức, trình tự triển khai những bài khó, những phương tiện cần sử dụng trong bài. Những chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy; giáo viên được phân công chủ động nghiên cứu, nêu vấn đề, cả tổ thảo luận, bàn bạc đi đến thống nhất chung.
- Hiệu trưởng ủy quyền cho tổ trưởng chuyên môn lên kế hoạch phân công trong tổ kèm cặp lẫn nhau về chuyên môn, người có năng lực giỏi bồi dưỡng, kèm cặp giúp đỡ người yếu, đặc biệt với những giáo viên trẻ mới ra trường, cần phân công những giáo viên có trách nhiệm, hướng dẫn chu đáo, phân công hợp lý để những đồng chí này có thời gian đi dự giờ học hỏi đồng nghiệp.
- Ngay từ đầu năm học Hiệu trưởng chỉ đạo tổ chuyên môn bàn bạc lập kế hoạch, phân công các thành viên trong tổ chọn nội dung để viết sáng kiến kinh nghiệm trong năm học. Phải coi việc viết sáng kiến kinh nghiệm là việc làm bắt buộc đối với cán bộ giáo viên, thì công việc mới được coi trọng, thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức, do đó cần cải tiến cách viết, đề xuất sáng kiến sao cho ngắn gọn có hiệu quả.
- Quy định cụ thể trong bản kế hoạch cá nhân phải đăng ký vấn đề, nội dung tự học, tự bồi dưỡng, đăng ký sáng kiến kinh nghiệm, tổ trưởng tổng hợp theo dõi, kiểm tra trực tiếp, đồng thời Hiệu trưởng hoặc phân công cho các Phó Hiệu trưởng theo dõi, báo cáo tiến độ thực hiện hàng tháng, học kỳ.
- Quy định tất cả giáo viên phải có sổ tự học, tự bồi dưỡng, đây là một loại hồ sơ bắt buộc.
- Hàng năm cùng với tổ trưởng chuyên môn, Hiệu trưởng phải tiến hành phân loại, đánh giá năng lực của từng giáo viên trong tổ, từ đó mới có căn cứ phân công giáo viên kèm cặp, giúp đỡ lẫn nhau về chuyên môn, đồng
thời đó cũng là động lực thúc đẩy mọi giáo viên đều tích cực trong việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức, hiểu biết xã hội của bản thân mỗi người. Để phân loại giáo viên được chính xác, Hiệu trưởng phải sử dụng nhiều kênh thông tin như: qua thăm lớp dự giờ, qua phiếu thăm dò ý kiến đánh giá từ phía học sinh, cha mẹ học sinh, từ đánh giá nhận xét của tổ chuyên môn, đây là việc làm hết sức cần thiết trong công tác quản lý, lãnh đạo nhà trường, nó giúp cho Hiệu trưởng nắm bắt được tình hình chất lượng đội ngũ để có kế hoạch bồi dưỡng, sử dụng, phân công chuyên môn phù hợp với năng lực, khả năng chuyên môn của từng người.
- Đầu năm học Hiệu trưởng lên kế hoạch về việc tổ chức các hội thi, các chuyên đề trong nhà trường, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chuyên môn lên kế hoạch, lịch trình tổ chức các chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyên đề về bồi dưỡng học sinh giỏi, chuyên đề về ngoại khóa, hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp, giáo viên với công tác đội, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện ... Đối với những môn ít tiết trên tuần, ít giáo viên như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật ..., phải có kế hoạch liên kết với các trường trong cụm để tạo cơ hội cho giáo viên được sinh hoạt chuyên môn sâu của bộ môn, có điều kiện giao lưu học hỏi. Để những hoạt động này có tác dụng thực sự, sau mỗi lần tổ chức đều phải có tổng kết, khen thưởng, phê bình kịp thời, để động viên khuyến khích mọi người tích cực tham gia.
3.2.5.3. Điều kiện thực hiện
- Hiệu trưởng nhà trường chủ động xây dựng được kế hoạch hoạt động của cá nhân Hiệu trưởng và của cả đơn vị ngay từ đầu năm học, từ đó mới triển khai cho các tổ và có yêu cầu cụ thể về việc triển khai, kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành trong từng thời điểm, của mỗi cá nhân.
- Tổ trưởng chuyên môn phải có năng lực quản lý, điều hành tổ chuyên môn thức hiện công việc lớn như tổ chức chuyên đề, thao giảng, ngoại khóa có đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời, từ đó sẽ thu hút được sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của mọi thành viên trong tổ mình.
- Nhà trường phải có Hội đồng khoa học có đủ khả năng đánh giá đúng tác dụng của các sáng kiến kinh nghiệm, đồng thời chỉ ra được những tồn tại của các bản sáng kiến kinh nghiệm chưa tốt, khi đó mọi người sẽ tham gia với tinh thần trách nhiệm và tự giác hơn.
- Mọi người trong đơn vị đều có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức vươn lên trong lao động, trong việc làm, có ý thức xây dựng uy tín của nhà trường đối với nhân dân, đối với phụ huynh và học sinh.
- Nhà trường phải có đủ những điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập của thầy và trò, có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương và của ngành giáo dục.