7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
1.4 VĂN HỌC – ĐIỆN ẢNH VÀ MỐI QUAN HỆ KHÁC BIỆT
1.4.1 KHÁC BIỆT VỀ ĐẶC TRƯNG HÌNH THÁI HỌC NGÔN NGỮ
Đặc trưng hình thái học ngôn ngữ là đặc trưng cơ bản nhất. Từ khác biệt về đặc trưng ngôn ngữ đã tạo nên sự khác biệt của hai loại hình tượng nghệ thuật, hai loại tác phẩm và hai loại hình nghệ thuật khác nhau là văn học và điện ảnh. Đồng thời cũng tạo nên hai dạng nghệ sĩ có tài năng khác nhau là nhà văn và đạo diễn cùng êkíp làm phim.
Đặc trưng ngôn ngữ của văn học là nghệ thuật đơn với một chất liệu duy nhất là ngôn từ. Ngôn từ văn học gồm ngữ âm và ngữ nghĩa gắn liền với nhau để tạo nên ý nghĩa nội dung của từ, câu, đoạn… Vì vậy, yêu cầu đầu tiên của sáng tác và cảm thụ văn học là phải thông hiểu tiếng nói. “Trong ngôn ngữ văn học, nếu không có ngữ nghĩa, không hiểu nghĩa, thì phần âm thanh (của ngữ âm), phần hình vẽ (của chữ viết) cũng không giúp ích gì cho người đọc” [168, tr.11].Sự kết hợp của ngữ nghĩa và ngữ âm trong ngôn từ văn học đã làm nên những áng văn thơ bất hủ như “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau
sầm sập như trời đổ mưa” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, hay hình ảnh
“Đầu súng trăng treo” trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, hoặc câu thơ
“Những dòng sông đỏ nặng phù sa” trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi …đó là âm nhạc, hội họa nằm trong ngữ nghĩa của ngôn từ và người thưởng thức cũng phải có vốn kiến thức nhất định mới có thể hiểu hết ý nghĩa. Sự tinh tế sâu sắc trừu tượng của những ngôn từ văn học thường rất khó để chuyển thành hình ảnh và âm thanh trên màn ảnh.
Ngôn ngữ văn học có tính “phi vật thể” nên không bị hạn chế trong miêu tả cái vi mô và vĩ mô. Văn học có khả năng hấp thụ vào tác phẩm mọi vấn đề của cuộc sống xã hội từ thời cổ đại đến hiện đại. Từ những vấn đề lớn lao của triết học, đạo đức học, xã hội học đến những lĩnh vực bao la rộng mở của khoa học, nghệ thuật…và những sinh hoạt đời thường trong cuộc sống.
Ngôn ngữ điện ảnh tuy cũng có khả năng phản ánh giống văn học nhưng bị hạn chế ở Tính ước lệ, nên không thể chuyển thể tất cả những gì văn học miêu tả lên phim, mà phải chọn lựa những chi tiết phù hợp. Màn ảnh dù là cỡ rộng, cũng chỉ có một khuôn khổ nhất định. Nó không thể chứa đựng nổi cả một tiểu đòan triển khai trên thực địa hoặc cả một tuyến tên lửa dài hàng trăm cây số.
Tập trung người, tập trung pháo để có cảnh quay như trong đời sống thật là rất cần thiết vì màn ảnh tạo cho người xem trong giây lát một cảm giác tương đương với cảm giác của người đang chứng kiến trên thực địa.
Ngày nay, nhờ công nghệ kỹ thuật cao, điện ảnh đã khắc phục được phần nào nhưng vẫn chưa thể sánh bằng khả năng phản ánh của ngôn ngữ văn học. Vì vậy, câu chuyện của văn học khi lên màn ảnh thường có sự khác biệt nhất định nhưng vẫn phải đảm bảo tính tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm. Những bộ phim chuyển thể được đánh giá có ngôn ngữ điện ảnh xuất sắc như phim Anh hùng thành Troy dựa theo Trường ca Iliát của Homer, phim Benhur dựa theo tác phẩm cùng tên của Lew Wallace thời La Mã cổ đại…Hay những bộ phim nổi tiếng về con người thời hiện đại như Cuốn theo chiều gió, Forest Gump (Mỹ),
Bác sĩ Zhivago (Ý), Những người khốn khổ (Pháp), Chiến tranh và hòa bình (Nga) Cao lương đỏ (Trung Quốc)...
Ngôn ngữ viết là công cụ duy nhất để nhà văn sáng tạo nên tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim truyện được hình thành qua quá trình tham gia của nhiều thành phần: biên kịch, đạo diễn, diễn viên và cả tập thể đông đảo các nghệ sĩ và chuyên gia…Kết hợp với nhiều loại máy móc kỹ thuật thiết bị để tạo nên ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh. Vì vậy,“Phim ảnh tốn thời gian, tiền của, nhân sự nhiều hơn nên nó là nghệ thuật quy mô nhất”(Lê Dân) [25, tr.9] Trong phim Chiến tranh và hòa bình, cảnh trận chiến nổi tiếng Austerlitz (có tên là trận Tam hoàng của ba hoàng đế Pháp, Nga và Áo) được dựng lại trong một không gian đồ sộ hoành tráng. Để tái dựng được trận chiến nổi tiếng trong lịch sử như nhà văn miêu tả, các tác giả điện ảnh phải có sự hỗ trợ rất nhiều về kinh phí, kỹ thuật để tái hiện bối cảnh khói lửa chiến tranh, cùng sự tham gia của một tập thể đông đảo hàng ngàn diễn viên binh sĩ cùng các thành phần sản xuất phim….Tất cả đã kết hợp làm nên ngôn ngữ điện ảnh. Cảnh trận chiến Austerlitz được miêu tả từ văn học đến điện ảnh đã thể hiện rõ tính tổng hợp của ngôn ngữ điện ảnh.
Nhà nghiên cứu lỗi lạc Nga Biêlinxki đã viết: “Thơ văn mang trong mình tất cả các yếu tố của các nghệ thuật khác, nó như đồng thời sử dụng không tách rời phương thức của tất cả các loại hình nghệ thuật riêng biệt. Thơ văn chính là toàn bộ nghệ thuật” [19, tr.91] Tính tổng hợp của văn học diễn ra thông qua trí tưởng tượng của mỗi người đọc, được miêu tả qua ngữ nghĩa. Sự hình dung đó đúng hay không đúng với sự vật được miêu tả, còn tùy thuộc ở sự trình độ hiểu biết và sự từng trải của mỗi người đọc. Nhờ trí tưởng tượng được miêu tả qua ngữ nghĩa, văn học có khả năng cực kỳ phong phú mạnh mẽ và tinh tế về mặt miêu tả và biểu hiện thế giới vĩ mô bên ngoài và thế giới vi mô bên trong con người và hiện thực. Nói về thế mạnh của của ngôn từ văn học, nhà nghiên cứu
Huỳnh Như Phương nhận xét: “Văn học vừa là nghệ thuật ngôn từ, vừa là nghệ thuật khắc phục ngôn từ và vượt qua ngôn từ” [118, tr.154]
Tính tổng hợp ở ngôn ngữ điện ảnh bao gồm nhiều bộ môn và diễn ra trực tiếp ngay trước mắt khán giả. Khi xem phim khán giả được thưởng thức cùng một lúc nhiều loại hình nghệ thuật: văn học, kịch nghệ, âm nhạc, ca múa, hội họa, kiến trúc. Các bộ môn nghệ thuật khi đến với điện ảnh, phải kết hợp với nhau chặt chẽ, nhuần nhuyễn như một hợp kim, thể hiện trực tiếp ở hầu hết các công đoạn sản xuất phim. Sự tổng hợp đó nhằm tạo nên một hiệu quả, có ý nghĩa nhất định về tư tưởng cũng như về thẩm mỹ của phim. Điều đó giúp ngôn ngữ điện ảnh rất gần với cuộc sống và có tính đại chúng.
Khác với ngôn từ “phi vật thể” của văn học, điện ảnh phản ánh thiên nhiên và cuộc sống bằng những hình ảnh cụ thể quay ngay trong hiện thực, khiến cho người xem tưởng như mình đang hòa vào hơi thở nóng hổi của cuộc sống đang diễn biến trên màn bạc.Tất cả những hiện tượng trong thiên nhiên như mưa bão, sấm chớp... Tất cả những cảnh vật, từ đỉnh núi cao chót vót tới đáy sâu của biển cả đều có thể đưa lên màn ảnh, đúng như thật. Tính chân thực của văn học trong phản ánh hiện thực đời sống đã giúp các tác giả điện ảnh có đầy đủ tư liệu để khắc họa những hình ảnh giống như thật trong điện ảnh và làm nên những bộ phim truyện nghệ thuật sinh động.
Phim truyện“Điện ảnh biểu thị không phải qua hình ảnh mà qua mối tương quan của hình ảnh”(Robert Bresson, đạo diễn Pháp) [71, tr.38] Vì vậy, trên phim đạo diễn phải tìm ra những hình ảnh để biểu hiện được nội dung phim.
Chẳng hạn, trong phim Con chim vành khuyên, hình ảnh con chim bé nhỏ, xinh tươi là một “nhân vật”, đồng thời cũng là hình tượng ẩn dụ về bé Nga và hoàn cảnh của em. Bé Nga mồ côi mẹ, sống với cha, tình cảnh “gà trống nuôi con”
của hai cha con ông lái đò được thể hiện qua hình ảnh “một con gà chíp chạy theo chân một con gà trống.”
Hình ảnh con gà mái của bà Hơn và con gà trống của ông Vạn trong phim Bến không chồng thể hiện “sự cô đơn” của hai người. Mỗi lần bà Hơn nhốt con trống vào lồng với con mái thì ông Vạn lại lấy gà trống của mình ra, khiến bà Hơn buồn tủi. ông Vạn đang là một cán bộ mẫn cán, một “thần tượng”cao quý của cả làng, nên ông không thể chấp nhận tình cảm của bà Hơn.
Theo đạo diễn Việt Linh: “ngôn ngữ điện ảnh chính là các“lời ngầm” sau hình ảnh mà tác giả muốn người xem cảm nhận” [72, tr.220] cho nên câu chuyện phim thường phải đơn giản, trong sáng và ngắn gọn (không có nghĩa là sơ lược) nhằm bộc lộ tư tưởng chủ đề rõ ràng. Đối với phim dài, có thể được chia ra nhiều tập (phim Ván bài lật ngửa 8 tập). Ngay cả hình thức thể hiện của phim cũng cần phù hợp với trình độ thụ cảm của đông đảo quần chúng. Nếu người xem không biết chữ, biết tiếng vẫn có thể hiểu ít nhiều về nhạc, họa, kịch câm, múa…được diễn ra trên màn ảnh.
Nói về sự khác biệt về đặc trưng ngôn ngữ giữa văn học - điện ảnh và tính phổ thông đại chúng của ngôn ngữ điện ảnh, Saphi Faye, nhà điện ảnh Senegal phát biểu: “Tôi làm phim để mẹ tôi, một phụ nữ không được cắp sách đến trường có thể đọc được các hình ảnh của tôi” [71, tr.17]
Từ khác biệt về ngôn ngữ đã dẫn đến sự khác biệt về hình tượng nghệ thuật. Lấy ngôn từ làm chất liệu, hình tượng văn học tác động vào tư duy, gợi lên liên tưởng và tưởng tượng trong tâm trí người đọc. Khi tiếp xúc với tác phẩm văn học, người đọc không thể nhìn thấy, nghe thấy trực tiếp bằng thị giác, thính giác những gì mà nhà văn miêu tả. Hình tượng văn học là một thực thể tinh thần, nó “phi vật thể”. Tính phi vật thể vừa là sản phẩm tưởng tượng của nhà văn trong sáng tác, vừa là tưởng tượng của độc giả trong tiếp nhận tác phẩm. Hình tượng văn học tuy thiếu tính trực quan nhưng bù vào sự khiếm khuyết đó, văn học lại có những ưu thế khác. Đó là sự tác động vào thế giới tinh thần của con người, kích thích sự liên tưởng, tưởng tượng, tái hiện trong tâm trí con người những cảm nhận bằng thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác...
Khác với văn học, ngôn ngữ điện ảnh sử dụng chất liệu nhìn và nghe như màu sắc, đường nét, hình khối... để xây dựng nên hình tượng. Những chất liệu ấy là những vật thể hữu hình có khả năng tác động trực tiếp đến thị giác và thính giác của con người. Đặc biệt, người diễn viên là sự thể hiện “vật chất” cụ thể của hình tượng nhân vật trên màn ảnh, khác hẳn với hình tượng nhân vật “phi vật thể” trong văn học. Hình tượng đó tác động đến trí tuệ tình cảm của người xem qua những chi tiết từ rất cụ thể đến trừu tượng, từ những chi tiết hữu hình đến những cái vô hình, hư ảo mơ hồ mong manh nhưng có thật trong cảm xúc của con người về thế giới.
Những hình tượng văn học khi chuyển sang điện ảnh, có đem lại cảm xúc cho người xem hay không, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quyết định nhất là sự hóa thân của người diễn viên vào nhân vật. Tuy nhiên, đối với những diễn viên giỏi họ không dừng ở đấy, thông qua cảm xúc nội tâm, người diễn viên góp phần quan trọng khắc họa các hình tượng nghệ thuật, làm giàu cho tính cách nhân vật bằng chính tâm hồn, khát vọng và cả con người của họ.
Bộ phim Chị Tư Hậu là một ví dụ tiêu biểu. Hình ảnh chị Tư Hậu được nhà văn Bùi Đức Ái miêu tả: “Thoạt trông, tôi đoán chừng tuổi chị độ hăm bảy, hăm tám. Làn tóc chị hãy còn đen nhánh, vài sợi xòa nhẹ xuống mép trán. Cằm chị thon thon và đôi gò má hãy còn hây hây ửng đỏ như gò má một cô con gái.
Toàn gương mặt chị lộ vẻ hiền lành và nỗi buồn thầm kín...”[186, tr.6] Qua miêu tả của nhà văn về tính cách, diện mạo của nhân vật trong truyện, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã lựa chọn được dàn diễn viên hợp vai cho phim Chị Tư Hậu. Đặc biệt, đạo diễn đã phát hiện ra Trà Giang để đưa vào vai diễn lớn. Nghệ sĩ Trà Giang lúc đó mới 20 tuổi, chưa lập gia đình, nhưng nhờ sự phối hợp tốt của các thành phần sáng tác (đạo diễn, quay phim, bạn diễn…) chị đã lột tả được những giây phút căng thẳng nhất, tâm trạng phức tạp nhất đối với người phụ nữ có con thơ, chồng đi chiến đấu xa, nên chiếm trọn niềm tin yêu của người xem. Bằng ngôn ngữ nhìn và nghe ấn tượng, giàu cảm xúc, các tác giả điện ảnh đã lí giải
một cách tự nhiên và đầy thuyết phục cội nguồn sức mạnh, giúp chị Tư Hậu từ một người đàn bà đau khổ tuyệt vọng, đã vượt lên số phận của mình để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung.