7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
2.2 NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN THỂ TÁC PHẨM VĂN HỌC SANG KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH
2.2.4 KỊCH BẢN TRONG PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH
Kịch bản văn học điện ảnh thường được gọi tắt là kịch bản văn học hoặc kịch bản điện ảnh, kịch bản phim hay đơn giản là kịch bản. Đây là khâu chuẩn bị đầu tiên quan trọng để xây dựng nên bộ phim và là một yếu tố có tính chất quyết định nên sự thành công của bộ phim.
Khi bàn về vai trò vị trí của kịch bản trong sản xuất phim truyện, các nhà nghiên cứu điện ảnh nhận định mỗi công đoạn sáng tạo và sản xuất của điện ảnh đều có vị trí quan trọng trong thành công chung của bộ phim. Tuy nhiên, sáng tác kịch bản văn học điện ảnh, có thể là một trong những công đoạn quan trọng
nhất, bởi kịch bản là yếu tố đầu tiên, giữ vai trò nền móng, là bản thiết kế trên giấy của bộ phim tương lai.
Các nhà làm phim vẫn thường cho rằng có kịch bản phim hay là đã nắm chắc 60% thành công của phim. Thành công của một bộ phim phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng có thể khẳng định một kịch bản được viết tốt, sẽ đảm bảo có một bộ phim tốt, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí và công sức của cả tập thể làm phim. Martin Scorsese – Đạo diễn người Mỹ phát biểu: “Tôi không thể tưởng tượng có thể sáng tạo hoàn toàn một bộ phim, tức quay mà không có kịch bản. Kịch bản luôn là điều cốt yếu.” [72, tr.18].
Kịch bản có nhiệm vụ tạo nên khung sườn và hướng đi cho bộ phim tương lai. Đạo diễn Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu nhận định: “Một tác phẩm điện ảnh hay hay dở, điều chủ yếu nằm tại kịch bản có tốt hay không.”[71, tr.15]
và hầu hết các phim truyện của ông đều được chuyển thể từ văn học như phim:
Đèn lồng đỏ treo cao, Cao lương đỏ, Phải sống, Cúc đậu…
Đạo diễn Lê Dân, từng tu nghiệp ở Paris (Pháp), đã làm nhiều phim truyện như Cánh đồng mơ ước, Trang giấy mới, Con mèo nhung, Pho tượng, Áo trắng sân trường, Ông cố vấn… khẳng định:“Không có đạo diễn nào bắt tay vào thực hiện phim mà không có một kịch bản trong tay (…) Bộ phim khi hoàn tất sẽ thành công hay thất bại, cũng bắt nguồn từ kịch bản.” [26, tr.108].
Như vậy, kịch bản là bước đầu tiên để hiện thực hóa những con chữ thành hình ảnh trên phim. Cho nên, một bộ phim chuyển thể từ văn học muốn có chất lượng, phải có kịch bản chuyển thể đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh.
Đặc trưng của kịch bản phim truyện
Trong kịch bản phim truyện, nhà biên kịch chỉ viết những gì sẽ thấy trong phim và điều này sẽ giúp đạo diễn trong việc chuyển hóa câu chữ trong kịch bản thành hình ảnh trên phim.
Hiện nay, để có được kịch bản hay và dễ làm phim vẫn là vấn đề nan giải đối với các nhà điện ảnh trong và ngòai nước. Vì vậy, việc tìm kiếm những tác phẩm văn học hay để chuyển thể sang điện ảnh đã trở thành phổ biến. Muốn có một kịch bản chuyển thể hấp dẫn, cần phải xác định giữa kịch bản điện ảnh và văn học có một sự phân cách hoàn toàn. Nhà biên kịch người Pháp, Bernard Rouquette, chủ nhiệm khoa biên kịch trường điện ảnh Marseille cho rằng:“Kịch bản phải dễ hiểu và phải viết những gì sẽ được quay. Một kịch bản đơn giản, dễ hiểu, điều đó chứng tỏ kịch bản đó đã được viết rất kỹ, rất công phu” [13, tr.30]
Đối với kịch bản chuyển thể, theo các nhà nghiên cứu điện ảnh, có hai cách đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh
Cải biên trung thành theo nguyên bản văn học
Trường hợp này được gọi là “chuyển thể” hoặc “dựa theo”. Nhà biên kịch theo sát đường dây câu chuyện, tôn trọng chiều sâu, thậm chí cả hình thức của tác phẩm văn học gốc. Điều này thường được áp dụng đối với những tác phẩm văn học đã nổi tiếng thế giới như Cuốn theo chiếu gió, Chiến tranh và hòa bình, Hội chợ phù hoa, Những người khốn khổ, Bố già...
Trong văn học và điện ảnh Việt Nam có tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng và phim cùng tên của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chuyển thể thành kịch bản phim Người đàn bà mộng du, truyện ngắn Thương nhớ đồng quê, Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được chuyển thể thành kịch bản phim cùng tên…
Cải biên tự do
Trường hợp này thường được gọi là “phỏng theo”. Nhà biên kịch lựa chọn trong tác phẩm gốc những yếu tố thích hợp theo cách riêng của mình, hoặc theo ý muốn của nhà sản xuất để đưa lên phim. Tùy theo từng trường hợp, nhà biên kịch có thể thay đổi từng phần trong tác phẩm. Đó là phim Mê thảo - Thời vang
bóng, phỏng theo tác phẩm Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh phỏng theo Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Cách trình bày kịch bản
Kịch bản là giai đọan trung chuyển không thể thiếu từ văn học sang điện ảnh, để khởi đầu cho quá trình sản xuất tác phẩm điện ảnh, mà trong đó yếu tố văn học và kỹ thuật được kết hợp một cách nhuần nhuyễn.
Phim truyện có hai loại kịch bản là kịch bản sáng tác và kịch bản chuyển thể. Cả hai loại kịch bản đều có vai trò như nhau trong quá trình sáng tạo phim và cùng tuân thủ các nguyên tắc chung của kỹ thuật viết kịch bản.
Hình thức của kịch bản có ba phần cơ bản
Phần tên khung cảnh: Phần này ghi vắn tắt trong dòng chữ nằm ở đầu mỗi bối cảnh mới, để chỉ dẫn địa điểm và hiệu quả ánh sáng.
Phần miêu tả: Gồm những dòng chữ miêu tả vắn tắt bối cảnh và những hành động của nhân vật, có cả các yếu tố không thuộc về “ phần lời thọai ”.
Phần lời thọai: Bao gồm tất cả những gì liên quan tới lời thọai, tức là tên nhân vật, giọng nói nếu thấy cần và bản thân lời thọai.
Câu chữ trong kịch bản cần ngắn gọn, rõ ràng. Cách xếp đặt các dòng chữ, cách xuống dòng cần đúng lúc, sao cho dễ đọc, nghĩa là xếp đặt các phần khung cảnh, miêu tả, lời thọai sao cho khớp để cấu thành câu chuyện.
Kịch bản cần phải tránh lối viết “tràng giang đại hải” khiến người đọc cảm thấy mệt ngay khi đưa mắt nhìn vào trang giấy. Trên phim có tiết tấu của hành động nhanh hoặc chậm, trên kịch bản được thể hiện qua độ dài của câu.
Một đọan văn tương đương một cảnh dài, một câu văn bằng một cảnh ngắn. Mỗi đọan văn thường không nên dài quá 5 dòng. Hiệu quả của đọan văn tương ứng với một tiết tấu hình ảnh nhanh hơn hoặc chậm lại, mà đạo diễn sẽ sử dụng trong phim. Với một chủ đích rõ rệt và mang tính chuyên nghiệp, nhà biên kịch sẽ gieo cho người đọc một cảm giác về tiết tấu khi họ đọc đọan văn bằng cách sử dụng các dấu phẩy, dấu chấm.
Trong kịch bản, mỗi phân đọan là một khung cảnh trong nhà, ngoài sân hoặc ngoài đường…Mỗi phân đọan (khung cảnh) lại gồm nhiều cảnh tiếp nối nhau. Mỗi cảnh là một lần bấm máy quay phim, từ lúc khởi đầu cho tới lúc chấm dứt, có kích thước rộng hẹp khác nhau, độ dài cũng khác nhau. Thông thường, một trang viết khi lên phim thường dài từ 45 giây đến 1 phút rưỡi. Nghĩa là một trang kịch bản bằng một phút trên phim. Như vậy, một phim truyện dự tính có thời lượng từ 80 đến 90 phút, sẽ có kịch bản dài khoảng 80 đến 90 trang. Kịch bản phim truyện thường dài khoảng 1 tiếng rưỡi, hoặc tối đa 2 tiếng cho một tập phim màn ảnh rộng.
Những bộ phim được ra đời dựa trên nguyên tác văn học, đặc biệt những tác phẩm đã có vị trí xứng đáng trong lòng độc giả, thường được người xem quan tâm nhiều. Bởi những yếu tố đã được dự báo từ trước trong văn học, càng kích thích sự tò mò trông chờ và hy vọng của người xem, vốn yêu mến hai nghệ thuật gần gũi này. Đó là thuận lợi và cũng là thách thức mà các tác giả điện ảnh cần phải vượt qua, để khẳng định tài năng của mình và cống hiến cho khán giả những bộ phim chuyển thể giá trị.
So sánh một đoạn văn và một phân đoạn kịch bản
Phim Thời xa vắng được nhà văn Lê Lựu cố vấn về văn học nên có sự trợ lực tốt từ cốt truyện đến kết cấu và đặc biệt là nhân vật. Nhà văn Lê Lựu đã sửa lại lời thoại, ngôn ngữ, hướng dẫn về phong tục, tập quán, đồng thời giúp đạo diễn làm một phép cộng giữa phần một của tiểu thuyết Thời xa vắng và truyện ngắn Bến sông của ông. Sau đây là một đoạn văn trong tiểu thuyết và đoạn văn trong kịch bản phim Thời xa vắng.
Đoạn văn trích: tả cảnh Sài và các bạn trong buổi lễ được khen tặng là Thiếu niên Tháng 8 trong tiểu thuyết và kịch bản của đoạn văn đó.
TIỂU THUYẾT
“… Sài là một trong năm thiếu niên tiêu biểu nhất của toàn xã trở thành Thiếu nhi Tháng 8. Giữa cuộc mít tinh của toàn xã Sài dẫn đầu đoàn Thiếu niên Tháng 8 lên
đứng giữa khán đài để nhận danh hiệu vẻ vang. Chú Hà đại diện cho huyện và xã quàng khăn đỏ cho các cháu. Khi chú đến bên, Sài thấy run lên vì sung sướng, Sài chưa biết nói câu gì, chú đã cúi xuống quàng khăn vào cổ cho cháu và nói nhỏ:“Cấm bỏ vợ đấy nhé”
Không ngờ cái câu đó như một tảng đá khổng lồ đè lên người Sài khiến cậu bé 14 tuổi ấy đứng chết lặng và khi bạn đẩy lên hứa hẹn cậu mới tỉnh ra nói được một câu: “Chúng cháu xin hứa suốt đời thực hiện lời căn dặn của các chú trong buổi tối hôm nay”. Các bạn đều ngơ ngác vì những buổi tập duyệt của Sài suốt mấy ngày nay cho lời hứa hẹn của mình không hề có câu ấy!” [193, tr.42].
KỊCH BẢN
Tại buổi mít tinh ở đình làng Hạ Vị - Ngoại - chiều tối.
Tiếng nói qua loa sắt :
Trong không khí tưng bừng nhộn nhịp phấn khởi, xã ta bước sang một giai đoạn lịch sử mới , nó như những nhành cây non đâm chồi nẩy lộc…
Sài bé đứng giữa những bạn thiếu nhi chăm chú lắng nghe.
…Tiêu biểu cho những mầm non ấy là những em thiếu nhi đã được cấp trên xét duyệt là Thiếu niên Tháng 8 đầu tiên của xã nhà…Đề nghị đồng bào nhiệt liệt hoan nghênh bằng những tràng pháo tay dòn dã
Trong tiếng vỗ tay, nghe những lời bình luận của đám trẻ chung quanh Sài bé cúi đầu, mặt tối xầm
Đứa trẻ 1: Nhưng bạn ấy công tác tốt Đứa trẻ 2: Không xứng đáng…
Đứa trẻ 3: Chăm học, học giỏi nhưng không có đạo đức.
Đứa trẻ 4: Không được….
Người phụ trách nhắc nhở : Nhanh nhanh ra đi các em.
Một đám 5 em thiếu nhi, trong đó có Sài bé tách ra, Sài bé lết bước lên khán đài, dừng chân hẳn khi nghe đứa trẻ 4 lầu bầu không rõ lời.
Người phụ trách : …Em nói gì ?
Đứa trẻ 4 (đứng phắt ra, nói ấm ức một mạch ): Bạn Sài chê vợ, không xứng đáng làm Thiếu niên Tháng 8
Người phụ trách (vẻ nghiêm khắc) Em nói thế là vô kỷ luật. Em Sài đã được tất cả đoàn thể lựa chọn. Chăm học, học giỏi, công tác tốt. Còn chuyện vợ con, em Sài sẽ phải biết lo đến vai trò gương mẫu của mình. Có đúng không Sài?
Sài bé lắp bắp: Vâng vâng…
Người phụ trách định đi, nhưng hỏi lại : Em thuộc lòng chứ, Chắc không?
Sài bé gật đầu, vẻ căng thẳng. Thấy người phụ trách còn nghi ngờ, Sài bé trả bài : Anh yên tâm, em thuộc rồi mà. Thưa các bác , các chú, trước mặt cả xã, chúng cháu xin hứa sẽ hoàn toàn xứng đáng với sự tin tưởng của các bác các chú
Yên tâm, người phụ trách đưa loa cho Sài bé, nó cầm lấy xúc động hiện rõ trên mặt. Người phụ trách đi xuống (hướng về phía các em thiếu niên không được đề cử):
Trống lên!
Trên khán đài, ông Hà đang quang khăn đỏ cho em thứ 2 trong 5 em, trong tiếng trống rộn rã, dưới ánh đèn măng sông.
Em thứ 4, quay sang hỏi Sài bé, vẻ quan tâm thật sự: Thuộc thật chưa ?
Sài bé gật đầu chắc chắn nhưng mặt vẫn căng thẳng bởi sự kiện choáng ngợp. Để vững lòng tin, nó lẩm nhẩm rà lại lời hứa được học thuộc lòng
Bên dưới khán đài: Tuyết trong đám cùng lứa tuổi ngóng nhìn, mặt sung sướng được ghìm nén lại. Ông bà Đồ trong đám dân làng lớn tuổi, hãnh diện, hớn hở, rạng rỡ.
Trên khán đài: Ông Hà thấy rõ Sài bé tập trung cao độ, lẩm nhẩm lời lời hứa được học thuộc lòng, tay nắm chặt loa. Ông Hà vừa quàng khăn đỏ cho em thứ 4 xong, nói lời khen Sài bé: Các bác , các chú cả xã rất hãnh diện vì cháu.
Vừa nói Ông Hà vừa bước đứng trước mặt Sài bé. Nó run bắn lên, sự căng thẳng kích thích cao độ làm nó luống cuống hẳn. Ông Hà cúi xuống quàng khăn vào cổ cho cháu, vừa cười vừa nói nói nhỏ: Này…Hứa phải yêu vợ đấy nhé.
Vẻ hớn hở im tắt ngay trên mặt Sài bé, nó đứng chết lặng. Cả 4 đứa trẻ chăm chú nhìn Sài bé chờ đợi.
Em thứ 4 đẩy Sài bé nhắc nhở: Sài …Bạn Sài nói đi…
Như vừa thức tỉnh cơn mê, Sài bé luống cuống đưa loa lên nói như cái máy:
Thưa các bác các chú, cháu xin hứa suốt đời sẽ yêu vợ.
Tốp trẻ ngơ ngác nhìn Sài bé vẻ không hiểu. Em thứ 4 hậm hực huých vào Sài bé, gắt: Sao bạn không nói cái bài đã học thuộc ?
Sài bé vẫn như mất hồn. Ông Hà thoạt đầu vẻ bất ngờ, mỉm cười, rồi đưa tay lên vỗ, đám đông vỗ theo. Rồi tiếng trống vang ầm lên. Tất cả dân làng vỗ tay nhiệt tình.
[239, tr.19-20].
Đoạn văn trong tiểu thuyết và đoạn văn trong kịch bản đều miêu tả buổi mít tinh. Trong văn học, mỗi người đọc có thể tưởng tượng khác nhau về không khí buổi lễ và những người xung quanh Sài, đặc biệt là tâm trạng thái độ của nhân vật Sài, khi được khen là thiếu niên tháng 8 và bị nhắc nhở phải “yêu vợ”.
Điều đó làm Sài lúng túng, sợ sệt, xấu hổ và đọc sai lời tuyên thệ. Đoạn văn thể hiện rõ tính chất bi hài kịch của đứa trẻ mới hơn mười tuổi đã bị ép phải “yêu vợ” và điều đó là “tiêu chuẩn”để đánh giá “thiếu niên tháng 8”.
Trên phim người xem được thấy rõ không khí buổi lễ, thái độ của anh phụ trách, chú Hà và đặc biệt của các bạn của Sài, đã tác động mạnh đến tâm trạng của Sài, khiến em không dám ngẩng mặt lên. Mặc dù đã học thuộc lời tuyên thệ, thậm chí còn đọc lại cho anh phụ trách nghe, nhưng lên khán đài, Sài lại hô:
“Cháu xin hứa yêu vợ suốt đời ”. Hành động, cử chỉ của Sài khiến người xem phải cười ra nước mắt.
Cùng một nội dung qua hai hình thức biểu đạt của văn học và điện ảnh đã mang lại những cảm nhận khác nhau. Ở văn học tác động đến suy nghĩ tình cảm của mỗi người đọc qua sự tưởng tượng. Trên phim sự việc hiện lên rõ ràng cụ thể, nên tạo ra cảm xúc vui buồn ngay tức thì đối với người xem.