THỜI KỲ PHIM CÓ ÂM THANH ĐẾN NAY

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 141 - 148)

7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

3.1 NHỮNG BỘ PHIM CHUYỂN THỂ TỪ VĂN HỌC IN DẤU ẤN

3.1.2 THỜI KỲ PHIM CÓ ÂM THANH ĐẾN NAY

Cuối thập niên 1920, âm thanh ra đời, nhanh chóng làm cho phim truyện càng trở nên hấp dẫn và lôi cuốn khán giả hơn. Sự ra đời của nhạc và tiếng động đã dẫn đến việc hình thành các thể loại phim mới, tiêu biểu nhất là phim ca nhạc. Từ đây, điện ảnh đã xuất hiện phương pháp sáng tác hoàn toàn mới, được hình thành dần bằng con đường tổng hợp những yếu tố thị giác và thính giác.

Bước ngoặt về âm thanh đã mở ra hướng phát triển cho công nghiệp sản xuất phim ở từng quốc gia. Nhà nghiên cứu Iêc-Gi Te-Plix cho rằng:“Điện ảnh có tiếng là thứ công cụ hoàn chỉnh trong tay người nghệ sĩ hơn hẳn điện ảnh câm già cỗi. Khi sử dụng âm thanh tác giả có thể đạt được âm điệu rộng lớn của những sắc thái nhằm miêu tả những cảm xúc tư tưởng phức tạp và đa dạng của con người.” [33, tập2, tr.399]

Sự thay đổi phát triển của các hình thức thể hiện của phim truyện, đã làm cho nội dung các tác phẩm điện ảnh ngày càng lôi cuốn người xem. Phim có âm thanh đồng nghĩa với “phim nói”ra đời, đã tạo cho điện ảnh một sức sống mới, đạo diễn lừng danh người Mỹ George Cukor nhận xét: “Lúc phim nói mới ra đời người ta như bị âm thanh của nó làm cho mê mẩn [24, tr.578] Phim nói đã đem đến cho điện ảnh những sắc thái mới phong phú của các hình tượng nghệ thuật ngôn từ và âm thanh.

Sự xuất hiện của âm thanh đã là động lực thúc đẩy sự ra đời và phát triển của nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Trên cơ sở khoa học và công nghệ, điện ảnh từng bước hoàn thiện dần từ màn ảnh vừa đến màn ảnh rộng, rồi màn ảnh toàn cảnh; từ độ dài 5 phút, 10 phút đến những bộ phim dài hàng trăm phút, thậm chí hàng ngàn phút và được chia ra nhiều tập. Nhiều bộ phim câm chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng, nay lại được chuyển sang “phim nói,” ở hầu hết các nước đã có nền điện ảnh phát triển.

Nhu cầu muốn được xem những bộ phim nói bằng chính tiếng mẹ đẻ của khán giả ngày càng cao, đã thúc đẩy điện ảnh nhiều nước phát triển. Năm 1929,

phim nói tiếng nước ngoài ra đời. Mỹ là nước đầu tiên sản xuất các phim biến thể nói tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Ý, Nga …bằng phương pháp lồng tiếng thay cho thuyết minh.

Năm 1930, tuyển tập kịch bản điện ảnh đầu tiên được xuất bản tại Matxcơva, khẳng định vững chắc vai trò của kịch bản như cơ sở tư tưởng và nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh, mở đầu cho những công trình nghiên cứu nghiêm túc về kịch bản văn học điện ảnh sau này.

Năm 1935, bộ phim truyện dài Becky Sharp của Mỹ, “Lần đầu tiên được quay bằng kỹ thuật màu( technicolor)” [24, tr.580] Từ đây, quá trình sử dụng phim màu thực sự như một phương tiện biểu hiện của điện ảnh. Giao lưu văn hóa quốc tế phát triển. Hàng trăm liên hoan phim quốc tế được tổ chức trong đó có những liên hoan phim được xếp hạng A nhưCannes, Matxcơva, Venise…

Năm 1939 Cuốn theo chiều gió, bộ phim màu đầu tiên đã làm nên kỷ lục ấn tượng trong lịch sử điện ảnh với 10 tượng vàng Oscar, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Margơrit Mitchel. Câu chuyện từ văn học đến phim được đặt trong bối cảnh lịch sử của cuộc nội chiến Nam Bắc phân tranh một bên là miền Bắc, đại diện cho lực lượng tiến bộ, chủ trương thủ tiêu chế độ nông nô và một bên là miền Nam, đại diện cho những lực lượng bảo thủ, ngoan cố duy trì chế độ nô lệ da đen. Tác phẩm khơi dậy tình yêu quê hương xứ sở, yêu thương đồng loại, giúp con người có thêm nghị lực, kiên nhẫn để vượt qua đau thương gian khổ do chiến tranh gây ra.

Nữ văn sĩ Magơrit Mitchel đã xây dựng tài tình những nhân vật hết sức điển hình, tiêu biểu cho những cá tính, quan niệm độc đáo như nhân vật nữ xinh đẹp Scarlett và Rhett Butler, người đàn ông điển trai thông minh nhưng đầy tham vọng, thực dụng. Sau cuộc tình đơn phương không thành, Scarlett tìm đến những cuộc hôn nhân ngắn ngủi không hạnh phúc. Rồi cô gặp Rhett Butler, người đàn ông phong lưu xuất thân từ một gia đình giàu có. Để thoát khỏi cảnh nghèo và cứu gia đình, Scarlett đồng ý lấy Rhett Butler. Bị cuốn hút bởi vẻ

ngoài khả ái và bản tính bướng bỉnh của Scarlett, Rhett Butler tìm mọi cách chinh phục nàng. Trải qua nhiều biến cố và xung đột, Rhett Butler dứt áo ra đi, bỏ lại Scarlett với một trái tim thương tổn và niềm tiếc nuối khôn nguôi. Lúc này, Scarlett xót xa nhận ra mình cũng đã yêu người đàn ông điển trai thông minh đầy tham vọng ấy. “Ngày mai rồi sẽ sáng”, câu nói cửa miệng của Scarlett như niềm tin hy vọng ở tương lai, đã giúp nàng vững vàng và nâng đỡ biết bao số phận bất hạnh xung quanh nàng. Hai nhân vật chính Scarlett và Rhett Butler đã tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ cho cuốn tiểu thuyết, cũng như phim truyện chuyển thể và “họ là những nhân vật bất hủ trong điện ảnh thế giới” William Clark Gable vai Rhett Butler và Vivien Leigh vai Scarlett đã trở thành cặp ngôi sao điện ảnh huyền thoại [144, tr.80]

Năm 2008, Tiến sĩ người Mỹ Jennnifer Dickey sang Việt Nam. Bà xúc động khi biết cuốn tiểu thuyết và phim Cuốn theo chiều gió rất được yêu thích ở Việt Nam: “Thật tuyệt vời khi được thấy cuốn sách được cảm nhận ra sao dưới các nền văn hóa khác nhau. Đây chính là điều mà tôi nghiên cứu, đó là hiện tượng văn hóa của cuốn sách này”.* Bà Dickey chia sẻ những cảm xúc dâng trào mà các tác phẩm văn học và điện ảnh mang lại cho đông đảo khán giả và những người nghiên cứu văn hóa: “Một câu chuyện thật sự vĩ đại ( tôi đã xem bộ phim 30 lần trong đời).Tôi lập tức đọc sách ngay sau đó. Tôi bị nó cuốn hút nên đọc rất nhanh”. * Bộ phim chuyển thể thành công vang dội khắp thế giới và tiểu thuyết trở thành cuốn sách được nhiều người biết đến nhất.

Sau thắng lợi của Cuốn theo chiều gió, rất nhiều tiểu thuyết nổi tiếng trên văn đàn thế giới được dựng thành phim màu có tiếng, đã giành giải thưởng Oscar danh giá, trở thành những bộ phim kinh điển trong lịch sử điện ảnh như Hămlet nhận giải Oscar năm 1948, Cầu sông Kwai nhận giải Oscar năm 1957, BenHur nhận 11 giải Oscar năm 1959, Bác sĩ Zhivago nhận 5 giải Oscar năm ---

* Báo Thanh niên ngày 11/1/2009

1966, Chiến tranh và hòa bình nhận giải Oscar năm 1967, Bố Già nhận 2 giải Oscar năm 1969, Forest Gump sản xuất năm 1994 nhận 6 giải Oscar …

Nội dung văn học không những hỗ trợ cho các hình thức sáng tác, thủ pháp thể hiện của điện ảnh ngày một phát triển, mà còn góp phần cho điện ảnh mở rộng thêm nhiều thể loại sáng tác mới.

Bộ phim Giai điệu hạnh phúc (The sound of music) là một “viên ngọc quý trong điện ảnh thế giới, chiếm vị trí độc tôn về thể loại phim âm nhạc. Từ câu chuyện có thật về một nhân vật nữ và gia đình Von Trapp trong thế chiến thứ II, nữ tu sĩ người Áo Maria Von Trapp viết thành cuốn tiểu thuyết Câu chuyện những ca sĩ gia đình Trapp (The story of the Trapp Family Singers) và sau đó được dựng thành phim. Lấy cốt truyện từ văn học, bộ phim đã làm rung động hàng triệu khán giả, gợi lên những cảm xúc cao đẹp về tình yêu thiên nhiên, tình người trong sáng và sự dũng cảm mưu trí trước kẻ thù. Ấn tượng nhất là tình yêu âm nhạc tuyệt vời.

Maria, nữ tu yêu đời, yêu nhạc, thích ca hát, đến làm cô giáo cho bảy đứa con của gia đình Von Trapp. Bằng tấm lòng yêu thương, tính cách chân thành giản dị, tài ca hát của cô gia sư trẻ đã chinh phục đám trẻ nghịch ngợm khó bảo.

Chúng chỉ quen tuân phục tiếng còi lệnh của cha, theo kỷ luật quân đội. Ông Georg nghiêm cấm cười đùa, nghiêm cấm âm nhạc, nghiêm cấm mọi thứ có thể gợi lại hình ảnh người vợ đã mất của mình. Maria đã thổi làn gió kỳ diệu của những giai điệu ngọt ngào vào bảy đứa trẻ, làm sống lại tâm hồn tưởng như đã chết của viên thuyền trưởng Georg. Tình yêu như phép nhiệm màu đem lại hạnh phúc cho họ. Cả gia đình sống êm đềm, tươi vui, với thiên nhiên, với âm nhạc giữa không gian thanh bình cùng những người dân bình dị. Câu chuyện đẹp như cổ tích, nhưng cũng đầy kịch tính. Khi quân Đức tràn vào nước Áo, ông Georg bị buộc phải phục vụ cho hải quân Đức và họ tính cách bỏ trốn sang Thụy Sỹ.

Cuộc đào thoát thành công ngoạn mục, một cái kết có hậu làm hài lòng người xem, khi chứng kiến hạnh phúc trọn vẹn của gia đình Von Trapp.

Tác phẩm đã làm khán giả say mê ngay khi nó được dựng thành vở nhạc kịch từ những năm 50, và càng cuốn hút người xem khi được dựng thành phim.

Bộ phim Giai điệu hạnh phúc do đạo diễn Robert Wise dàn dựng đã nhận được 5 giải Oscar năm 1966, gồm các giải: Phim hay nhất, Đạo diễn, Biên tập, Nhạc phim Bài hát xuất sắc nhất.

Sau khi phim công chiếu, Giai điệu hạnh phúc đã phá kỷ lục về lượng người xem tại các rạp chiếu phim trên toàn thế giới. Đặc biệt, một phụ nữ tại Cardiff, xứ Wales, xem bộ phim đến 300 lần và được coi là fan hâm mộ lớn nhất của mọi thời đại. Bộ phim đã giúp Julie Andrews đóng vai Maria trở nên nổi tiếng, cô được báo chí thời đó gọi là “Nữ Hoàng mới của Hollywood”. Sau này, Công ty American Express mở hẳn tour du lịch “The sound of music” để phục vụ du khách tham quan các địa điểm mà bộ phim đã từng quay.[134, tr.98]

Sau phim màu, kỹ thuật điện ảnh phát triển dẫn tới phổ biến phim màu màn ảnh rộng, phim toàn cảnh, phim cỡ rộng 70 mm, phim nhiều màn ảnh, phim có tiếng lập thể, phim 3D…Điện ảnh đã ứng dụng những thành quả khoa học kỹ thuật mới nhất như điện tử hóa, vi tính hóa để tạo nên những tác phẩm hoành tráng, lạ mắt, hoàn hảo về hiệu quả âm thanh hoặc những nét tinh vi nhất trong diễn xuất của diễn viên qua từng cử chỉ nhỏ như nét mặt, ánh mắt, hơi thở, tiếng gió xào xạc. ... Điều đó thể hiện tuyệt vời qua những bộ phim ăn khách tiêu biểu như Chúa tể của những chiếc nhẫn (The lord of the ring) gồm ba phần là ba phim: Hiệp hội của nhẫn, Hai ngọn tháp và Sự trở về của vị vua.

Bộ phim dựa trên tác phẩm Chúa tể của những chiếc nhẫn của nhà văn Anh nổi tiếng JRR Tolkien (1892-1973).Cuốn sách là kết quả sau 14 năm lao động miệt mài căng thẳng của nhà văn, và ra đời khoảng thời gian (1954-1955).

Đó là câu chuyện diễn ra ở một vùng Bắc Âu, khoảng 6.500 năm trước. Nhà văn JRR Tolkien vận dụng điêu luyện những mặt mạnh của thần thoại Bắc Âu, đặc biệt là Phần Lan. Ông miêu tả thật kỳ công và hấp dẫn những cuộc đụng độ giữa các thế lực hắc ám và khát vọng nhân ái của con người, trong thế giới đan xen

giữa con người và ma quỷ, thánh thần và súc vật. Theo các nhà nghiên cứu, nhà văn JRR Tolkien thuộc trường phái Alexandre Dumas, ông không làm văn để giải sầu, để trốn tránh thực tại bi đát hay vô vọng, mà thông qua các chuyện thần thoại ly kỳ, ông muốn nói về thế giới của con người hiện đại. Điều đó đã lôi cuốn các nhà sản xuất phim muốn tái hiện tác phẩm của ông lên màn ảnh. Năm 1997, hãng phim New Line Cinema đã chuyển thể Chúa tể của những chiếc nhẫn thành phim truyện điện ảnh. Bộ phim được khán giả đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt phần ba đã xuất sắc nhận 11 giải Oscar.[111]

Các thủ pháp biểu hiện của điện ảnh ngày càng mới mẻ, thu hút mạnh mẽ người xem như diễn xuất của diễn viên hướng thẳng tới người xem qua độc thọai nội tâm nhân vật, hoặc kết hợp với hoạt hình, tài liệu để bổ sung cho phim truyện. Vì vậy, nội dung của những bộ phim chuyển thể từ văn học ngày càng thu hút sự quan tâm của khán giả.

Vụ đắm tàu Titanic năm 1912 được dư luận báo chí và nghệ thuật chú ý.

Từ những tác phẩm văn học Titanic-The long night của Diane Hol, A night to remember của Walter Lord và các bài viết trên báo chí, các tác giả điện ảnh đã sản xuất đến hàng chục phim Titanic. Trong số đó, bộ phim Titanic sản xuất năm 1997 của đạo diễn tài ba James Cameron được đánh giá là bộ phim hoàn hảo nhất, thành công nhất.

Qua bộ phim, người xem được chiêm ngưỡng những hình ảnh diễm lệ sang trọng của con tàu định mệnh trước khi gặp nạn, chìm vào biển cả, kéo theo hơn 1500 nhân mạng. Trên con tàu định mệnh ấy, Rose, cô gái thông minh xinh đẹp, con một gia đình thượng lưu sắp phá sản, bị ép duyên cho Hockley, một tên nhà giàu kiêu ngạo, thừa kế nhà máy luyện thép. Mọi chuyện đã thay đổi khi Rose tình cờ gặp Jack, chàng trai xuất thân nghèo khó. Hai người phải lòng nhau bằng một tình yêu mãnh liệt. Nhưng chuyến tàu định mệnh đã thay đổi số phận toàn bộ hành khách trên tàu cũng như những dự định ước vọng của đôi tình nhân Jack và Rose. Các tác giả điện ảnh đã sử dụng những phương tiện kỹ thuật công

nghệ tiên tiến để dàn dựng một bộ phim hoành tráng, với nội dung giàu tính nhân văn. Phim Titanic nhận được 11 giải Oscar, trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại. Đặc biệt bài hát My heart will go on do nữ ca sĩ Celine Dion trình bày đã khiến trái tim người xem rung động. Hai diễn viên Leonardo Dicaprio vai Jack và Kate Winslet vai Rose, trở thành những ngôi sao điện ảnh được người xem ái mộ. [106, tr.17]

Hơn 10 năm sau, điện ảnh thế giới lại chứng kiến sự thăng hoa của một tác phẩm văn học qua bộ phim truyện chuyển thể Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog Millionare). Trong lễ trao giải Oscar lần thứ 81 năm 2009, bộ phim đã nhận được 8 bức tượng Oscar danh giá gồm: Kịch bản chuyển thể, Biên tập phim, Đạo diễn, Quay phim, Bài hát, Hòa âm, Nhạc phim và Phim hay nhất.

Tiểu thuyết khi được chuyển thể sang điện ảnh có nhiều chi tiết thay đổi nhưng nội dung chính vẫn giữ nguyên, do đạo diễn người Anh Danny Boyle dàn dựng. Phim Triệu phú khu ổ chuột kể lại câu chuyện cuộc đời chàng trai trẻ Jamal Malik (Ram Mohammad Thomas - tên trong tiểu thuyết). Jamal 18 tuổi, xuất thân từ khu ổ chuột ở Mumbai. Khi tham gia trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú? ”, Jamal đã trả lời chính xác tất cả những câu hỏi, vượt qua sự kỳ vọng của mọi người, khiến người dẫn chương trình và cảnh sát nghi ngờ. Mỗi câu hỏi là một ký ức đau thương và cay đắng trong cuộc đời của Jamal Malik, nhưng thật bất ngờ nó lại giúp Jamal trả lời lưu loát tất cả các câu hỏi. Với cốt truyện lạ, độc đáo, lối kể chuyện hết sức hiện đại và sự hỗ trợ tuyệt vời của các phương tiện kỹ thuật, bộ phim đã chinh phục hoàn toàn khán giả trên thế giới và giành 8 giải Orcar năm 2009. Bộ phim được công chúng đón nhận nhiệt tình và giới chuyên môn đánh giá rất cao.[47, tr.13]

Nói về sức hấp dẫn của bộ phim Triệu phú khu ổ chuột, nhà sản xuất phim Christian Colson nhận xét:“Một câu chuyện có hậu nhưng không kém phần khắc nghiệt. Có những khoảnh khắc bi thảm và đau thương. Nó là một câu chuyện cổ tích, và giống như tất cả những câu chuyện cổ tích khác, nó bao gồm cả bóng tối

và nỗi khiếp sợ. Sự kết hợp đó sẽ khiến bạn khóc, khiến bạn cười và khiến bạn phải kinh ngạc [205, tr.446]. Từ nội dung văn học, các tác giả điện ảnh đã lồng nó vào hình thức của điện ảnh và làm nên những bộ phim xuất sắc, mang lại cho khán giả những giây phút tuyệt vời khi thưởng thức nghệ thuật.

Hơn một thế kỷ qua, lịch sử hình thành và phát triển của điện ảnh thế giới cũng là lịch sử của hàng lọat các tác phẩm văn học nổi tiếng từ cổ điển đến hiện đại được chuyển thể sang điện ảnh, góp phần làm nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển, ghi lại những dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của điện ảnh.

Từ đó tạo nên mối quan hệ khăng khít giữa văn học và điện ảnh.

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 141 - 148)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(226 trang)