7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
3.2.2 NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ HẠN CHẾ CỦA MỘT SỐ PHIM TRUYỆN CHUYỂN THỂ VIỆT NAM
Trong điện ảnh thế giới cũng như Việt Nam, phim truyện chuyển thể từ văn học đã trở nên phổ biến, nhưng không phải phim nào cũng được giới chuyên môn và công chúng đón nhận. Vì vậy, những phim chuyển thể hay, thành công, được công chúng đón nhận không nhiều, điều đó đúng với cả ở điện ảnh thế giới và điện ảnh Việt Nam.
Văn học cần những nhà văn có tài năng và tâm huyết thì điện ảnh cũng vậy. Nên có những phim truyện chuyển thể giúp người đọc hiểu rõ hơn, thích thú hơn, bổ sung thêm sự hiểu biết và cảm thụ đối với tác phẩm văn học, thậm chí còn tìm tác phẩm văn học để đọc như Cuốn theo chiều gió, Thời xa vắng, Tướng về hưu, Đời cát, Đừng đốt…Có những phim truyện chuyển thể sau khi ra mắt khán giả đã nhanh chóng chìm vào quên lãng như Vật kỷ niệm, Câu chuyện quê hương, Nơi gặp của tình yêu, Khói, Ngôi sao trên biển, Những đứa con…
Trong phần “Những phim truyện chuyển thể qua các thời kỳ của điện ảnh Việt Nam” cho thấy số lượng phim được chuyển thể từ văn học có chất lượng và được người xem yêu thích quá ít ỏi so với số lượng phim đã được sản xuất. Mặc dù ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh với tình trạng yếu kém về trang thiết bị kỹ thuật cùng kinh tế, nhưng những bộ phim thành công đã để lại những dấu ấn đáng tự hào cho nghệ thuật điện ảnh non trẻ của nước nhà. Trên cơ sở những bài phê bình, lý luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu, và các tác giả điện ảnh, có thể đưa ra một số ý kiến về những thành công và hạn chế nhất định của phim truyện chuyển thể từ văn học.
Những yếu tố đem lại thành công cho phim truyện chuyển thể Thành công nhờ cảm xúc
Mối quan hệ giữa văn học và điện ảnh được hình thành “tự nguyện” theo cảm xúc của các nhà biên kịch hoặc đạo diễn điện ảnh. Mối quan hệ này tự nhiên và ngọt ngào như chất men say, tạo nên sự thôi thúc và niềm say mê sáng tạo ở người nghệ sĩ. Nếu không có cảm xúc, sự đồng cảm với tác phẩm văn học thì tác giả điện ảnh khó có thể tạo được cảm hứng để chuyển câu chuyện văn học thành một bộ phim hay. Đúng như lời chia sẻ của đạo diễn Đặng Nhật Minh trong hồi ký. “Tôi chỉ bắt tay vào viết kịch bản khi nhận thức rằng mình không thể đạo diễn tốt một bộ phim nếu những vấn đề đề cập đến trong phim xa lạ đối với mình, không rung động trái tim mình” [91, tr.214].
Với những rung động của trái tim mình, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã có những bộ phim chuyển thể từ văn học thành công, được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá cao như Thị xã trong tầm tay, Thương nhớ đồng quê, Cô gái trên sông, Đừng đốt…
Truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đem lại cảm hứng cho đạo diễn. Trong hồi ký của mình, ông đã chia sẻ: “Cái làm tôi cảm thấy bị mê hoặc trong truyện ngắn ấy chính là tính thẩm mỹ của nó.
Trong truyện ngắn đó, Nguyễn Huy Thiệp đã cung cấp cho tôi một không gian mà theo tôi rất gần với điện ảnh…Những gì chứa đựng trong cái không gian đó nhà văn chỉ phác thảo rất sơ sài, nhưng điều đó không quan trọng. Tôi như người có trong tay một cái bình quý, còn đựng những gì trong cái bình đó là chuyện về sau.” [91, tr.218] Và từ“cái bình quý”của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tự chuyển thể kịch bản và cho ra đời bộ phim Thương nhớ đồng quê, được đồng nghiệp và khán giả đánh giá cao.
Những năm đầu thế kỷ XXI, khi những câu chuyện về tấm gương anh hùng của các liệt sĩ được báo chí đăng tải rầm rộ. Đặc biệt sự kiện ra đời của cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm đã làm sống dậy một thời hào hùng của dân tộc.
Với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, đạo diễn đã suy nghĩ và trăn trở “Cuối năm 2005, khi đọc cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, rồi sau đó là những thông tin về số phận kỳ lạ của cuốn nhật ký trong suốt 35 năm, tôi bị thôi thúc bởi ý muốn viết tất cả những chuyện này thành một kịch bản phim.” Đến năm 2009, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã hoàn thành kịch bản văn học phỏng theo Nhật ký Đặng Thùy Trâm và những câu chuyện xung quanh cuốn nhật ký để dựng thành phim truyện Đừng đốt.
Đạo diễn Hồ Quang Minh là một tiến sĩ vật lý ở Thụy sĩ. Mặc dù xa quê hương, nhưng ông luôn đau đáu mối quan tâm về số phận con người Việt Nam trong chiến tranh. Ông đã làm phim Con thú tật nguyền, một câu chuyện về cuộc sống của con người miền Nam, phim Bụi hồng, lấy bối cảnh ở miền Trung. Sau khi đọc tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, đạo diễn sung sướng
“gặp” được ý tưởng mà mình đang nung nấu: “Tôi cảm thấy muốn và cần phải làm một bộ phim về thân phận con người miền Bắc trong chiến tranh, họ có thể không tham gia chiến tranh mà sống ở hậu phương trong thời kỳ đó. Ai cũng biết về chiến thắng huy hoàng, về hình ảnh người chiến thắng trong vinh quang đậm chất anh hùng ca, nhưng sau họ còn có cả những phận người bé nhỏ. Tôi thích cái tông “dí dỏm” của Lê Lựu. Vì thế ngay từ 1987 khi còn đang ở Thụy Sĩ, tôi đã tìm cách liên lạc với Lê Lựu để mua tác quyền cuốn sách” [147, tr.18]
Năm 2004, bộ phim Thời xa vắng hoàn thành, sau 15 năm được đạo diễn làm việc miệt mài từ ý tưởng đến kịch bản, rồi từ kịch bản đến phim. Bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao và đặc biệt nhận được sự ủng hộ của đông đảo người xem. Với ba bộ phim Con thú tật nguyền, Bụi hồng, Thời xa vắng, đạo diễn Hồ Quang Minh đã thực hiện được mong ước của ông về ba bộ phim mô tả thân phận con người Việt Nam trong chiến tranh trải dài qua ba miền đất nước.
Như vậy, cảm xúc là yếu tố đầu tiên đem lại động lực và cảm hứng cho người sáng tác. Nếu nhà biên kịch đạo diễn không yêu mến tác phẩm văn học, sẽ không thể có bộ phim chuyển thể thành công. Lý giải về thành công của những
bộ phim chuyển thể, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng “Dù làm điện ảnh hay cầm bút viết văn, thì thẩm mỹ bao giờ cũng là cái đích cuối cùng. Trong ba tiêu chí của văn học nghệ thuật : Chân, Thiện, Mỹ thì Mỹ có lẽ là khó đạt tới nhất”
[91, tr.219] Và ông đã luôn tìm kiếm cái mỹ trong văn học để đưa lên phim, và là một trong những đạo diễn Việt Nam có nhiều phim chuyển thể thành công.
Thành công nhờ kịch bản
Những kịch bản hay thường phải tạo ra được những câu chuyện hấp dẫn, những nhân vật có số phận, có cảnh huống, có chi tiết để diễn viên có đất để diễn, để sống và nhập vai với nó. Muốn vậy, nhà biên kịch phải nắm rõ đặc trưng chất liệu ngôn ngữ của văn học và điện ảnh, để chuyển tải được nội dung văn học vào phim một cách trọn vẹn.
Những nhà biên kịch có kinh nghiệm sẽ biết lựa chọn tác phẩm văn học phù hợp để chuyển thể, hoặc lựa chọn những yếu tố có thể “hiện hình”lên màn ảnh. Trường hợp phim Đời cát là tiêu biểu, được giới chuyên môn đánh giá “hay hơn cả nguyên tác” truyện ngắn Ba người trên sân ga của nhà văn Hữu Phương [176, tr.15] Phim Đời cát được đánh giá là phản ánh sâu sắc thân phận người phụ nữ Việt Nam thời hậu chiến. Câu chuyện trong Đời cát là nỗi đau mất mát tinh thần không thể bù đắp. Lẽ thường tình những người tốt trung hậu phải được hưởng hạnh phúc, nhưng chiến tranh đã buộc những người tốt, nhân hậu phải lâm vào hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Điều đó được nhà văn Hữu Phương thể hiện qua truyện ngắn Ba người trên sân ga. Những thân phận người phụ nữ trong truyện ngắn đã hấp dẫn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: “Truyện ngắn tuy còn đơn giản, tình tiết chưa đủ làm phim, nhưng tấm vé tàu cao thượng của Thoa mua cho chồng đã làm sáng lên trong tôi cả một loạt số phận con người và chủ đề tôi từng đeo đuổi…” [155, tr.9]. Đồng cảm với tư duy nghệ thuật của đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả kịch bản chia sẻ: “Có một điểm xuất phát chung, đó là số phận éo le của nhân vật. Tôi thấy chúng quen thuộc với tôi (…)Với tất cả mọi người. Tác giả truyện ngắn đã mở một cái nút đúng chỗ ”
[155, tr.9] Và từ “cái nút đúng chỗ” ấy, nhà văn và đạo diễn đã kết hợp để làm nên một bộ phim truyện được đánh giá cao cả trong nước và quốc tế.
Trong kịch bản phim Đời cát, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã phát triển thêm một tuyến nhân vật phụ là một thương binh cụt chân và một cô gái cụt cả hai chân để tạo nên“một bè trầm tội ác chiến tranh ngột ngạt” [157, tr.21] và làm phức tạp hóa câu chuyện trong việc mở rộng không gian thời gian. Khi đặt các nhân vật trong một làng cát ven biển, tràn ngập nắng và gió, nhà biên kịch mô tả sâu sắc nỗi đau mà các nhân vật phải gánh chịu. Qua đó, bộ phim mang lại cho người xem cái nhìn khái quát về đất nước và con người Việt Nam thời hậu chiến. Nói về thành công của ê kíp làm phim, và đặc biệt ở kịch bản văn học, đạo diễn Thanh Vân cho biết: “Kịch bản có hơn 40 trang vi tính, 48 trường đoạn nhưng có rất nhiều chi tiết đắt giúp tôi thực hiện dễ dàng” [155, tr.10]
Để có một kịch bản hay, nhà biên kịch đã biết chọn lọc chi tiết, tình huống trong văn học và bổ sung những yếu tố chi tiết để làm thăng hoa tính biểu đạt của ngôn ngữ điện ảnh như phim Đời cát. Tương tự, phim Thời xa vắng nhà biên kịch đã kết hợp thêm truyện ngắn Bến sông của nhà văn Lê Lựu. Phim Thương nhớ đồng quê có thêm sự kết hợp với truyện ngắn Những bài học nông thôn. Phim Những người thợ xẻ cũng kết hợp thêm truyện ngắn Con gái thủy thần để phim có thêm những tình huống hấp dẫn, sinh động…Hay phim Đừng đốt là sự kết hợp giữa Nhật ký Đặng Thùy Trâm và những câu chuyện về cuốn nhật ký sau 35 năm lưu lạc.
Như vậy, phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học thường có sự thay đổi như thêm nhân vật, thêm tình huống, chi tiết… như đã kể trên. Tuy nhiên, không phải chỉ có thêm mà đôi khi lại phải bớt để câu chuyện phim mạch lạc, dễ hiểu.
Đó là trường hợp phim Thời xa vắng, đạo diễn kiêm biên kịch Hồ Quang Minh đã không lấy phần hai của tiểu thuyết (phần miêu tả Giang Minh Sài lấy vợ hai và có hai đứa con, sống ở Hà Nội ). Nhờ vậy, chủ đề không dám sống là chính mình trên phim tập trung và sâu sắc hơn.
Thành công nhờ đạo diễn
Đạo diễn là tác giả chính, là trung tâm liên kết các yếu tố để tạo ra tác phẩm, là người chỉ huy nghệ thuật, người tổ chức ráp nối các hoạt động diễn xuất, quay phim, thiết kế mỹ thuật, âm thanh, nhạc…lại với nhau. Việc làm đó chỉ thành công khi tất cả cùng đồng cảm để thể hiện ý tưởng lên phim. Tất cả phải tập trung làm thăng hoa những giá trị hiện thực, giá trị thẩm mỹ trong những con chữ từ kịch bản. Những bộ phim làm được như vậy, bao giờ cũng để lại những ấn tượng sâu sắc và ở lại lâu dài trong lòng người xem. Đó chính là thành công của đạo diễn, người chịu trách nhiệm chính và tham dự trong tất cả các giai đoạn hình thành nên bộ phim.
Phim Chị Tư Hậu, đoạn văn miêu tả cảnh tiễn đưa chồng vào chiến khu của chị Tư Hậu đã được đạo diễn Phạm Kỳ Nam dàn dựng thành một trong những trường đoạn ấn tượng nhất trên phim.
“Trời sụp tối, tôi tiễn chồng ra bãi. Tôi mang ba lô, nhà tôi thì bế con (…) Chúng tôi đến bãi thì sương đêm đã xuống(…)Xuồng liên lạc chưa đến. Chúng tôi ngồi xuống trên một mỏm đá. Sóng biển cũng như mọi ngày, không ngớt vùng vẫy (…)Anh ấy biết tâm trạng tôi, một tay bế con, một tay kéo tôi vào vai:
- Anh đi rồi ít lâu anh lại về. Tư ở lại cố ráng nghe.
Anh ấy chỉ nói với tôi có bấy nhiêu lời. Vừa lúc đó từ phía nam Hiệp Lộ, một chiếc xuồng chèo tới(…)Chiếc xuồng dấn mũi lên cát. Nhà tôi vội vàng ôm lấy tôi ghì mạnh. Có độ nửa phút mới buông tôi ra, chạy lại xuồng. Tiếng chú Tư Bường hỏi:
- Ai đứng đó, thím Tư phải không?
Tôi đáp : -Dạ phải!
- Cha chả, lặn lội đưa chồng ra tới đây, dữ ác hôn. Thôi bồng con nhỏ về đi thím Tư, coi chừng nhiễm sương đa.
-Dạ
Nhà tôi ngồi trên xuồng không biết có nghe tiếng“dạ” cuối cùng của tôi không, tôi không rõ. Chỉ biết rằng ; lúc đó, xuồng từ từ lui ra, tôi bồng con đứng lại mỏm đá, thấy anh ấy vẫn ngồi ngoái nhìn hai mẹ con tôi.” [186, tr.36 -37]
Từ cách mô tả của nhà văn, với tư duy nhạy cảm về hiệu quả của hình ảnh, đạo diễn quyết định chọn cảnh quay ở bến phà Ròn (Quảng Bình) mặc dù trước đó, đạo diễn đã định chọn quay ở chân đèo Ngang. Trên phim, cảnh chị Tư Hậu bế con chạy theo chiếc xuồng chở người chồng mỗi lúc một xa dần. Rồi chị phải dừng lại, đứng khựng trên cây cầu gãy cụt, trong khi chiếc xuồng vẫn tiến ra xa, mỗi lúc một nhỏ dần và khuất hẳn.
Hình ảnh người đàn bà bế con trên cây cầu cụt như một vết đứt in lên nền trời, báo hiệu sự chia lìa khó lòng tái hợp. Hình ảnh ấy mang lại cho khán giả một linh cảm về sự ra đi vĩnh viễn của người chồng. Cảnh quay lột tả sâu sắc hoàn cảnh và tâm trạng phải chia lìa người thân của chị Tư Hậu. Tài năng của đạo diễn Phạm Kỳ Nam thể hiện qua việc chọn bối cảnh, diễn viên hợp vai và chỉ đạo tốt các khâu phối hợp trên trường quay để có được những hình ảnh giàu ý nghĩa chuyển tải sâu sắc tư tưởng của phim. Giống như một áng văn hay, lời văn đã hết nhưng âm hưởng của câu văn vẫn làm người đọc vương vấn mãi.
Bộ phim Chị Tư Hậu là một bài ca đẹp, vừa trữ tình, vừa mãnh liệt, lôi cuốn khán giả theo dõi suốt bộ phim. Đó là bộ phim đạt hiệu quả cao ở cả hai yếu tố: nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Công lớn làm nên thành quả của Chị Tư Hậu là cố gắng của cả đoàn phim, nhưng để lại dấu ấn đặc biệt là ba thành phần chủ yếu “đạo diễn Phạm Kỳ Nam, quay phim Khánh Dư và nghệ sĩ Trà Giang trong vai Chị Tư Hậu”[83, tr.34] trong quá trình sáng tạo tác phẩm.
Bộ phim Mê thảo – Thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh phỏng theo tác phẩm văn học Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân. Nội dung chính là phê phán sự mê muội của ông Nguyễn, người thủ lĩnh vì nỗi đau cá nhân đã làm khổ lụy biết bao người. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đi sâu khai thác vẻ đẹp của nghệ thuật ca hát dân tộc, đặc biệt là nét đẹp, sự quyến rũ của những làn điệu ca
trù, tiếng đàn đáy trong sinh hoạt văn hóa mang nhiều nét thanh tao của một thời. Tất cả được lồng trong một không gian làng quê với một số tập tục của vùng đồng bằng và vẻ đẹp cổ kính của làng quê miền Bắc trong những năm đầu của thế kỷ XX. Phim thể hiện sâu sắc tình yêu tha thiết với vẻ đẹp cổ truyền của văn hóa Việt Nam trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân. Năm 1994, khi gặp đạo diễn Việt Linh, GS. Nguyễn Xuân Đào (con trai nhà văn Nguyễn Tuân) nhận xét: “Tôi không hiểu nhiều về điện ảnh, nhưng tôi thấy những ý tưởng của cha tôi nói lên rất rõ trong phim…”
Bộ phim Mê thảo – Thời vang bóng đã được mời dự gần 10 LHP quốc tế, đoạt giải Bông sen vàng tại LHP Bergamo (Ý) 2003 và giải nhì của quỹ Cổ động phát hành quốc tế 2003, với lời nhận xét của Ban giám khảo: “…Những khỏanh khắc điện ảnh đẹp, tính tinh tế trong xử lí cũng như sự tỏa sáng mà phim đã mang tới cho nền văn hóa Việt Nam” *
Trong phim Đừng đốt, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã rất khéo léo khi lồng những đoạn nhật ký vào trong các cảnh quay và những đoạn chuyển từ đọc nhật ký sang cảnh phim trên nền nhạc phù hợp, đong đầy cảm xúc, khiến người xem cảm thấy lời nói cứ thế biến thành hình ảnh một cách hết sức tự nhiên.
Đoạn phim tiêu biểu nhất thể hiện cảm xúc về “Giấc mơ Hòa bình” được nâng lên thành “khát vọng hòa bình” ở đoạn kết của phim. Đó là những dòng chữ Thùy Trâm viết trong nhật ký: “Những ngày này nhớ miền Bắc tha thiết, nhìn trời râm mát mình nhớ những buổi chiều mình cùng các bạn ung dung trên chiếc xe đạpqua vườn ươm cây, những luống hoa pancees rực rỡ như những đàn bướm đậu trên mặt đất, những đóa hồng ngào ngạt hương thơm(...)Ôi miền Bắc xa xôi, bao giờ ta trở lại?” [213, tr.274]. Các dòng chữ ấy được tác giả điện ảnh sáng tạo thành hình ảnh chị Thùy Trâm đạp chiếc xe Thống Nhất trên con đường bất tận mờ sương với lời hát “mộc” trong Bài ca hy vọng ngân vang thiết tha.
---
* Báo Lao động, ngày 4/10/2004.