KHÁC BIỆT VỀ PHƯƠNG THỨC PHƯƠNG TIỆN TẠO RA TÁC

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 66 - 71)

7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

1.4 VĂN HỌC – ĐIỆN ẢNH VÀ MỐI QUAN HỆ KHÁC BIỆT

1.4.4 KHÁC BIỆT VỀ PHƯƠNG THỨC PHƯƠNG TIỆN TẠO RA TÁC

Phương tiện sáng tác của văn học là bút và giấy. Phương tiện sáng tác của điện ảnh là một hệ thống cơ sở vật chất về khoa học kỹ thuật và công nghệ. Văn học là con đẻ của ngôn ngữ viết, còn điện ảnh là con đẻ của khoa học kỹ thuật.

Không có khoa học kỹ thuật thì không có nghệ thuật thứ 7. Tuy nhiên, kỹ thuật không quyết định tòan bộ chất lượng nghệ thuật điện ảnh, nhưng góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng, sản xuất và trình chiếu phim.

Điện ảnh lúc mới ra đời chỉ là những hình ảnh chuyển động nối tiếp nhau.

Dần dần, điện ảnh chinh phục âm thanh, làm chủ màu sắc, mở rộng màn ảnh gấp đôi, gấp ba, tiến tới màn ảnh vòng cung, màn ảnh toàn diện. Âm thanh một chiều trở thành âm thanh lập thể của điện ảnh ba chiều, của phim màn ảnh nổi…và kỹ thuật số thúc đấy điện ảnh phát triển vượt bậc. Mỗi lần xuất hiện những thay đổi hoặc bổ sung kỹ thuật mới như thế đều có ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ điện ảnh.

Nghệ thuật điện ảnh là nghệ thuật thị giác kiêm cả nghệ thuật thính giác, nên yêu cầu không chỉ nhìn rõ mà còn phải nghe rõ, kể cả những hơi thở nhẹ để tạo nên những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ vầ ấn tượng đối với người xem. Trong phim Đừng đốt, để khẳng định giá trị của“Giấc mơ hòa bình”đạo diễn Đặng Nhật Minh tái hiện hàng loạt các chi tiết hình ảnh, âm thanh rõ ràng sắc nét như cảnh đoàn người đi sơ tán nhốn nháo khi tiếng máy bay Mỹ như đâm toặc bầu trời miền Bắc, cảnh tiếng bom cắt ngang tiếng hát của Thùy Trâm, khi chị đang hát cho thương bệnh binh nghe, hay cảnh tiếng hát của người lính da đen bị chặn đứng bởi cái chết bất ngờ ập đến… Những hình ảnh tang tóc cùng những âm thanh khủng khiếp ấy đã khiến người xem sửng sốt bàng hoàng và đau xót vì sự tàn phá, hủy diệt của chiến tranh.

Trong văn học, ngòi bút là công cụ chủ yếu để nhà văn sáng tác và nó không thay đổi nhiều theo thời gian (sau này có thêm sự hỗ trợ của máy đánh chữ, máy vi tính).Trong điện ảnh, chiếc máy quay phim chính là “ngòi bút” và nó được cải tiến không ngừng, giữ một vai trò đáng kể trong việc biểu hiện tính tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Đạo diễn Pháp Mathieu Kassovitz khẳng định: “Ống kính máy quay là nền tảng của điện ảnh” [71, tr.120] Việc quay ở góc độ này hay góc độ khác, việc dùng những loại cảnh gần xa, lấy ánh sáng

đậm nhạt, chọn màu sắc đen tối hay tươi vui đều có liên quan đến biểu thị tư tưởng thái độ, khuynh hướng của tác giả đối với từng nhân vật (chính diện, phản diện), cũng như tới việc thể hiện tính chất của tác phẩm (bi kịch, hài kịch, trữ tình...). Nhưng để thực hiện những cảnh quay như vậy lại liên quan đến nhiều ngành khoa học nghệ thuật khác như kịch bản, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, trang phục hóa trang, đạo cụ, ánh sáng….trong quá trình làm phim. Nói về thành công của tác phẩm phim truyện, nhà văn M.Gorki đúc kết: “Thành công nảy ra từ tác phẩm hoặc từ phong cách kỳ diệu kết hợp với phương pháp đúng đắn của các đạo diễn với tác phẩm đó, hoặc hiểu biết quy luật của nghệ thuật và tỏ ra biết áp dụng một cách khéo léo các quy luật này...” [80, tr.32]

Dựng phim (montage) cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật: việc xen kẽ những cảnh gần xa, cảnh động với cảnh tĩnh, việc kết hợp hình ảnh với âm thanh, không những phải ăn khớp mà còn phải phù hợp với quy luật cảm thụ nên không thể tùy tiện. Ngòai ra, kỹ thuật quay và in tráng phim còn tạo nên những hiệu quả khác nhau như ánh trăng, sương mù... Kỹ thuật thu thanh có thể điều hòa các lọai âm thanh (thọai, nhạc, tiếng động). Kỹ thuật lồng tiếng phải đảm bảo tính nghệ thuật và hấp dẫn của phim thể hiện qua giọng nói của nhân vật. Nhờ vậy, phim nước này có thể nói tiếng nước khác mà vẫn đảm bảo tính nghệ thuật.

Dựng phim còn quan trọng trong việc tạo ra không gian và thời gian riêng của điện ảnh. Với sự kết hợp của kỹ thuật quay và dựng phim, điện ảnh đã tạo ra thời gian riêng, khác với thời gian trong hiện thực như hoa nở trước mắt, người bay qua sông sâu, núi cao… là do kỹ thuật quay chậm hay nhanh. Điện ảnh còn tạo ra không gian mới bằng cách ghép cảnh, mang lại cho người xem cảm giác nhà hát lớn ở ngay cạnh Hồ Tây, hay tạo ra những hang động hiểm trở, thần bí trong các thể loại phim thần thoại hoặc kinh dị.

Chẳng hạn trong phim Nguyễn Văn Trỗi (chuyển thể từ tác phẩm Sông như Anh). Trường đọan quay cảnh chị Quyên đi tìm anh Trỗi ở khắp các nhà tù, hết ngày này qua ngày khác. Đọan này gồm nhiều mẩu phim ngắn ghép lại,

chuyển rất nhanh qua từng thời gian, từ điểm này sang điểm khác. Do độ dài của phim có hạn, phải tiết kiệm hình ảnh, nhưng vẫn đảm bảo tính mạch lạc trong sáng, nên cần tới kỹ thuật cắt và dựng trên bàn dựng.

Sau khi phim hòan thành, chiếu phim để phục vụ công chúng thì kỹ thuật cũng vẫn giữ một vai trò quan trọng. Máy móc, ánh sáng, âm thanh trong một rạp chiếu phim hiện đại, phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì chất lượng nghệ thuật của bộ phim mới được đảm bảo.

Kỹ thuật có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất, quảng bá và thưởng thức phim truyện điện ảnh. Sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật đã có những tác động trực tiếp đến chất lượng hình ảnh và âm thanh của phim truyện điện ảnh. Cho nên, bên cạnh các yếu tố nghệ thuật như kịch bản, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ... thì rõ ràng phương thức phương tiện kỹ thuật đã làm nên sự khác biệt giữa văn học và điện ảnh.

Như vậy, sự khác biệt về hình thái ngôn ngữ, chủ thể sáng tạo, đặc trưng tâm lý sáng tác và cảm thụ, phương thức phương tiện tạo ra tác phẩm, là bốn đặc trưng khác biệt cơ bản giữa hai loại hình nghệ thuật văn học và điện ảnh, cũng như giữa tác phẩm văn học và phim truyện chuyển thể.

Tiểu kết chương 1:

Trong “gia đình nghệ thuật”, văn học là nghệ thuật ra đời sớm và là nghệ thuật làm nền tảng cho các nghệ thuật khác kế thừa, trong đó có điện ảnh.

Nghệ thuật văn học và điện ảnh có mối quan hệ đặc biệt, với nhiều yếu tố tương đồng và khác biệt được thể hiện qua ba cấp độ chính.

Tính đồng nhất: Văn học và điện ảnh cùng là nghệ thuật nên cùng đứng trong một hình thái ý thức, ý thức thẩm mỹ nghệ thuật, cùng có đặc tính chung, chức năng chung và chịu sự quyết định của đời sống xã hội. Cho nên, nghệ thuật nói chung, văn học và điện ảnh nói riêng có sự đồng nhất về đặc trưng phản ánh - hình tượng. Đó là phản ánh hiện thực thông qua hình tượng nghệ thuật.

Tính tương đồng: Văn học và điện ảnh có nhiều sự tương đồng gần gũi.

Trước hết là nội dung tư tưởng làm nên sức mạnh của toàn bộ tác phẩm. Từ đó dẫn đến những tương đồng khác trong nội dung cụ thể như đề tài, chủ đề, khuynh hướng, thể loại …Đặc biệt, phương thức tự sự là tương đồng cơ bản nhất, đúng như nhà điện ảnh Nga Iêcgi Teplix khẳng định: “Nhờ yếu tố kể chuyện sinh động mà nhiếp ảnh động đã từ con rối không hồn biến thành con bướm đẹp đẽ của nghệ thuật điện ảnh” [33, tr.9]

Sự khác biệt: Mặc dù có nhiều tương đồng gần gũi nhưng văn học và điện ảnh là hai loại hình nghệ thuật độc lập, có sự khác biệt cơ bản về đặc trưng ngôn ngữ, chủ thể sáng tạo, tâm lý sáng tác và cảm thụ và đặc trưng về phương tiện tạo ra tác phẩm.

Trong chương: Cơ sở lý luận của việc chuyển thể tác phẩm văn học sang phim truyện điện ảnh, luận án đã xem xét mối quan hệ của văn học và điện ảnh từ lý thuyết khái quát của tác phẩm nghệ thuật nói chung đến tác phẩm văn học và điện ảnh cụ thể. Qua đó, nêu bật những tương đồng gần gũi và khác biệt cơ bản giữa hai ngành nghệ thuật văn học và điện ảnh.

CHƯƠNG 2

CƠ CHẾ VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC CHUYỂN THỂ TỪ TÁC PHẨM VĂN HỌC SANG PHIM TRUYỆN

ĐIỆN ẢNH

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 66 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(226 trang)