7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
2.1 CƠ CHẾ SÁNG TẠO PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH
2.1.2 BA NGÀNH CHỨC NĂNG TRONG SÁNG TẠO PHIM TRUYỆN
Khác với việc hình thành của tác phẩm văn học, phim truyện điện ảnh được hình thành trên cơ sở sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba ngành nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế. Để thấy rõ vai trò chức năng của từng ngành trong sản xuất phim truyện, luận án tìm hiểu từng ngành cụ thể
Ngành nghệ thuật trong sáng tạo phim truyện
Trong ba ngành nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế, thì ngành sáng tạo nghệ thuật gần gũi nhất với văn học. Đó là những tác giả nghệ thuật tham gia trực tiếp trong quá trình làm phim gồm: biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ… Sau đây là công việc cụ thể của từng tác giả nghệ thuật trong cơ chế hình thành phim truyện điện ảnh
Nhà biên kịch
Trong tập thể các tác giả nghệ thuật, nhà biên kịch - người viết kịch bản cần phải có phẩm chất của một nhà văn, đó cũng chính là một trong những nguồn gốc giao duyên giữa văn học và điện ảnh.
Công việc của nhà biên kịch tương tự với nhà văn, cùng là sáng tạo cá nhân, cùng sử dụng chữ viết trong quá trình sáng tác. Nhà văn trong sáng tác văn học và nhà biên kịch trong chuyển thể kịch bản, cùng đem lại cho khán giả những nội dung về thân phận con người và cuộc sống xã hội. Những nội dung sâu sắc, nhân vật ấn tượng và bố cục cốt truyện hấp dẫn mạch lạc trong tác phẩm văn học luôn là những yếu tố thu hút sự quan tâm của tác giả điện ảnh. Đó cũng là cách để có được những nội dung kịch bản giá trị, đúng như mong ước của các nhà làm phim.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã từng viết nhiều truyện ngắn, kịch bản và tự chuyển thể kịch bản, ông có một tình yêu đặc biệt đối với văn học.Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông đã chia sẻ: “Tôi rất quan tâm tới văn học vì văn học giúp cho con người ta hình thành ý tưởng một cách mạch lạc và khúc chiết…Văn học và điện ảnh là hai lĩnh vực có mối liên hệ rất mật thiết. Tôi học ở các nhà văn rất nhiều để làm điện ảnh, đặc biệt các nhà văn lớn.” (1) Đạo diễn đã tự chuyển thể một số kịch bản phim từ văn học được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao như phim Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Đừng đốt…
Đạo diễn Vương Đức, người có hai phim truyện chuyển thể từ văn học là Những người thợ xẻ dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Cỏ lau của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Khi bàn về thành công của hai bộ phim này, đạo diễn Vương Đức cho biết: “Tôi phải dựa vào văn chương rất nhiều, những tác phẩm hay về mặt văn chương cũng góp phần tạo ra những phim hay ” (2)
Như vậy, từ tác phẩm hay của nhà văn, nhà biên kịch chuyển thành kịch bản và đạo diễn từ kịch bản tạo nên những bộ phim hay, họ là những chủ thể có quan hệ khăng khít trong cơ chế và quy trình sáng tạo phim truyện.
---
(1) Báo công an nhân dân ngày 1/3/2009
(2) Báo Lao động thứ hai ngày 4/10/2004
Trong quá trình chuyển từ tác phẩm văn học sang kịch bản, nhà biên kịch chỉ viết ra những gì có thể hiện diện trên màn ảnh. Trên cơ sở những vấn đề trong tác phẩm văn học, nhà biên kịch sẽ đưa vào kịch bản phim với những câu chữ ngắn gọn, rõ ràng để nhà sản xuất (hoặc đạo diễn) có thể hình dung ra nhân vật, sự kiện, hiện tượng… trong phim một cách cụ thể nhất.
Đối với kịch bản văn học chuyển thể, nhà biên kịch phải hiểu được bối cảnh mà tác phẩm văn học ra đời, phải tìm hiểu những nhân tố chủ quan, khách quan tác động đến hình tượng văn học, đồng thời bản thân người viết kịch bản phải có cảm xúc, nhu cầu thôi thúc sáng tạo. Từ đó, nhà biên kịch sẽ thực sự lắng nghe tiếng nói nhịp đập của thời đại, sống cuộc sống của nhân vật và chuyển hóa những cảm xúc trong tác phẩm văn học thành cảm xúc của chính mình, biến nhân vật văn học thành nhân vật hiện diện ngay trước mắt mình.
Một kịch bản phim có chất lượng, theo tác giả Ngải Minh Chi: “Tác giả truyện phim phải giỏi hình dung bằng hình tượng tòan bộ cấu trúc cốt truyện, giỏi nhìn thấy trước trong mỗi dòng chữ mình viết ra sẽ là những hình tượng và sẽ ở vị trí nào trong bộ phim tương lai. ”[26, tr.140].
Thông qua tư duy nghệ thuật của ngôn ngữ điện ảnh, tác giả kịch bản xây dựng nên những chi tiết độc đáo cho từng khung hình, và từ nhiều khung hình làm nên một bộ phim truyện. Tác giả kịch bản có nhiệm vụ cung cấp một câu chuyện, còn công việc đưa câu chuyện đó lên màn ảnh là nhiệm vụ của đạo diễn, nên kịch bản là bản mẫu trên giấy của bộ phim, trước khi chuyển hóa thành
“hình hài” trên màn ảnh.
Nói về tầm quan trọng của nhà biên kịch, đạo diễn Đặng Nhật Minh cónhận xét: “Viết kịch bản là công việc của trái tim và khối óc. Những phát hiện sâu sắc của người nghệ sĩ trước cuộc sống, cùng những kiến thức nghề nghiệp thấu đáo mới là những yếu tố quyết định để có những kịch bản điện ảnh hay”
[91, tr.217]. Như vậy, để giúp cho việc làm phim được thuận lợi, tác giả kịch
bản chỉ sử dụng ngôn ngữ chính là hình ảnh và âm thanh và sẽ là cơ sở cho một bộ phim hay trên màn ảnh.
Công việc của nhà biên kịch trong chuyển thể tác phẩm văn học, không phải bắt đầu từ con số không như nhà văn, mà trên cơ sở nội dung sẵn có từ tác phẩm văn học. Trong quá trình chuyển đổi thành kịch bản, nhà biên kịch lựa chọn, thêm bớt những yếu tố phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh để biến tác phẩm văn học thành một bộ phim trên giấy, nhưng vẫn đảm bảo giữ vững giá trị nội dung ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm văn học.
Nói về thành công của một bộ phim chuyển thể, nhà văn Nguyễn Quang Thân nhận xét: “Phía sau tất cả vẻ huy hoàng trên màn bạc, người xem vẫn thấy rõ sức mạnh ngôn từ của kịch bản văn học tức là sự sáng tạo của nhà văn. Đó là sức mạnh lôi cuốn của tính cách nhân vật, vẻ hấp dẫn của chi tiết và tình huống, cũng như chất nha phiến của những lời đối thoại.” [156, tr.7]
Đạo diễn
Sau khi kịch bản hoàn thành, được đưa cho đạo diễn để thực hiện việc sản xuất phim. Đạo diễn có thể sửa chữa kịch bản, thêm bớt cho phù hợp với kinh phí, với ý tưởng quan điểm của đạo diễn và mong muốn của nhà sản xuất. Do đó, đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính và có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành tác phẩm phim truyện.
Từ câu chữ của kịch bản biến thành hình ảnh sinh động trên màn ảnh là công sức và tài năng của đạo diễn và cả êkíp làm phim, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn. Cho nên, đạo diễn là một chủ thể quan trọng nhất trong nhóm tác giả nghệ thuật. Sự thẩm thấu kịch bản và am hiểu tính văn học từ kịch bản của người đạo diễn để chuyển tải ý tưởng văn học vào phim là rất cần thiết, có tính quyết định đến thành bại của bộ phim trong tương lai.
Công việc của nhà biên kịch và đạo diễn là hoàn toàn khác nhau: viết kịch bản là làm ra một bộ phim trên giấy và làm đạo diễn là làm ra một bộ phim trên màn ảnh. Tuy nhiên, theo đạo diễn Đặng Nhật Minh công việc biên kịch và đạo
diễn “là một quá trình sáng tạo thống nhất, liên tục và vì một mục đích chung, đó là bộ phim tương lai.” [91, tr.217].
Mối quan hệ giữa nhà biên kịch và đạo diễn trong quá trình làm phim là quan hệ “tuy hai mà một”.Khi nhà biên kịch và đạo diễn có sự thống nhất một cách nhuần nhuyễn ở từng tình huống, từng chi tiết trong kịch bản, thì bộ phim tương lai sẽ có một bố cục chặt chẽ và tạo được ấn tượng sâu sắc đối với người xem. Hơn nữa, nếu nhà biên kịch và đạo diễn hiểu nhau, họ dễ dàng bổ sung cho nhau để bộ phim thêm phần hấp dẫn và sâu sắc
Điều này đã được thực tế chứng minh những bộ phim được người xem yêu mến và giới chuyên môn đánh giá cao, bao giờ cũng có sự hợp tác ăn ý giữa nhà biên kịch và đạo diễn. Nếu đạo diễn và biên kịch có sự tương đồng về tư tưởng, tình cảm và cảm xúc, thì bộ phim truyện do họ kết hợp “sinh ra” sẽ là một tác phẩm nghệ thuật “thăng hoa” như phim Chị Tư Hậu, là sự hợp tác giữa nhà văn Bùi Đức Ái và đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng (Nguyễn Quang Sáng và Hồng Sến ). Mê Thảo -Thời vang bóng ( Phạm Thùy Nhân và Việt Linh). Thời xa vắng (Lê Lựu và Hồ Quang Minh) Đời cát (Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Thanh Vân)…
Nói về ý nghĩa của công việc viết kịch bản và làm đạo diễn trong quá trình sản xuất phim, Akira Kurosawa, đạo diễn Nhật bản đúc kết: “Kịch bản là cái gốc để làm nên cái cây. Công việc của đạo diễn là làm cho cây đơm hoa kết trái.” [71, tr.104]. Như vậy, từ tác phẩm văn học hay của nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn có cơ sở để tạo nên những bộ phim hay, họ là những chủ thể nghệ thuật có quan hệ khăng khít trong sáng tạo phim truyện chuyển thể. Họ là những người sẽ tạo ra giá trị nội dung tư tưởng của phim chuyển thể trong tương lai.
Đạo diễn là tác giả chính trong quá trình biến ngôn ngữ viết trong kịch bản thành một câu chuyện bằng hình ảnh và âm thanh để chiếu lên màn ảnh.
Muốn xây dựng thành công một bộ phim truyện nghệ thuật, đạo diễn phải tìm ra những giải pháp về không gian (dàn dựng – phối cảnh), về thời gian (nhịp điệu,
tiết tấu), về tạo hình (quay phim, thiết kế mỹ thuật), về tính cách nhân vật (diễn viên, diễn xuất), về các giải pháp khác như dựng phim, âm thanh… Nghĩa là người đạo diễn phải xác định được những giải pháp cơ bản nhằm thống nhất tư tưởng chủ đề cho bộ phim truyện sau này. Để có sự thống nhất trong phim, đạo diễn phải có sự làm việc tốt với các thành phần chính trong đoàn làm phim như quay phim, diễn viên, họa sĩ… cùng các bộ phận hỗ trợ.
Nữ đạo diễn Việt Linh, người đã dàn dựng sáu bộ phim truyện điện ảnh, nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho rằng: “Đạo diễn là công việc chuyển hình dung ra hình dạng, biến tín hiệu tư duy ra tín hiệu vật chất.
Giống như người nhạc trưởng, đạo diễn phải hiểu biết, dù có thể không tường tận tính năng cơ bản của từng bộ phận để tìm ra sự cộng hưởng cao nhất. ” [71, tr.32] Do đó, đạo diễn là người có vai trò hết sức quan trọng trong suốt quá trình hình thành tác phẩm phim truyện. Từ quá trình chuẩn bị quay (sau khi đã có kịch bản phim), quay phim tại hiện trường rồi làm hậu kỳ phim, cho đến khi phim hoàn thành. Công việc của người đạo diễn liên quan đến tất cả các khâu và các thành phần tham gia trong quy trình sản xuất phim truyện phim.
Sau đây là công việc của những tác giả nghệ thuật có quan hệ mật thiết với đạo diễn trong cơ chế và quy trình sản xuất phim truyện.
Quay phim
Trong sáng tạo tác phẩm điện ảnh, khâu quay phim đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi đó là hoạt động kết tinh thành quả lao động nghệ thuật gần như của tất cả các thành phần sáng tác tham gia bộ phim. Thông qua ống kính của người quay phim, cảnh vật con người và mọi chuyển động mới được hiện hình trên màn bạc, làm nên sự khác biệt và cũng là ưu thế vượt trội của nghệ thuật điện ảnh so với loại hình nghệ thuật khác.
Mặt khác, hình ảnh do máy quay đem lại là hình ảnh trực giác, nên tạo nên những cảm xúc quyết liệt; đem đến cho khán giả căn cứ để tin, khơi gợi những rung cảm để xúc động, thấy cái xấu xa cái đê tiện để mà thương hại, để mà ghét
bỏ, loại trừ. Nhà quay phim điện ảnh vận dụng đủ các loại thủ pháp tạo hình cảm tính, bày ra một cách trực tiếp và khách quan trước mắt khán giả, khiến họ có được cảm giác “giống thật” mà không một bộ môn nghệ thuật nào có thể làm được. Người quay phim không đơn giản (biết) bấm máy mà phải biết tìm kiếm những phương án để hình ảnh có giá trị thẩm mỹ, có linh hồn. Tất cả các góc máy, động tác máy mà người quay phim thực hiện đều có sự bàn bạc kỹ lưỡng với đạo diễn. Đối với nhà văn, ngòi bút là vũ khí, thì đối với đạo diễn, máy quay là phương tiện để chuyển tải ý tưởng theo khuôn hình kỹ thuật của máy quay với các loại cảnh chính như toàn, trung, cận và đặc tả.
Toàn cảnh: thường dùng để giới thiệu bối cảnh hoặc quay đại cảnh. Nếu đối tượng là nhân vật thì toàn cảnh là quay toàn thân.
Trung cảnh: thường dùng để miêu tả cảnh vật và con người đang hoạt động. Nếu đối tượng là nhân vật thì trung cảnh là quay nửa người.
Hình ảnh hai chiếc xuồng như hai con thoi lướt từ hai phía đến với nhau trong phim Cánh đồng hoang, như một biểu tượng mới về tình yêu đôi lứa nơi chiến tranh ác liệt vùng sông nước Đồng Tháp Mười. Trong khuôn hình toàn cảnh bao la trời nước, tiếng cười khúc khích của người vợ, tiếng gọi: “Mình ơi…! Mình ơi…!” âm vang của người chồng. Gương mặt rạng ngời của họ lấp lánh ánh nắng phản chiếu từ mặt nước. Bóng dáng họ in lồng lộng trên bầu trời đang thấp thoáng đàn chim xôn xao bay về tổ. Nhìn vẻ mặt tràn đầy hạnh phúc của hai vợ chồng anh Ba Đô không thể tin họ vừa phải trải qua những giờ phút căng thẳng bởi cái chết và sự hủy diệt của những chiếc trực thăng với họng súng đen ngòm sầm sập trên bầu trời.
Cận cảnh: để khắc họa, nhấn mạnh một đặc điểm nào đó về nhân vật hoặc dấu ấn nào đó của thời gian hoặc không gian, giống như một đọan văn được đặt trong ngoặc kép. Nếu đối tượng là nhân vật thì cận cảnh là làm rõ những nét trên gương mặt và nêu bật tâm trạng buồn vui, đau đớn, buồn tủi… của nhân vật.
Những cận cảnh trong phim Đời cát như gương mặt hốc hác, gầy guộc xanh xao của bà Thoa (vợ ông cảnh), đặc biệt ánh mắt mặc cảm xen lẫn khát khao của Thoa khi ngắm khuôn mặt tươi tắn, thân hình trẻ trung khỏe mạnh của Tâm (vợ hai ông Cảnh). Hình ảnh Thoa nuốt miếng cơm nghẹn ngào như nuốt nỗi đắng cay làm người xem nhói đau, thương cảm cho nỗi bất hạnh, buồn tủi của Thoa - người đàn bà vò võ chờ chồng sau hai hơn mươi năm.
Đặc tả: thường để nhấn mạnh ý tưởng nào đó mà đạo diễn muốn diễn tả.
Đôi khi, cận cảnh hoặc đặc tả được đạo diễn sử dụng như một dấu chấm câu, trước khi chuyển sang cảnh khác, thời gian này có thể kéo dài để người xem chiêm nghiệm. Nếu đối tượng là nhân vật thì đặc tả chỉ quay đôi mắt, đôi môi, hay một bộ phận mà đạo diễn cần diễn tả.
Trong phim Mê Thảo -Thời vang bóng, đạo diễn Việt Linh cho đặc tả bàn chân của cô Cam là đôi bàn chân thô kệch, ngón cái to, tách hẳn bốn ngón chân còn lại (bàn chân của người lao động). Máy quay đặc tả bàn chân cô Cam khiễng lên lén nhìn ông chủ đang say mê “yêu” người gỗ, rồi cô ngồi bệt xuống đất, thở dài và nức nở khóc. Cảnh quay miêu tả tình yêu đơn phương tội nghiệp của cô gái câm đối với ông chủ nhưng ông ta không để mắt tới.
Tính “giống thật”của điện ảnh có liên quan mật thiết đến tính kỹ thuật của điện ảnh. Trong thời kỳ phim câm, điện ảnh còn là nghệ thuật thị giác thuần tuý.
Phát minh ghi âm quang học và sự ra đời của phim nhựa có độ cảm quang đã làm cho hình ảnh trên phim có âm thanh và màu sắc. Tất cả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đều phục vụ cho nhà quay phim trong việc tạo ra tính “giống thật” và nâng cao tính biểu hiện cảm xúc của khuôn hình.
Điện ảnh là sự tổng hợp và “tái tạo” hết sức đặc biệt các loại hình nghệ thuật khác như văn học, sân khấu, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc….
đồng thời kết hợp cả hai chức năng của nghệ thuật không gian và nghệ thuật thời gian. Nghệ thuật thời gian ở điện ảnh thể hiện quá trình luân chuyển thời gian qua khuôn hình và các hình tượng màn bạc. Nghệ thuật không gian ở điện ảnh