XÂY DỰNG HOÀN CẢNH ( BỐI CẢNH )

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 103 - 110)

7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

2.2 NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN THỂ TÁC PHẨM VĂN HỌC SANG KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH

2.2.2 XÂY DỰNG HOÀN CẢNH ( BỐI CẢNH )

Một tính cách không thể phát triển tự thân thoát li khỏi hoàn cảnh. Tính cách và hoàn cảnh có mối liên hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời trong hiện thực cũng như trong tác phẩm nghệ thuật. Khái niệm “hoàn cảnh” bao gồm

địa điểm họat động cụ thể của con người, những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa… của gia đình, địa phương, xã hội, thời đại, những mối quan hệ cụ thể của cá nhân với mọi người, với cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, hoàn cảnh trong tác phẩm nghệ thuật không phải là sự phản ánh một cách máy móc. Hoàn cảnh chịu sự tác động của quy luật sáng tạo, nó được các tác giả tiến hành khái quát hóa và cá biệt hóa khi đưa vào tác phẩm. Do đó hoàn cảnh trong tác phẩm nghệ thuật có ‎hai đặc điểm nổi bật là tính khái quáttính cá biệt.

Tính khái quát

Tính khái quát của hoàn cảnh có ý nghĩa tiêu biểu cho nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cùng một thời đại, một xã hội, được biểu hiện qua bản chất và quy luật vận động của hiện thực. Đặc biệt tính khái quát của hoàn cảnh làm cho sự phát triển của hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật trở nên dồn dập hơn, căng thẳng hơn. Từ hoàn cảnh và tình huống cụ thể tính cách nhân vật buộc phải bộc lộ những nét bản chất nhất của nó mà bình thường người đọc khó nhận thấy.

Nhân vật chính là con người, mà con người thì phải có môi trường hoàn cảnh để sinh họat, thể hịên hành động tính cách của mình.

Con người sống giữa con người, nhưng cũng sống dưới không gian bao la xanh rợp của cây cối, núi non, biển cả, sông ngòi… Thiên nhiên, bối cảnh, đồ vật trong tác phẩm nghệ thuật như là phông nền hiện thực mà con người được sinh ra trong đó và có liên hệ mật thiết. Miêu tả bối cảnh thiên nhiên không chỉ thể hiện tâm trạng của con người mà còn đem lại sự thụ hưởng mỹ cảm dạt dào tươi mát của mặt đất và bầu trời, nơi nhân vật nghĩ suy, đi lại, họat động.

Những bộ phim chuyển thể thành công bao giờ cũng giữ được những nét đẹp trong văn chương lên màn ảnh. Trong văn học để tả cảnh ngụ tình và tình thấm sâu vào cảnh, các tác giả sử dụng những từ ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc… Nhưng trên màn ảnh là màu sắc, ánh sáng, hình khối, âm thanh…cùng kết hợp lại như một “nhân vật lặng lẽ” làm nền cho diễn viên bộc lộ mọi cung bậc tình cảm của nhân vật, và quan trọng nhất là bộc lộ ý tưởng của các tác giả, tư

tưởng của bộ phim. Qua bối cảnh thiên nhiên, người xem thấy được khung cảnh không gian (địa phương, xứ sở, đất nước…) và thời gian (tháng, năm, thời đại) mà nhân vật đó sống. Con người luôn chịu sự ảnh hưởng của hoàn cảnh, đồng thời tác động trở lại hoàn cảnh trong một giai đoạn lịch sử xã hội nhất định. Sức mạnh của những miêu tả này, khi được các tác giả triển khai đúng mức sẽ tạo ra những ấn tượng khó quên, không chỉ do tính cách, tâm hồn nhân vật mà ở cả những cảnh sắc do thiên nhiên đem lại.

Chúng ta dễ dàng bắt gặp điều đó trong những bức tranh thiên nhiên tiêu biểu ở những tác phẩm văn học và bộ phim nổi tiếng khi nói về con người Việt Nam như Chị Tư Hậu, Ngày lễ thánh, Cánh đồng hoang, Kim Đồng, Thời xa vắng, Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt…Ở đó người xem như được chiêm ngưỡng những nét đẹp của quê hương đã trở nên quen thuộc và gần gũi.“Quê hương là chùm khế ngọt…Là đường đi học…Là con diều biếc…Là con đò nhỏ…Là bàn tay mẹ…Là dòng sữa mẹ” (Đỗ Trung quân). Quê hương là nơi hội tụ sâu đậm những tâm tư tình cảm và là điểm tựa để con người vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

Điều đó được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm điện ảnh, đặc biệt trong phim Con chim vành khuyên hình ảnh quê hương Việt Nam hiện ra như một bức tranh thủy mạc, nên thơ. Cảnh nương dâu bát ngát bên triền sông thoai thoải, trải dài theo bờ cát trắng, một con thuyền dập dìu trên sông in bóng trên nền trời xanh ngắt với những đám mây trắng trôi lững lờ. Một cánh diều sáo vi vu giữa trời cao lồng lộng, những tia nắng lung linh qua kẽ lá đổ xuống theo từng bước chân nhảy dây của bé Nga. Tất cả đã làm nên sự lay động mạnh mẽ trong tâm hồn người xem. Ban giám khảo LHP QT Tiệp Khắc năm 1962 trao giải đặc biệt cho phim với lời nhận xét: “Con chim vành khuyên tạo được vẻ đẹp của đất nước đầy thi vị.” khi “đề cập đúng những vấn đề trọng đại của dân tộc Việt Nam và của thời đại chúng ta”. [143, tr.204]

Phim Mẹ vắng nhà dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi. Miêu tả của nhà văn và hình ảnh trên phim là một không gian rợp mát

bóng lá dừa”.như bao năm nay nó đã che mát khoảng đất trước ngõ nhà”,

bóng lá dừa đu đưa trên đầu lũ trẻ” và “bóng lá dừa ve vuốt trên lưng lũ trẻ”.

Trong mảnh vườn xinh xinh bên mái nhà ba gian có chiếc cầu ao nhỏ“tiếng bom nổ và tiếng đại bác dậy lên rồi tan biến đi ngay, chúng không dễ lấn lướt được cái không gian vốn đẹp đẽ này” [212, tr.379]. Nơi đây những đứa con chị Út Tịch sinh hoạt vui chơi và học hành. Bọn trẻ chơi trò đánh trận, “con Bé lại leo lên ngọn dừa. Nó đứng hẳn lên một bẹ lá, dòm ra xa” [212, tr.372] và kể vanh vách cho các em nghe về hình ảnh người mẹ thân yêu của chúng đang chiến đấu.

Mấy đứa nhỏ ở dưới gốc cây, ngước nhìn lên nuốt từng lời của con Bé, chúng dồn dập hỏi chị: “Thấy má không chị Hai ? Má có dặn gì em không ? Bao giờ má về ?”… Những câu hỏi ngây thơ cùng hành động hồn nhiên, vô tư của lũ trẻ trong quang cảnh yên bình êm ả của một đất nước đang có chiến tranh. Trong khung cảnh ấy, bọn trẻ dường như đã quen với cảnh “mẹ vắng nhà”, chúng luôn tự hào về mẹ, nhớ mẹ và cố gắng chăm sóc nhau để xứng đáng với mẹ. Tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày của lũ trẻ đều gắn bó với hình ảnh cây dừa như “chỗ dựa” thân yêu quen thuộc.

Hình ảnh “độc nhất vô nhị ”ấy đã thể hiện một cách tổng quát tiêu biểu về cảnh vật và con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Cảnh vật thiên nhiên đã cùng con người tham gia đánh giặc, tạo nên thế trận “bủa vây quân thù” ở khắp nơi, đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng. Đến em thơ cũng hóa những anh hùng. Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ. Đến hoa trái cũng biến thành vũ khí” ( Tố Hữu - Êmily,con).

Trong tiểu thuyết Thời xa vắng, nhà văn phản ánh một cách sắc bén, hàm súc những hoàn cảnh, thói quen, tập quán thuộc di sản của xã hội cũ. Hình ảnh làng Hạ Vị chuyên đi làm thuê, được nhà văn mô tả thật tiêu biểu của làng quê và những người làm thuê năm xưa. Hôm nào cũng dăm bảy trăm người

đi“đón”, có khi chỉ dăm ba chục người“đắt”còn là ế lũ lượt. Nhưng đêm nào cũng đi. Đi tất cả làng.” [193, tr.27]“Cả hàng dăm bảy trăm người đi và chạy ba cây số, khi đến chân đê không ai bảo ai đều dấn lên ào ào như cơn lốc cuốn lên để tranh chiếm chỗ ngồi” [193, tr.29]… Ai ới lên cần công việc gì lập tức từng đàn, từng đàn lốc nhốc chạy theo bâu quanh người ấy nhao nhao tranh giành nhau.” [193, tr.31]. Đặc biệt cảnh nhà chủ dọn nồi cơm ra, mẹ con Sài nâng bát cơm chưa kịp ăn đã phải bỏ chạy, vì chồng của bà chủ không muốn mướn trẻ con. Sài nuốt nước miếng thèm thuồng ngoái lại nhìn bát cơm vừa mới xới. “Cái phút ấy thằng Sài muốn ứa nước mắt vì bị khinh rẻ, nó hiểu thế nào là thân phận của kẻ đi làm cốt chỉ để kiếm lấy một bữa cơm.” [193, tr.34].

Bằng một tấm lòng nhân đạo, một sự thấu hiểu sâu sắc nỗi tủi nhục của những người buộc phải “làm thuê cuốc mướn”, nhà văn Lê Lựu đã có được những trang viết đầy xúc động. Nhờ những trang viết này, đạo diễn Hồ Quang Minh tái hiện lại chân thực, sống động cảnh đi làm thuê ở làng Hạ Vị bằng ngôn ngữ điện ảnh trên phim.

Đạo diễn Hồ Quang Minh và đoàn làm phim đã đi rất nhiều nơi để chọn cho được một không gian như nhà văn miêu tả trong văn học, để hàng trăm diễn viên quần chúng cùng tham gia diễn xuất “tranh chiếm chỗ ngồi”, chờ người chủ đến chọn thuê. Rồi từ đám đông những con người chuyên đi làm thuê ấy, mẹ con Sài hiện lên như một điểm nhấn xót xa của một “thời xa vắng”. Mặc dù rất tốn kém và vất vả nhưng đạo diễn Hồ Quang Minh cho biết: “Dù lớn lên ở nước ngoài, tôi là người gắn bó với văn hóa , cuộc sống ở Việt Nam, và rất tôn trong những gì thuộc về lịch sử (…)Không khí của phim rất quan trọng, không chỉ là hơi thở cuộc sống nông thôn hay sự chân thực ở thời điểm lịch sử, mà là tổng thể của phim nói chung.”. [108, tr.30] Vì thế, hoàn cảnh lịch sử được tái hiện thật sinh động và thuyết phục.

Như vậy, hoàn cảnh đã góp phần tạo nên tính cách nhân vật. Ở mỗi giai đọạn lịch sử nhất định được miêu tả phù hợp với hoàn cảnh xã hội, với dạng tính

cách điển hình riêng của từng nhân vật, làm nổi bật tính cách của con người trong sự phát triển chung của hiện thực khách quan.

Tính cá biệt

Nếu hoàn cảnh chỉ mang tính khái quát sẽ trở nên chung chung trừu tượng và các tính cách hoạt động trong đó sẽ mất đi tính xác thực, sinh động cần phải có của chúng. Vì vậy, bên cạnh tính khái quát, hoàn cảnh trong tác phẩm phải có tính cá biệt. Đó là những chi tiết riêng biệt, độc đáo, cụ thể về địa điểm hoạt động và mối quan hệ của những con người sống trên địa điểm ấy. Điều này sẽ góp phần phân định rõ từng hoàn cảnh cụ thể trong những tác phẩm cùng đề tài, cùng phạm vi hiện thực.

Truyện vừa Chùa Đàn của Nguyễn Tuân là một tác phẩm luận đề triết lí Tự hủy diệt để tái sinh. Để diễn giải vấn đề này, tác giả đặt câu chuyện một hoàn cảnh không gian và thời gian khá đặc biệt, không lẫn với bất cứ một tác phẩm nào. Đặc biệt là một tửu phần (mả rượu) tại ấp Mê Thảo có nhiều yếu tố hoang đường ma quái đến khó tin, “Hướng vào nhà khách và cách nhà khách độ ba mươi bộ, có một cái gò con. Chỏm gò phất phơ tòan một giống thạch sương bồ.

Sườn gò, đây đó ít gốc rền tía. Gò ấy, chính là huyệt rượu. .. Bá Nhỡ ghi ngày tháng từng lứa rượu và đặt tên cho từng mẻ rượu, lắm thứ tên những nghe không thôi mà đã muốn đem cái vui cái buồn trong lòng ra gởi vào đấy”. Một ngày kia, vợ ông chủ ấp Mê Thảo chết vì tai nạn,Chữ Sấu Viên là tên hiệu riêng của Mợ Lãnh lúc làm thơ. Mợ Lãnh qua đời rồi, thấy cậu Lãnh nhớ vợ quá, Bá Nhỡ bèn đặt việc ấy vào một cái tên rượu. Đêm đêm nhớ vợ, chủ ấp lại uống hàng chục chén và có khi hàng vò…” [207, tr.64].

Chìm đắm trong đau khổ trong rượu đã biến Lãnh Út (trên phim là ông chủ Nguyễn) thành con người của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ.“Đấy là một cái ngục tối. Ấp Mê Thảo là một cảnh địa ngục mà lính canh là rượu, là hát, là kỷ niệm, là sự nhớ tiếc một người vợ chết.” [207, tr.102] Từ hoàn cảnh bi kịch của nhân vật, nhà văn đưa vào những yếu tố huyền hoặc, bí ẩn của ấp Mê Thảo góp phần

khắc họa tính cách phức tạp của nhân vật trung tâm Lãnh Út trong quá trình “lột xác” để trở thành “người tình nhân của Cách Mệnh ” [207, tr.103].

Mê Thảo-Thời vang bóng được đánh giá là một bộ phim nghệ thuật làm công phu và kỹ lưỡng đến từng bối cảnh và nhân vật. Qua phim Mê Thảo -Thời vang bóng, các tác giả điện ảnh đã làm sống lại không khí cổ kính nơi làng quê thời phong kiến. Trên nền bối cảnh đó, các mối quan hệ, những xung đột kịch tính cũng mang đậm không khí của một thời với chữ tình sâu nặng và những trói buộc, phân cấp nặng nề trong xã hội.

Trong truyện ngắn Ba người trên sân ga, nhà văn Hữu Phương hầu như chỉ tập trung miêu tả tâm trạng của ba nhân vật ông Cảnh, bà Thoa và cô Tâm.

Nhưng trên phim Đời cát để khai thác trọn vẹn tâm lý nhân vật, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã chọn miền biển khô rát Quảng Bình làm phông nền cho câu chuyện của mình. Đó là một vùng đất khô cằn, nóng rát mênh mông cát, với sự khắc nghiệt của khí hậu, và cả chiến tranh.

Trong ngôi làng nhỏ ven biển ấy, chất chứa bao điều đau khổ, mỗi con người là một số phận đều như đời cát, lăn lóc qua gió bụi trần ai. Hảo, người phụ nữ cụt cả hai chân luôn khát khao được làm mẹ. Huy, người du kích dũng cảm năm nào, nay cụt một chân, vẫn một mình đơn côi. Thoa, người phụ nữ chung thủy chờ chồng suốt hơn hai mươi năm, nhưng ngày đón chồng trở về “mới chợt nhận ra rằng mình đã quá già” [198, tr.5] để được làm mẹ …Trong khung cảnh làng cát với những bước chân trên cát nóng bỏng ấy, mỗi con người đã như những hạt cát bé nhỏ, chứa đựng nét đẹp lung linh cao cả. Thoa hy sinh để chồng về sống với cô Tâm (vợ Hai), Huy đứng ra nhận bảo lãnh cho đứa con trong bụng cô Hảo để tránh lời thị phi…Tất cả đã khắc họa chân thực những hoàn cảnh khổ đau và tính cách phi thường của mỗi nhân vật trong một đất nước đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng của nữ nhà văn Trần Thùy Mai. Khi chuyển thể Trăng nơi đáy giếng sang điện ảnh, đạo diễn Vinh Sơn đã chọn bối

cảnh thành quách, sông Hương núi Ngự để miêu tả nhịp sống chậm rãi của con người xứ Huế . Đạo diễn Vinh Sơn cho biết: “Trăng nơi đáy giếng rất Huế . Nếu tôi đem nhân vật đó đặt ở Sài Gòn hoặc Đà Lạt hay Hà Nội thì sẽ không thể hiện được câu chuyện đó.” [175, tr.25] Từ bối cảnh ấy, các nhà làm phim đã chuyển tải thành công những không gian, bối cảnh, làm sống lại những giá trị cũ trong cuộc sống xã hội hiện nay.

Qua những ví dụ trên, mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách nhân vật là mối quan hệ biện chứng, chúng bổ sung, hỗ trợ nhau làm nên hồn cốt nội dung của tác phẩm. Vì vậy, tính cách không thể phát triển ngoài hoàn cảnh, ngược lại, hoàn cảnh không thể có ý nghĩa thực sự khi không có sự hoạt động của tính cách trong đó.

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 103 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(226 trang)