7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
2.3 QUY TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC CHUYỂN THỂ TỪ TÁC PHẨM VĂN HỌC SANG PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH
2.3.1 NHỮNG CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ CHO QUY TRÌNH SẢN XUẤT PHIM TRUYỆN
Kịch bản văn học điện ảnh
Quy trình sản xuất phim truyện điện ảnh chỉ được thực hiện khi đã có kịch bản. Phim truyện chuyển thể và phim truyện sáng tác khác nhau duy nhất ở khâu sáng tác kịch bản. Kịch bản sáng tác là tác phẩm độc lập, kịch bản chuyển thể là dựa trên một tác phẩm văn học đã có sẵn.
Trong luận án này đề cập đến phim chuyển thể nên chỉ nói về kịch bản chuyển thể. Kịch bản chuyển thể là mối giao duyên giữa văn học và điện ảnh
trong sáng tác phim truyện. Cơ duyên ấy, có thể do nhà sản xuất yêu thích tác phẩm văn học mà đặt hàng nhà biên kịch viết, hoặc nhà biên kịch, đạo diễn yêu thích tác phẩm văn học, tự chuyển thể thành kịch bản.... Nhưng dù lí do nào, thì sự đồng cảm của các tác giả nghệ thuật vẫn là quan trọng nhất, bởi họ là những người trực tiếp cảm nhận tác phẩm văn học và chuyển nó lên màn ảnh. Họ là những người xây viên gạch đầu tiên cho mối giao duyên giữa văn học và điện ảnh. Có thể thấy điều này qua một số phim chuyển thể thành công.
Năm 1987, sau khi đọc tác phẩm Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, nữ đạo diễn Việt Linh xúc động vì cái tâm và thần thái toát lên từ tác phẩm. Đạo diễn đã cùng biên kịch Phạm Thùy Nhân xây dựng kịch bản phim Mê Thảo - Thời vang bóng. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp huyền bí trong ngôn từ của nhà văn Nguyễn Tuân: “Khi làm kịch bản Mê thảo- Thời vang bóng, tôi như chìm vào cái thế giới huyền hoặc, ghê rợn, vô thức, bản năng, dục tính, cuồng nhiệt đôi khi đến thái quá(…) Ở Chùa Đàn là cái đẹp của niềm say mê âm nhạc, được cụ Nguyễn Tuân thăng hoa lên thành cái đạo… Bị ám ảnh bởi cái tửu phần của chủ nhân ấp Mê Thảo” [105, tr.25]
Tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng là một trong những tác phẩm văn xuôi được giải thưởng văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991. Khi quyết định chọn tiểu thuyết Bến không chồng để dựng thành phim, Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: “Tôi rất thích chất văn của Dương Hướng thật thà nhưng không kém phần sâu sắc. Tôi vô cùng cảm động và khâm phục sự hy sinh chịu đựng giữ trọn lòng thủy chung của những người phụ nữ làng Đông có chồng con đi chiến đấu.” [152, tr.28].
Từ những cảm nhận sâu sắc với tác phẩm văn học, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, Lưu Trọng Văn đã bắt tay vào chuyển thể kịch bản văn học và sau đó được dàn dựng thành những bộ phim thành công như Mê Thảo – Thời vang bóng, Bến không chồng. Những yếu tố chủ yếu trong kịch bản là hình tượng
nhân vật, bối cảnh và cốt truyện, được các nhà biên kịch chuyển từ tác phẩm văn học sang điện ảnh (đã trình bày ở phần 2.2)
Sau khi đã có kịch bản, nhà sản xuất sẽ giao kịch bản cho đạo diễn để viết kịch bản phân cảnh cho phim truyện chuyển thể.
Kịch bản phân cảnh của đạo diễn
Trong những công việc chuẩn bị cho quy trình sản xuất phim, việc quan trọng nhất của đạo diễn là viết kịch bản phân cảnh phục vụ cho việc làm phim tại hiện trường. Sau khi nghiên cứu kịch bản văn học, đạo diễn bắt tay viết kịch bản phân cảnh, hay còn gọi là phân cảnh kỹ thuật. Trong đó, đạo diễn chuyển các con chữ trong kịch bản thành hình ảnh trên giấy qua các lọai cảnh quay chính tòan, trung, cận và đặc tả. Tài năng của đạo diễn trong kịch bản phân cảnh là khám phá ra những vẻ đẹp đã hình thành ở kịch bản văn học để chuyển sang kịch bản phân cảnh một cách trọn vẹn nhất.
Kịch bản phân cảnh là cách đưa văn học đến gần với phim hơn bằng tài năng và cảm xúc của người đạo diễn. Những ý tưởng sâu sắc từ kịch bản sẽ đạt tới kết quả tương ứng trong kịch bản phân cảnh. Trong quá trình viết kịch bản phân cảnh, đạo diễn có thể chỉnh sửa, thêm bớt chi tiết mà đạo diễn tâm đắc nhưng không ngòai nội dung chủ đề tư tưởng của kịch bản văn học.
James Cameron, đạo diễn hai bộ phim lừng danh Titanic và Avatar, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi đã thực sự đắm mình trong một câu chuyện khá phức tạp, và tôi lẽ ra có thể giảm lược nó đi một chút trong kịch bản, nhưng dường như tôi lại bị áp lực của thứ vật cản là lôgic câu chuyện; nếu tôi cắt bỏ đi quá nhiều trong trường hợp đó sẽ khiến cho khán giả bị lạc lối.” [24, tr.95].
Kịch bản phân cảnh là sự kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật, đặc biệt mang nặng dấu ấn chủ quan của đạo diễn. Kịch bản phân cảnh là bản phác thảo bộ phim trên giấy, trong đó chia ra từng phân đọan, từng cảnh, ghi rõ bối cảnh, vị trí máy quay phim, hành động, đối thọai của nhân vật, âm thanh và nhạc đệm của từng đoạn phim. Tùy theo phong cách của từng đạo diễn, kịch bản phân
cảnh có thể đơn giản hoặc rất chi tiết. Kịch bản phân cảnh viết càng kỹ lưỡng với đầy đủ chi tiết, thì đoàn làm phim càng dễ làm việc khi chuẩn bị và thực hiện bộ phim. Kịch bản phân cảnh được viết dưới hình thức song hành phân biệt rõ hai phần quan trọng hình ảnh và âm thanh. Một cột dành cho bối cảnh gồm vị trí máy quay và hành động của nhân vật. Một cột hai dành cho đối thọai, tiếng động và nhạc.
Trong quá trình làm phim, kịch bản phân cảnh là tài liệu làm việc cần thiết cho cả đòan làm phim, từ lúc chuẩn bị cho đến khi bộ phim hoàn thành.
So sánh kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh
Sau đây là một phân đoạn trong kịch bản văn học phim Mê thảo – Thời vang bóng và kịch bản phân cảnh của phân đoạn đó [101, tr.56-58]
KỊCH BẢN VĂN HOC
Đường phố Hà Nội – Ngoại – Đêm.
Bánh xe gỗ lăn trên đường đá.
Hai người phu đang cắm cúi kéo hai chiếc xe tay chạy qua phố. Ngồi trên xe thứ nhất là Tứ, dáng thành thị, ăn vận lối Âu. Xe thứ hai chở Nguyễn, dáng uy nghi trong bộ vest lụa mỡ gà.
Nguyễn khoan khoái nhìn quang cảnh xung quanh.
Khu nhà hát với những bóng đèn màu giăng mắc và tiếng nhạc vẳng ra từ hai chiếc loa lớn.
Dân Hà thành dắt díu nhau đi dạo, sĩ quan Pháp ngồi trên xe kéo hoặc thả bách bộ cùng với các cô đầm…
Một chiếc xe hơi mui trần xuất hiện, lướt ngang trước ánh mắt trầm trồ của người lớn và tiếng reo hò khoái trá của bọn trẻ.
Như mọi người, Tứ cũng nhìn theo chiếc xe một lúc rồi ra hiệu cho người phu rẽ trái.
KỊCH BẢN PHÂN CẢNH ( Phân cảnh kỹ thuật)
Sốtt Kỹthuật Độdài Nội dung đối thoại Ghichú
10 Toàn hẹp 20 m Màn đêm đen. Ống kính mở dần lộ ra con
dolly đường lát đá. Máy theo mặt đường đá một đoạn dài, từ từ lia ngược lên về phía trước cho thấy: bắp chân đang chạy của người phu thứ nhất, hậu cảnh chiếc xe kéo thứ hai.
11 Trung rộng
6 m Hai chiếc xe kéo lướt qua ống kính.
Ngồi trên xe thứ nhất là người đàn ông trung niên - Tứ - áo dài the đen, khăn đống.
Nguyễn - 40 tuổi - xe thứ hai, vest lụa mỡ gà.
Hậu cảnh 6 quần chúng phong lưu qua lại.
Tiền cảnh chiếc xe kéo khác chở người phụ nữ chạy ngược chiều.
12 Cậndolly 4 m Bánh xe kéo lăn trên đường
13 Cậndolly 4 m Gương mặt khoan khoái của Nguyễn 14 Toàn lia
bằng cần cẩu
14 m Từ chum đèn trên đỉnh nhà hát lớn, máy lia xuống bắt gặp xe Tứ và Nguyễn chạy ngang.
Tiền cảnh một chiếc xe hơi chở đôi vợ chồng Pháp và một chiếc xe kéo.
Hậu cảnh 150 quần chúng sôi động trước cửa nhà hát.
Nhạc Tây
15 Cậndolly 4 m Đôi chân trần của người phu xe chạy trên mặt đường
16 Trung hẹp
3 m Tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của người phu xe.
Tiền cảnh là góc vai của Tứ nhìn theo xe.
Dolly : Thiết bị bao gồm chiếc xe nhỏ đặt trên đường ray để máy quay di chuyển [145, tr.33]
Qua một phân đoạn kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh của phim Mê Thảo – Thời vang bóng cho thấy sự khác biệt giữa kịch bản văn học và phân cảnh: một bên đơn thuần là nghệ thuật, một bên là nghệ thuật kết hợp với kỹ thuật. Kịch bản phân cảnh chỉ rõ các khuôn hình kỹ thuật để diễn đạt một cách nghệ thuật nội dung của văn học.
Vì vậy, đối với đạo diễn, kịch bản phân cảnh là phương tiện để biến ước mơ thành hiện thực, là tài liệu làm việc căn bản, cần thiết cho đạo diễn, cũng như tất cả các thành phần tham gia quy trình sản xuất phim. Trên cơ sở kịch bản phân cảnh của đạo diễn, nhà sản xuất sẽ ấn định tổng dự tóan tài chính, phác thảo kế họach thực hiện phim.
Sự chuẩn bị của nhà sản xuất
Sau khi có kịch bản phân cảnh của đạo diễn, nhà sản xuất sẽ cử Giám đốc sản xuất để tiếp nhận tiền và quản lý tài chính trong tất cả các lĩnh vực sản xuất phim. Giám đốc sản xuất lại cử Chủ nhiệm phim để điều hành trực tiếp mọi công việc cụ thể từ chuẩn bị quay đến quay trực tiếp tại hiện trường.
Thành lập đoàn làm phim
Sau khi có kinh phí, đạo diễn và chủ nhiệm phim sẽ thành lập đoàn làm phim. Trên cơ sở kịch bản phân cảnh, đạo diễn sẽ chọn diễn viên và cùng tổ chế tác gồm: quay phim, thư ký trường quay, họa sĩ thiết kế, chuyên viên kỹ xảo, chủ nhiệm phim đi chọn bối cảnh quay. Phó đạo diễn và thư kí đạo diễn, giúp đạo diễn làm Bản kiểm kê kỹ thuật (còn được coi là bản lọc cảnh). Từ Bản kiểm kê kỹ thuật, họ phân tích và sắp xếp có trật tự các bối cảnh, những cảnh quay, sự xuất hiện của các vai diễn cùng phục trang, đạo cụ. Từ đó, họ sắp xếp lịch trình quay phim một cách khoa học cho tất cả các bộ phận.
Chọn diễn viên và bối cảnh là hai công việc quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của bộ phim sau này.
Chọn diễn viên là khâu tối quan trọng trong sáng tác điện ảnh, quyết định phần lớn sự thành công hay thất bại của bộ phim, nhà văn, nhà biên kịch người Ailen Colleen McCullough nhận xét: “… bút sa có thể sửa, sân khấu sai có thể chỉnh nhưng trong điện ảnh khi đã quay đã tốn kém mà phát hiện ra diễn viên không phù hợp thì chỉ có nước …ân hận.” [72, tr.45] Đạo diễn là người chịu trách nhiệm chính của bộ phim, hiểu rất rõ vai trò của người diễn viên trong tác phẩm, nên rất cẩn trọng trong lựa chọn diễn viên cho tác phẩm của mình. Bởi ở
một mức độ nhất định, sự thành công của bộ phim khởi đầu từ diễn viên, vì tất cả cuộc sống trong phim đều được phản ánh qua diễn viên - nhân vật.
Gần đây, phim chuyển thể Cánh đồng bất tận được người xem chú ý vì có nhiều cảnh quay đẹp, dàn dựng công phu, lại đề cập đến vấn đề có tính thời sự.
Nhưng tại LHP VN năm 2012, “Cánh đồng bất tận mất điểm vì chọn sai diễn viên cho nhân vật” [94, tr.20]. Đó là diễn viên Hải Yến vai Sương và Dustin Nguyễn vai người cha trong phim.
Phim Mê Thảo – Thời vang bóng, hai diễn viên chuyên nghiệp Minh Trang vai cô Cam và Đơn Dương vai Trương Tam, diễn xuất khá tốt. Đặc biệt vai diễn ông chủ Nguyễn do diễn viên không chuyên Dũng Nhi (giáo viên văn) thủ vai đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho người xem. Thúy Nga vào vai cô Tơ đã học và tập hát ca trù rất kỹ theo đúng yêu cầu của đạo diễn Việt Linh. Vì vậy, chưa một lần đóng phim nhưng với vai diễn này, chị nhận được giải diễn viên phụ xuất sắc nhất tại LHP VN lần thứ XIV.
Họa sĩ Trịnh Cung, người đóng vai cụ Thường trong phim, nhận xét về vai diễn của các bạn đồng nghiệp trên phim: “mọi diễn viên đều hay hơn cái họ vẫn thường có. Còn riêng tôi thì không thể tưởng tượng nổi là mình đã vào vai cụ Thường rất ư là có nghề (…) tất cả điều đó là do đạo diễn mà có.” *
Việc lựa chọn được những diễn viên thích hợp để truyền tải nội dung tư tưởng của tác phẩm cũng thể hiện tài năng của người đạo diễn. Những bộ phim hay bao giờ cũng có những nhân vật ấn tượng, để lại nhiều cảm xúc trong lòng người xem. Không thể phủ nhận tài diễn xuất của người diễn viên, nhưng đạo diễn là người có “con mắt xanh” chọn đúng người đặt vào vị trí phù hợp.
Người diễn viên được chọn phải học kỹ kịch bản phân cảnh và tập dượt trước khi quay. Kịch bản phân cảnh giúp họ biết rõ nội dung tác phẩm, những cảnh họ phải đóng, những công việc họ phải chuẩn bị cùng các thành phần khác.
---
* Báo Thể thao ngày 22/7/2004.
Chọn bối cảnh hoặc dựng bối cảnh cũng rất quan trọng vì bối cảnh là phông nền để tạo không khí cho phim, là không gian để diễn viên thể hiện nhân vật. Mặt khác, nước ta chưa có phim trường nên việc chọn bối cảnh là công việc không thể thiếu. Đối với phim chuyển thể, việc chọn bối cảnh phải phù hợp với địa điểm, hoàn cảnh phong tục tập quán mà nhà văn đã miêu tả trong tác phẩm.
Có thể thấy điều đó qua một số bộ phim chuyển thể:
Các bối cảnh của phim Thời xa vắng tập trung ở các tỉnh phía Bắc, Hưng Yên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Nam Định. Đặc biệt, để quay cảnh: con gái Sài đạp xe đi trên triền đê lộng gió tới bến đò đón cha về làm đám cưới cho mình, đạo diễn Hồ Quang Minh và quay phim Trần Hùng đã phải sục sạo gần 5000 cây số đường đê, để tìm một đoạn đê biển thật đẹp, đúng với ý tưởng của đạo diễn. Để có cảnh quay ngôi nhà ông Đồ Khang đúng như miêu tả trong văn học, đạo diễn đã đi khắp nơi để tìm, và cho chuyển ngôi nhà mà mình chọn từ Thanh Hóa về Hưng Yên để dàn dựng cảnh quay. [46, tr.15]
Phim Người đàn bà mộng du, chuyển thể từ Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Bối cảnh của phim được đoàn làm phim chọn ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà tây, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh.[8, tr.17]
Đối với quay phim, thiết kế mỹ thuật, nhiếp ảnh, dựng cảnh, ánh sáng, hóa trang, âm thanh… tất cả mọi người đều chuẩn bị phần việc của mình căn cứ trên kịch bản phân cảnh. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, quy trình sản xuất phim truyện được bắt đầu.