7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
2.2 NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN THỂ TÁC PHẨM VĂN HỌC SANG KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH
2.2.3 XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN
Tác phẩm tự sự là câu chuyện kể về một người nào đó, một vật gì đó hay một sự kiện nào đó, vì vậy trong tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện. Gắn liền với cốt truyện là một hệ thống nhân vật được khắc họa về nhiều mặt, thông qua các chi tiết nghệ thuật phong phú đa dạng như các sự kiện, xung đột, ngoại cảnh, nội thất, ngoại hình và nội tâm nhân vật...
Cốt truyện có thể bắt nguồn từ câu chuyện có thật trong đời sống và nhà văn xây dựng thành cốt truyện hoàn chỉnh như truyện ký Sống như anh của Trần Đình Vân, sau đó được đạo diễn Bùi Đình Hạc dựng thành phim Nguyễn Văn Trỗi. Từ câu chuyện về cuộc đời người phụ nữ kiên trung Nguyễn Thị Huỳnh, nhà văn Anh Đức đã xây dựng thành cốt truyện hoàn chỉnh trong truyện Một chuyện chép ở bệnh viện. Đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã dựng thành bộ phim truyện nổi tiếng Chị Tư Hậu. Nhưng cũng có khi câu chuyện của đời sống chỉ có tác dụng gợi ý bằng một vài chi tiết, một vài sự kiện nào đó, còn toàn bộ cốt truyện là do nhà văn, nhà biên kịch tạo ra.
Tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ là do nhà văn Tô Hoài sáng tạo nên từ câu chuyện có thật, sau này nhà văn Tô Hoài chuyển thể thành kịch bản, đạo
diễn Mai Lộc và Hoàng Thái dựng thành phim. Tương tự như vậy, một số tác phẩm văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, đã lần lượt được đưa lên màn ảnh như tiểu thuyết Thời xa vắng, Bến không chồng, truyện ngắn Tướng về hưu, Trăng nơi đáy giếng…Những câu chuyện của văn học khi sang điện ảnh thường có ít nhiều thay đổi về cốt truyện, để phù hợp với những đặc trưng riêng của điện ảnh, thậm chí có phim chỉ lấy một vài ý tưởng của văn học.
Phim Mê Thảo -Thời vang bóng, từ tình yêu cái đẹp truyền thống của dân tộc trong tác phẩm Chùa đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, các tác giả điện ảnh xây dựng nên cốt truyện của phim. Đó là sự đan xen giữa những mối tình trắc trở của Trương Tam (thầy đàn) và cô Tơ (đào hát), tình yêu mù quáng mê muội của ông chủ Nguyễn với người vợ quá cố, và tình yêu đơn phương tội nghiệp của cô Cam với ông chủ Nguyễn. Qua những mối quan hệ tình cảm này, các tác giả điện ảnh thể hiện được nét đẹp văn chương và tinh thần dân tộc trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Tuân lên màn ảnh một cách ấn tượng.
Như vậy, cốt truyện đã tạo ra một trường hành động cho các nhân vật và cho phép tác giả thể hiện, lý giải tính cách nhân vật để từ đó làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Nói về tầm quan trọng của cốt truyện, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Oliver Stone phát biểu: “Khi viết kịch bản, tôi luôn luôn quan tâm tới cái “lực” của bộ phim, ADN của một bộ phim là cốt truyện.” [72, tr.48].
Theo các nhà nghiên cứu trong tác phẩm tự sự, “cốt truyện có ba đặc điểm chính tính cụ thể, tính kịch và tính hoàn chỉnh.” [19, tr.138]. Đó cũng là điểm chung, tương đồng trong xây dựng cốt truyện của tác phẩm văn học và điện ảnh.
Tính lịch sử- cụ thể
Tính chất này của cốt truyện phản ánh mức độ chân thực của hiện thực đời sống được phản ánh trong tác phẩm. Đồng thời qua đó, các sự kiện lịch sử xã hội đã làm cho sự phát triển của cốt truyện có ý nghĩa tiêu biểu cho sự vận động của lịch sử vào một thời điểm lịch sử nhất định.
Ở tiểu thuyết và phim Bến không chồng, người xem được chứng kiến không khí của thời kỳ sau “cải cách ruộng đất” ở làng Đông thuộc đồng bằng Bắc bộ. Những người có dính líu đến địa chủ phần đông bị phân biệt đối xử, kỳ thị như mẹ con bà Hơn. Khi thằng Tốn, con bà Hơn bị trẻ làng trói lại và “đả đảo đồ địa chủ”, nó được Vạn, một người lính từ Điện Biên trở về, bảo vệ che chở. Tuy mang tiếng là “địa chủ” nhưng cuộc sống của họ cũng không hơn gì những người lao động nghèo trong làng. Lớn lên thằng Tốn xung phong đi bộ đội, nó nói với bà Hơn “Con đi bộ đội để mẹ có thể ngẩng cao đầu” [236]...Và Tốn đã hy sinh ở chiến trường, bà Hơn từ vợ địa chủ trở thành mẹ liệt sĩ. Câu chuyện trên chỉ là một mạch trong cốt truyện hoàn chỉnh của Bến không chồng, nhưng đã góp phần làm sâu sắc hơn hoàn cảnh lịch sử của những vấn đề mà tác giả đặt ra trong tác phẩm.
Tính lịch sử cụ thể của cốt truyện còn được xác định thông qua đặc điểm của tính cách nhân vật. Một tính cách nào cũng là đại diện trong mức độ nhất định cho một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đó là chị Dậu, hình ảnh người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Vạn là hình ảnh anh bộ đội sau kháng chiến chống Pháp. Ông Tám Quyện, người dân yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ…
Như vậy, tính lịch sử cụ thể đảm bảo sự chân thực của cốt truyện, đồng thời thể hiện mối quan hệ tương tác biện chứng giữa tính cách nhân vật và hoàn cảnh lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật.
Tính kịch
Tính kịch là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm văn học và điện ảnh, được thể hiện qua các xung đột trong tác phẩm. Theo các nhà nghiên cứu trong cốt truyện bao giờ cũng có: “một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm”.[19, tr.137]
Xung đột xã hội là cơ sở và động lực thúc đẩy cho hành động, nó quy định các giai đoạn chính của sự phát triển cốt truyện, sự nảy sinh xung đột (khai đoạn, thắt nút), sự gay gắt cao độ của xung đột (đỉnh điểm, cao trào), sự giải quyết xung đột (kết thúc, mở nút). Các xung đột thường hiện diện dưới dạng những va chạm, những đụng độ và chống đối trực tiếp giữa các thế lực hoạt động được miêu tả trong tác phẩm. Các tác giả thường chọn những xung đột đã phát triển gay gắt, không thể điều hòa và tự nó sẽ làm bùng nổ một cuộc đấu tranh gay gắt quyết liệt. Đó là nhân tố quan trọng tạo nên “độ căng” của cốt truyện, và làm nên kịch tính. Thông qua kịch tính, nhiệm vụ của cốt truyện không chỉ đơn giản là phản ánh hiện thực mà còn phát hiện ý nghĩa bản chất của hiện thực được che dấu ở phía sau xung đột.
Phim Tướng về hưu là một trong những phim tiêu biểu trong dòng phim hiện thực – luận đề, chứa đựng nhiều xung đột được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Truyện ngắn Tướng về hưu được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, in lần đầu trên tuần báo Văn Nghệ số 20 (tháng 6/1987) của Hội nhà văn Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nhận xét truyện ngắn Tướng về hưu là “…lời ai điếu cho một thời văn nghệ minh họa”.
Mở đầu truyện và phim, ông tướng Thuấn rời quân ngũ trở về sống với gia đình. Sau những ngày vui vẻ, hạnh phúc trong không khí hội ngộ đoàn viên, ông Thuấn nhận thấy mình lạc lõng ngay trong ngôi nhà của mình. Ông thật sự bất ngờ khi ông quyết định “giải phóng” cho bố con ông Cơ thoát khỏi cuộc đời đi ở để về quê xây dựng cuộc sống độc lập, nhưng họ đầm đìa nước mắt một mực xin “ở lại hầu hạ ông bà và cậu mợ”. Hàng ngày, chiếc máy xay thịt quay đều đều, nghiền nát những nhau thai do cô con dâu – bác sĩ sản khoa lấy về từ bệnh viện để nuôi chó béc-giê kinh doanh. Lối sống thực dụng của cô con dâu làm ông rất khó chịu nhưng ông còn đau đớn hơn trước thái độ bình thản chấp nhận của người con trai. Bất lực, ông Thuấn phải thốt lên: “Sao tôi như người
lạc loài thế này? ” [232]. Đặc biệt sau cái chết của người vợ ốm đau, tội nghiệp và việc cô con dâu nhận hối lộ của một người mà ông đã giúp đỡ, khiến ông bị sốc mà chết. Cái chết đột ngột của ông đã kết thúc những xáo trộn trong gia đình và cuộc sống trở lại nếp cũ như trước ngày ông Tướng về hưu.
Truyện ngắn và phim Tướng về hưu phản ánh một thực tế những người lính khi nghỉ hưu, họ không thể hòa hợp được với cuộc sống hiện đại đang thay đổi từng ngày. Điều đó đã trở thành những trăn trở giằng xé mạnh mẽ trong trái tim đa cảm, nhân hậu, ngay thẳng của vị tướng già khi về nghỉ hưu. Và cũng từ đó tạo nên những xung đột giữa các thế hệ ngay trong một mái nhà.
Truyện ngắn và bộ phim mang tính thời sự nóng hổi, khai thác tường tận những vấn đề của hiện thực đất nước sau chiến tranh một cách tinh tế. Bên cạnh việc phê phán những con người ích kỷ coi trọng vật chất, các tác giả chia xẻ cảm thông với mất mát, hụt hẫng của những con người thẳng thắn trung thực nhưng chưa bắt kịp nhịp sống mới của xã hội trong kinh tế thị trường.
Như vậy, xung đột là nhân tố tổ chức nên tác phẩm nghệ thuật ở tất cả các cấp độ, từ đề tài, chủ đề đến quan niệm, ý tưởng cho từng hình tượng và xác định về chất của nó trong thế đối lập với tất cả các hình tượng khác.
Những xung đột trong hiện thực cuộc sống rất đa dạng, xung đột giữa các lực lượng xã hội, giữa các cá nhân này với cá nhân khác nhau về quan điểm tư tưởng, về quyền lợi kinh tế, về tâm lí tính cách…Có khi xung đột diễn ra trong từng con người cụ thể giữa trí tuệ và tình cảm, giữa tình cảm và nghĩa vụ.
Bộ phim Xa và gần của đạo diễn Nguyễn Huy Thành đã gây được tiếng vang lớn trong xã hội vì diễn tả sâu sắc những mâu thuẫn xung đột thời đại diễn ra trong một gia đình cán bộ cách mạng ngày Sài gòn mới giải phóng. Bộ phim được hình thành từ tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Trong đó các tác giả khéo léo và tinh tế khi mô tả những xung đột trong một gia đình sau hàng chục năm xa cách, với những mâu thuẫn sâu sắc giữa hai hệ tư tưởng, hai cách sống hoàn toàn trái ngược. Người chồng, một cán
bộ cách mạng cao cấp và người vợ, một tư sản cùng những đứa con cũng sinh ra và lớn lên ở hai xã hội khác biệt.
Trong tác phẩm văn học và điện ảnh thành công luôn có cốt truyện khai thác được tối đa sự đa dạng phức tạp của các xung đột để tạo nên những kịch tính buộc người xem phải đắn đo, trăn trở, day dứt…Đó là những cảm xúc rất thật của đời người. Nữ đạo diễn Việt Linh, tác giả nhiều bộ phim truyện thành công, khẳng định: “Một kịch bản hay là một kịch bản phải liên tục tạo ra cảm xúc”.[72, tr.121] Cảm xúc chỉ có được khi cốt truyện xây dựng những kịch tính thông qua các xung đột. Vì vậy, tính kịch của cốt truyện là bí quyết để tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm tự sự văn học và phim truyện điện ảnh.
Kết cấu
Tính lịch sử cụ thể và tính kịch của cốt truyện, chỉ được tỏa sáng trong một tác phẩm có bố cục kết cấu mạch lạc, lôgíc, hoàn chỉnh. Tính hoàn chỉnh của cốt truyện có ý nghĩa quyết định đến thành công của tác phẩm.
Cũng như trong văn học, kịch bản văn học điện ảnh cũng được xây dựng từ những sự việc có liên quan với nhau, trong đó tính cách các nhân vật luôn phát triển kèm theo những tình huống mới xuất hiện. Mỗi giai đoạn hành động của nhân vật bao giờ cũng xảy ra trong một hoàn cảnh cụ thể. Trong hoàn cảnh đó, những mâu thuẫn kịch tính luôn diễn ra do hành động của nhân vật tạo nên và chúng đòi hỏi được giải quyết để tạo năng lực cho cốt truyện phát triển.
Sức hấp dẫn của một bộ phim phụ thuộc phần lớn vào cốt truyện trọn vẹn hoàn chỉnh trong mối liên hệ giữa các đoạn, phân đoạn, trường đoạn một cách mạch lạc rõ ràng để bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Một thực tế không thể phủ nhận là không ai thích nghe một câu chuyện nhạt nhẽo, không đầu không đuôi. Việc sắp xếp chi tiết, nhân vật, thêm bớt đường dây chính phụ, đều có liên quan với cấu trúc hoàn chỉnh của cốt truyện.
Tính hoàn chỉnh của cốt truyện được thể hiện qua kết cấu, có hai hình thức kết cấu chủ yếu, có cốt truyện và không có cốt truyện.
Kết cấu không có cốt truyện
Thường là kết cấu của những tác phẩm thơ ca, tuy nhiên trong văn xuôi tự sự cũng có những tác phẩm không có cốt truyện như truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Trong truyện ngắn này nhà văn ghi lại một góc đời thường của những số phận nghèo khó. Hay truyện ký Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi, đã được chuyển thể thành phim truyện cùng tên.
Kết cấu có cốt truyện
Tác phẩm có cốt truyện khá phổ biến, quen thuộc trong văn học và điện ảnh, thường được chia theo hai cách:
Cốt truyện có kết cấu theo trình tự thời gian
Những tác phẩm văn học nổi tiếng có cốt truyện diễn biến theo trình tự thời gian như: Tam quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Sông đông êm đềm, Bão biển, Bến không chồng, Thời xa vắng... Những tác phẩm này khi chuyển sang điện ảnh hầu như vẫn giữ nguyên mạch kết cấu của văn học.
Tiểu thuyết và phim Bến không chồng là câu chuyện trải dài hơn ba mươi năm, thời gian những người phụ nữ làng Đông chờ chồng lặng lẽ trong tuyệt vọng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bộ phim được gắn kết bằng nhiều trường đoạn, phân đoạn. Mỗi trường đoạn, phân đoạn là một phần nội dung của cốt truyện. Chẳng hạn cảnh cô đơn của Vạn, của Nhân, của Hơn và những bà, những cô góa chồng hoặc xa chồng. Trên phim, cảnh bến nước của làng khi màn đêm buông xuống là nơi tập trung của những người phụ nữ không chồng, hay cảnh những cô gái tranh nhau ghẹo trai… Mỗi con người mỗi số phận riêng của những người phụ nữ cô đơn làng Đông, đã làm nên một cốt truyện đầy đặn và nhiều ám ảnh trải dài hơn ba mươi năm .
Cốt truyện có kết cấu đi thẳng vào giữa câu chuyện
Đó là kết cấu của cốt truyện bắt đầu lúc gay cấn nhất rồi quay ngược lại kể ngọn ngành như một số tác phẩm sau: Triệu phú khu ổ chuột, Chí Phèo, Đất nước đứng lên, Chị Nhung, Xa và gần, Người đàn bà mộng du...
Phim Rừng xà nu, Chị Nhung cùng bắt đầu từ sự kiện ở hiện tại, rồi câu chuyện được kể lại từ nhân vật thứ ba là cụ Mết và anh Tám Sơn, chính trị viên.
Đến cuối phim thì tính cách của nhân vật hiện lên đầy đủ trọn vẹn, bổ sung cho những hành động mà họ đã làm trong hiện tại.
Phim Chị Tư Hậu, Người đàn bà mộng du lại là câu chuyện do nhân vật tự kể. Những sự kiện được kể lại mang dấu ấn chủ quan của người kể, thấm đậm tình cảm cá nhân của nhân vật. Cả hai nhân vật Tư Hậu và Quỳ đều nằm viện, tại đây họ đã gặp nhà văn và kể lại cuộc đời mình.
Cốt truyện hoàn chỉnh luôn là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn trong tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt trong điện ảnh, đúng như nhận xét của tác giả điện ảnh Ngải Minh Chi: “Truyện phim phải có đường dây chính nổi bật quán xuyến cả câu chuyện, như vậy là hòan tòan phù hợp với yêu cầu tập trung và khái quát trong nghệ thuật. Tất cả những truyện phim và phim hay được quần chúng yêu thích đều có đặc điểm này.” [26, tr.145].
Trên đây là những yếu tố quan trọng nhất được chuyển hóa từ tác phẩm văn học sang kịch bản phim. Sau đây là vai trò và đặc trưng cơ bản của kịch bản trong phim truyện điện ảnh.