QUY TRÌNH SẢN XUẤT PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 131 - 138)

7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN

2.3 QUY TRÌNH THỰC HIỆN VIỆC CHUYỂN THỂ TỪ TÁC PHẨM VĂN HỌC SANG PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH

2.3.2 QUY TRÌNH SẢN XUẤT PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH

Trong giai đoạn chế tác phim, nội dung của kịch bản phân cảnh sẽ được thực hiện cụ thể qua từng giai đoạn sáng tác phim truyện điện ảnh. Đó là giai đoạn quay phim tại hiện trường, in tráng phim và giai đoạn hậu kỳ gồm dựng phim và làm nhạc cho phim. Trong từng giai đoạn của quy trình sản xuất phim đều diễn ra dưới sự chỉ đạo của đạo diễn.

Giai đọan quay phim tại hiện trường

Đây là giai đọan khó khăn và căng thẳng nhất của người đạo diễn và cả êkíp đoàn phim. giai đoạn này được gọi là giai đoạn tiền kỳ Từ kịch bản phân cảnh đến trường quay là đi từ lí thuyết đến hiện thực. Giá trị của mỗi bộ phim dự định ở kịch bản sẽ được quyết định ở giai đọan này. Công việc quan trọng nhất của đạo diễn là chỉ đạo diễn viên diễn xuất và tổ chức ghi hình.

Trước khi quay, đạo diễn thường bàn bạc kỹ lưỡng và sâu sắc với người quay phim, một trong những nhà sáng tác chủ yếu của bộ phim, người “thu gọn”

tất cả ý đồ nghệ thuật của đạo diễn và tài năng sáng tạo của mỗi diễn viên và các thành phần sáng tác khác trong đòan làm phim.

Quá trình làm phim như là một cuộc thử thách với những điều khám phá và bất ngờ mới mẻ, mà người đạo diễn cũng như cả đoàn làm phim không thể lường trước được.

Trong phim Mê Thảo – Thời vang bóng, để quay được cảnh dân ấp Mê Thảo đi nhổ cây gạo ở bên bờ sông về trồng giữa sân nhà cho ông chủ Nguyễn, đoàn làm phim đã trải qua một hành trình vô cùng công phu và vất vả. Đầu tiên đoàn phim chọn một bến sông đẹp và có cây gạo đẹp. Nhưng thực tế có bến sông đẹp lại không có cây gạo, khi có cây gạo ưng ý thì không ở bến sông. Cuối cùng, đạo diễn phải quyết định chọn một bến sông đẹp, rồi tìm một cây gạo đẹp về trồng. Nhưng khi tìm được cây gạo đẹp, phải thuyết phục mãi dân làng ở đó mới cho nhổ cây. Hơn nữa, cây gạo quá to nên chở đi vừa tốn công vừa nguy hiểm, dây điện hai bên đường bị vướng cành cây mà đứt mấy sợi.[126, tr.30]

Phim Người đàn bà mộng du, đoàn phim đã chọn núi rừng Hương Sơn để quay bối cảnh thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp. Nhưng hôm đoàn phim lên đường thì bất ngờ có trận lũ quét dữ dội. Trận lũ đã bẻ lệch dòng chảy của một con suối và biến cả cánh rừng xanh tươi thành một vùng nước rộng lớn với ngổn ngang những thân cây bị bật gốc chết trắng. Nhưng đạo diễn Thanh Vân đã đổi bối cảnh quay, biến rủi thành may. Trận lũ lịch sử đã tặng cho đoàn phim những

“đạo cụ” chân thực, đó là hàng ngàn gốc cây trơ trọi tạo nên tọa độ ác liệt trong chiến tranh, mà những thân cây giả không dễ gì làm được.[8, tr.17]

Qua những ví dụ thực tế trên cho thấy sự sáng tạo của đạo diễn bị hạn chế rất nhiều, do tác động của khách quan. Đôi khi những bối cảnh thực tế xảy ra ngoài dự tính và đạo diễn phải quyết định thay đổi cảnh quay. Hoặc không đủ tài chính để quay những cảnh hoành tráng phải thay đổi, chuyển từ đại cảnh sang trung cảnh hoặc chỉ đặc tả một góc nhỏ của bối cảnh… Rất nhiều lí do khiến bối cảnh bị thay đổi. Đạo diễn Nga Vlađimir Môtưn nhận xét: “Không một đạo diễn nào dù là đạo diễn có uy quyền nhất, cứng cỏi và không khoan nhượng nhất cũng không thể tính trước và ngăn chặn được hàng loạt những chuyện bất ngờ ngẫu nhiên trong quá trình quay” [103, tr.17].

Sau khi giai đoạn quay phim ở hiện trường kết thúc,đoàn phim giải tán và phim được đưa vào in tráng để là hậu kỳ.

In tráng phim

Phim quay xong được đưa về xưởng in tráng để kiểm tra kỹ thuật thu hình. Sau khi in tráng xong, chuyên viên chọn những cảnh tốt cho in bản nháp và được xếp lại theo đúng thứ tự ghi trong kịch bản phân cảnh. Quá trình in tráng phim là chuyển từ bản phim gốc Negative (âm bản) sang Positive (dương bản). Phim Negative âm bản là kỹ thuật đảo ngược màu của hình ảnh. Phim Positive dương bản là bản phim có độ sắc đúng như hình ảnh thực tế đã quay trên hiện trường. [145, tr.76, tr.88]

Giai đoạn hậu kỳ

Công việc chính của đạo diễn giai đoạn hậu kỳ là dựng phim (montage) làm việc trong các phòng chức năng như dựng phim, thu thanh và hòa âm.

Trong văn học có các biện pháp tu từ để xây dựng nên những hình tượng văn học, ở điện ảnh là thủ pháp dựng phim. Đó là cách người nghệ sĩ sử dụng ngôn ngữ điện ảnh gắn liền với kỹ thuật, để làm tăng sức thuyết phục, sức cảm hóa của hình tượng nghệ thuật. Đạo diễn làm việc cùng thư kí, chuyên viên dựng

phim, chuyên viên âm thanh và nhạc sĩ. Mỗi người một kịch bản phân cảnh để theo dõi phần việc của mình.

Những chuyên gia dựng phim am hiểu về kỹ thuật dựng hình, âm thanh còn đạo diễn am hiểu về nghệ thuật. Cả hai cùng kết hợp để liên kết những hình ảnh và âm thanh một cách tốt nhất khi thể hiện nội dung tư tưởng của bộ phim.

Công đoạn dựng phim

Dựng phim là giai đọan sáng tác tập trung nhất của đạo diễn, có thể gọi là:

“quá trình sáng tạo lần thứ 2” của đạo diễn. Tất cả phụ thuộc vào cảm xúc tạo hình tiết tấu của đạo diễn, đòi hỏi một trọng trách, một năng lực cảm thụ nghệ thuật rất lớn. Người đạo diễn phải nghiên cứu kỹ từng mét phim, nắm bắt vẻ độc đáo của nó để tìm ra những quy luật tiết tấu, thể loại ẩn náu trong đó. Khi đã nắm được chất liệu, biết được những mặt mạnh và yếu của nó, người đạo diễn mới có thể chỉ huy bản giao hưởng hình ảnh và âm thanh của phim.

Trong quá trình quay phim tại hiện trường thường làm biến đổi kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh vì rất nhiều lý do không lường trước được.

Chẳng hạn diễn viên vì một cử chỉ thừa hoặc thiếu sẽ làm thay đổi ý đoạn phim.

Hoặc có cảnh quay dự kiến quay trời nắng, cuối cùng phải quay trong trời râm đầy mây, vì vậy nó sẽ khó hòa nhập với tổng thể đoạn phim, nên phải thay đổi luôn cả các đọan phim…tất cả những thay đổi bao giờ cũng dẫn đến sự khác biệt về cảm nhận. Vì vậy, để có một bộ phim hòan chỉnh với một xâu chuỗi những hình ảnh được kiên kết một cách cân đối, hợp lý thật không dễ dàng. Do đó, đạo diễn Nga Dziga Vertov cho rằng: “Dựng phim là giai đoạn viết lại bộ phim trên cơ sở những hình ảnh đã quay được ” [72, tr.162]

Sau khi đã xem kỹ lưỡng từng cảnh quay, đạo diễn sẽ tìm ra mạch phim cần dựa vào để giữ vững ý tưởng chủ yếu của phim, rồi tìm ra những ý mới, và đoán biết quy luật của chất liệu để sắp xếp những cảnh đã được quay theo một trình tự lôgic, có thể khác với dự định ban đầu nhưng hợp lí, chặt chẽ và đạt hiệu quả tối ưu về nội dung đã có từ kịch bản. Cho nên, quá trình dựng phim là sự kết

hợp giữa ý đồ ban đầu với những chất liệu đã được quay. Đặc biệt là các điểm nối, liên kết từ cảnh này sang cảnh khác, tạo nên những hình ảnh mạch lạc, liên tục, rõ ràng và thống nhất trong phim.

Công đoạn hòa âm

Dựng phim có hai phần dựng hình và dựng tiếng. Dựng hình như đã trình bày ở phần trên, dựng tiếng hay còn gọi là hòa âm.

Âm thanh là phần sáng tạo nhất của phép dựng phim, là phần hấp dẫn và thú vị nhất. Việc dựng hình ảnh chỉ cần 1/5 thời gian so với thời gian dựng tiếng, vì nó khó khăn và tế nhị hơn nhiều. Đây là một cuộc hòa tấu, dựa trên vô số các loại âm thanh đã được chọn lọc kỹ lưỡng từ trước.

Âm thanh bao gồm ba nhóm chính: thoại, tiếng động và nhạc. Âm thanh có tác dụng rất lớn tới nội dung chủ đề tư tưởng mà tác giả điện ảnh muốn gửi đến người xem. Nhạc phim được đạo diễn sử dụng nhiều nhất để thể hiện tâm trạng của nhân vật khi buồn tủi, lúc nhớ nhung, thương mến…

Trong phim đôi lúc thoại phải lùi bước để tiếng nhạc ngân lên, “khi lời nói trở nên bất lực thì âm nhạc nổi lên”(Traicôpxki). Câu nói này thật chính xác trong phim Mê Thảo - Thời vang bóng. Khi mọi lời khuyên can đã vô hiệu, chỉ có tiếng đàn Trương Tam, tiếng hát cô Tơ mới cứu được tâm hồn lạc lối của chủ nhân ấp Mê Thảo. Tiếng đàn lời ca được đạo diễn đưa vào khá ngọt đã giải quyết những xung đột, nút thắt của truyện phim. Trên trang giới thiệu của Hãng phát hành Cinema Public Films, âm nhạc của phim được giới thiệu trân trọng:

Âm nhạc mà người ta nghe thấy trong phim có một vai trò động lực nó mở và đóng không gian của câu chuyện. Qua hai cảnh âm nhạc có độ cảm xúc và hiệu quả tự sự tuyệt hay, người xem phương Tây có thể chìm đắm vào cõi âm nhạc cổ Việt Nam - nơi tiếng đàn hòa quyện thanh tao vào tiếng hát, mang tính xác thực của bản sắc văn hóa Việt ” *

---

* Báo Thanh niên thứ sáu 10/12/2004

Phần nhạc của phim Mê Thảo - Thời vang bóng do nhạc sĩ Vân Dung đảm nhiệm, ông là người hiểu biết sâu sắc về hát ả đào, góp phần làm nên thành công của phim, đem lại nhiều ấn tượng cảm xúc cho người xem.

Phim Thời xa vắng phần nhạc phim do nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đảm nhiệm. Về kỹ thuật âm thanh phim được sự hỗ trợ của một kỹ sư âm thanh nổi tiếng người Pháp, đã cùng đạo diễn cố gắng làm cho phim đạt đến trình độ kỹ thuật cao nhất hiện nay (High Definition). Trên phim, mỗi lần có chuyện buồn, Sài chạy ra vó bè ông Kiêm ở bến sông ngắm trăng sao, trong tiếng nhạc réo rắt da diết như nỗi ẩn ức mà Sài phải chịu đựng. Bằng tiếng nhạc và không gian êm ả ở bến sông, đạo diễn đã diễn tả thật sâu sắc và tinh tế nỗi đau đớn trong trái tim cô đơn của Sài. Tại liên hoan phim quốc tế Thượng Hải ngày 19/6/2005, Thời xa vắng được trao giải Kim tước, dành cho nhạc phim hay nhất.

Tiếng động là yếu tố không thể thiếu để phản ánh thiên nhiên và cuộc sống, hỗ trợ kịch tính và thông báo thông tin. Tiếng động có nhiều lọai: tiếng động trực tiếp, tiếng động hư cấu, tiếng động nền.

Trong Mê Thảo - Thời vang bóng, tiếng động phục vụ rất tích cực cho miêu tả kịch tính của phim. Cảnh Nguyễn làm tình với người gỗ trong không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng thở gấp gáp xen lẫn tiếng mưa rơi nặng hạt ngoài hiên, và tiếng khóc thổn thức của cô câm khi chứng kiến cảnh này. Những âm thanh đó, khiến cho người xem cảm nhận sâu sắc sự “điên khùng” của Nguyễn đã lên đến đỉnh điểm và tình yêu đơn phương bất lực của cô gái câm.

Trong phim Bến không chồng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh dùng “tiếng kẻng” như lời báo động để thông báo cho dân làng biết: có đôi nam nữ đang yêu nhau. Vì vậy, tiếng kẻng như “ma ám”, nó làm ông Vạn bà Nhân phải giật mình không dám lại gần nhau…và cũng vì tiếng kẻng, ông Vạn không dám đón nhận tình yêu của Hạnh và con gái. Bằng cách dùng tiếng động trực tiếp là “tiếng kẻng”, tác giả điện ảnh nhấn mạnh sâu hơn ý tưởng từ văn học. Con người đôi khi không chết vì “ làn tên mũi đạn.” nơi chiến trường, nhưng có thể chết vì định

kiến hẹp hòi, lề thói cổ hủ. Do đó, câu chuyện phim trở nên nặng nề, u ám và khắc nghiệt hơn trong văn học. Trong trường hợp này tiếng động đã hỗ trợ đạo diễn rất nhiều trong chuyển tải chủ đề tư tưởng của phim đến người xem.

Hòa âm là công việc pha trộn các âm thanh thật hài hòa để mang lại giá trị nghệ thuật tinh thần của bộ phim. Âm thanh không chỉ phục vụ nhu cầu thính giác mà cùng với hình ảnh, tạo ra một nghệ thuật vô cùng lí thú và hấp dẫn. Đạo diễn Mỹ David Lynch nhận định: “Điện ảnh là khát vọng làm cuộc hôn phối giữa hình ảnh và âm thanh.” [71, tr.178].

Sau giai đoạn hậu kỳ, phim hoàn thành sẽ được giao lại cho nhà sản xuất để phát hành. Đạo diễn và cả đoàn làm phim đã hoàn thành trách nhiệm và họ hồi hộp chờ đợi sự phản hồi của giới chuyên môn và đặc biệt là khán giả.

Tiểu kết chương 2

Cơ chế và quá trình cho ra đời của một tác phẩm văn học và một bộ phim truyện điện ảnh hoàn toàn khác nhau.

Trong văn học, cơ chế hình thành tác phẩm là sự lao động miệt mài của cá nhân nhà văn. Trong điện ảnh, cơ chế hình thành tác phẩm là sự phối hợp của ba ngành kinh tế, kỹ thuật nghệ thuật. Trong đó, các tác giả nghệ thuật là gần gũi nhất với văn học, đặc biệt công việc viết kịch bản của nhà biên kịch, gần gũi với công việc của nhà văn.

Quá trình sáng tác văn học do nhà văn quyết định và chủ động từ khi bắt đầu đến hoàn thành tác phẩm. Quá trình chuyển thể tác phẩm văn học thành phim truyện phải trải qua hai giai đoạn chính: một là từ tác phẩm văn học sang kịch bản văn học (bộ phim trên giấy), hai là chuyển từ kịch bản sang phim truyện. Đó là một “quá trình sáng tạo thống nhất, liên tục vì một mục đích chung…là bộ phim tương lai.” [91, tr.217]

Quá trình làm phim là quá trình lao động miệt mài của cả một tập thể tác giả, dưới sự chỉ huy của đạo diễn để biến câu chữ trong kịch bản văn học thành câu chuyện bằng hình ảnh và âm thanh trên màn ảnh.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ THÀNH TỰU CỦA PHIM TRUYỆN CHUYỂN THỂ TỪ TÁC PHẨM VĂN HỌC

Qua những phân tích về mối quan hệ đặc biệt của văn học và điện ảnh ở chương 1 và 2, có thể khẳng định giá trị của tác phẩm văn học trong phim truyện chuyển thể là sự hòa quyện khăng khít giữa nội dung và hình thức. Nhà nghiên cứu Trần Luân Kim khẳng định: “Tính văn học trong điện ảnh chiếm vị trí mấu chốt vì nó quyết định nội dung tác phẩm, đồng thời cũng quyết định hình thức thể hiện” [55, tr.23] Từ nội dung của tác phẩm văn học, sẽ có những hình thức thể hiện tương ứng của nhiều thể loại phim như tâm lý, hài, lịch sử, kinh dị, trinh thám…Qua từng bộ phim chuyển thể, không chỉ thấy sự khác nhau giữa hai loại hình nghệ thuật văn học và điện ảnh, mà còn thấy rõ sự khác biệt của từng thể loại cụ thể trong điện ảnh. Từ đó cho thấy sự phát triển không ngừng của điện ảnh và qua đó, giá trị nội dung của tác phẩm văn học ngày càng thăng hoa.

Một phần của tài liệu khảo sát việc chuyển thể tác phẩm truyện văn học thành phim truyện điện ảnh trong lịch sử văn học và điện ảnh việt nam (Trang 131 - 138)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(226 trang)