c) Mạt-na thức trong hệ thống 8 thức
2.3.2.1. Quan điểm của Nhất Hạnh
Trong tác phẩm Duy biểu học, Nhất Hạnh đã soạn lại và đưa ra 50 bài kệ về Duy thức học có tính ứng dụng dành cho các thiền sinh. Trong tác phẩm này, nổi bật là luận điểm: trong tiếng Phạn, hai từ ‘vijñāna’ và ‘vijnapti’
có thể dịch thành thức. Tiền tố từ ‘vi’ có nghĩa là phân hai, biến khắp, tách rời43. ‘Vijnapti’ có thể dịch là biểu (manifestation, perception, announcing),
mà cũng có thể dịch là thức. Vì vậy, nếu gọi là duy thức thì chỉ mới lột tả được nghĩa phân biệt trong khi từ nguyên vừa có nghĩa phân biệt vừa có nghĩa
biểu hiện, cho nên ông đề xuất dịch là duy biểu để bổ sung nghĩa biểu hiện. Suốt quá trình nỗ lực hiện đại hóa Duy thức học, khái niệm ý thức
(nghĩa hẹp) trong Tâm lý học được ông sử dụng tương đương với khái niệm
chánh niệm để trị liệu các nội kết. Khái niệm nội kết được ông sử dụng rất nhiều để chỉ cho các hiện tượng tâm lý bị dồn nén vốn không xa lạ với trường phái Phân tâm học trong Tâm lý học. Đồng thời, trong khi trình bày về mạt-na thức, ông có dành vài dòng đề cập tới cơ chế tự tồn, cái tôi, hoặc một số đoạn khá dài khi so sánh với cái ấy của Phân tâm học; tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ để có thể nói rằng đã có sự so sánh với Tâm lý học. Ngoài ra, ông còn khẳng định một phần của tàng thức trong Duy thức học tương đương với vô thức trong Tâm lý học, ông đề cập thường xuyên đến vấn đề tự biểu, cộng biểu với cốt lõi là nghiệp bằng cách diễn đạt khá giống với vô thức cá nhân, vô thức tập thể của C. Jung và E. Fromm.
Như vậy, có thể thấy rằng tác giả Nhất Hạnh ít nhiều đã có sự liên hệ giữa ý thức và chánh niệm, giữa vô thức và tàng thức, giữa cái tôi, cái ấy, cơ chế tự tồn và mạt-na thức.