NHỮNG BIỂU HIỆN CƠ BẢN CỦA MẠT-NA THỨC 3.1 HỆ THỐNG 8 THỨC CỦA PHẬT HỌC
3.2.2. Vai trò của mạt-na thức
Sự giao thoa giữa mạt-na thức và tàng thức tạo ra một thế giới ảo
tưởng được Phật học gọi là đới chất cảnh (trong khi tánh cảnh được định nghĩa là các sự vật, hiện tượng chưa bị con người nhận thức khác với bản
thân của nó (thing-in-itself) thì đới chất cảnh được định nghĩa là sự vật, hiện
tượng đã bị nhận thức khác với bản thân của nó (representations); còn độc
ảnh cảnh là thế giới hình ảnh của sự vật, hiện tượng đang diễn ra trong
tâm lý của con người (the realm of mere images)). Mạt-na thức có bản chất của
vô minh và tham ái làm động lực thúc đẩy các hoạt động như suy tư, tính toán, đo lường (gọi chung là nhận thức). Mạt-na thức không nhận thức sự vật một cách trực tiếp mà chỉ nhận thức qua đới chất cảnh. Theo đó, cái tôi là một hình ảnh về tàng thức được mạt-na thức sáng tạo ra rồi mặc định một cách nhầm lẫn là “bản ngã” và tin rằng “bản ngã” này vĩnh hằng, không thay đổi.
Mạt-na không biết gì về vô ngã và luôn luôn tin vào các ý niệm thường hằng, có cái ngã bất diệt; từ đó, con người có sự phân biệt giữa mình và những gì không phải là mình.
Việc sáu thức đầu (năm thức đầu và ý thức) dơ bẩn (nhiễm) hay trong sạch (tịnh), nhận thức sáng suốt hay đúng bản chất sự vật, hiện tượng hay không đều có liên hệ với mạt-na thức. Vì vậy, vai trò của mạt-na rất quan trọng. Nếu mạt-na thức càng vô minh thì sáu thức đầu càng nhiều sai lầm và “cái tôi” càng nhiều đau khổ. Ngược lại, nếu mạt-na thức càng trí tuệ (bằng con đường thiền định) thì sáu thức trước càng ít sai lầm và “cái tôi” được cởi mở, giải thoát; lúc này, “cái tôi” dễ dàng chấp nhận một “cái tôi thật” khác, đó là Phật tánh, không tánh hay vô ngã tánh không đến không đi, không vĩnh hằng không đứt đoạn, không bị nhị nguyên hay nhân quả chi phối. “Cái tôi thật” này – Phật tánh – chẳng những là bản thể của “cái tôi” mà còn bản thể của các sự vật, hiện tượng khác. Sự vô minh nhất của “cái tôi” là tự xem mình là bản thể của cái tâm lý, tức của mạt-na thức; đúng ra, “cái tôi” cần phải thấy mình chỉ là tùy thể (cái phát sinh trên/trong/từ bản thể). Trong tâm thế của một “cái tôi thật” như thế, các bậc giác ngộ thường không bị vướng mắc vào các phạm trù đối lập (ví dụ: thấy địa ngục và niết-bàn đều không hai, đều là vọng tưởng, đều từ tâm mà ra) và thường đánh giá các sự vật, hiện tượng trong xã hội bằng tấm lòng bao dung, tha thứ bởi các giá trị, chuẩn mực đều rất có thể là sản phẩm của vọng tưởng, vô minh do con người tạo ra. Khi đó, mạt-na thức được gọi Bình đẳng tánh trí (even handedness, immediate cognition of equality).
Ngoài tác dụng nhận thức, mạt-na thức còn có tác dụng như một cơ chế tự tồn (survival instinct), biết tự mình sinh tồn trên cơ sở niềm tin về một
cái tôi độc lập với biểu hiện là sự giật mình thức giấc hoặc các phản xạ có tính chất bản năng sinh tồn. Cơ chế tự tồn hoạt động theo bản năng mù quáng (tức
mạt-na thức bị che). Thêm vào đó, mạt-na thức còn có vai trò như một truyền tống thức; truyền là đưa các hạt giống từ sáu thức trước vào tàng thức, tống là đưa các hạt giống từ tàng thức ra ngoài.
Mạt-na thức có tính chất vừa hằng vừa thẩm: hằng là thường trực, không mất đi, cùng với tàng thức đi tái sanh ở cõi khác sau khi qua đời; thẩm
là tư duy, thẩm xét, phân tích...
Tóm lại, Phật học cho rằng, mạt-na thức đóng vai trò vô minh trong việc nhận thức sai lầm về cái tôi của con người, từ đó, con người mất phương hướng trong việc tìm ra hạnh phúc chân thật của đời sống tinh thần.