Đánh giá các yếu tố đầu vào của quá trình đào tạo công chức

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta hiện nay (Trang 51 - 55)

Chương II: Thực trạng chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta trong những năm qua

2.3. Đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta trong những năm qua

2.3.1. Đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức theo quá trình đào tạo (đầu vào, quá trình đào tạo, kết quả đào tạo)

2.3.1.1. Đánh giá các yếu tố đầu vào của quá trình đào tạo công chức

Đầu vào của quá trình đào tạo công chức nhà nước bao gồm: chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; học viên; đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập ...

Về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước: công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức nhà nước trong thời gian qua được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cấp, các ngành. Đây là tiền đề cơ bản để đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về đào tạo công chức không chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách mà cụ thể hoá thành các đề án, chương trình, kế hoạch của chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ;

không chỉ ở bình diện tư tưởng mà cả sự đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư ngân sách {xem ở phần 2.1.1 thực trạng quản lý nhà nước về công tác đào tạo}.

Các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là những cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo công chức, đã thực sự quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng, thường xuyên và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch đào tạo; chủ động tìm nguồn kinh phí, ưu tiên dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức; nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những quyết định của Thủ tướng chính phủ về lĩnh vực công tác này.

Đánh giá về vấn đề này, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2001-2005, khẳng định:

- Đại bộ phận các bộ, ngành và địa phương đã nhận thức đầy đủ và triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng chính phủ một cách chu đáo và kịp thời.

Nhiều địa phương đã ra nghị quyết triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2001 – 2005.

- Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức giai đoạn 2001-2005 theo quyết định 74/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nhận chỉ tiêu, kinh phí đào tạo. Có nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện rất tốt.

- Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ trong hoạt động đào tạo công chức theo quyết định 74/2001/QĐ-TTg được Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ thực hiện, đã xây dựng ban hành được nhiều văn bản, tuy chưa nhiều, nhưng bước đầu nó đã tạo lập được cơ sở pháp lý cơ bản cho việc thực hiện công tác đào tạo công chức [27, 6-7].

Công tác quản lý nhà nước về đào tạo công chức trong thời gian qua đã được củng cố, tăng cường, đẩy mạnh và đã có những chuyển biến rất căn bản và đã đạt được những kết quả nhất định (xem phần 2.1.1 nêu trên).

Về học viên (đội ngũ cán bộ, công chức), trước tình hình nhiệm vụ mới đại đa số cán bộ, công chức đã thấy được sự thiếu hụt về trình độ, năng lực của mình

nên đã tích cực học tập, chủ động đăng ký tham gia các khoá đào tạo. Theo quy định của pháp luật, đội ngũ công chức phải có đủ các chứng chỉ, bằng cấp về các lĩnh vực: văn hoá, lý luận chính trị (trung cấp hoặc cao cấp), quản lý nhà nước (cơ sở, cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp), tin học, ngoại ngữ (A, B, C) .. Nhưng trên thực tế đội ngũ công chức khi tham gia vào các khoá học hầu hết có trình độ không ngang bằng nhau; có chuyên môn công tác khác nhau; có vị trí khác nhau trong các hệ thống quản lý và có tuổi đời khác nhau, thâm niên công tác khác nhau ... Những sự khác nhau này của học viên các khoá đào tạo công chức sẽ ảnh hưởng đến chương trình, quá trình đào tạo, ảnh hưởng xấu đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Hơn nữa, học viên các khoá đào tạo công chức ở nước ta, hầu hết đã được bổ nhiệm, đề bạt hoặc đang giữ một cương vị công tác nhất định được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Ở đây, bổ nhiệm, đề bạt rồi mới đi học, chứ không phải đi học đạt kết quả rồi mới bổ nhiệm, đề bạt. Do vậy, dù kết quả học tập thế nào thì khi học xong họ vẫn trở về cơ quan, đơn vị để giữ các chức vụ đó. Thực tế này ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả học tập của các cơ sở đào tạo (đánh giá, cho điểm vừa phải tạo điều kiện cho học viên về công tác được tốt hơn vừa phải dựa vào kết quả học tập ...) và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Một bộ phận khá lớn trong học viên khi tham gia các khoá đào tạo vẫn phải đảm nhiệm phần lớn công việc ở cơ quan, đơn vị. Họ phải giành một phần thời gian cho công việc ở cơ quan, đơn vị hoặc là nghỉ các buổi học, hoặc là làm việc ngoài giờ... Tình hình đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Liên quan đến người học (học viên), một yếu tố khá quan trọng đối với nước ta có ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo là chính sách của nhà nước, cơ quan nhà nước liên quan đến người học. Từ chính sách cử người đi học, đến những chính sách, chế độ trong quá trình học tập và cuối cùng là chính sách bố trí, sử dụng sau khi kết thúc học tập. Vấn đề này liên quan đến quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức. Nhưng ở đây chỉ xét ở góc độ chính sách liên quan đến người học (học viên). Được cử đi học hoặc được cử tham gia thi tuyển để tham gia các khoá học là quyền lợi hay là nghĩa vụ của công chức. Giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ trong việc đi học của công chức ảnh hưởng rất lớn

Đầu vào của quá trình đào tạo công chức gắn với học viên là đội ngũ giảng viên. Trong những năm qua chính sách của nhà nước đã rất quan tâm đến việc xây dựng phát triển đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo công chức, và thực tế các cơ sở đào tạo công chức cũng đã xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo được giao. Theo số liệu báo cáo thì đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo công chức ở nước ta hiện nay có số lượng tương đối đầy đủ theo biên chế và theo yêu cầu, nhưng chất lượng còn ở mức trung bình, thấm chí có nơi còn quá yếu (xem cụ thể ở phần 2.2.2). Chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo công chức cần phải được xem xét cả trên 2 mặt: phẩm chất và năng lực. Trong đó, phẩm chất liên quan đến chế độ, chính sách của Nhà nước đối với giảng viên, liên quan đến tâm huyết, yêu nghề, tận tâm ... của đội ngũ giảng viên. Năng lực liên quan đến trình độ học vấn, bằng cấp chuyên môn, sự am hiểu thực tiễn quản lý nhà nước ... Đội ngũ giảng viên ở nước ta hiện nay có sự bất cập về cơ cấu: giảng viên lý luận chính trị ở các địa phương chiếm tỉ lệ quá cao, trong khi giảng viên về quản lý nhà nước, pháp luật lại quá ít, đội ngũ giảng viên hoặc là quá trẻ hoặc là quá già sắp đến tuổi nghỉ hưu, không có hoặc rất ít ở độ tuổi trung niên. Như chúng ta biết giảng viên trẻ có trình độ, thông thạo về ngoại ngữ, tin học nhưng thiếu sự hiểu biết về thực tiễn Việt Nam. Một bộ phận rất lớn chưa đủ

“tầm” giảng dạy cho đối tượng học viên là người lớn. Đội ngũ giảng viên già, có kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm thực tiễn, thâm niên công tác, nhưng một bộ phận không đủ điều kiện, khả năng tiếp nhận và sử dụng tri thức và phương pháp giảng dạy hiện đại.

Tất cả những nội dung nêu trên về đội ngũ giảng viên trong các cơ sở đào tạo công chức nhà nước đều tác động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta trong những năm qua.

Về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập tại các cơ sở đào tạo công chức trong cả nước nhìn chung đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ điều kiện cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức. Hiện tại cả nước có 2 học viện: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có 5 cơ sở đào tạo (Học viện và 4 phân viện); Học viện Hành chính Quốc gia có 2 cơ sở đào tạo (Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh) được đầu tư, xây dựng, trang bị khá đầy đủ và hiện đại. 64 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mỗi tỉnh đều có một cơ sở đào tạo chính là Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm ở

huyện, quận. Tại những cơ sở này, trong những năm qua, nhà nước đã giành một khoản ngân sách lớn để đầu tư xây dựng và hiện đại hoá.

Các bộ, ngành ở Trung ương hầu hết đều có các cơ sở đào tạo công chức độc lập với các cơ quan, tổ chức khác, nhưng cùng có không ít bộ, ngành chưa có cơ sở đào tạo công chức riêng, mà phải nhờ vào các cơ sở khác để thực hiện nhiệm vụ đào tạo công chức.

Nhìn nhận một cách tổng quát, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo công chức tại các cơ sở đào tạo mới đạt mức trung bình, thậm chí có nơi chưa đạt mức trung bình, đặc biệt là trang thiết bị dạy học. Các tỉnh phía Nam, phòng học, trang thiết bị dạy học rất hiện đại, có nơi 100% giảng viên lên lớp được sử dụng máy chiếu và các phương tiện giảng dạy khác như tỉnh Tiền Giang. Các tỉnh phía Bắc mới tập trung chú ý đến phòng học, nhà ở của học viên, chưa chú ý đầu tư vào trang thiết bị dạy học. Tại cơ sở của hai Học viện mặc dầu đã có được sự đầu tư khá lớn, khá hiện đại, nhưng trang thiết bị dạy học, máy chiếu và các phương tiện khác cũng mới chỉ đạt được 30% yêu cầu.

Trên thực tế, việc mở lớp, tổ chức các khoá đào tạo công chức của các cơ sở đào tạo, không chỉ tại cơ sở mà còn tổ chức tại các địa điểm gần với nơi ở và công tác của học viên, như tại các trung tâm bồi dưỡng cán bộ ở huyện, quận ... Trong những trường hợp này cơ sở vật chất phục vụ đào tạo công chức hầu hết là chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì thế, một số địa phương như tỉnh Thái Bình chỉ tổ chức mở lớp tại Trường Chính trị tỉnh, để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Trên đây luận văn đã phân tích, đánh giá các yếu tố đầu vào của quá trình đào tạo công chức ở nước ta trong thời gian qua. Với những yếu tố đầu vào như trên có lẽ chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta cũng mới chỉ đạt trên mức trung bình mà thôi.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta hiện nay (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)