Đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo trong quá trình đào tạo công chức

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta hiện nay (Trang 55 - 60)

Chương II: Thực trạng chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta trong những năm qua

2.3. Đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta trong những năm qua

2.3.1. Đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức theo quá trình đào tạo (đầu vào, quá trình đào tạo, kết quả đào tạo)

2.3.1.2. Đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo trong quá trình đào tạo công chức

Trong qúa trình đào tạo công chức, chất lượng và hiệu quả đào tạo liên quan đến các cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo công chức, chủ yếu trên ba nội dung: xây dựng nội dung chương trình đào tạo, về tổ chức thực hiện nội dung chương trình đào tạo và về kiểm tra đánh giá kết quả đào tạo.

Về xây dựng nội dung chương trình đào tạo công chức ở nước ta trong những năm qua được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu mang tính đại trà, chương trình chung cho mọi đối tượng công chức, giai đoạn sau nội dung chương trình theo từng chức danh công chức, và được tổ chức thực hiện chủ yếu ở hai học viện: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia. Trong đó, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xây dựng nội dung chương trình đào tạo về lý luận chính trị; Học viện Hành chính quốc gia xây dựng nội dung chương trình đào tạo về quản lý hành chính nhà nước và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Nội dung chương trình đào tạo công chức cả về lý luận chính trị và cả về quản lý hành chính nhà nước, nếu xét riêng từng loại chương trình, từng loại đối tượng đào tạo về cơ bản là phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo; việc thực hiện nó sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo. Ví dụ, chương trình bồi dưỡng về quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên gồm 27 chuyên đề thuộc 3 khối kiến thức:

khối kiến thức cơ sở – những vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật; khối kiến thức về hành chính nhà nước và công nghệ hành chính; khối kiến thức về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Với nội dung chương trình đó là phù hợp với mục tiêu và yêu cầu đào tạo.

Nhưng nhìn trên tổng thể nội dung các chương trình về quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước là có sự trùng lặp về nội dung. Bởi vì nội dung các chương trình về quản lý hành chính nhà nước đều có 3 khối kiến thức: kiến thức về nhà nước và pháp luật; kiến thức về hành chính nhà nước và công nghệ hành chính;

kiến thức về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Hiện nay tại Học viện Hành chính Quốc gia có 8 chương trình đào tạo về quản lý hành chính nhà nước (chương trình cho chuyên viên cao cấp, chương trình cho chuyên viên chính, chương trình cho chuyên viên, chương trình cho cán sự, chương trình cho chính quyền cơ sở, chương trình trung cấp hành chính, chương trình cử nhân hành chính, chương trình đào tạo tiền công cụ), mỗi cán bộ, công chức trong quá trình công tác phải học qua các chương trình đó, nhưng các chương trình đó có nhiều nội dung trùng lặp, đặc biệt là những nội dung cơ bản. Việc xây dựng chương trình ngoài yêu cầu về mặt nội dung còn phải đảm bảo về mặt thời lượng, thời gian (ví dụ chương trình chuyên viên phải đảm bảo về mặt thời gian thực hiện đủ 3 tháng ). Sự trùng lặp về mặt nội dung làm

cho người học dễ có tư tưởng nhàm chán, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả học tập.

Sự trùng lặp về mặt nội dung các chương trình không chỉ xảy ra đối với các chương trình đào tạo về quản lý hành chính nhà nước, mà đặc biệt xảy ra giữa 2 loại chương trình: chương trình đào tạo lý luận chính trị và chương trình đào tạo quản lý hành chính nhà nước do hai Học viện tham gia xây dựng (Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia). Trong các chương đào tạo Lý luận chính trị, từ chương trình sơ cấp, trung cấp đến cho đến chương trình cao cấp lý luận chính trị, khối lượng kiến thức về quản lý hành chính nhà nước và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực chiếm một tỉ lệ rất lớn. Trong đó, có nhiều nội dung trùng lặp với chương trình đào tạo về quản lý hành chính nhà nước (từ chương trình quản lý nhà nước cấp cơ sở, chương trình cán sự, chương trình chuyên viên, chương trình trung cấp hành chính ...). Sự trùng lặp này, khi tổ chức thực hiện lại do một cơ sở đào tạo thực thi đó là Trường Chính trị tỉnh (Trường Chính trị tỉnh hiện nay vừa đào tạo chương trình sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị cấp bằng sơ cấp, trung cấp chính trị, vừa đào tạo chương trình quản lý nhà nước cấp cơ sở, chương trình cán sự và chương trình chuyên viên và cấp bằng về quản lý nhà nước)

Sự trùng lặp giữa các chương trình đào tạo gây sự lãng phí về sức lực, tiền của của Nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức. Thực ra, vấn đề này mọi người đều biết, và đã nói ra nhiều lần, nhiều nơi, các cấp lãnh đạo cũng đã biết, nhưng việc giải quyết nó một mặt đụng chạm đến vấn đề lợi ích và mặt khác phải đầu tư nhiều công sức, thời gian ... Có thể nêu một ví dụ cụ thể cho vấn đề này là Ban Khoa giáo Trung ương đã có văn bản công nhận những công chức đã tốt nghiệp ở các trường đại học thuộc các khoa học xã hội và nhân văn đạt trình độ tương đương trung cấp lý luận chính trị trở lên. Nhưng một số Trường Chính trị tỉnh vẫn đưa vào diện đào tạo trung cấp lý luận chính trị để giải quyết việc làm cho đội ngũ giáo viên của trường…

Về tổ chức thực hiện các chương trình, các khoá đào tạo, theo sự phân cấp và sự uỷ quyền trong những năm qua cụ thể là: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các phân viện của nó đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức là đảng viên; Học viện Hành chính Quốc gia đào tạo chuyên viên cao

cấp, chuyên viên chính, tiền công vụ, cử nhân hành chính; các trường cán bộ quản lý các bộ ngành đào tạo ngạch chuyên viên và các lĩnh vực quản lý riêng của từng bộ ngành; Trường Chính trị (hay trường cán bộ) các tỉnh đào tạo sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị, cán bộ, công chức ngạch chuyên viên, ngạch cán sự và quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức chính quyền cơ sở. Với sự phân cấp và uỷ quyền như trên các cơ sở đào tạo đã chủ động phối hợp mở lớp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Hai Học viện (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia) là những đơn vị tham gia xây dựng chương trình, viết giáo trình, hàng năm đã chủ động tập huấn chương trình, bồi dưỡng giảng viên cho các cơ sở khác (bộ, ngành và địa phương), chỉ đạo theo dõi việc thực hiện chương trình đào tạo của các bộ, ngành và địa phương.

Đánh giá chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện các chương trình, các khoá đào tạo nhìn chung là tốt, nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại một số vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo:

- Đại bộ phận giảng viên tham gia giảng dạy nhìn chung là có năng lực, có kiến thức và có phương pháp giảng dạy tốt, nhưng vẫn có khoảng 1/3 giảng viên mới đạt yêu cầu từ mức trung bình trở xuống. Nội dung các bài giảng của giảng viên còn quá nặng về lý thuyết, chưa gắn nhiều với thực tiễn, với đối tượng đào tạo.

Thậm chí có những giảng viên đã sử dụng nội dung một bài giảng do mình chuẩn bị để giảng cho nhiều đối tượng đào tạo.

- Về tổ chức các khoá học, do nguồn kinh phí có hạn (360.000đồng cho mỗi học viên/1tháng) nên các cơ sở đào tạo đã tổ chức các lớp với số lượng quá đông (trên 80 học viên một lớp), thậm chí có lớp trên 100 học viên, với số lượng học viên quá đông, giảng viên không thể sử dụng, áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, mà hầu hết đều sử dụng phương pháp thuyết trình, dễ gây sự nhàm chán cho người học.

- Công tác tổ chức, phối hợp mở lớp giữa các cơ sở đào tạo nhiều khâu thực hiện chưa tốt, chưa tạo điều kiện làm việc và giảng dạy của giảng viên cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Một số địa phương sự phối hợp giữa Sở Nội vụ (cơ quan quản lý nhà nước và đào tạo công chức) với Trường Chính trị tỉnh

(đơn vi sự nghiệp thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh) chưa tốt, dẫn đến tình trạng chồng chéo trong việc mở lớp và chồng chéo trong quan hệ phối hợp với các đơn vị khác.

- Một yếu tố liên quan đến học viên trong quá trình học tập ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo là ý thức thiếu tự giác của học viên. Một bộ phận không ít học viên đi học chỉ để có chứng chỉ, bằng cấp, không cần kiến thức. Do vậy, trong qúa trình học tập đã “quan hệ” để được nghỉ học, hoặc bằng các hình thức đối phó khác với bộ phận quản lý. Nhiều cơ sở đào tạo đã dùng các biện pháp hành chính để quản lý, điển hình là Trường Chính trị tỉnh Thái Bình, nhưng xem ra tác dụng cũng chưa được cao lắm.

Về kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo trong quá trình đào tạo là những nội dung quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả đào tạo. Nếu công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên đồng bộ và nghiêm túc, kết hợp với việc đánh giá khách quan toàn diện, đầy đủ, chính xác sẽ là những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng và hiệu qủa đào tạo nói chung và đào tạo công chức nói riêng. Về vấn đề này, đối với đào tạo công chức trong những năm qua ở nước ta có những biểu hiện cụ thể sau đây:

- Về công tác kiểm tra, nhìn chung trong quá trình tổ chức đào tạo đã đặt ra và đã tổ chức thực hiện, nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên, chưa thực sự nghiêm túc; gần như thiếu khâu kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo công chức đối với các cơ sở tổ chức đào tạo liên quan đến chất lượng hiệu quả đào tạo.

- Về đánh giá kết quả đào tạo, những năm gần đây các cơ sở đào tạo đã tổ chức cho học viên viết tiểu luận về tình huống để đánh giá kết quả học cuối khoá. Đó là một biện pháp tốt nhằm gắn đào tạo với thực tiễn. Nhưng nhiều tiểu luận cuối khoá của học viên lại viết về những tình huống không gắn với lĩnh vực quản lý của mình. Trong số đó, không ít tiêu luận chỉ là sự sao chép lại của người khác.

Hơn nữa, với cơ chế đề bạt, bổ nhiệm rồi sau đó mới đi đào tạo thì việc đánh giá kết quả học tập trên thực tế không chỉ dựa vào kết quả học tập mà còn dựa vào vị trí công tác của học viên, để sau khi học xong giúp học viên có điều kiện công tác

quả học tập của học viên theo tiêu chí khách quan, chính xác là một vấn đề rất khó khăn hiện nay, chứ chưa nói đến những tiêu cực trong quá trình đánh giá kết quả học tập. Ví dụ, trong một cơ quan cả thủ trưởng và nhân viên cùng đi học, nhưng nếu đánh giá kết quả một cách khách quan, chính xác mà kết quả học tập của nhân viên tốt hơn thủ trưởng hoặc thủ trưởng không đạt yêu cầu. Với kết quả như thế, sau khi học xong về đơn vị công tác vấn đề sẽ như thế nào, chất lượng, hiệu quả đào tạo sẽ đánh gía như thế nào? Tất cả những nội dung nêu trên về kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo của học viên ở nước ta hiện nay đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức.

Tóm lại, từ những nội dung trình bày trong phần 2.3.1.2. có thể khẳng định chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta cũng chỉ đạt mức trung bình. Phần đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức theo kết quả đào tạo (đầu ra), để tránh sự trùng lặp, luận văn sẽ trình bày trong phần đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo theo mục tiêu đào tạo và nhu cầu xã hội.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo công chức nhà nước ở nước ta hiện nay (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)