Chương III: Phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta hiện nay
3.1 Phương hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta hiện nay
3.1.1 Nhận thức về vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức Đào tạo công chức cũng như các loại hình đào tạo khác đều có mục tiêu gắn với ba nội dung: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó yêu cầu thái độ đối với công chức là sự trung thành đối với Nhà nước và chế độ, tận tuỵ phục vụ nhân dân… Với những nội dung đó không chỉ có đươc từ nội dung chương trình đào tạo mà nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như chính sách của Nhà nước đối với công chức; liên quan đến tinh thần thái độ của đội ngũ giảng viên, đội ngũ quản lý đào tạo… Nếu chính sách của Nhà nước không hợp lý, không công bằng trong đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đối với công chức thì cũng khó đạt được mục tiêu về thái độ trong đào tạo công chức. Do vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức là một vấn đề liên quan đến nhiều yếu tố.
Ở nước ta, đào tạo công chức là một nội dung, nhiệm vụ của quá trình cải cách Nhà nước, cải cách nền hành chính nhà nước. Do vậy, nội dung chương trình đào tạo, đối tượng đào tạo… phải gắn với thực tiễn Việt Nam và đặt trong tổng thể của quá trình cải cách Nhà nước. Hơn nữa, đào tạo công chức là một khâu của công tác cán bộ, là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao năng lực công tác của đội ngũ công chức. Đào tạo không chỉ đảm bảo hoàn chỉnh các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo chức danh, ngạch bậc công chức mà chính là nhằm nâng cao năng lực thực thi công việc của công chức, là đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cho tổ chức. Đào tạo luôn gắn với vấn đề chất lượng và hiệu quả.
Đào tạo công chức và vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo là một đòi hỏi khách quan của quá trình hoàn thiện quản lý (cả quản lý về đào tạo), hoàn thiện Nhà nước. Đào tạo công chức và chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức là một công việc liên quan đến nhiều yếu tố: từ chính sách của Nhà nước, tổ chức bộ máy quản lý đào tạo… đến việc thực hiện quá trình đào tạo và đánh giá, sử dụng.
Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo phảI đồng thời tác động, giải
quyết tốt các yếu tố của quá trình đào tạo, quản lý quá trình đào tạo. Nói một cách khác, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức là một quá trình gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của tất cả các yếu tố gắn với hoạt động đào tạo công chức, bao gồm: chính sách, pháp luật Nhà nước, quản lý Nhà nước về đào tạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý… và được đặt trong tổng thể của quá trình cải cách nhà nước, cải cách nền hành chính Nhà nước, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3.1.2. Phương phướng, mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta hiện nay
- Phương hướng chung
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta hiện nay là một đòi hỏi khách quan và gắn với quá trình đổi mới kinh tế, cải cách nhà nước, cải cách nền hành chính Nhà nước; nó liên quan đến quản lý, sử dụng công chức. Do vậy, phương hướng chung của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức là từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống đào tạo, quản lý, sử dụng công chức, gắn với quá trình đổi mới kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, cải cách nhà nước, từ chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất đến nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, theo hướng chất lượng, hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của hệ thống đào tạo công chức hiện nay và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về chất lượng của đội ngũ công chức trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Mục tiêu trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 nêu rõ: “ Đến năm 2010, đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ, công chức có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tuỵ phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và phục vụ nhân dân” [Công báo số 39-2001; 2587]
Nội dung “đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ IX năm 2001 cũng chỉ rõ: “ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực…
về đường lối, chính sách, về kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo chức danh, tiêu chuẩn… Tăng cường cán bộ cơ sở, có chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn [14;135].
- Mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta hiện nay.
+ Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đào tạo công chức theo hướng khuyến khích người học và người dạy nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và chính sách đào tạo phải hướng tới góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo (hiệu quả trong quá trình đào tạo và hiệu quả xã hội của đào tạo và sử dụng công chức).
+ Cải cách và hoàn thiện hệ thống quản lý đào tạo công chức, quản lý chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức hiện nay; phân định và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo công chức, quản lý nhà nước về chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức với quản lý của các cơ sở đào tạo công chức theo hướng thống nhất quyền lực và phân công chức năng để sớm khắc phục tình trạng chống chéo về quản lý đào tạo hiện nay, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức.
+ Tiếp tục cải cách, đổi mới về nội dung các chương trình, kế hoạch đào tạo theo hướng: đào tạo theo chức danh, vị trí công vụ của công chức; đảm bảo tình khoa học, tính chính trị; tính thực tiễn; đảm bảo sự thống nhất giữa 3 yêu cầu trong các mục tiêu đào tạo: kiến thức - kỹ năng - thái độ.
+ Tiếp tục tăng cường về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên cho các cơ sở đào tạo công chức, bao gồm cả đội ngũ giảng viên kiêm chức, để trong một thời gian nhất định các cơ sở đào tạo công chức có được một đội ngũ giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, tận tâm với sự nghiệp đào tạo công chức của Đảng và Nhà nước; có kiến thức, kỹ năng giỏi về quản lý và quản lý nhà nước, tận tuỵ và công tâm trong giảng dạy, nghiên cứu và đánh giá.
+ Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện và hiện đại hoá các cơ sở đào tạo công chức, để các cơ sở đào tạo công chức vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ
đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vừa là “ một công sở kiểu mẫu” cho hệ thống công sở nhà nước.
+ Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức, phương pháp đào tạo, theo hướng vừa áp dụng phương pháp, kỹ thuật hiện đại, vừa gắn lý luận với thực tế quản lý và thực tiễn Việt Nam.
+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm tra, thanh tra nhà nước về đào tạo công chức; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo công chức, quản lý nhà nước về chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức, xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức của các cơ sở đào tạo công chức hiện nay, nhằm trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta hiện nay.
Trên đây, luận văn đã nêu lên các mục tiêu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức. Tiếp theo, luận văn sẽ nêu lên các giải pháp cụ thể để thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo công chức ở nước ta hiện nay.