Đặc điểm, tiềm năng phát triển cho vay tiêu dùng trên địa bàn huyện

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay tiêu dùng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh thanh trì (Trang 67 - 74)

CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT

3.1. Định hướng phát triển cho vay tiêu dùng trên địa bàn huyện Thanh Trì

3.1.1. Đặc điểm, tiềm năng phát triển cho vay tiêu dùng trên địa bàn huyện

Thị trường tài chính CVTD bắt đầu phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, bắt nguồn từ những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng và xu hướng đầu tư bất động sản của tầng lớp người dân có thu nhập ổn định.

Nhiều người lựa chọn vay vốn từ các ngân hàng, công ty tài chính thay vì thói quen từ ngày xưa vay mượn từ gia đình, người thân hay bạn bè do tính chất không chắc chắn, không đảm bảo khi giao dịch mà không có giấy tờ xác minh, bằng chứng được pháp lý công nhận.

Có thể thấy tiềm năng phát triển của thị trường CVTD cá nhân ở Việt Nam là rất lớn bởi Việt Nam sở hữu dân số hơn 98 triệu người với độ tuổi trung bình là 33 tuổi. Như vậy trong cơ cấu dân số Việt Nam thì tầng lớp trẻ tuổi chiếm đa số, suy nghĩ, lối sống và quan điểm sống của tầng lớp trẻ hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt so với các tầng lớp trước. Ngoài ra xét về kinh tế trong những năm gần đây, Việt Nam luôn là quốc gia có sự tăng trưởng ổn định trong khu vực Đông Nam Á, được thể hiện qua việc đời sống và mức thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện. Theo đó, nhu cầu chi tiêu sử dụng cho các loại hàng hóa thiết yếu cũng như các dịch vụ, sản phẩm phục vụ mục đích riêng ngoài hàng hóa thiết yếu cũng tăng lên. Từ những yếu tố này, Việt Nam đang trên đà mở rộng quy mô thị trường tiêu dùng với các nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng.

Xét trên địa bàn huyện Thanh Trì, có thể thấy đây cũng là một thị trường đầy tiềm năng. Huyện Thanh Trì nằm ở phía nam Thủ đô Hà Nội. Qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, huyện Thanh Trì hiện có 15 xã và một thị trấn, diện tích đất tự nhiên là 6.349ha. Sau khi bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Thanh Trì ra sức thi đua, đạt được nhiều bước tiến lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều khu đô thị mới ra đời như: Linh Đàm, Đại Thanh, Pháp Vân - Tứ Hiệp, liên khu Tứ Hiệp - Ngũ Hiệp... Một số khu công nghiệp hình thành như: Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, Ngọc Hồi;

nhiều trục đường chính được cải tạo và nâng cấp, hiện tại gần đây nhất là dự án nâng cấp quốc lộ 1A. Trong các thôn, xã cũng hoàn thành việc cải tạo các tuyến đường liên thôn, liên xã khiến việc di chuyển của người dân trở nên dễ dàng hơn, đồng thời hoàn thành cải tạo mạng lưới điện, các công trình công cộng như trạm y tế, trụ sở công an phường, các nhà văn hóa xã... được quan tâm đầu tư, góp phần phục vụ cho đời sống của nhân dân.

Trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, với tinh thần phát huy truyền thống, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh, ban lãnh đạo của huyện đã triển khai các chủ trương của Trung ương và Thành phố Hà Nội một cách có hiệu quả; xây dựng và thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng giá trị sản xuất hằng năm tăng bình quân 10,2%/năm;

cùng với đó là mức tăng thu ngân sách bình quân năm đạt 16,6%; thu nhập bình quân đầu người cũng đạt tới 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ trọng thương mại, dịch vụ hiện chiếm 39,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 55,1%; nông nghiệp, thủy sản chiếm 5,3%. Xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội là tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế huyện sau này, ban lãnh đạo huyện Thanh Trì đã đầu tư hơn 1210 tỷ đồng để triển khai các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội.

Hiện tại, huyện Thanh Trì đang tiến hành thực hiện các dự án đô thị hóa,

được chứng minh bằng một loạt các dự án chung cư cao cấp như Tecco Diamond, dự án khu dân cư tổ hợp IEC, các khu chung cư mới hình thành như Tứ Hiệp Plaza, Rose Town… khiến địa bàn Thanh Trì mang một bộ mặt đô thị mới. Để hướng đến mục tiêu đến năm 2025 xây dựng huyện Thanh Trì trở thành quận theo hướng văn minh, giàu đẹp, Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đã nghiên cứu kỹ các chính sách, đề án khiến mục tiêu từ huyện lên cấp quận trở nên khả thi hơn. Sau quá trình nghiên cứu, các ban ngành cơ quan đã phối hợp, chỉ đạo thực hiện các chương trình nhằm triển khai thành công một số nhiệm vụ trọng tâm. Nhiệm vụ đột phá đầu tiên là đẩy mạnh cải cách hành chính, kết hợp cả phát triển công nghệ thông tin trong công tác quản lý và tổ chức để hỗ trợ cho các đơn vị hành chính xử lý công việc được nhanh gọn, giảm bớt các thủ tục rườm rà gây bất lợi đối với người dân. Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, phục vụ công tác chỉ đạo, ban hành đường lối có những phương hướng và góc nhìn chính xác hơn, cùng với đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý thông qua quá trình học tập và rèn luyện phong cách làm việc chuyên nghiệp, tư tưởng đạo đức đúng đắn, rèn luyện các kĩ năng làm việc, thái độ trong môi trường công việc sao cho đội ngũ nhân sự càng ngày càng phát triển theo hướng tốt lên. Mặt khác, công tác xây dựng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Nắm bắt được kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước, ban lãnh đạo huyện Thanh Trì lấy mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông làm nền móng, cơ sở để phát triển các dự án kỹ thuật, xã hội. Ngoài ra, một nhiệm vụ không kém phần thiết yếu được ban lãnh đạo huyện chú trọng là khai thác hiệu quả các nguồn thu, đồng thời phân bổ sử dụng ngân sách một cách hợp lý để huyện Thanh Trì được phát triển đồng đều.

Do sự phát triển mạnh của các dự án dân cư, lượng công dân thủ đô lựa chọn Thanh Trì là nơi đặt tổ ấm ngày càng nhiều, độ tuổi khách hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đa dạng hơn. Bởi vậy, hoạt động CVTD của các ngân hàng hiện đang tập trung vào các khách hàng có tuổi đời trẻ, khoảng từ 25-35 tuổi vì đây là nhóm khách hàng có xu hướng sử dụng các hàng hóa, dịch vụ mới lớn hơn hẳn so với các khách hàng ở độ tuổi trung niên. Động lực tăng trưởng cho phân khúc này xuất phát từ cơ cấu dân số trẻ và sư cải thiện đáng kể trong mức thu nhập những năm gần đây.

3.1.2. Định hướng phát triển cho vay tiêu dùng tại Agribank – Chi nhánh Thanh Trì

Trên con đường phát triển, Agribank tiếp tục giữ vững vị trí ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất với hiệu quả hoạt động dẫn đầu ngành Ngân hàng. Agribank với lợi thế là NHTM chủ lực trong hoạt động tài chính trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn đã tiếp tục khẳng định vị trí ngân hàng số một trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng. Trong suốt quá trình hơn 30 năm đồng hành, gắn bó cùng “Tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), Agribank đã trở thành điểm tựa vững chắc của hàng nghìn hàng triệu hộ nông dân trên cả nước. Không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm đem lại thu nhập cho các hộ nông dân, Agribank còn tham dự vào quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới theo đường lối của Chính phủ, đó là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Trong giai đoạn phát triển đất nước quan trọng này, Agribank được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ cung ứng nguồn vốn và dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuân theo nhiệm vụ tối quan trọng của Đảng và Chính phủ, dư nợ cho vay trong mảng nông nghiệp nông thôn của Agribank luôn chiếm khoảng 70% tỷ trọng dư nợ

cho vay nền kinh tế, đồng thời chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp nông thôn của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Riêng đối với hoạt động cho vay với mục đích xây dựng nông thôn mới, hoạt động cấp tín dụng của Agribank gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường, phủ sóng tất cả các xã trên cả nước. Ngoài ra, Agribank còn vươn dài đến tận các vùng sâu vùng xa, thậm chí trở thành ngân hàng duy nhất có phòng giao dịch đặt tại 9/13 huyện đảo, góp phần phát triển hoạt động kinh tế biển của 28 địa phương ven biển bằng cách hỗ trợ đội tàu công suất lớn hiện đại cho ngư dân trong hoạt động đánh bắt xa bờ, đưa ra các chính sách ưu đãi đối với ngư dân gặp thiệt hại do thiên tai…

Trong quá trình chuyển tải nguồn vốn phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới tới người dân, Agribank luôn tích cực triển khai các chương trình ưu đãi với chính sách tín dụng dành riêng cho các cá nhân và hộ nông dân trên địa bàn nông thôn, cùng với đó là phát triển các tiện ích, sản phẩm phục vụ nhu cầu nâng cao chất lượng đời sống. Từ những kinh nghiệm trong quá trình gắn bó với với người dân xuyên suốt chương trình “Tam nông”, Agribank hiểu được thu nhập của các hộ gia đình, hộ nông dân phụ thuộc nhiều vào yếu tố mùa vụ, do đó tình hình kinh tế của các hộ nông dân thường không ổn định, nhưng các nhu cầu chi tiêu sinh hoạt vẫn phải phát sinh. Nắm bắt được những yếu tố này, bên cạnh hoạt động cấp tín dụng cho các nhu cầu sản xuất kinh doanh phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn được đánh giá là ưu tiên hàng đầu, Agribank luôn chủ động dành một phần ngân quỹ cho các hoạt động vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Là Chi nhánh có lịch sử khá lâu đời, Agribank – Chi nhánh Thanh Trì đã có sự tiến bộ vượt bậc so với thời gian trước đây, xứng đáng với danh hiệu một trong các đơn vị tiên phong trong việc thực hiện các chiến lược được Trung ương đề ra trên địa bàn cả nước nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng. Chi nhánh luôn giữ vững định hướng hoạt động trong suốt quá trình cải

cách và phát triển, đó là giữ vững và cải thiện vị thế của Agribank trên địa bàn thành phố, trước mắt là địa bàn huyện Thanh Trì trong công tác hỗ trợ cho sự đầu tư phát triển các thành phần kinh tế.

Năm 2020 đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn đầy biến động trong bức tranh kinh tế toàn cầu bởi ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng cũng đánh dấu những bước đi đầy bản lĩnh của Việt Nam trên nhiều phương diện. Xét về tình hình chống trọi với dịch bệnh, Việt Nam đã chứng minh với cả thế giới về khả năng kiểm soát dịch bệnh bằng những chính sách phong tỏa kịp thời, đồng thời nhanh chóng phân phối vaccine tới tất cả người dân. Ở thời điểm hiện tại, tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid 19 khá nặng nề khi Đảng và Chính phủ phải sử dụng tới biện pháp dừng tất cả hoạt động kinh doanh đối với các mặt hàng không thiết yếu. Trong điều kiện nền kinh tế gặp phải trở ngại, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì và thích nghi tốt với hoàn cảnh vừa chịu tác động của đại dịch vừa phải đối phó với thiên tai. Hơn nữa, kinh tế nông nghiệp đã vươn lên trở thành nguồn thu nhập chính, bảo đảm duy trì cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho hàng triệu người dân, đồng thời phát triển thêm về xuất khẩu. Điều này có thể thấy rõ qua những chỉ tiêu tăng trưởng quan trọng trong ngành nông nghiệp:

Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỷ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đặc biệt là gỗ đạt trên 12,8 tỷ USD, tôm 3,66 tỷ USD, rau quả 3,35 tỷ USD, hạt điều 3,24 tỷ USD và gạo 3,07 tỷ USD. Đáng ngạc nhiên, tỷ lệ các xã đạt tiêu chí nông thôn mới chiếm hơn 62%, vượt ra mục tiêu đề ra là phát triển được 50% vào năm 2020. Với vị thế là định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, Agribank vừa

thực hiện nhiệm vụ cung ứng nguồn vốn kịp thời phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn “Tam nông”, lại vừa phải tạo lợi nhuận đóng góp vào ngân sách Nhà nước để đảm bảo cho đời sống người dân và thu nhập của người lao động. Trong thời gian sắp tới, Agribank tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và định hướng phát triển trong thời gian tới của hệ thống Agribank toàn quốc, Agribank – Chi nhánh Thanh Trì đã bước đầu xác định những phương hướng nhiệm vụ cần hoàn thành. Đó là duy trì và phát huy những hoạt động chủ chốt đang mang lại hiệu quả cao, đồng thời phát triển thêm những hoạt động khác đầy tiềm năng, điển hình là công tác cấp tín dụng phục vụ mục đích chi tiêu cá nhân.

Để triển khai thành công nhiệm vụ trên, Agribank – Chi nhánh Thanh Trì đưa ra những định hướng như sau:

- Chi nhánh sẽ tăng cường hợp tác với những đơn vị, tổ chức, pháp nhân qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, uy tín của ngân hàng tới tầng lớp khách hàng vay tiềm năng. Trong thời gian gần đây, Agribank – Chi nhánh Thanh Trì đã phối hợp với một số chủ đầu tư của các dự án chung cư và nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Thanh Trì. Bằng những chính sách ưu đãi đặc biệt về lãi suất và quy trình thủ tục được đơn giản hóa đối với khách hàng đang sở hữu bất động sản tại những dự án này, cùng với sự giới thiệu của bên chủ đầu tư tới các chủ căn hộ, Agribank – Chi nhánh Thanh Trì đã thu hút được một số lượng không nhỏ khách hàng vay có nhu cầu vay vốn để thanh toán các hợp đồng mua bán nhà ở, căn hộ.

- Chi nhánh tiếp tục mở rộng thêm các sản phẩm CVTD để đáp ứng được càng nhiều nhu cầu đa dạng của khách hàng, đồng thời hoàn thiện chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các chương trình Marketing để giới thiệu, quảng

cáo cho các sản phẩm CVTD cũng cần được chú trọng để khách hàng biết đến nhiều sự lựa chọn hơn cho nhu cầu vay vốn của mình.

- Chi nhánh tiếp tục đề xuất những chính sách khách hàng, mỗi phân lớp khách hàng sẽ có những ưu đãi khác nhau phù hợp với từng loại hình. Đối với khách hàng vay quen thuộc thường xuyên có giao dịch tín dụng tại ngân hàng, chi nhánh có thể đưa ra những ưu đãi về lãi suất. Mặt khác, đối với khách hàng mới hoặc khách hàng tiềm năng, chi nhánh thường có những chương trình quà tặng đối với các hợp đồng tín dụng có giá trị lớn.

- Chi nhánh tăng cường đầu tư về tri thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công nhân viên thông qua các khóa đào tạo nghiệp vụ CVTD, các buổi thảo luận, nghiên cứu để tìm ra biện pháp phát triển hoạt động CVTD. Đối với cán bộ phòng kế toán và dịch vụ marketing, chi nhánh cần bổ sung những kĩ năng giao tiếp, mở các buổi hướng dẫn cách thức giới thiệu sản phẩm CVTD cũng như truyền đạt thông tin về sản phẩm tới khách hàng. Đây là một kênh truyền thông vừa có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao. Riêng đối với đội ngũ cán bộ tín dụng, chi nhánh cần nhanh chóng triển khai các phương án đánh giá và chấm điểm hiệu quả làm việc của các cán bộ thông qua các tiêu chí như: năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức… từ đó có biện pháp bồi dưỡng và đào tạo thích hợp.

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay tiêu dùng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn việt nam – chi nhánh thanh trì (Trang 67 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(89 trang)