2. Các hội chứng
2.2. Những biểu hiện nhiễu tâm
Trong quá trình phát triển, ngay từ những ngày tháng đầu tiên, trẻ em đã phải đối mặt với những lo hãi và xung đột. Có những thời kì, các biểu hiện nhiễu tâm theo cách gọi dùng cho người lớn, được cho là bình thường. Giai đoạn từ 3 đến 6 tuổi thường được cho là thời kì nhiễu tâm trẻ em bình thường, là kết quả của những xung đột đặc trưng cho giai đoạn này. G. Diatkine (1985) cho rằng rất hiếm có nhiễu
tâm ở thời thơ ấu. Do tính chất thoáng qua và thay đổi của các triệu chứng, nên dùng thuật ngữ các nét nhiễu tâm, các biểu hiện nhiễu tâm hơn là nhiễu tâm ở tuổi này. Nhiễu tâm chỉ dùng từ tuổi thiếu niên trở đi.
Như vậy, các biểu hiện nhiễu tâm ở trẻ em không giống với bệnh nhiễu tâm ở người lớn, nó có thể là một biểu hiện rối nhiễu bình thường, mất đi sau đó và trẻ phát triển bình thường trở lại.
a. Ám sợ Mô tả
Triệu chứng chính của nhiễu tâm ám sợ là cảm thấy sợ dữ dội, mãnh liệt đối với đối tượng hoặc tình huống mà bản thân chúng không có bất cứ sự nguy hiểm thật sự nào. Cơn lo sợ cao độ có những dấu hiệu sau:
- Dấu hiệu về cơ thể: hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, cảm giác ngẹt thở, đau ngực, đau bụng, buồn nôn...
- Dấu hiệu về thần kinh: run, lắc cơ, chóng mặt, khó chịu. - Dấu hiệu về vận động: kích động hoặc mệt mỏi.
- Dấu hiệu vận mạch: vã mồ hôi, cơn nóng nực hoặc rùng mình.
- Những dấu hiệu tâm lí: cảm giác xa lạ, mất phương hướng, sợ chết, điên rồ.
Sự sợ hãi dẫn đến trẻ trốn tránh đối tượng hoặc hoàn cảnh gây ra nó. Có mặt một người nào đó hoặc một số hành động có thể được trẻ dùng để chống lại ám sợ.
Ở trẻ hài nhi, những sợ hãi bất ngờ và tạm thời có thể xuất hiện, ví dụ như vú mẹ hoặc sữa đến quá chậm đôi khi tạo ra một ám sợ thực sự. Sự sợ bóng đêm cũng có thể thể hiện rất sớm.
Ám sợ thường đến bất ngờ ở trẻ 4 - 5 tuổi và có đối tượng sợ hãi rất khác nhau, ví dụ: + Con vật: chó, côn trùng, chuột, sên...
+ Đồ vật: xe cộ, va-li...
+ Những tình huống: đêm tối, hành lang, cầu thang, những không gian lớn... + Những yếu tố tự nhiên: trăng, mưa, sấm...
+ Người: lính, người nhiều râu, bác sĩ...
Cha mẹ chỉ chú ý đến tình trạng của con khi thấy trẻ có các cơn lo hãi hoặc các hành vi né tránh, không muốn đi cùng cha mẹ vào một nơi nào đó.
Trong một số trường hợp, cha mẹ có mặt bên cạnh giúp trẻ vượt qua sợ hãi; một vật bất kì nào đó cũng có thể có tác dụng bảo vệ chống lại sợ hãi.
Tiến triển
Ám sợ có liên quan tới nhiễu tâm trẻ em thường tồn tại trong một thời gian ngắn nếu cha mẹ có thái độ thông hiểu mà không quá dễ dãi. Phần lớn ám sợ giảm bớt lúc khoảng 7 - 8 tuổi, ít nhất là về vẻ bên ngoài. Tuy nhiên nó có thể kéo dài một hoặc hai năm và mất dần đi. Một số ám sợ kéo dài hơn dường như là do hành vi nhiễu tâm của cha hoặc mẹ.
Ám sợ thường được để ý đến khi nó đi kèm với những rối loạn khác (thay đổi tính cách, thoái lui). Cũng có trường hợp có loạn tâm tiến triển.
Chữa trị
Ám sợ của trẻ em không phải bao giờ cũng cần chữa trị. Nếu như triệu chứng tồn tại hơn một tháng thì có thể sử dụng một trị liệu tâm lí ngắn hoặc những tư vấn theo yêu cầu.
Liệu pháp hành vi cho kết quả tốt đối với những ám sợ của người lớn nhưng cần thận trọng và có kinh nghiệm khi ứng dụng vào trẻ em.
b. Ám sợ trường học Mô tả
Ám sợ trường học khác với những lo hãi chia li ở trẻ nhỏ lần đầu đến trường. Ám sợ này là một sợ hãi đặc biệt đối với hoàn cảnh trường học trong khi trẻ tỏ ra có khả năng chịu đựng những chia li ở hoàn cảnh khác.
Thường gặp nhất là trẻ biểu hiện sự sợ hãi đặc biệt khi ở giữa những đứa trẻ khác ví dụ trong giờ chơi. Trẻ không thiết lập bất cứ một tiếp xúc nào với các bạn và có thái độ hung hăng và không thích hợp.
Một số trường hợp thì chính quan hệ với cô giáo hoặc là một hình thức học tập nào đó là nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi của trẻ.
Ở một số trẻ, người ta nhận thấy tình trạng sợ hãi đi kèm với cảm nhận về việc thiếu khả năng hoặc thất bại. Trẻ bị ức chế, sợ bị chê trách và trừng phạt.
Chữa trị
Ám sợ trường học có thể được giảm đi một cách tự nhiên hoặc nhờ một trị liệu ngắn. Tuy vậy, một số trẻ sau này vẫn có những biểu hiện nhiễu tâm khác.
Có thể dùng các phương pháp đo lường tâm lí và trắc nghiệm phóng chiếu để tìm hiểu nguồn gốc của những ức chế trường học ở trẻ em.
Nếu gia đình trẻ có mâu thuẫn, xung đột hoặc chia rẽ thì việc chữa trị cần phải chú ý đến cả mặt này.
Tần số các nét ám ảnh ở trẻ em được cho là khoảng 1%. Rối loạn này hiếm gặp ở trẻ nhỏ hơn so với thời kì sau 6 - 7 tuổi.
Mô tả
Mô tả về mặt triệu chứng dựa nhiều vào biểu hiện nhiễu tâm ở người lớn. Mặt chủ yếu của rối loạn này là tính chủ quan: người bệnh cảm thấy cần thiết phải kiểm soát suy nghĩ và hành động của họ.
Sau đây là những triệu chứng và các đặc điểm về tính tình của rối loạn này: + Triệu chứng
Có thể có các ám ảnh nhưng không mang tính cưỡng bức. Suy nghĩ bị xâm lấn bởi các cảm xúc, lo lắng. Những ý nghĩ được gọi là ám ảnh bao vây ý thức của chủ thể. Nội dung của những ý nghĩ này đôi khi không phù hợp và tầm thường gây ra tình cảm xấu hổ và mặc cảm tội lỗi. Để đấu tranh chống lại những suy nghĩ có tính ám ảnh này, người bệnh tìm những cách riêng để chuyển hướng chú ý như đọc thầm, đái dầm, tính toán... Những cách thức này cũng mang tính ám ảnh và trở thành mối quan tâm có tính ám ảnh mới thay thế cho cái ban đầu.
Thường có lo hãi. Lo hãi có thể vô cớ, nội dung không xác định hoặc do nỗi sợ bị quên và do những suy nghĩ không thể chịu đựng được khác.
Thường xuyên là các ám ảnh được đi kèm với sự thúc ép hành động, hành động một cách không thích hợp, có thể mang tính hung bạo, phá huỷ.
Đứa trẻ có nhu cầu thẩm tra: cửa có bị mở không, hình như người ta đã bỏ một vật gì đó vào cặp sách... và có những hành động thúc ép hoặc những nghi thức mà cha mẹ buộc phải tuân theo. Những lo lắng về sự sạch sẽ, nỗi sợ bị lây nhiễm đi kèm với nhiều hành động có tính bắt buộc xâm chiếm phần lớn hoạt động của trẻ. Mặc dù khả năng trí tuệ không bị giảm sút nhưng những ám ảnh và những hành động nghi thức làm ảnh hưởng tới tính sẵn sàng trong các hoạt động bình thường.
+ Đặc điểm về tính cách
Những đặc điểm tính cách sau đây không phải lúc nào cũng biểu hiện ở trẻ em: tiết kiệm, hay nghi ngờ dẫn đến sự phân vân thiếu quả quyết; tỉ mi, tôn trọng nghiêm túc các trật tự và quy định; bướng bỉnh, cứng đầu, cầu toàn, kĩ lưỡng quá mức; kiểm soát cảm xúc một cách thái quá. Thường xuyên nhất là trẻ ám ảnh có vẻ nghiêm nghị và lo lắng, bị những đấu tranh nội tâm xâm chiếm; thường thể hiện trạng thái tâm lí khổ sở.
Chữa trị
Ám ảnh có thể chữa trị bằng phân tích tâm lí và có thể phải chữa trị trong một thời gian dài. Tuy nhiên hay có tiến triển lặp lại sau một ít tháng.
Những thuốc chống trầm cảm cũng có hiệu quả đối với ám ảnh - cưỡng bức mặc dù không có bất kì trầm cảm nào là nguyên nhân. Hiệu quả này cho thấy có rối loạn về chuyển hóa sérotonine trong nhiễu tâm ám ảnh.
d. Ảnh hưởng của nhiễu tâm đến học tập
Nhiễu tâm làm tăng lo hãi, ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ em và đến sự phát triển nhận thức nói chung của trẻ. Những dồn nén gia tăng có thể làm nghèo nàn tư duy và các chức năng sáng tạo. Trí tuệ bị ức chế lí do đôi khi chỉ vì do nhiễu tâm.
Nhiễu tâm cũng có thể gây ra một số rối loạn về trí nhớ. Một số hình thức ức chế hoạt động tâm trí cũng được thấy ở những trẻ bị ngược đãi và nạn nhân của lạm dụng tình dục.
Cũng cần biết rằng nhiễu tâm ở trẻ có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh và vai trò của người giáo viên khi dạy trẻ. Giáo viên có thể bị phủ định hoặc bị cho là có tội.