0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (128 trang)

Trắc nghiệm tâm lí

Một phần của tài liệu TÂM BỆNH HỌC TRẺ EM LỨA TUỔI MẦM NON (Trang 33 -37 )

6. Phương pháp đánh giá tình trạng tâm bệnh lí của trẻ em

6.4. Trắc nghiệm tâm lí

Trắc nghiệm là một bài tập thử nghiệm được chuẩn hóa, cho phép so sánh các kết quả đạt được của một trẻ với kết quả đạt được của một nhóm trẻ đối chứng. Ngày nay người ta phân làm hai loại trắc nghiệm chính: trắc nghiệm về mức độ và trắc nghiệm về nhân cách.

- Trắc nghiệm về mức độ

Trắc nghiệm về mức độ dùng để đo lường mức độ thành công hoặc thất bại theo một loạt nhiệm vụ được chuẩn hóa. Trong đo lường trí tuệ, kết quả của nó được giải thích bằng chỉ số phát triển (QD) hoặc bằng chỉ số khôn (QI/IQ). Có các loại trắc nghiệm về mức độ sau:

+ Trắc nghiệm tiền ngôn ngữ về phát triển tâm vận động

Test của Gesell, Brunet - Lézine và Casati - Lézine đánh giá một loạt khả năng hoàn thiện vận động, được chuẩn hóa theo tuổi. Với mỗi loạt có thể đánh giá không chỉ về tuổi phát triển (AD) mà còn là về chỉ số phát triển (QD) và mối liên quan giữa tuổi phát triển với tuổi đời.

Những trắc nghiệm dành cho trẻ nhỏ giúp xác định mức độ phát triển tâm vận động của một trẻ hài nhi hoặc một trẻ nhỏ trong mối quan hệ với mức độ trung bình nhưng không phải là đo chỉ số khôn (QI). Tuy vậy, trong thực tế có mối tương quan thuận giữa QD của trẻ nhỏ với QI của cũng trẻ đó khi ở tuổi thanh thiếu niên.

Test Brunet - Lézine dùng cho trẻ từ vài tháng đến 5 tuổi. + Trắc nghiệm trí tuệ

* Binet - Simon, Terman - Merill, NEMI

Các test này gồm những bài tập thử nghiệm khác nhau. Kết quả thu được được giải thích theo tuổi, cho biết về tình trạng chậm chễ hoặc phát triển trước của trình độ trí tuệ. Mỗi thử nghiệm xác định một tuổi trí tuệ. Khi phần lớn những đứa trẻ ở một độ tuổi nhất định thành công với những thử nghiệm này thì phần lớn những trẻ ở độ tuổi ít hơn sẽ thất bại. Một trẻ 6 tuổi sẽ có tuổi trí tuệ là 6 nếu như nó thành công với những thử nghiệm mà bình thường phần lớn những trẻ 6 tuổi thành công. Nó sẽ có tuổi khôn là 4 tuổi rưỡi nếu thành công với những thử nghiệm mà bình thường phần lớn trẻ 4 tuổi rưỡi đạt được và thất bại với những thử nghiệm mà phần lớn trẻ 5 tuổi thành công...

Các kết quả được đánh giá theo chỉ số khôn (QI/IQ). Chỉ số khôn = (tuổi khôn/tuổi đời) x 100

Chỉ số QI minh họa mức độ phân tán kết quả của tuổi khôn của một trẻ trong tương quan với tuổi đời hoặc là như Zazzo nói, trong tương quan với tuổi trí tuệ trung bình của những trẻ cùng tuổi, còn được gọi là chỉ số theo tuổi.

Theo nhiều tác giả, các trắc nghiệm này có giá trị lớn khi dùng để đánh giá về khả năng học tập ở trường, nhất là test của Binet-Simon. Test Binet Simon dùng cho trẻ từ 4 - 10 tuổi, test Terman-Merill có thể dùng cho đến khi là người lớn.

* WISC và WISPP

Hai trắc nghiệm này bắt nguồn từ trắc nghiệm Wechsler - Bellevue dùng cho người lớn và cho trẻ từ 12 tuổi trở đi. Test WISC (Weschler Inteuigence Scale for Children) được dùng cho trẻ từ 6 tuổi và test WISPP (Weschler Intelligence Scale for the Preschool Period) dùng cho trẻ từ 4 - 6 tuổi. Đặc điểm của các test này là phân biệt giữa những thử nghiệm dùng ngôn ngữ với những thử nghiệm không dùng ngôn ngữ. WISC bao gồm 6 tiểu test dùng lời (thông tin-thông hiểu-số học-tương tự-từ ngữ-nhắc lại các con số) và 6 tiểu test không dùng lời được gọi là hoàn thiện hay dễ hiểu hơn là làm (hình thiếu-phân loại hình ảnh-khối Kosh - lắp ráp - mật mã - mê đạo). Tổng hợp những tiểu test của mỗi một thang đo cho một điểm về mức lời và mức làm và tổng chung cho một điểm tổng hợp.

Về kết quả, các test này được xây dựng theo kiểu chấm điểm những kết quả đạt được ở một trẻ theo phân tán độ lệch chuẩn, phân chia những trẻ này theo trung bình của tuổi. Tuổi tham chiếu như vậy không phải là theo lịch đại (phân tán theo tuổi phát triển) mà là theo đồng đại (phân tán theo giá trị trung bình có quan hệ trong một nhóm tuổi).

Chỉ số khôn được xác định theo thang bách phân, Ql 100 tương ứng với bách phân vị 50.

WISPP dùng cho trẻ từ 4 - 6 tuổi, WISC từ 6 - 12 tuổi, Wechsler - Bellevue sau 12 tuổi. Có 2 thang đo, lời và làm, nhằm giảm bớt ưu thế của yếu tố ngôn ngữ trong các test trước, thuận lợi cho việc đánh giá tính thuần nhất của trí tuệ.

+ Trắc nghiệm về các chức năng nhận thức

Trắc nghiệm loại này có rất nhiều, sau đây là những test hay được dùng nhất trong lâm sàng. Mục đích của những test này là nghiên cứu chính xác hơn những chức năng nhận thức. Có thể kể đến các test như:

* Test khởi phát cử chỉ của Bergès - Lézine: Nhằm tìm hiểu sự nhận biết về sơ đồ cơ thể ở trẻ từ 3 - 10 tuổi.

* Test Bender nhằm tìm hiểu sự tổ chức tri giác đường nét, chữ viết của trẻ từ 4 - 7 tuổi.

* Hình phức hợp Rey: Nhằm tìm hiểu tổ chức tri giác không gian, khả năng chú ý và trí nhớ tức thời.

* Test Benton: Nghiên cứu sự tổ chức vận động - thị giác và đánh giá trí nhớ phân biệt. Dùng cho trẻ sau 8 tuổi.

+ Trắc nghiệm về khả năng xã hội

Xuất phát từ việc nhận thấy trong thực tế lâm sàng tần số sai lệch giữa mức độ trí tuệ được xác định bởi các test trí tuệ với khả năng hòa nhập xã hội, nhất là ở một số trẻ chậm trí tuệ, các trắc nghiệm loại này ra đời.

* Thang phát triển tâm lí xã hội (DPS) của Zazzo

Thang đo này bao gồm ba phần giúp xác định mức độ phát triển tâm lí xã hội nhưng cũng đồng thời là trắc đồ về phát triển:

Khả năng tự cung cấp, thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu của bản thân (ăn uống, vệ sinh, mặc quần áo, học hành, di chuyển, đi ra).

Mức độ phát triển hứng thú (hứng thú đối với sách vở, với cuộc sống xã hội: thể thao, hoạt động văn hóa...).

Quan hệ liên cá nhân (quan hệ với cha mẹ, với những đứa trẻ khác).

* Thang khác biệt về hiệu lực trí tuệ (EDEI) của Misès và Peron - Borelli

- Đáp ứng cho việc phải xây dựng một test giúp phân biệt tốt hơn các khả năng của những trẻ chậm trí tuệ nặng, EDEI gồm năm thang đo: nhận biết-thông hiểu xã hội - hình thành khái niệm - phân loại - thích ứng cụ thể và 2 thang đo bổ sung về từ: gọi tên hình ảnh - định nghĩa. Kết quả được giải thích theo tuổi khôn (AM), theo chỉ số phát triển (QD) hoặc theo thang đo.

Những trắc nghiệm này (DPS, EDEI) chủ yếu dùng để phân tích sự khác biệt giữa các trẻ chậm tiến.

Các trắc nghiệm về nhân cách giúp xác định chất lượng của nhưng quá trình tâm lí góp phần tạo thành nhân cách. Tất cả những câu trả lời được đưa ra trong trắc nghiệm về nhân cách đều có giá trị ứng nghiệm và có ý nghĩa, không giống với những câu trả lời trong trắc nghiệm về mức độ (bao giờ cũng có câu trả lời tốt hoặc kém, sai hoặc đúng).

Trắc nghiệm về nhân cách có:

- Bộ câu hỏi dựa theo mẫu của MMPI (Minnesota Multiphasic Personality Inventory), không dùng được cho trẻ trước 17 - 18 tuổi.

- Các trắc nghiệm phóng chiếu

Trắc nghiệm phóng chiếu hay được dùng trong tâm bệnh trẻ em do tính hiệu quả của nó. Trắc nghiệm được xây dựng dựa vào mối liên quan giữa thế giới nội tâm của con người với những cái mà họ nhìn thấy, cảm nhận, thể hiện. Đặc trưng của trắc nghiệm phóng chiếu là đưa ra một kích thích về tri giác, một tình huống mù mờ nhất có thể để trong khi tri giác, giải quyết…chủ thể phóng chiếu tối đa những vấn đề của mình.

Có thể kể đến các trắc nghiệm phóng chiếu sau: + Trắc nghiệm Rorschach

Đây là một trong những trắc nghiệm được sử dụng nhiều nhất. Không có bất kì một hạn chế nào về tuổi, chỉ cần có khả năng thể hiện bằng ngôn ngữ. Trắc nghiệm bao gồm 10 bức hình, 5 đen trắng, 2 đen đỏ và 3 nhiều màu sắc, gồm những vết không rõ hình thù, đối xứng theo trục đứng.

Trẻ được xem từng bức hình và đưa ra câu trả lời của mình về cái nó nhìn thấy, nó cảm nhận được. Để phân tích và giải thích những câu trả lời của trẻ, nhà lâm sàng phải quan tâm tới các vấn đề về: cách hiểu, kiểu thể hiện, nội dung trả lời.

Test Rorschach cho hai loại kết quả:

Thứ nhất là tổng hợp các kết quả về cách hiểu, hình thức của các câu trả lời và nội dung của nó. Kết quả này cho biết về chân dung tâm lí, giúp xây dựng trắc đồ nhân cách, đánh giá ở trẻ em mức độ phát triển và kiểu thông hiểu hiện thực của trẻ.

Thứ hai là về bản chất của những quá trình tâm lí giúp khớp nối giữa mức độ tri giác và mức độ tưởng tượng. Đây thực sự là việc phân tích về tâm bệnh lí để xem trẻ em khớp nối hiện thực mà nó thấy trên các bức hình với tưởng tượng của nó như thế nào, sự chuyển qua lại giữa hiện thực và tưởng tượng như thế nào, kiểu vấn đề đặt ra hoặc kiểu huyễn tưởng khi tri giác thế nào, những thao tác tự vệ nào được sử dụng...?

+ Trắc nghiệm chủ đề

* TAT (Thematic Aperception Test de Murray)

Gồm 30 tấm hình thể hiện một khung cảnh với các nhân vật ở tình trạng không rõ ràng (một người hình như đang nhìn ra cửa sổ, một đứa trẻ ngồi trước cây đàn vĩ cầm...), những bức tranh không có nhân vật hoặc có bóng tối mờ mờ. Bức hình cuối cùng được để trắng. Với mỗi bức hình người bệnh phải kể một câu chuyện do họ tự sáng tác dựa vào những gợi ý của các yếu tố trong hình. Trắc nghiệm này được áp dụng cho trẻ từ 11 - 12 tuổi.

* CAT (Children Aperception Test de Bellack)

Dành cho trẻ nhỏ. Cũng tương tự như TAT nhưng các nhân vật được thay thế bằng con vật. * Trắc nghiệm Cẳng chân đen (L. Corman)

Gồm một loạt các bức vẽ một con lợn con với những cái cẳng đen trong những hoàn cảnh thể hiện các xung đột khác nhau của thế giới trẻ thơ, tập trung quanh những hình tượng cha mẹ và anh em: tranh đua với anh chị em, trừng phạt, bỏ rơi...

* Cũng có thể kể đến trắc nghiệm của Rosenzweig (đánh giá sự khoan dung đối với hẫng hụt, trắc nghiệm điền câu của Bonnet Stein, trắc nghiệm những câu chuyện bịa của Duss.

Việc giải thích các trắc nghiệm chủ đề, đặc biệt là TAT, CAT hoặc Cẳng đen ít phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt hơn so với trắc nghiệm Rorschach. Tuy vậy phải chỉ ra được hai vấn đề cơ bản: Mức độ chất lượng của các câu trả lời của trẻ (cấu trúc của câu chuyện, chất lượng và sự phong phú của các câu nói...) và mức độ phóng chiếu.

+ Các trắc nghiệm phóng chiểu khác

Có nhiều nhưng nhìn chung chúng ít nghiêm ngặt hơn những trắc nghiệm đã kể trên. Ví dụ như: * Trắc nghiệm kiến tạo làng: Trẻ phải tạo ra một ngôi làng với các đồ chơi, vật dụng dùng làm nhà, xây dựng...

* Trắc nghiệm Sceno (Sceno test) của G. Von Staabs: Một cái hộp trong có chứa nhiều đồ chơi, con vật, các nhân vật người lớn, trẻ em, những đồ đạc trong nhà... Trẻ phải tạo ra những trang trí, sắp xếp hoặc tạo ra một câu chuyện... với những cái có trong hộp. Test này rất hiệu quả với trẻ từ 2 - 6 tuổi. * Trắc nghiệm vẽ hình người, trắc nghiệm vẽ gia đình, trắc nghiệm vẽ cây: thông qua việc trẻ vẽ, khả năng hiện thực hóa biểu tượng và phóng chiếu của các em được thể hiện.

Một phần của tài liệu TÂM BỆNH HỌC TRẺ EM LỨA TUỔI MẦM NON (Trang 33 -37 )

×