1. Rối loạn triệu chứng và chức năng
1.4. Rối loạn biếu hiện hành
Phần này đề cập đến những hành vi khác nhau nhưng có điểm chung là chúng là những hành vi triệu chứng không trực tiếp thuộc về một tổ chức bệnh lí riêng nào nhưng lại có liên quan đến quá trình thành thúc của trẻ.
Một số hành vi loại này có thể không có ý nghĩa bệnh lí nếu như nó xuất hiện bất ngờ, riêng lẻ và không thường xuyên.
a. Khóc nức Mô tả
Khóc nức có thể xuất hiện từ lúc trẻ được 3 tháng cho tới năm thứ 3. Hay gặp nhất là từ 6 đến 18 tháng. Trẻ khóc nức nở liên tục, trong cơn khóc nức trẻ thường mất nhận biết một lúc do giảm ô xi não. Có hai dạng sau:
- Khóc nức là phản ứng cáu giận do không hài lòng. Trẻ bị ngạt dẫn đến tình trạng mất nhận biết làm da tím tái. Trẻ dễ ngã, có thể co giật. Trẻ hay có hành vi này thường lanh lợi, bạo dạn và cương quyết. Loại này chiếm phần lớn (80%) số trẻ khóc nức.
- Cơn khóc nức đến bất chợt sau một cảm xúc mãnh liệt. Đứa trẻ trắng nhợt ra và ngã xuống. Dạng này thường dẫn đến co giật, dễ bị nhầm với động kinh. Thường có ở trẻ hay sợ hãi và nhút nhát.
Hành vi khóc nức là cách trẻ phản ứng với một hoàn cảnh nhất định, có liên quan đến một người cụ thể. Chứng này có thể có nguyên nhân từ điều kiện chăm sóc giáo dục. Nếu như cha mẹ và người lớn quá quan tâm đến việc tránh để trẻ không hài lòng sẽ khiến trẻ càng ngày càng trở nên khó tính hơn.
Nguyên nhân
Có quan niệm nói đến nguyên nhân sinh lí của cơn khóc nức, cho là do phản ứng thái quá của thần kinh phó giao cảm. Tuy vậy, lí do này không giải thích được tính phụ thuộc vào tính chất quan hệ với người khác, tính không ổn định về triệu chứng của khóc nức. Thật ra rối loạn này bị tác động đồng thời của cả nguyên nhân về sinh lí lẫn tâm lí.
Phản ứng sinh lí của trẻ chứng tỏ trẻ không thể nhận thức được trạng thái tình cảm dữ dội đang xâm chiếm bé. Đây là một rối loạn tâm thể (psychosomatique). Theo Fain, tình trạng này là do thiếu hụt kích thích tương hỗ mẹ - con. Thiếu hụt này cũng là nguyên nhân của chứng mất ngủ sớm có từ trước khi khóc nức xuất hiện.
Chữa trị
Cần tiến hành trao đổi với cha mẹ và với trẻ, trước hết là để họ bớt lo lắng, sau nữa là tìm ra những xung đột trong quan hệ giữa trẻ với cha mẹ và bản chất của những xung đột này. Trị liệu tâm lí để làm thay đổi tính chất của quan hệ đã gây ra khóc nức có thể dùng trong một thời gian ngắn và thường có hiệu quả. Tuy nhiên khi sử dụng trị liệu tâm lí cần lưu ý để tránh nhiễu tâm về sau.
b. Hung hăng Mô tả
Hung hăng ở đây không phải là trạng thái hay tiềm năng mà là hành vi hung tính nhằm vào đối tượng nhất định và có thể quan sát được. Ví dụ như trẻ cấu hoặc cắn mặt mẹ, cấu, cắn, đánh bạn một cách hung hăng...
Nguyên nhân
Có nhiều quan điểm về nguyên nhân của hành vi hung hăng: nguyên nhân về sinh lí học, về xã hội học, tập tính học và phân tâm học.
Về nguyên nhân sinh lí học, có thể kể đến nồng độ cao trong máu của một số chất như d- amphétamines, dopamine, testostérone; vùng hung tính trên não và tăng số lượng nhiễm sắc thể Y (hội chứng 47 XYY).
Về mặt xã hội học, có bốn nhân tố chính gây ra hành vi hung bạo ở người: thiếu thốn về vật chất, nghèo khổ; sống trong môi trường hỗn loạn; sống trong môi trường bạo lực; giảm ý chí và niềm tin.
Về tập tính học, H. Montagner và cộng sự năm 1978 nghiên cứu hành vi của các trẻ em từ 18 tháng đến 5 tuổi đã mô tả các giai đoạn diễn tiến của hành vi hung hăng, bắt đầu từ mặt đến tay: kêu - cắn - đẩy - cào cấu - đánh. Tác giả cũng làm rõ tiến trình chuyển từ trạng thái bình tĩnh sang hung hăng của trẻ từ 2 đến 4 - 5 tuổi. Đây là thời kì mỗi trẻ dần hình thành kiểu hành vi riêng của mình như kiểu lãnh đạo, kiểu hung hăng... và kiểu cách này phụ thuộc nhiều vào kiểu tương tác giữa trẻ và gia đình, nhất là với mẹ.
Phân tâm học lúc đầu đề cập đến xung năng chết, rồi huyễn tưởng hung hăng của tính hung hăng. Với hung hăng bệnh lí, có hai giả thuyết được đưa ra: một là, trong quá trình phát triển có sự suy giảm, thiếu hụt sự nội chiếu về các đối tượng xấu và tốt, chúng bị chia tách dẫn tới sự hình thành cái siêu tôi trên cơ sở thống hợp không tốt những cấm đoán và không khoan nhượng; sự cân bằng giữa cái ấy và cái siêu tôi bị thay đổi và cái tôi được biểu hiện bởi những xung động hung tính. Giả thuyết thứ hai cho rằng nếu trẻ không có quan hệ gắn bó đầy đủ trong quá trình phát triển để cảm thấy an toàn thì tình trạng thiếu an toàn sẽ là cơ sở để nảy sinh hành vi hung hăng.
Chữa trị
Trước hết phải tìm hiểu nguyên nhân của tính hung hăng. Tìm hiểu, trao đổi với cha mẹ và trò chuyện với trẻ để làm rõ tính chất của quan hệ tương tác giữa mẹ và trẻ cũng như những thành viên khác trong gia đình. Có thể dùng các biện pháp tâm lí - sư phạm và cả tâm lí trị liệu để thay đổi tính chất của quan hệ tương tác. Cũng cần có hỗ trợ về mặt xã hội trong trường hợp hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
c. Bỏ trốn
Bỏ trốn là việc bỏ đi có chủ ý, bất ngờ và không được phép trong một thời gian nhất định. Có trốn nhà và trốn trường.
Đứa trẻ bỏ trốn để lang thang trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày mà không trở về. Đây là một hành vi hay gặp, người ta thống kê thấy có tới 30.000 trường hợp trốn nhà trong một năm và tần số tăng lên theo tuổi.
niên có thể trốn đi trong một thời gian khá lâu còn trẻ nhỏ thường quay về hoặc là tìm cách gặp công an hay một người bất kì nào đó khi trời tối để có thể trở về.
- Những lí do trốn
Đứa trẻ thường không có bất kì mục đích gì khi trốn nhà, lang thang chung quanh khu vực nó sống và trốn ở những nơi như hầm, chỗ bỏ hoang...Đôi khi trẻ lớn hơn vào trung tâm thương mại hay rạp chiếu phim. Sau đó trẻ tìm cách làm cho cha mẹ hoặc người quen tìm thấy.
Cũng có trường hợp trốn có mục đích. Với trẻ được 11 - 12 tuổi, thường mục đích trốn nhà là để tránh nơi mà nó ghét và không muốn gặp một người nào đó (trốn gặp người trông trẻ, ông bà...). Khi trẻ lớn hơn, nhất là vào tuổi thanh thiếu niên, trốn nhà là để tham gia vào một hội, để chuyển chỗ...
Trốn nhà thường được cho là một phần hành vi của nhân cách dị tính và cũng là cơ hội để những hành vi chống đối xã hội đặc trưng hơn xuất hiện (ăn cắp có hành vi hung bạo...). Người ta nhận thấy ở trẻ tuổi thanh thiếu niên hay trốn đi và trốn sớm những yếu tố sau: chia li với cha mẹ, thiếu hụt tình cảm, bị bỏ rơi... Cũng như vậy ở trẻ nhỏ.
Ở trẻ thanh thiếu niên, bỏ trốn là yếu tố dự báo trẻ hư sớm. Có trẻ trốn nhà như là cách để trốn khỏi những căng thẳng mà nó không chịu nổi trong gia đình. Có trẻ trốn nhà thể hiện một hành vi có liên quan với một đau khổ hoặc một đòi hỏi mà người lớn từ chối lắng nghe. Ở trường hợp này, trẻ có thời gian chuẩn bị cho việc đi trốn hoặc đã hình đung trước việc này.
- Nguyên nhân của bỏ trốn
+ Bỏ trốn như là hành vi trốn tránh: Phải sống trong môi trường xung đột, đứa trẻ thử tránh căng thẳng tâm lí làm nó lo sợ bằng việc bỏ trốn và đi lang thang không có mục đích chính xác. Trẻ này thường lo âu và mặc cảm có lỗi về hành động của mình và hành vi được kết hợp với một nhiễu tâm trẻ em. Ví dụ, do căng thẳng và thất bại ở trường, trẻ trốn trường trong một thời gian dài. Gia đình có thể không biết vì trẻ vẫn ra khỏi nhà và trở về đúng giờ, thậm chí còn mang điểm và bài tập về nhà. Tuy nhiên cha mẹ cuối cùng vẫn biết khi trẻ quá lo sợ phải nói ra hoặc do giáo viên, bạn bè trẻ thông báo.
+ Trốn trường biểu hiện sự từ chối đi học: Trẻ trốn học đi chơi. Nó đi lang thang hoặc trốn vào đâu đó cho đến giờ về nhà như là vẫn đi học. Trẻ này gặp thất bại ở trường, ít thể hiện mặc cảm có lỗi hoặc lo âu. Nó có thể có những rối loạn hành vi kết hợp khác (ăn cắp, nói dối, hành vi hung tính...). Nếu đó là đứa trẻ tuổi thanh thiếu niên, người ta có thể gặp trẻ nhân cách dị tính không chỉ trốn trường mà có cả trốn nhà có tổ chức, tụ tập thành băng đảng, hư hỏng... Khi trẻ còn nhỏ, việc bỏ trốn có thể bắt đầu khi trẻ ở trường, ở trại...
+ Bỏ trốn là cách phản ứng với tình trạng bị bỏ rơi: Đây là trường hợp hay gặp ở trẻ có cha mẹ li dị và phải ở với cha hoặc mẹ do pháp luật quy định. Trẻ không chấp nhận chia li với môi trường gia đình và sợ bị vứt bỏ. Nó bỏ trốn, có khi nhiều lần, để tìm lại người thân.
+ Bỏ trốn để đi tìm cha hoặc mẹ khi cha mẹ li dị: Thường thấy trong hoàn cảnh cha mẹ li dị vì xung đột và trẻ phải sống với 1 trong 2 người. Cũng có khi trẻ trốn là do cha hoặc mẹ tạo điều kiện hoặc cho phép để trốn tránh người kia.
+ Trốn nhà của trẻ tự kỉ hoặc thiếu hụt. Đúng hơn là trẻ bị lạc hoặc là đi trốn, nhưng do khả năng xác định về không gian - thời gian kém nên không tìm được đường về. Một số trẻ loạn tâm có nhu cầu mang tính thúc ép về trốn khỏi mọi giới hạn mà người ta áp đặt cho nó, bao gồm cả giới hạn về địa điểm.
+ Trốn nhà khi động kinh: Bỏ đi không chủ ý, thường kèm theo chứng quên.
- Chữa trị
Không có cách chữa trị riêng dành cho trẻ bỏ trốn nhưng cần lưu ý đến những hoàn cảnh, thái độ đưa đến hành vi bỏ trốn để có những điều chỉnh, tác động thích hợp. Trấn áp trẻ khiến trẻ càng hay bỏ trốn hơn. Những cách mà người xung quanh hay làm khi trẻ bỏ trốn (cấm đi ra ngoài, giám sát, khóa phòng) có nguy cơ hình thành một hành vi bệnh lí. Cũng có khi trẻ thấy bỏ trốn là cách có thể làm thay đổi gia đình, làm cho cha mẹ gặp nhau và làm cho trẻ xác nhận sự gắn bó của cha mẹ.