1. Rối loạn triệu chứng và chức năng
1.7. Rối loạn chức năng tiêu hó a ăn uống
a. Đau bụng ở trẻ nhỏ Mô tả
Rối loạn này thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, từ tuần thứ 3 và mất đi sau 3 tháng tuổi. Bé kêu khóc và người lớn hiểu là bé đau đớn. Trẻ nhỏ bình thường khóc khoảng 2 tiếng một ngày khi 2 tháng (theo Brazelton) thì trẻ này kêu khóc nhiều lần và kéo dài 4 - 5 tiếng, có khi cả ngày. Giờ khóc tương đối cố định: sau bữa ăn hoặc ban đêm. Trẻ bị kích động, chân tay khua, giật, cong người lên, mặt đỏ, đôi lúc gào rống lên.
Những biểu hiện này làm cho cha mẹ lo lắng và làm mọi cách để dỗ trẻ, quan tâm âu yếm rồi đến cáu giận... và sợ rằng trẻ có vấn đề về thể chất. Bé khóc không dỗ được làm mẹ kiệt sức và có thái độ không thích hợp. Thường thì cho bú làm bé nguôi dịu ngay.
Rối loạn này hay gặp đến nỗi có lúc được cho là yếu tố bình thường của phát triển. Trẻ có thể có vấn đề về thể chất nhưng nếu khám y khoa sẽ không phát hiện thấy bất thường nào. Phần lớn đây là trẻ tăng trương lực và tăng động.
Nguyên nhân
Có quan điểm cho rằng do đau bụng chức năng nhưng từ Spitz, 1965, người ta thường gắn rối loạn này với tình trạng cô đơn và lo âu của mẹ. Đứa trẻ tăng động phản ứng quá mạnh với lo âu của người mẹ. Một số nghiên cứu khác lại cho là đau bụng có thể xay ra ở những trẻ mà người mẹ ít có những tác động, kích thích đến con. Hiện nay có ý kiến cho là do rối loạn chất lượng các tương tác về tình cảm ở trẻ có tính phản ứng quá cao và do rối loạn quan hệ mẹ - bé. Đây là một rối loạn về cân bằng tâm thể.
Chứa trị
Sau khi được bác sĩ nhi khám và xác định không có bất thường về thể chất, cho trẻ bú, cho ăn nhiều lần hơn nhưng giảm về lượng, đu đưa ru trẻ. Nếu quan hệ của cha mẹ với bé không thích hợp cần tư vấn để thay đổi tính chất của quan hệ.
b. Nhai lại Mô tả
một ít, và bé lại nhai thức ăn. Nhai lại dường như làm cho bé cảm thấy thoải mái. Bị thu hút vào việc nhai lại nhưng bé sẽ ngừng nếu có người quan sát. Nôn trớ có thể xảy ra sau đó.
Nhai lại có thể xuất hiện bất ngờ ở trẻ có phát triển bình thường. Đây thường là những trẻ rất hiếu động, tò mò, thích quan hệ. Đôi khi đây là biểu hiện xu hướng tìm cách tự kích thích giống như du đưa người hoặc vuốt ve tìm khoái cảm.
Nguyên nhân
Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi bị chia li với mẹ hoặc mẹ không chịu được con, ít quan tâm chăm sóc hoặc mẹ bị trầm cảm. Mọi yếu tố về thiếu quan tâm chăm sóc, yêu thương của mẹ đều có thể dẫn đến rối loạn này, được cho là do bé bị hẫng hụt nhu cầu thiết lập quan hệ qua lại với mẹ.
Cũng có quan điểm về vai trò của sự thoải mái về cơ thể, trẻ thấy dễ chịu khi nhai lại, hoặc do thức ăn dễ trở lại miệng. Đôi khi đây là biểu hiện của xu hướng tìm cách tự kích thích giống như đu đưa người hoặc vuốt ve tìm khoái cảm.
Chữa trị
Chữa trị tùy vào nguyên nhân dẫn đến triệu chứng. Nếu là do rối loạn quan hệ với mẹ thì các biện pháp điều chỉnh môi trường sống và tính chất quan hệ có thể có hiệu quả. Cũng nên trao đổi với cha mẹ với sự có mặt của trẻ.
c. Chúng nôn tâm sinh Mô tả
Nôn trớ thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cần được quan tâm nếu như lặp đi lặp lại. Nôn trớ có thể xuất hiện sau những đảo lộn sinh hoạt của bé ở trong gia đình, phải đi nhà trẻ, thay đổi chỗ ở hoặc mẹ đi làm trở lại.
Chứng nôn có thể là một hình thái khác của chứng chán ăn. Ở trẻ sau 3 tháng tuổi, việc từ chối không ăn dường như là một hình thức chống đối.
Với chứng chán ăn nặng, dù rất hiếm, có thể có hậu quả nghiêm trọng. Kreisler năm 1981 đã miêu tả tiến triển gây chết người do chán ăn và nôn trớ ở hai chị em gái hơn nhau 2 tuổi mắc chứng này từ lúc 20 tháng. Cùng với các nghiên cứu khác về sau, không thể cho chán ăn và nôn trớ là bình thường, vô hại ở trẻ được nữa.
Nguyên nhân
Nôn là hình thức từ chối và vứt bỏ ở trẻ nhỏ. Trẻ mắc nôn trớ thường tăng trương lực, háu động. Có mối liên quan giữa việc xuất hiện triệu chứng và những sự kiện trẻ không thể chịu đựng được. Rối loạn trầm trọng trong quan hệ gia đình, rối loạn quan hệ của bé với mẹ thường được cho là nguồn gốc của chứng nôn.
Trong trường hợp nặng nôn có thể là biểu hiện của chán ăn sơm, thiếu kích thích cần thiết để ăn uống và quan hệ. Đây được cho la cơ chế tâm thể của chứng nôn.
Chữa trị
Gặp gỡ trao đổi với mẹ và bé thường làm giảm nhanh chóng các rối loạn. Trước đó cần thăm khám cẩn thận về y tế để chắc chắn rằng nôn trớ có căn nguyên tâm lí.
Dựa vào một số dữ kiện y khoa chưa chắc chắn, bác sĩ nhi có thể chẩn đoán về triệu chứng trào ngược ống tiêu hóa, gán cho chứng nôn tâm sinh ý nghĩa chức năng thực thể. Tâm lí trị liệu được dùng để tránh cho bé những cách chữa trị ít hiệu quả và làm chấn thương.
d. Chán ăn
Ở đây đề cập đến hiện tượng chán ăn vào nửa sau của năm thứ nhất. Trẻ đột ngột biếng ăn, thường nhất là vào khoảng 5 - 8 tháng. Chán ăn đôi khi gắn với thời điểm thay đổi chế độ ăn uống như ăn thêm bột, ăn thức ăn không nghiền nát...
Trẻ có biểu hiện chán ăn thường làm cho mẹ lo âu và làm mọi cách để trẻ thích ăn trở lại. Nhưng thường mọi cố gắng của mẹ không đạt được mong muốn, trẻ vẫn không ăn và làm mẹ kiệt sức, chịu thua. Những ý kiến và lời khuyên của gia đình và người thân đôi khi trái ngược nhau và càng làm cho mẹ lo lắng hơn.
Mặc dù không thích ăn nhưng bé vẫn lớn. Hiếm khi việc chán ăn làm bé giảm cân nhiều. Có thể có kèm theo việc trẻ khó đại tiện. Trẻ ăn bù những thức ăn lỏng thay cho việc chán thức ăn cứng. Trẻ cũng có thể có biểu hiện chỉ chán ăn khi mẹ cho ăn còn với những người khác thì trẻ ăn bình thường. Người mẹ có thể cảm thấy như là trẻ chán mình, lo sợ và có thể không còn giữ được sự sẵn sàng cần thiết khi cho con ăn. Lúc này lại cần phải quan tâm đến người mẹ.
Có thể phân biệt hai dạng chán ăn:
- Chán ăn đơn giản: Thường là một rối loạn về phản ứng (trẻ chán ăn do cai sữa, do bị ốm, do thay đổi môi trường sống...), có tính nhất thời. Việc từ chối thức ăn thường có quan hệ với thái độ thúc bách trẻ ăn của mẹ. Trẻ sẽ ăn lại ngay khi người mẹ thay đổi thái độ.
- Chán ăn nặng do tâm trí: Khi đầu không khác với chán ăn đơn giản nhưng do phản ứng chán ăn ăn sâu vào trẻ, do thái độ của mẹ không thay đổi làm cho chán ăn tồn tại lâu dài. Kèm theo chán ăn có những rối loạn khác: khó ngủ, hay cáu kỉnh, khóc nức... Trẻ biểu hiện thái độ thiếu hứng thú rõ rệt với thức ăn hoặc từ chối dứt khoát. Nếu trẻ từ chối dứt khoát thì bữa ăn có thể biến thành cuộc vật lộn giữa trẻ và mẹ. Người mẹ sẽ tìm đủ mọi cách để làm sao đưa được một ít thức ăn vào miệng trẻ còn trẻ thì giãy giụa, kêu gào, hất đổ tung mọi thứ... Hành vi kiểu này của trẻ chán ăn có thể tạm thời không xuất hiện vào những lúc trẻ ăn nhiều hơn nhưng lại càng chỉ ra tính chất thất thường của việc ăn uống. Trẻ có thể chỉ ăn duy nhất những đồ ăn ngọt, các sản phẩm sữa hoặc là ăn rau…Trẻ hay nôn trớ trong những
khi nó muốn ăn và ăn. Trẻ trở nên nhợt nhạt, yếu mặc dù không có bệnh gì. Cân nặng của trẻ không tăng, biểu đồ tăng trưởng về trọng lượng giữ nguyên rồi sau đó đi xuống.
Về mặt tâm bệnh, trước hết phải chú ý đến người mẹ của đứa trẻ chán ăn. Có thể quan sát thấy đây là người mẹ thích quyền uy, thích điều khiển. Với những bà mẹ này, việc quan tâm đến ăn uống của con dường như che giấu lo lắng về việc mình không phải là một người mẹ tốt hoặc là lo lắng bị bỏ rơi... Với trẻ chán ăn, có nhiều cách giải thích về việc trẻ không chịu ăn. Có quan niệm cho rằng việc trẻ từ chối ăn là do lây nhiễm lo âu từ mẹ và kết quả là trẻ có xu hướng kiềm chế, không chịu ăn. Đây có thể là nguyên nhân tâm lí của một rối loạn tổ chức tâm thể trong tương lai.
Về chữa trị, nên tập trung vào mối quan hệ giữa mẹ và trẻ, giúp làm giảm bớt những lo sợ của mẹ, giảm bới những thái độ có ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Cũng có thể dùng trị liệu tâm lí trong trường hợp huyễn tưởng vô thức của mẹ ảnh hưởng đến quan hệ với con.
Sau thời kì biếng ăn lúc 6 - 12 tháng và trước khi vào tuổi thiếu niên, những rối loạn về ăn uống ít gặp. Tuy nhiên vẫn có thể gặp chán ăn ở trẻ 3 - 4 tuổi. Chán ăn thường là đối với một số thức ăn, rất hay gặp là chán thịt, đôi khi đi kèm với rối loạn giấc ngủ và phản ứng lo hãi. Rối loạn loại từ chối thức ăn với việc ăn mất ngon có thể đi kèm với tình trạng trầm cảm.
e. Chứng béo phì
Chứng béo phì hiện nay được chú ý nhiều sau một thời gian dài ít được quan tâm hơn chứng chán ăn.
Trên bình diện lâm sàng, chứng béo phì chỉ những trẻ có cân nặng nhiều hơn ít nhất 20% trọng lượng trung bình của những trẻ cùng tuổi. Nếu quá tới 60% thì chắc chắn sẽ gây nguy hại. Hiện nay, tỉ lệ những trẻ mắc béo phì đang có xu hướng tăng lên.
Béo phì có thể xuất hiện sớm, ngay từ năm đầu nhưng thường phải đến tuổi dậy thì trẻ mới được gia đình đưa đi khám. Có hai thời điểm hay có béo phì: năm thứ nhất và thời kì trước khi dậy thì, khoảng từ 10 - 13 tuổi. Người ta phân biệt giữa béo phì tiên phát và thứ phát.
Béo phì có thể xuất hiện sau một thời gian trẻ háu ăn, nhưng thông thường hơn cả thì nó là hậu quả của chứng phàm ăn do môi trường gia đình. Trẻ có thể ăn nhiều tất cả các thức ăn hoặc ăn nhiều những thức ăn glucide (chất bột, đường).
Trẻ béo phì do nguyên nhân nội tiết rất ít, khoảng dưới 1%, và có kèm theo chậm phát triển.
Đặc điểm nhân cách của trẻ béo phì
Trẻ béo phì có đặc điểm riêng, nhất là khi đối chiếu với trẻ chán ăn. Nếu như trẻ chán ăn thường gầy yếu và tăng động thì trẻ béo phì ăn nhiều, to béo và thụ động. Trẻ béo phì thường được mô tả là nhu nhược, bàng quan, nhút nhát nhưng hay có những phản ứng cáu kỉnh đột ngột. Sự bàng quan và thụ động tuy vậy không phải là cố định. Một số hoạt động thể chất của trẻ cho thấy trẻ có thể hứng thú và tích cực
hoạt động. Trẻ béo phì cũng có khi học kém, đái dầm. Nếu như có khả năng trí tuệ bình thường hoặc khá thì tình trạng ức chế và thụ động vẫn cản trở sự thành công của trẻ.
Tuy rằng trẻ loại này thường là không có những triệu chứng riêng thuần nhất nhưng đôi khi nó cũng có những dấu hiệu của loạn tâm.
Người ta cũng hay gặp trẻ béo phì có chậm phát triển trí tuệ và có thiếu hụt về tình cảm kết hợp với chậm trí tuệ thực sự hoặc chậm trí tuệ giả.
Tiến triển
Ở trên đã nói thường trẻ béo phì đến tuổi dậy thì, khoảng từ 11 đến 13 tuổi, cha mẹ mới đưa đi khám và phần nhiều là con gái được đi khám. Mặc dù có thể được chữa trị bằng nhiều cách khác nhau, chỉ có 15% đến 25% trẻ quay trở lại được với tình trạng trước béo phì, số còn lại vẫn béo phì cho đến tuổi trưởng thành.
Chữa trị
Không nên chỉ tập trung chữa triệu chứng béo phì, nhất là khi chế độ ăn do cha mẹ đặt ra chứ không phải do trẻ. Nếu như trẻ gầy đi do áp dụng chế độ ăn riêng thì nó sẽ nhanh chóng béo trở lại ngay sau khi chế độ ăn này dừng. Điều cần làm là phải kết hợp giữa hạn chế lượng calo mà trẻ hấp thụ với đánh giá các vấn đề về tâm thể của trẻ và động cơ chữa trị. Cũng cần thực hiện một số tư vấn chữa trị và cả trị liệu tâm lí hỗ trợ nếu thấy cần thiết. Việc chữa trị dùng thuốc phải rất thận trọng.
g. Những hành vi ăn uống lệch lạc - Cơn háu ăn
Có thể gặp cơn háu ăn ở trẻ béo phì, trẻ chán ăn và cả ở những trẻ khác. Đó là trạng thái xung động không thể cưỡng lại được đối với việc ăn uống, đến bất chợt, đi kèm hoặc không đi kèm với cảm giác đói. Cơn háu ăn dừng đột ngột, trẻ có cảm giác chán ngán đi kèm khi thấy thức ăn vợi đi và không có cảm nhận gì về hương vị thức ăn, cũng không để ý đến vấn đề vệ sinh ăn uống trong thời gian có hiện tượng này. Cơn háu ăn thường tự chấm dứt với trạng thái đờ đẫn, thậm chí buồn ngủ cùng với cảm giác đầy ứ hoặc chán ngấy, nhưng cũng có thể là tình trạng thoải mái, vui thích. Cần biết rằng những cơn háu ăn nghiêm trọng đôi khi là biểu hiện của loạn tâm. Trường hợp này, thức ăn được dùng như là cái chống lại sự bao vây của hoang tưởng.
- Ăn uống kiểu cách và chán ăn chọn lọc
Đây là những hành vi rất hay gặp ở trẻ nhỏ, xen kẽ với thời kì chán ăn. Những thức ăn trẻ không ăn tùy vào khẩu vị của từng trẻ. Có trẻ chỉ ăn những thức ăn có sữa màu trắng, có trẻ chọn đồ ăn có đường... Trẻ thì không ăn thịt, trẻ thì không ăn rau, trẻ thì không ăn các loại hạt như đậu, đỗ... Một số thức ăn kích thích trẻ phản ứng mạnh, hoặc do màu sắc, hoặc do độ đặc, hoặc do đặc điểm có tính biểu tượng của thức ăn. Việc trẻ chọn ăn hoặc không ăn một số thức ăn nào đó có thể do huyễn tưởng về một
số thức ăn, cũng có thể là hậu quả của áp lực và sự điều khiển của những người xung quanh. Nếu như những hành vi kiểu này vẫn còn tồn tại ở lứa tuổi sau thì có thể là bằng chứng của những tổ chức bệnh, thậm chí là biểu hiện của chứng hoang tưởng nghi có bệnh.
- Xung động uống
Trẻ có nhu cầu cấp thiết, không thể không thỏa mãn về uống một lượng lớn nước hoặc các chất lỏng khác. Trước khi chẩn đoán trẻ có mắc chứng này hay không, cần phải khám về y khoa để loại trừ các nguyên nhân cơ thể. Về mặt tâm bệnh, có trẻ biểu hiện rối loạn về nhân cách, có trẻ rối loạn khái niệm uống thể hiện bằng hành vi thoái lui, có trẻ là hành vi chống đối với môi trường, nhất là mẹ, người tìm cách hạn chế lượng chất lỏng mà trẻ uống vào. Có thể những hành vi uống có tính xung động này sẽ giảm một cách tự nhiên, đôi khi có háu ăn và chán ăn đi theo.
- Chứng ăn bậy
Khác với đứa trẻ bình thường khoảng từ 4 đến 9 - 10 tháng cho mọi thứ vào miệng, ở chứng ăn bậy, đứa trẻ ăn mọi thứ: đinh, tiền, khuy áo, bút chì, đồ chơi nhỏ, tàn thuốc lá, giấy, thạch cao, cỏ, đất...