Kinh nghiệm thế giớ

Một phần của tài liệu giải pháp phát triển bền vững các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã sông công (Trang 33)

1.1.4.1.1. Kinh nghiệm Nhật Bản

Nhật Bản là một nước rất thành công về phát triển kinh tế xã hội trong những năm 70 của thế kỷ XX, người ta coi Nhật Bản như một câu chuyện

thần kỳ. Với những chiến lược, những chính sách công nghiệp hóa đã đạt được nhiều thành tựu đáng khâm phục. Trong suốt thời kỳ tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản, các KCN đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các vùng, miền trên cả nước.

Quá trình phát triển các KCN của Nhật Bản diễn ra sau kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, đặc biệt sau khi Luật phát triển của các thành phố công nghiệp mới được hình thành năm 1962. Thời kỳ này, nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn dưới hình thức các KCN được thành lập tại nhiều thành phố trên cả nước. Các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, hóa dầu … đã hình thành dọc theo các vùng ven biển và trở thành những khu vực phát triển công nghiệp dẫn đầu trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Việc phân bố các cơ sở công nghiệp thiếu cân đối và tốc độ phát triển cao các ngành công nghiệp nặng, hóa chất đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng, đặc biệt là môi trường nước và không khí tại các KCN. Vì vậy, cuối những năm của thập niên 60, đầu thập niên 70, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu tổ chức lại các KCN có quy mô lớn tại các khu vực xa xôi như Hokaido và Nam Kyushu. Việc đặt các KCN tại những vùng này không những ngăn chặn được ô nhiễm môi trường mà còn tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực này. Đồng thời Chính phủ Nhật Bản khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp như điện tử cơ khí, lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô. Việc hình thành các KCN ở các vùng xa xôi trong nước là một biện pháp phát triển công nghiệp khu vực cũng như trên cả nước.

Các KCN Nhật Bản chia thành 4 loại theo vị trí và mục đích khác nhau như sau: - KCN ven biển: các KCN này có diện tích lớn hơn 1.000 ha, tập trung sản xuất hóa chất và các ngành công nghiệp nặng

- KCN nội địa: các KCN này được thiết lập dọc theo các xa lộ để thuận tiện cho việc chuyên chở hàng hóa, giao thông, có diện tích trung bình khoảng 100 ha. Nó tập trung công nghiệp lắp ráp chế tạo ô tô, thiết bị điện, cơ khí…

- Khu nghiên cứu: các khu này được thiết lập trong những khu vực có đầu mối giao thông thuận tiện, gồm các trung tâm nghiên cứu và phát triển, diện tích trung bình khoản 300 ha.

- Thành phố công nghiệp (Technopolis): có diện tích tương đương với các KCN nội địa, được thiết lập tại các khu vực riêng biệt và tập trung các ngành công nghiệp công nghệ cao như chế tạo bán dẫn, công nghệ sinh học… Tiêu chí để lựa chọn địa điểm xây dựng các KCN công nghệ cao (Technopolis) của Nhật là: khu vực hiện tập trung không quá đông các cơ sở công nghiệp, nằm gần các thành phố được coi là trung tâm của hoạt động công nghiệp, nằm gần các trường đào tạo đại học và các ngành phát triển công nghệ cao, trong hiện tại tập trung nhiều cơ sở kinh doanh thương mại và gần các đầu mối giao thông, xa lộ.

Về chính sách hỗ trợ phát triển của Nhật: Nhật Bản rất chú trọng tới việc phát triển cơ sở hạ tầng, nếu như năm 1955 tổng vốn đầu tư Nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp là 80 tỉ Yên, chiếm 0,9% GDP, thì tới năm 1970, con số này là 1.870 tỉ Yên, chiếm 2,5% GDP. Chính phủ cũng áp dụng một số biện pháp khuyên khích, hỗ trợ các xí nghiệp theo các Luật về phát triển công nghiệp vùng và các qui định của chính quyền địa phương như: - Hỗ trợ thuế (miễn giảm thuế) áp dụng mức khấu hao đặc biệt, hỗ trợ vốn kinh doanh từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tạo điều kiện cho vay ưu đãi của các tổ chức Chính phủ… Các biện pháp về thuế được áp dụng khác nhau cho từng xí nghiệp trong các KCN theo Luật về phát triển vùng liên quan.

- Một số biện pháp được áp dụng cho các vùng chỉ định như: miễn giảm thuế doanh nghiệp và thuế tài sản cố định trong vòng 3 năm, miễn thuế mua bất động sản, áp dụng chế độ thuế đặc biệt về sở hữu đất đai và khấu hao đặc

biệt (16% các thiết bị sản xuất, 8% cho các công trình xây dựng và các cơ sở phụ thuộc). Những thiết bị công trình nằm trong Technopolis đều hưởng mức khấu hao đặc biệt (30% cho thiết bị và 15% cho công trình).

1.1.4.1.2. Kinh nghiệm của Thái Lan

Ở Thái Lan có 2 loại hình KCN:

- KCN tập trung: trong đó tập trung các xí nghiệp sản xuất công nghiệp, các xí nghiệp này sản xuất hàng hóa để tiêu thụ trong nước và thường là các xí nghiệp công nghiệp nặng và không sản xuất hàng xuất khẩu.

- KCN hỗn hợp: là loại KCN chia ra làm 2 khu vực: KCN tổng hợp gồm các xí nghiệp sản xuất chủ yếu hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (với tỉ trọng xuất khẩu < 40% tổng sản phẩm sản xuất được); và các khu chế xuất hàng hóa xuất khẩu gồm các nhà máy sản xuất phải đạt ít nhất 40% hàng hóa xuất khẩu.

Các KCN Thái Lan được xây dựng trên cơ sở phân loại theo từng nhóm ngành công nghiệp và căn cứ vào nguồn lực có sẵn tại địa phương cũng như vị trí địa lý của những nơi thành lập KCN đó. Diện tích các KCN từ 70 đến 1.000 ha, phổ biến nhất từ 150 đến 250 ha, chỉ có khoảng 25% số KCN có diện tích lớn hơn 500 ha.

Việc quản lý các KCN có thẩm quyền Nhà nước và được giao cho một cơ quan là Ban quản lý các KCN Thái Lan. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong các KCN này dựa trên cơ sở vốn đầu tư Nhà nước hoặc liên doanh giữa Nhà nước với tư nhân. Theo Luật về KCN tư nhân thì tư nhân được phép thầu đầu tư và kinh doanh cơ sở hạ tầng nhưng việc quản lý do Nhà nước quản lý thống nhất thông qua Ban quản lý các KCN Thái Lan. Cơ quan này vừa thuộc Bộ công nghiệp, vừa là cơ quan quản lý Nhà nước được ủy quyền cấp các loại giấy phép cho nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tư nhân có thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng cách liên doanh với Ban quản lý KCN Thái Lan hoặc đầu tư 100% vốn.

KCN các ưu đãi khá rộng rãi: đầu tư vào các KCN, khu chế xuất được miễn trừ thuế xuất nhập khẩu hàng hóa; đặc biệt là cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu đất trong KCN (trong khi Malaysia bán đất có thời hạn 99 năm, Indonesia cho thuê đất tối đa là 60 năm, Trung Quốc cho quyền sử dụng đất tối đa là 50 năm nhưng được quyền chuyển nhượng thế chấp).

Thuế nhập khẩu được áp dụng trong các KCN Thái Lan:

- Đối với hàng hóa nhập khẩu là máy móc thiết bị phụ tùng: các doanh nghiệp trong KCN tổng hợp được giảm 50% thuế nhập khẩu áp dụng cho cả vùng I và vùng II, các doanh nghiệp ở vùng III được miễn thuế nhập khẩu các loại thiết bị trên. Việc miễn thuế này được áp dụng đối với các xí nghiệp sản xuất trong các khu chế xuất cả 3 vùng.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu: các doanh nghiệp trong các KCN tổng hợp được miễn thuế nhập khẩu 1 năm đối với nguyên vật liệu nếu xuất khẩu ít nhất 30% sản phẩm sản xuất được. Ưu đãi này cũng được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp trong KCN đóng ở vùng I và II, các doanh nghiệp ở vùng III sẽ được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu trong vòng 5 năm nếu xuất khẩu ít nhất 30% sản phẩm sản xuất và chỉ phải trả 25% thuế khập khẩu với các nguyên liệu sản xuất ra hàng hóa tiêu dùng nội địa

1.1.4.1.3. Bài học rút ra cho phát triển bền vững các KCN ở Việt Nam

Qua bài học phát triển các KCN của Nhật Bản và Thái Lan, ta có thể rút ra một số bài học cơ bản cho sự phát triển các KCN ở nước ta hiện nay như sau:

Thứ nhất, việc quy hoạch các KCN phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Từ đó phân công phối hợp chặt chẽ trong việc đầu tư phát triển các KCN của các bên liên quan như: Nhà nước, nhà đầu tư, lao động,… Các KCN cần được xây dựng đồng bộ với các khu thương mại, đô thị, dịch vụ,… theo mô hình tổ hợp liên hoàn trong đó phát triển KCN là trọng tâm còn các vệ tinh khác như về thương mại, dịch vụ, khu đô thị mới,… là hết sức quan trọng, có vai trò tác nhân thúc đẩy và đảm

bảo sự phát triển bền vững tại các KCN.

Thứ hai, cần lựa chọn cơ cấu đầu tư vào các khu công nghiệp một cách hợp lý và hiệu quả, theo hướng khuyến khích phát triển thu hút các dự án đầu tư các ngành có hàm lượng công nghệ, khoa học kỹ thuật cao, có tốc độ phát triển cao, sức lan tỏa mạnh.

Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các KCN cần phải được sự chỉ đạo thống nhất kịp thời của các cấp chính quyền thành phố, đồng thời phải đảm bảo thực hiện đúng các chính sách về đất đai và quyền lợi của người dân bị thu hồi đất; cần chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội phục vụ cho việc phát triển các KCN để thu hút vốn đầu tư, chủ động thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư thích hợp, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị chủ đầu tư nhằm tăng cường xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ tư, là cần phải có những chính sách, những biện pháp khuyến khích đầu tư phát triển các KCN như miễn giảm thuế, hoàn thiện công tác quản lý, đơn giản thủ tục hành chính,…

Thứ năm, cần phải thực hiện tốt công tác quy hoạch hơn nữa, nên xây dựng các KCN mới và di dời các KCN cũ cách xa trung tâm thành phố, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. phát triển các KCN cũng phải chú ý đi đôi với công tác bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững các KCN, phải kiên quyết xử lý triệt để các doanh nghiệp vi phạm cam kết bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu giải pháp phát triển bền vững các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã sông công (Trang 33)