Các cách tiếp cận nghiên cứu chất lượng cuộc sống

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế học: Phương pháp xây dựng và tính chỉ số tổng hợp đánh giá chất lượng cuộc sống ở Việt Nam (Trang 22 - 26)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

1.1. Một số vấn đề lý luận chung về chất lượng cuộc sống

1.1.1. Các cách tiếp cận nghiên cứu chất lượng cuộc sống

Theo Cobb (2000), để đo lường CLCS cần phải có một lý thuyết về những gì tạo nên một cuộc sống tốt. Dưới quan điểm của triết học, có ba cách tiếp cận chủ yếu nhằm xác định cuộc sống tốt (Brock, 1993, trích dẫn trong Diener & Suh, 1997, 189).

Cách thứ nhất mô tả đặc điểm của một cuộc sống tốt theo những ý tưởng chuẩn mực dựa trên các hệ thống tôn giáo, triết học hoặc hệ thống khác. Cách tiếp cận này không phụ thuộc vào kinh nghiệm chủ quan của con người hay việc thực hiện mong muốn của họ. Đây cũng là cách tiếp cận CLCS có mối liên hệ rõ ràng nhất với các chỉ tiêu xã hội truyền thống trong các ngành khoa học xã hội.

Cách tiếp cận thứ hai khi xác định cuộc sống tốt là dựa trên sự thỏa mãn các ưu tiên. Trong điều kiện các nguồn lực có hạn, mọi người thường phải lựa chọn những gì mà theo họ sẽ làm cho CLCS là tốt nhất và phù hợp với mong muốn cá nhân mỗi người.

Cách tiếp cận dựa trên sự lựa chọn này là cơ sở cho nhiều tư duy kinh tế hiện đại.

Cách tiếp cận thứ ba là dựa trên trải nghiệm của cá nhân. Theo cách tiếp cận này, các yếu tố cảm xúc như niềm vui, hạnh phúc, sự mãn nguyện và sự hài lòng với cuộc sống là quan trọng nhất. Do đó, cách tiếp cận thứ ba liên quan nhiều nhất đến sự hạnh phúc chủ quan trong khoa học hành vi.

Trên cơ sở các cách tiếp cận tới cuộc sống tốt như vừa kể trên, có một số lý thuyết khác nhau khi tiếp cận đánh giá CLCS. Tổng quan tài liệu cho thấy, đánh giá về CLCS đã thay đổi từ cách tiếp cận kinh tế thuần túy cho đến cách tiếp cận đa chiều đa ngành.

Ban đầu, CLCS được đánh giá bằng cách tiếp cận kinh tế thuần túy dựa trên thuyết vị lợi và được đo bằng một chỉ tiêu duy nhất là GDP bình quân đầu người. Cách tiếp cận này cho rằng, mức thu nhập càng cao, mức độ hài lòng càng lớn và CLCS càng tốt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các chỉ tiêu xã hội, quan điểm này đã dần thay đổi.

Một nhận thức mới được hình thành, đó là: sự giàu có là một chỉ tiêu rất không đầy đủ để phản ánh toàn bộ điều kiện sống của con người (Bognar, 2005). Trên thực tế, nếu CLCS được xác định về mặt hình thành tài sản, chẳng hạn để tạo ra mức sống và các cơ hội giáo dục thì quan điểm ban đầu có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, nếu CLCS được xác định một cách chủ quan, liên quan đến cảm giác chung về sự tốt đẹp của cuộc sống thì sự giàu có là chưa đủ để đánh giá.

Từ phong trào các chỉ tiêu xã hội trong những năm 1960, có hai cách tiếp cận truyền thống trái ngược nhau về CLCS, đó là cách tiếp cận mức sống của người Scandinavi hay còn gọi là cách tiếp cận khách quan và cách tiếp cận CLCS của người Mỹ hay còn gọi là cách tiếp cận chủ quan.

Cách tiếp cận của người Scandinavi dựa trên các nguồn lực và điều kiện sống khách quan. Trong đó, những đo lường nguồn lực thông dụng nhất là các chỉ tiêu tiền tệ như thu nhập, chi tiêu. Các nguồn lực phi tiền tệ khác bao gồm các loại tài sản, khả năng tiếp cận các dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện, nước, đường bộ... Cách tiếp cận dựa trên nguồn lực đối với các đo lường CLCS có thể phù hợp vì nó tôn trọng sự riêng tư, để cho mỗi người được tự do sắp xếp nguồn lực của mình theo cách tốt nhất với họ. Tuy nhiên, theo Alkire (2008), nhà kinh tế học Amartya Kumar Sen đã đưa ra một số lý do giải thích việc xem xét CLCS chỉ dựa trên các nguồn lực có thể là không đủ vì nhiều nguồn lực không thể đánh giá được về bản chất, chúng là công cụ cho các mục tiêu khác.

Tuy nhiên CLCS không chỉ phụ thuộc vào sự tồn tại của nguồn lực mà còn vào những gì chúng cho phép con người làm và được làm. Ngoài ra, mỗi người tùy thuộc vào đặc điểm riêng có của họ mà có những cách trải nghiệm cuộc sống, tận hưởng cuộc sống, nhận ra giá trị của cuộc sống là khác nhau cho dù nguồn lực mà họ có tương tự nhau.

Cách tiếp cận CLCS của người Mỹ nhấn mạnh đến sự hạnh phúc chủ quan của cá nhân như một kết quả cuối cùng của các điều kiện và quá trình. Trong những năm 1990, các đo lường hạnh phúc chủ quan bắt nguồn từ khoa học hành vi ngày càng được chấp nhận như một cách tiếp cận thay thế để giải thích về CLCS (Diener & Suh, 1997). Những nghiên cứu về hạnh phúc chủ quan có nguồn gốc triết học từ chủ nghĩa vị lợi truyền

thống của Jeremy Bentham. Về cơ bản, thuyết vị lợi cho rằng, CLCS liên quan đến sự thỏa mãn mong muốn của các cá nhân, khi đó một xã hội tốt được cho là đã mang lại sự hài lòng tối đa hoặc những trải nghiệm tích cực cho công dân của mình (Cobb, 2000).

Sau này, thuyết vị lợi đã phát triển với nhiều nhánh khác nhau. Như Sirgy (2011) chỉ ra, các đo lường hạnh phúc chủ quan được tiếp cận dựa trên lý thuyết lợi ích cá nhân, được giải thích là đánh giá cá nhân về sự hài lòng với cuộc sống, đời sống xã hội, cuộc sống gia đình và đời sống tinh thần của họ.

Trong những năm 1970, CLCS được xem xét theo cách tiếp cận nhu cầu cơ bản dựa trên hệ thống nhu cầu theo cấp bậc của Maslow. Hệ thống nhu cầu của Maslow (1943) ban đầu là một tháp gồm 5 cấp bậc, sau được hoàn thiện thành 7 cấp bậc vào năm 1970 và thành 8 cấp bậc vào năm 1990. Tư tưởng của lý thuyết này là người ta phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản ở mức thấp trước khi tiến tới đáp ứng nhu cầu phát triển ở mức cao hơn. Khi những nhu cầu này đã được thỏa mãn hợp lý, người ta có thể đạt đến mức cao nhất được gọi là tự hiện thực hóa. Lý thuyết nhu cầu cơ bản cho rằng, CLCS được xác định là mức độ hài lòng với các nhu cầu theo thứ bậc của hầu hết các thành viên trong một xã hội nhất định (Sirgy, 1986). Ventegodt và cộng sự (2003a) đánh giá, lý thuyết về CLCS dựa trên các nhu cầu của Maslow là một lý thuyết phù hợp về CLCS.

Tuy vậy, nghiên cứu của Tay & Diener (2011) khi kiểm định lại lý thuyết của Maslow đã chỉ ra rằng, nhu cầu phổ quát của con người dường như tồn tại bất kể sự khác biệt về văn hoá, tuy nhiên, thứ tự của các nhu cầu trong hệ thống phân cấp là không chính xác.

Cũng liên quan đến nhu cầu cơ bản của con người, Max-Neef (1992) lại có cách nhìn nhận khác. Nhà khoa học này đã tổ chức các nhu cầu của con người vào một hệ thống không phân cấp có tính sinh tồn và có giá trị, bao gồm: sự sống còn, sự bảo vệ, tình cảm, sự hiểu biết, sự tham gia, giải trí, sự sáng tạo, danh tính và sự tự do. Mô hình này thực chất là một hệ thống phân loại các nhu cầu của con người và là quá trình để xác định các nhu cầu này được đáp ứng như thế nào. Theo Max-Neef (1992), các nhu cầu là không đổi qua không gian và thời gian, sự khác biệt là cách mà những nhu cầu này được thỏa mãn. Trong hệ thống này, các nhu cầu có mối liên hệ và tương tác với nhau, nhiều nhu cầu được bổ sung và các nhu cầu khác nhau có thể được theo đuổi đồng thời. Farley và cộng sự (2002) cho rằng, hệ thống này phản ánh thực tế tốt hơn so với hệ thống phân cấp của Maslow, trong đó chúng ta chỉ theo đuổi những nhu cầu cao hơn sau khi đáp ứng được những nhu cầu thấp hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm của Max- Neef, các nhu cầu là ít và hữu hạn. Điều này trái ngược với niềm tin thống trị ở các quốc gia và các ý thức hệ rằng sự không ngừng tăng trưởng kinh tế là cách tốt nhất để đáp ứng các nhu cầu của con người. Ma trận các nhu cầu cơ bản của Max-Neef đã được

Costanza và cộng sự (2007) áp dụng khi xây dựng khái niệm CLCS và xác định các thành phần của CLCS.

Cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen tới CLCS được hình thành từ những năm 1980 và trở nên phổ biến từ những năm 1990. Theo Stigliz và cộng sự (2009), cách tiếp cận này nhận thức cuộc sống của mỗi người là sự kết hợp giữa những gì con người coi trọng có thể làm được và được làm (chức năng - functionings) và sự tự do lựa chọn các chức năng đó (năng lực - capabilities). Các chức năng có thể đạt được thông qua những thành tựu có thể quan sát được như tình trạng sức khoẻ, mức độ học vấn và tình trạng việc làm hiện tại… Các năng lực, có thể khá cơ bản như được ăn uống đầy đủ nhưng có thể phức tạp hơn như được học hành để có kiến thức cần thiết tham gia tích cực vào đời sống chính trị. Vì thế, Noll (2010) cho rằng, cách tiếp cận này có sự tương đồng lớn với cách tiếp cận khách quan dựa trên nguồn lực ở trên.

Với gốc rễ từ các khái niệm triết học về công bằng xã hội, nền tảng của cách tiếp cận năng lực phản ánh sự tập trung vào các mục đích của con người và tôn trọng khả năng của cá nhân trong việc theo đuổi và nhận ra các mục tiêu mà họ coi trọng, bác bỏ mô hình kinh tế của các cá nhân hành động để tối đa hóa lợi ích riêng của mình mà không quan tâm đến các mối quan hệ và cảm xúc; nhấn mạnh sự bổ sung giữa các năng lực khác nhau; công nhận sự đa dạng của con người. Cobb (2000) đã nhận xét về một xã hội tốt được nhìn nhận theo cách tiếp cận này là một xã hội cho phép công dân của mình khao khát sự vĩ đại, phát triển các đức tính và lòng trung thành, trở nên có kỹ năng và nghệ thuật, và có được trí tuệ sẽ tốt hơn nhiều so với một xã hội chỉ đơn thuần cung cấp các phương tiện để thoả mãn ham muốn. Do đó, Cobb (2000) cho rằng, cách tiếp cận năng lực là một phiên bản mới của cách tiếp cận nhu cầu cơ bản khi xác định CLCS.

Bởi vì, nếu với cách tiếp cận nhu cầu cơ bản truyền thống, người ta chỉ nỗ lực đưa ra một danh sách các nhu cầu cơ bản của con người (tập trung vào các yêu cầu của sự sống vật chất) cũng như đánh giá mức độ đáp ứng những nhu cầu đó thì cách tiếp cận năng lực lại xem xét các yêu cầu của một cuộc sống tốt theo cách phức tạp hơn, chẳng hạn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự tự do, các vấn đề về thể chế… Đây là một trong những lý thuyết có ảnh hưởng lớn nhất hiện tại và là tiền đề cho chỉ số Phát triển con người, Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và nhiều vấn đề phát triển khác ở cấp toàn cầu.

Theo cách tiếp cận năng lực, Allardt (1993) đã đề xuất khung lý thuyết CLCS dựa trên việc đáp ứng ba nhu cầu cơ bản: các nhu cầu có (having needs), các nhu cầu yêu thương (loving needs) và các nhu cầu được sống (being needs). Trong đó, các nhu cầu có liên quan đến việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, đó là các điều kiện vật chất để đảm bảo cuộc sống như các nguồn lực kinh tế (đảm bảo có mức thu nhập cá nhân tối thiểu),

các điều kiện nhà ở (đảm bảo không gian sống và tiện nghi), việc làm (có một công việc), các điều kiện làm việc (đảm bảo an toàn và giảm thiểu áp lực), sức khỏe (không bị bệnh tật, ốm đau và được chăm sóc y tế) và giáo dục (được đi học). Nhu cầu yêu thương bao gồm tất cả các mối quan hệ xã hội với mọi người, chẳng hạn, được kết nối với bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng địa phương… Nhu cầu được sống nhấn mạnh đến sự phát triển cá nhân và sống hài hòa với thiên nhiên. Nó bao gồm mức độ được tự ra quyết định về cuộc sống của mỗi cá nhân, các cơ hội được tham gia các hoạt động chính trị, các hoạt động có ý nghĩa, được thưởng thức thiên nhiên và có thời gian giải trí.

Về cơ bản, quan điểm trên khá phù hợp với quan điểm của Stiglitz và cộng sự (2009) khi cho rằng CLCS bao gồm tất cả các yếu tố khiến cho cuộc sống đáng sống, trong đó, các yếu tố có thể được đo bằng tiền hoặc không phải bằng tiền. Bên cạnh việc phụ thuộc vào mức độ hạnh phúc chủ quan của cá nhân, CLCS cũng phụ thuộc vào các điều kiện khách quan và cơ hội sẵn có cho người dân. Những năng lực này được một số nhà phân tích xem là có ý nghĩa không chỉ thông qua ảnh hưởng của chúng đến trạng thái chủ quan của con người và được xem là những điều kiện cơ bản về sự tự do của người dân. Với quan điểm đó, Stiglitz và cộng sự (2009) đã đưa ra một danh sách các thành phần phản ánh điều kiện khách quan của CLCS bao gồm: sức khỏe, giáo dục, các hoạt động cá nhân (bao gồm đi lại và giải trí), tiếng nói chính trị và quản trị, kết nối xã hội, điều kiện môi trường, sự bất ổn cá nhân và sự bất ổn kinh tế.

Có thể thấy, trong các cách tiếp cận khác nhau tới CLCS, cách tiếp cận năng lực là một quan điểm hiện đại và đã bao trùm cả cách tiếp cận khách quan dựa trên nguồn lực và cách tiếp cận nhu cầu cơ bản. Chính vì vậy, nếu xem xét CLCS theo cách tiếp cận này thì sẽ phản ánh đầy đủ các khía cạnh cần thiết để tạo nên một cuộc sống có chất lượng tốt.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế học: Phương pháp xây dựng và tính chỉ số tổng hợp đánh giá chất lượng cuộc sống ở Việt Nam (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)