Các thành phần của chất lượng cuộc sống ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế học: Phương pháp xây dựng và tính chỉ số tổng hợp đánh giá chất lượng cuộc sống ở Việt Nam (Trang 49 - 57)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

1.2. Khung lý thuyết chất lượng cuộc sống ở Việt Nam

1.2.3. Đề xuất khung lý thuyết chất lượng cuộc sống ở Việt Nam

1.2.3.2. Các thành phần của chất lượng cuộc sống ở Việt Nam

CLCS là một khái niệm động, không ngừng thay đổi từ thấp đến cao phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, chế độ chính trị, quan niệm về văn hóa và truyền thống của mỗi dân tộc ở từng giai đoạn phát triển của xã hội. Từ tổng quan nghiên cứu, tác giả nhận thấy CLCS có nội dung rất phong phú liên quan đến mọi mặt của cuộc sống con người. Với tư cách là một khái niệm trừu tượng, đa chiều, để đo lường CLCS phải thực hiện thao tác hóa khái niệm. Đây là một trong những nội dung chủ yếu khi nghiên cứu về CLCS đồng thời là cơ sở để tính chỉ số tổng hợp CLCS sau này.

Mục tiêu của việc xác định các thành phần của CLCS là nhằm đưa ra một đo lường đáng tin cậy về CLCS ở Việt Nam. Do không có khả năng thực hiện một cuộc điều tra nên luận án sẽ sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống, tức bắt nguồn từ khung lý thuyết để lựa chọn các thành phần của khái niệm.

Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã áp dụng triệt để các quan điểm và phương pháp như được nêu trong mục 1.1.2.2. Để lựa chọn các thành phần của CLCS, tác giả dựa trên lý thuyết hình thành khái niệm, sử dụng một danh sách đã có, và lựa chọn dựa trên tính sẵn có của số liệu. Ngoài ra, các thành phần không những phải phù hợp với bối cảnh của Việt Nam mà còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc lựa chọn này đã được hỗ trợ bởi ý kiến của các chuyên gia trong quá trình phỏng vấn sâu.

Những ý tưởng của Allardt (1993) và Stiglitz và cộng sự (2009) là cơ sở lý thuyết để tác giả xác định các thành phần khách quan của CLCS ở Việt Nam theo cách tiếp cận năng lực.

Danh sách các thành phần của CLCS được tổng hợp từ các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và các quốc gia được trình bày trong bảng 1.5 và 1.6 ở trên. Mặc dù, mục tiêu, cách tiếp cận, phương pháp của các tổ chức, quốc gia này có thể khác nhau nhưng nhìn chung, CLCS thường được đánh giá qua các khía cạnh gồm: điều kiện kinh tế, nhà

ở, giáo dục, y tế, môi trường, cuộc sống gia đình và cộng đồng, sự an toàn, sự tham gia của người dân và sự hài lòng với cuộc sống.

Ở Việt Nam, đây cũng là những vấn đề ưu tiên trong các chương trình kế hoạch quốc gia. Theo UNDP (2011), mặc dù hiệu quả đầu tư vào tăng trưởng kinh tế là kém nhưng hiện nay chính phủ Việt Nam vẫn có xu hướng ưu tiên đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh hơn là cải thiện phát triển con người và xã hội. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế là một kết quả quan trọng của quá trình phát triển song tăng trưởng kinh tế chưa đủ để đảm bảo hạnh phúc và CLCS tốt hơn hay làm tăng sự hài lòng của mọi người dân với chính phủ. Tăng trưởng kinh tế cần phải được cân bằng với các ưu tiên phát triển khác khi các ưu tiên này cũng có tiềm năng đóng góp cho việc cải thiện CLCS. Các ưu tiên này bao gồm tình trạng sức khỏe và kết quả chăm sóc y tế, trình độ giáo dục, tiếng nói chính trị và khả năng tham gia với tư cách công dân đầy đủ, mối liên hệ xã hội và vốn hiểu biết xã hội; điều kiện môi trường như tiếp cận với nước sạch và vệ sinh; sự an toàn cá nhân và tính toàn vẹn thể chất, việc làm bền vững và sự hài lòng với công việc...

(UNDP, 2011). Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2016-2020 với 10 nhiệm vụ và giải pháp trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến nâng cao CLCS như phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả quản trị của các cấp chính quyền, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội.

Trong khi đó, cảm nhận của cá nhân - thành phần chủ quan của khái niệm CLCS ở Việt Nam được xác định theo lý thuyết về sự hạnh phúc chủ quan.

Theo Diener và cộng sự (2009), hạnh phúc chủ quan được xác định là những đánh giá nhận thức và cảm xúc của một người về cuộc sống của họ. Những đánh giá này bao gồm những phản ứng cảm xúc với các sự kiện cũng như những phán xét nhận thức về sự hài lòng và mức độ thỏa mãn. Trạng thái hạnh phúc chủ quan đạt được khi ai đó được trải nghiệm cảm xúc dễ chịu, ít khi gặp tâm trạng tiêu cực và có sự hài lòng trong cuộc sống cao.

Đo lường sự hạnh phúc chủ quan có thể được chia thành ba loại chính: đo lường đánh giá, đo lường trải nghiệm và đo lường tâm lý (Dolan & Metcalfe 2012). Trong đó, đo lường đánh giá tập trung vào những đánh giá về cuộc sống cũng như các lĩnh vực của cuộc sống mà phổ biến nhất là sự hài lòng với cuộc sống nói chung và sự hài lòng với các lĩnh vực của cuộc sống như y tế, giáo dục, công việc, nhà ở, đời sống xã hội, sử dụng thời gian… Trong đo lường trải nghiệm, cảm xúc của mỗi cá nhân được xem là quan trọng nhất. Theo Diener & Suh (1997), đó có thể là những cảm xúc dễ chịu như niềm vui, sự tự hào… nhưng cũng có thể là những cảm xúc không dễ chịu như nỗi buồn, sự lo lắng… Nghiên cứu này cũng chỉ ra một số bằng chứng cho thấy những cảm xúc

này phần nào là độc lập nhau nên chúng cần được đo lường một cách riêng biệt. Khác biệt so với hai loại trên, các đo lường tâm lý thường liên quan đến những nhu cầu tâm lý, bao gồm mục đích và ý nghĩa của cuộc sống cũng như các khái niệm khác như năng lực, quyền tự chủ, sự tham gia… (Ryff, 1989) (trích dẫn trong Dolan & Metcalfe, 2012).

Mặc dù Stiglitz và cộng sự (2009) cho rằng, cần phải đo lường riêng biệt từng mặt của sự hạnh phúc chủ quan nhưng trên thực tế, các đo lường đánh giá, cụ thể là đo lường sự hài lòng với cuộc sống thường được thực hiện nhiều nhất, đặc biệt khi liên quan đến các nghiên cứu về CLCS. Pavot & Diener (1993) đã chỉ ra, trong số các khía cạnh của trạng thái hạnh phúc chủ quan, sự hài lòng với cuộc sống được xác định là một cấu trúc riêng biệt thể hiện một đánh giá nhận thức và tổng quát về chất lượng toàn bộ cuộc sống của một người. Veenhoven (1996) cho rằng, sự hài lòng với cuộc sống là một chỉ tiêu CLCS “hiển nhiên” vì nó giúp đánh giá con người đã phát triển tốt như thế nào. Trên cơ sở phân biệt các lớp khác nhau của CLCS chủ quan gồm mức độ thoải mái, sự hài lòng, sự hạnh phúc và cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, Ventegodt và cộng sự (2003 b) đã kết luận, hầu hết các lý thuyết về CLCS tập trung vào sự hài lòng với cuộc sống. Đây cũng là thành phần xuất hiện nhiều trong các nghiên cứu về CLCS của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới.

Các thành phần của chất lượng cuộc sống ở Việt Nam

Trên cơ sở tổng hợp những phân tích đã nêu, tác giả đề xuất mười thành phần của CLCS ở Việt Nam phản ánh các nhu cầu về điều kiện sống khách quan cần được đáp ứng gồm:

- Thứ nhất là điu kin kinh tế, phản ánh mức sống và sự giàu có vật chất của người dân Việt Nam. Là một quốc gia tương đối ổn định về chính trị, xã hội, yếu tố kinh tế được coi là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo cuộc sống tốt cho người dân. Trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế, Việt Nam hiện có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, điều kiện kinh tế sẽ ảnh hưởng lớn đến các khía cạnh khác của cuộc sống cũng như cảm nhận của người dân về cuộc sống nói riêng và CLCS nói chung.

Điều kiện kinh tế được đo lường trên các khía cạnh: thu nhập hoặc chi tiêu, nghèo đói, việc làm và bảo hiểm xã hội.

- Thứ hai là điu kin nhà và cơ s h tng căn bn. Ở Việt Nam từ nhiều đời nay có câu “an cư lạc nghiệp” hay mấy việc quan trọng nhất của đời người là “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” … Nhà ở là nhu cầu xã hội cần thiết bảo đảm an toàn và ổn định cho cuộc sống của mỗi gia đình. Bên cạnh không gian sinh sống, yếu tố

trang bị tiện nghi, vật dụng cũng được xem xét tới khi đánh giá điều kiện sống của hộ gia đình. Ngoài ra cần chú ý tới khả năng tiếp cận với các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như nước sạch, điện, các phương tiện vệ sinh đảm bảo… Các yếu tố này rất quan trọng khi đánh giá CLCS của người dân.

Thành phần này được đo lường thông qua điều kiện nhà ở, thể hiện qua loại nhà ở, diện tích, mức độ trang bị các thiết bị, tiện nghi; và khả năng tiếp cận tới cơ sở hạ tầng căn bản như nước sạch, điện, vệ sinh, thông tin liên lạc.

- Thứ ba là giáo dc. Con người sinh ra phải được học hành đầy đủ nhằm có hiểu biết về cuộc sống, kiến thức nền tảng về khoa học và công nghệ để duy trì và cải thiện CLCS. Giáo dục là phương tiện cơ bản được dùng để truyền đạt kiến thức và văn hoá từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bản thân nước ta trong nhiều năm qua đã luôn coi giáo dục là quốc sách, là ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho công cuộc phát triển KTXH.

Yếu tố giáo dục được phản ánh qua trình độ học vấn của dân cư, số năm đi học, tỷ lệ nhập học, hoàn thành cấp học...

- Thứ tư là chăm sóc y tế và sc khe. CLCS của con người có thể được đánh giá qua sự vận hành chức năng sinh lý học, tức là sức khỏe. Sức khỏe luôn là yếu tố làm tăng sự hạnh phúc, sự thỏa mãn với cuộc sống của con người. Ngoài ra, đây là yếu tố giúp con người làm việc tốt và chủ động trong việc tham gia vào các hoạt động của đời sống KTXH. Cần quan tâm đến sức khỏe của trẻ em, vì đây là tương lai của đất nước.

Sức khỏe của người dân được đánh giá qua tuổi thọ, tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh, số năm sống mạnh khỏe... Ngoài ra cần đánh giá khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của người dân.

- Thứ năm là quan h gia đình. Gia đình là hạt nhân của xã hội. Chức năng của gia đình là đáp ứng những nhu cầu về xã hội, kinh tế và tinh thần của mỗi cá nhân. Là một quốc gia Á đông, nặng về truyền thống và quan hệ huyết thống, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng người dân Việt Nam.

Sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân trong cuộc sống chịu ảnh hưởng rất lớn từ gia đình. Sự bền vững trong gia đình sẽ giúp các cá nhân dễ dàng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hơn nữa, tạo tâm lý thoải mái để họ được phát triển.

Đây cũng là cơ sở để xây dựng một xã hội ổn định.

Quan hệ gia đình được đánh giá qua tỷ lệ ly hôn, tình trạng bạo lực gia đình, các mối quan hệ trong gia đình…

- Thứ sáu là tham gia sinh hot cng đồng và các hot động văn hóa, gii trí.

Đây là một khía cạnh tinh thần trong CLCS. Quan hệ cộng đồng được tập trung ở ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành quy định chung, làm lợi cho tập thể, cộng đồng, không xâm hại tới quyền lợi của người khác hay không xâm hại quyền lợi của tập thể. Và đây cũng là tinh thần tập thể của mỗi cá nhân. Tham gia xã hội là yếu tố đánh giá mức độ nhiệt tình của người dân đối với việc tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh tế, tôn giáo, các hoạt động văn hóa, giải trí và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Yếu tố này được đánh giá qua sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, tỷ lệ làng, thôn, bản văn hóa....

- Thứ bảy là môi trường t nhiên. Đây là yếu tố ngoại cảnh có tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Một cuộc sống tốt là ở đó, con người được sống hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, với mục tiêu phát triển bền vững, môi trường là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá CLCS ở Việt Nam.

Khi nghiên cứu về môi trường tự nhiên, người ta thường xem xét đến các yếu tố đất, nước và không khí. Chất lượng của các yếu tố này là cơ sở để kết luận một môi trường có trong sạch hay không.

- Thứ tám là môi trường xã hi. Con người chỉ có thể phát triển tốt khi được sống trong một môi trường xã hội an toàn. Trong môi trường xã hội này, các hành vi lệch chuẩn, trái với qui tắc sống tồn tại trong văn hóa, đi chệch khỏi các qui tắc, chuẩn mực xã hội sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống con người.

Chất lượng môi trường xã hội có thể đánh giá qua tình hình tội phạm xã hội, mức độ an toàn, trật tự tại địa bàn sinh sống, vấn đề giao thông, …

- Thứ chín là qun tr. Quản trị thường gắn với chính phủ, chính quyền để nói về quyền lực nhà nước, quản trị nhà nước. Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, quản trị nhà nước là cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công. Điều đó có nghĩa là, quản trị nhà nước bao quát tất cả các khu vực công và khu vực tư, các lĩnh vực của đời sống con người, tổ chức, cộng đồng, gia đình và các cá nhân và có tác động trực tiếp đến CLCS của người dân.

Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong tổ chức đời sống xã hội cho người dân.

Điều này thể hiện ở chỗ thực thi pháp luật nghiêm minh, thực hiện quản trị xã hội công khai, dân chủ, minh bạch và công bằng, xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại và vì dân. Vì thế, yếu tố quản trị được đánh giá qua sự công khai, minh bạch về

chính sách; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; đơn giản thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công tốt hơn.

- Thứ mười là quyn chính tr. Stiglitz (2009) đã nói, quyền chính trị là một mảng không thể tách rời của CLCS vì nó cho thấy khả năng tham gia như một công dân đầy đủ, thể hiện năng lực và sự tự do của mỗi cá nhân. Mỗi người được tự đưa ra quyết định của bản thân mình, được nói lên tiếng nói của mình, được tham gia vào đời sống chính trị ở địa phương và cả đất nước. Đây cũng là một trong những quyền cơ bản của quyền con người.

Quyền chính trị được đánh giá thông qua việc tham gia bầu cử các cấp, tham gia các tổ chức, đoàn thể khác nhau.

Như vậy, mười khía cạnh khách quan của CLCS ở trên đều tập trung vào 3 nhu cầu mà Allardt (1993) đã đưa ra, trong đó: bốn khía cạnh đầu phản ánh nhu cầu có về mặt kinh tế, việc làm, nhà ở, giáo dục, y tế; hai khía cạnh tiếp theo phản ánh nhu cầu yêu thương, được sống trong gia đình, được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng; bốn khía cạnh cuối cùng phản ánh nhu cầu được sống trong một môi trường tự nhiên, xã hội trong lành, được tạo điều kiện để phát triển, được nói lên tiếng nói của mình.

Khía cạnh khách quan của CLCS được đo bằng cảm nhận của người dân về cuộc sống thể hiện qua sự hài lòng hay thỏa mãn với cuộc sống. Đây cũng là thành phần thứ mười một của khái niệm CLCS ở Việt Nam.

Tổng hợp các thành phần của khái niệm CLCS hình thành nên khung lý thuyết nghiên cứu CLCS ở Việt Nam như sau.

Hình 1.1. Khung lý thuyết nghiên cứu chất lượng cuộc sống ở Việt Nam.

Nguồn: Tác giả đề xuất Khung lý thuyết này là cơ sở để thực hành đo lường, đánh giá về CLCS ở Việt Nam đảm bảo tính hệ thống và khoa học. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc đo lường hạnh phúc chủ quan là một khó khăn lớn, dù chỉ ở một khía cạnh nhất định do không có dữ liệu phù hợp. Hầu như chưa có cuộc điều tra nào ở cấp quốc gia thu thập thông tin để đánh giá vấn đề nêu trên. Chính do sự hạn chế về mặt thông tin nên việc đo lường khía cạnh chủ quan của CLCS là không khả thi trong thời điểm hiện tại. Mặt khác, cũng giống như CLCS, sự hài lòng với cuộc sống là một khái niệm trừu tượng, đa chiều cần phải được nghiên cứu với tầm vóc của một đề tài nghiên cứu lớn. Như tổng quan đã nêu, đã có một số nghiên cứu ở trong nước quan tâm đến vấn đề này nhưng chưa giải quyết được trọn vẹn và hơn thế, chưa đặt nó trong mối liên hệ với khái niệm CLCS.

Với khả năng có hạn của một nghiên cứu sinh và những khó khăn lớn như đã nêu ở trên, trong nội dung tiếp theo về đo lường CLCS, luận án sẽ chỉ giới hạn trong phạm vi đo lường khía cạnh khách quan của CLCS. Các nghiên cứu nhằm đo lường khía cạnh chủ quan của khái niệm này sẽ được thực hiện trong tương lai với nền tảng lý thuyết từ nghiên cứu này.

Các chương tiếp theo sẽ trình bày những nội dung liên quan đến đo lường CLCS ở Việt Nam.

Khía cạnh chủ quan:

- Sự hài lòng với cuộc sống

Khía cạnh khách quan:

- Điều kiện kinh tế - Nhà ở và CSHT căn bản - Giáo dục

- Y tế

- Quan hệ gia đình

- Sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, giải trí

- Môi trường tự nhiên - Môi trường xã hội - Quản trị

- Quyền chính trị

CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế học: Phương pháp xây dựng và tính chỉ số tổng hợp đánh giá chất lượng cuộc sống ở Việt Nam (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)