CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
2.1. Một số vấn đề chung về xây dựng hệ thống chỉ tiêu đo lường chất lượng cuộc sống
2.1.1. Phương pháp xây dựng hệ thống chỉ tiêu đo lường chất lượng cuộc sống
Với khung lý thuyết về CLCS như đã đề xuất ở chương trước, để xây dựng hệ thống chỉ tiêu đo lường CLCS, luận án sẽ tiếp cận theo cách thứ nhất. Đây chính là cách tiếp cận từ trên xuống hay còn gọi là cách tiếp cận lý thuyết.
Khi tiếp cận theo hướng này, quá trình đo lường CLCS đòi hỏi phải có một khái niệm tốt và một phân tích hợp lý về mối quan hệ giữa các chỉ tiêu và khái niệm được xác định. Do đó, các chỉ tiêu thống kê không đơn thuần chỉ cung cấp thông tin mà còn
phải thể hiện được mối liên hệ với mô hình khái niệm (Maggino & Zumbo, 2012). Theo cách tiếp cận này, một thiết kế thứ bậc sẽ được áp dụng để xác định hệ thống chỉ tiêu, thể hiện trong hình 2.1 dưới đây.
Hình 2.1. Tổng quan quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu.
Nguồn: Maggino & Zumbo (2012).
Câu hỏi
Các bộ phận Nội dung của các bộ phận
1. Thiết kế thứ bậc
Hiện tượng nào được nghiên
cứu?
Mô hình khái niệm
Xác định hiện tượng, các lĩnh vực và các khía cạnh chung của nó
Các thành phần nào xác định
hiện tượng?
Các thành phần (chiều)
nghiên cứu
Mỗi thành phần đại diện cho từng khía cạnh cho phép hiện tượng được xác định phù hợp với mô hình khái niệm
Yếu tố nào cần phải được quan
sát?
Các biến
Mỗi biến đại diện cho từng yếu tố cần được quan sát nhằm xác định thành phần tương ứng. Biến có thể quan sát được trực tiếp, gọi là biến có thể quan sát; hoặc gián tiếp (thông qua các chỉ báo), gọi là biến tiềm ẩn
2. Mô hình đo lường (mối liên hệ giữa các biến tiềm ẩn và các chỉ báo)
Mỗi chỉ báo đại diện cho những gì được đo lường thực tế để khám phá mỗi biến và được xác định bằng các kỹ thuật phù hợp và bằng một hệ thống cho phép giá trị quan sát được đánh giá và diễn giải
Mỗi yếu tố phải được đo lường theo cách nào?
Các chỉ báo cơ bản
3. Hệ thống chỉ tiêu
Trong thiết kế thứ bậc, mỗi bộ phận được xác định và tìm thấy ý nghĩa của nó trong phạm vi của bộ phận trước đó. Như hình 2.1 đã chỉ ra, thiết kế thứ bậc sẽ bắt đầu từ mô hình khái niệm để xác định các thành phần cần nghiên cứu, sau đó xác định các biến cần đo lường. Đây là cơ sở để xác định mô hình đo lường và các chỉ báo cơ bản. Cuối cùng, các chỉ tiêu/ chỉ báo sẽ được sắp xếp một cách phù hợp trong một hệ thống chỉ tiêu. Việc xác định mô hình khái niệm và các thành phần cần nghiên cứu đã được trình bày trong chương trước. Về cơ bản, đây là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải được xem xét một cách hệ thống trên cơ sở phân tích tổng quan tài liệu và sự tham gia của các bên liên quan. Trong phần tiếp theo của chương này, tác giả chỉ đề cập đến các nội dung còn lại.
Mỗi biến đại diện cho một yếu tố cần được quan sát và đưa ra sự giải thích liên quan đến thành phần được xác định tương ứng. Một số biến có thể quan sát và đo lường trực tiếp được, thường là các thông tin khách quan, chẳng hạn như trình độ học vấn, mức thu nhập, … Khi đó chỉ tiêu chính là giá trị quan sát được của một biến.
Trong khi đó, một số biến lại không quan sát trực tiếp được, gọi là biến tiềm ẩn.
Việc xác định biến tiềm ẩn dựa trên các giả định về mặt lý thuyết và thống kê như các cam kết thực nghiệm sao cho biến xác định có thể phản ánh bản chất của hiện tượng nghiên cứu phù hợp với mô hình khái niệm. Tuy nhiên, ngay cả khi có thể xác định được một loạt các biến số khác nhau, chúng ta phải chấp nhận khả năng có thể không có tập hợp biến số nào có thể nắm bắt khái niệm cần đo lường.
Trong quá trình này, mối quan hệ giữa các biến tiềm ẩn được xác định trong phạm vi của mô hình khái niệm và chúng là cơ sở để xác định mô hình cấu trúc. Việc phân tích các mối quan hệ này được thực hiện bằng cách mô hình hóa các chỉ báo. Mô hình đo lường sẽ được xác định dựa trên mối liên hệ giữa mỗi biến và các chỉ báo tương ứng.
Có hai loại mô hình đo lường.
Với mô hình phản chiếu (reflective model), các biến tiềm ẩn được đo bằng các chỉ báo giả định là phản chiếu về mặt bản chất. Nói cách khác, các chỉ báo được xem như các hàm của biến tiềm ẩn, theo đó sự thay đổi trong biến tiềm ẩn được phản ánh (tức là được thể hiện) trong sự thay đổi các chỉ báo có thể quan sát được.
Với mô hình cấu thành (formative model), các chỉ báo được xem là nguyên nhân chứ không phải kết quả của biến tiềm ẩn. Các chỉ báo được giả định là có tính cấu thành (hoặc nhân quả) về bản chất. Sự thay đổi trong các chỉ báo cấu thành sẽ dẫn đến sự thay đổi trong biến tiềm ẩn. Nói cách khác, một biến tiềm ẩn có thể được xác định hay hình thành từ một số chỉ báo cơ bản.
Theo Maggino & Zumbo (2012), mô hình phản chiếu thường liên quan đến việc xây dựng các thang đo áp dụng trong đo lường chủ quan, do vậy thường sử dụng phương pháp phân tích nhân tố (Factor Analysis - FA). Trong khi đó, mô hình cấu thành thường được thấy trong xây dựng các chỉ số tổng hợp dựa trên cả đo lường chủ quan và khách quan và thường sử dụng phương pháp phân tích thành phần chính (Principal Component Analysis - PCA).
Mỗi chỉ báo cơ bản, chẳng hạn một chỉ báo trong đo lường chủ quan thể hiện những gì có thể được đo thực tế nhằm khám phá biến tương ứng. Quá trình phân cấp làm cho mỗi chỉ báo có một vị trí có ý nghĩa và chính xác trong mô hình, đại diện cho một thành phần riêng biệt của hiện tượng trong thiết kế thứ bậc. Khả năng xác định và xem xét các hình thức thay thế cho mỗi chỉ báo phải được đánh giá.
Việc áp dụng một thiết kế thứ bậc có kết nối chặt chẽ với định nghĩa trong một khung khái niệm thích hợp sẽ dẫn đến một định nghĩa thống nhất về một bộ chỉ tiêu (các chỉ tiêu đơn và tổng hợp). Mỗi chỉ tiêu đo lường và đại diện cho một bộ phận riêng biệt của hiện tượng quan sát. Do đó, bộ chỉ tiêu không chỉ đại diện cho một tập hợp các chỉ tiêu thuần túy và đơn giản mà còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu những thông tin lớn hơn sự tổng hợp đơn giản của các yếu tố. Nếu cấu trúc này được hệ thống hoá theo thời gian, bộ chỉ tiêu có thể được mô tả như một hệ thống chỉ tiêu (Maggino & Zumbo, 2012).
Về cơ bản, hệ thống chỉ tiêu đo lường CLCS ở Việt Nam được xây dựng theo phương pháp luận trên. Trên thực tế, đây chính là quá trình thao tác hóa khái niệm.
Như đã kết luận trong chương 1, CLCS ở Việt Nam phải được đánh giá bằng cả đo lường khách quan và chủ quan. Các đo lường khách quan phản ánh điều kiện sống bên ngoài, thường được thu thập từ các nguồn thứ cấp, sẵn có. Các đo lường chủ quan phản ánh cảm nhận của người dân thông qua sự hài lòng với cuộc sống, phải được thu thập từ nguồn sơ cấp. Vì thế mô hình đo lường CLCS được xác định là mô hình cấu thành. Các đo lường khách quan trong trường hợp này là các biến có thể quan sát, được xác định trong mối liên hệ với khung khái niệm CLCS thông qua tổng quan tài liệu và sự tham vấn của các chuyên gia. Các đo lường chủ quan là biến tiềm ẩn, có thể được xác định thông qua quá trình xây dựng thang đo sự hài lòng với cuộc sống.
Quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cần phải đáp ứng những yêu cầu và tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, trong đó các chỉ tiêu được lựa chọn theo những tiêu chí xác định để đo lường CLCS ở Việt Nam đảm bảo tính khoa học và tính khả thi.