CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
1.1. Một số vấn đề lý luận chung về chất lượng cuộc sống
1.1.2. Một số tranh luận xung quanh khái niệm chất lượng cuộc sống
1.1.2.2. Các thành phần của khái niệm chất lượng cuộc sống
Vấn đề thường được tranh luận nhiều thứ hai là tính đơn chiều hay đa chiều trong khái niệm CLCS. Theo Passchier & Busschbach (2015), tư tưởng đơn chiều của CLCS chỉ nắm bắt khái niệm với một giá trị. Các định nghĩa đơn chiều thường đánh giá CLCS dưới góc độ kinh tế hoặc sức khỏe. Tuy nhiên, có ít những định nghĩa như thế.
Dưới góc độ của nghiên cứu xã hội, CLCS là một khái niệm trừu tượng và vì thế thường được xem xét ở nhiều thành phần (chiều) khác nhau. Ngày nay, có một sự đồng thuận lớn khi cho rằng CLCS là một khái niệm đa chiều (Cummins, 1997; Felce, 1997;
Snoek, 2000; Hagerty và cộng sự, 2001; …). Điều này là hoàn toàn hợp lý vì CLCS là một khái niệm phức tạp nên sẽ không phù hợp nếu chỉ đánh giá dựa trên một khía cạnh nào đó. Diener & Suh(1997, 214) đã nói rằng, “CLCS là khái niệm phức tạp, đa diện đòi hỏi nhiều cách tiếp cận từ các góc độ lý thuyết khác nhau”.
Bảng 1.3. Một số định nghĩa về chất lượng cuộc sống theo quan điểm đa chiều
Nguồn Định nghĩa về CLCS
Emerson (1985) (trích dẫn trong Felce & Perry, 1995, 54)
“CLCS là sự thỏa mãn về các giá trị, mục tiêu và nhu cầu của cá nhân thông qua việc thực hiện năng lực hoặc cách sống của họ”.
Felce & Perry (1995, 60)
“CLCS được định nghĩa là một sự thoải mái hoàn toàn, bao gồm các điều kiện khách quan và các đánh giá chủ quan về sự thoải mái về thể chất, vật chất, xã hội và cảm xúc cùng với mức độ phát triển cá nhân và hoạt động có mục đích, tất cả được gắn trọng số bởi các giá trị cá nhân”.
Cummins (1997, 211)
“CLCS là cả yếu tố khách quan và chủ quan, mỗi trục được tổng hợp từ 7 lĩnh vực: sự thoải mái về vật chất, sức khỏe, lao động, sự gắn bó mật thiết, sự an toàn, cộng đồng và sự thoải mái về cảm xúc. Các lĩnh vực khách quan bao gồm sự hài lòng được gắn trọng số bởi tầm quan trọng của chúng với cá nhân”.
Haas (1999,7) “CLCS là một đánh giá đa chiều về tình trạng sống hiện tại của mỗi cá nhân trong bối cảnh văn hóa mà họ sống và những giá trị mà họ nắm giữ. CLCS chủ yếu là một cảm giác chủ quan về sự hạnh phúc bao gồm các khía cạnh sức khỏe, tâm lý, xã hội và tinh thần. Trong một số hoàn cảnh khi các cá nhân không thể cảm nhận chủ quan, các chỉ tiêu khách quan có thể bổ sung hoặc dùng như đánh giá thay thế về CLCS”.
Schalock (2000, 121)
“CLCS là một khái niệm phản ánh các điều kiện sống mong muốn của một người liên quan đến 8 lĩnh vực cốt lõi của cuộc sống: sự thoải mái về cảm xúc, các mối quan hệ giữa các cá nhân, sự thoải mái về vật chất, sự phát triển cá nhân, sự thoải mái về thể chất, tự quyết định, sự hòa nhập xã hội và các quyền”.
Hagerty và cộng sự (2001, 7)
“CLCS là một thuật ngữ phản ánh chất lượng toàn bộ cuộc sống của một người chứ không phải chỉ một vài thành phần cấu thành nào đó. Do đó ta suy ra rằng nếu CLCS được phân chia thành các lĩnh vực thành phần, những lĩnh vực này tổng hợp lại sẽ đại diện cho toàn bộ khái niệm”.
Nguồn Định nghĩa về CLCS Costanza và
cộng sự (2007, 269)
“CLCS là mức độ đáp ứng các nhu cầu khách quan của con người trong mối liên hệ với các cảm nhận của cá nhân hoặc nhóm về sự hạnh phúc chủ quan”
Stiglitz và cộng sự (2009, 41)
“CLCS là một khái niệm rộng hơn sản xuất kinh tế và mức sống.
Nó bao gồm toàn bộ các yếu tố ảnh hưởng đến cái mà chúng ta coi trọng trong cuộc sống, vượt xa khía cạnh vật chất của nó”.
Nguồn: Tổng hợp của tác giả.
Cùng với sự đồng thuận này, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách nhằm xác định các chiều hay các thành phần của CLCS. Tuy nhiên họ vẫn chưa thống nhất được về số lượng chiều cũng như đó là những chiều nào (Alkire, 2008).
Felce (1997) cho rằng CLCS là sự kết hợp của các điều kiện chủ quan với các đánh giá khách quan và các giá trị cá nhân. Vì vậy, ông đã đưa ra 6 lĩnh vực CLCS dựa trên tổng hợp từ các nghiên cứu trước đó. Cummins (1997) cũng đề xuất 7 lĩnh vực trên cơ sở 27 định nghĩa về CLCS và kết quả của các cuộc điều tra dân số lớn, trong đó có hỏi về những lĩnh vực trong cuộc sống có quan trọng với bản thân đối tượng. Trong khi đó, Schalock (2000) đề xuất 8 lĩnh vực trọng tâm trong mô hình khái niệm CLCS của mình.
Theo ông, trong 125 chỉ tiêu được tìm thấy trong 16 nghiên cứu về CLCS được xuất bản trong những năm 1990, có tới 74,4% liên quan tới 8 lĩnh vực trọng tâm này. Hagerty và cộng sự (2001) đề xuất 7 lĩnh vực dựa trên tổng quan về 22 chỉ số CLCS được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, Poortinga và cộng sự (2004) đã đề xuất 22 khía cạnh đánh giá CLCS bao gồm các lĩnh vực khác nhau về cá nhân, xã hội và môi trường dựa trên những nghiên cứu khác nhau về giá trị cơ bản của con người, sự hạnh phúc chủ quan và CLCS.
Nhìn chung, ba khía cạnh thể chất, tâm lý và xã hội thường được xem xét khi nghiên cứu về CLCS. Trong đó, các khía cạnh này có thể được giải thích bởi các yếu tố sau:
- Khía cạnh thể chất thể hiện qua tình trạng sức khỏe.
- Khía cạnh tâm lý thể hiện qua sự tự chủ, sự tự lực, tình yêu, sự hài lòng, hạnh phúc, tinh thần, lòng tự trọng, kiểm soát nhận thức về cuộc sống, các so sánh xã hội, kỳ vọng về cuộc sống, niềm tin và khát vọng.
- Khía cạnh xã hội thể hiện qua khía cạnh xã hội cá nhân bao gồm: mạng xã hội, hỗ trợ xã hội, mức thu nhập, giáo dục, công việc, gia đình; và khía cạnh xã hội
công cộng gồm: cộng đồng, khí hậu, an ninh xã hội, chất lượng nhà ở, ô nhiễm, môi trường xung quanh, giao thông, vận tải, tội phạm, bình đẳng và công bằng.
Bảng 1.4 tổng hợp các lĩnh vực trọng tâm của CLCS theo các nghiên cứu của một số học giả nổi tiếng. Các quan điểm này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sức khỏe, tâm lý, khuyết tật, nghiên cứu xã hội…
Bảng 1.4. Các lĩnh vực trọng tâm của CLCS theo quan điểm của một số học giả Ferrans
(1996) Felce (1997) Cummins
(1997) Schalock
(2000) Hagerty và cộng sự
(2001) Sức khỏe và
thể lực
Sự thoải mái về thể chất
Sức khỏe Sự thoải mái về thể chất
Sức khỏe Xã hội và kinh
tế
Sự thoải mái về vật chất
Sự thoải mái về vật chất
Sự thoải mái về vật chất
Sự thoải mái về vật chất
Tâm lý/ tinh thần
Sự thoải mái về cảm xúc
Sự thoải mái về cảm xúc
Sự thoải mái về cảm xúc
Sự thoải mái về cảm xúc
Sự thoải mái về xã hội
Cộng đồng Hòa nhập xã hội
Cảm giác là một phần trong cộng đồng Sự thoải mái
trong lao động
Lao động Phát triển cá nhân
Làm việc và hoạt động sản xuất
Gia đình Sự gắn kết mật
thiết
Các mối quan hệ cá nhân
Các mối quan hệ với gia đình và bạn bè
Sự an toàn Sự an toàn cá
nhân Tự quyết định
Sự hạnh phúc công dân
Các quyền
Nguồn: Tổng hợp của tác giả.
Trên cơ sở các lĩnh vực trọng tâm của CLCS như trên, nhiều nghiên cứu khác đã cụ thể hóa các thành phần của CLCS cho phù hợp với mục đích nghiên cứu và bối cảnh kinh tế xã hội.
Cách thành phần hay các chiều của CLCS có thể được xác định theo hai cách: (1) cách tiếp cận từ trên xuống hay còn gọi là cách tiếp cận lý thuyết, xuất phát từ khung lý thuyết để lựa chọn các chiều của khái niệm; (2) cách tiếp cận từ dưới lên, còn gọi là cách
tiếp cận thực nghiệm, thực hiện các cuộc điều tra để xác định xem liệu chiều nào sẽ nằm trong khái niệm muốn đo lường chứ không xuất phát từ một lý thuyết nào cả (Barrington và cộng sự, 2018).
Schalock (1997) đã đưa ra một số nguyên tắc xác định CLCS trong đó, có hai nguyên tắc liên quan đến việc xác định các thành phần của CLCS, đó là: CLCS được tạo nên bởi các khía cạnh quan trọng với tất cả mọi người và CLCS là khái niệm đa chiều bao gồm các khía cạnh chủ quan và khách quan. Hagerty và cộng sự (2001) nói rằng các thành phần của CLCS phải bao gồm toàn bộ những kinh nghiệm sống trong đó mỗi thành phần phải bao gồm một phần đáng kể nhưng tách rời của khái niệm CLCS và phải được đo lường bằng cả khía cạnh chủ quan và khách quan. Nhiều học giả đã đồng ý với quan điểm này.
Theo Alkire (2008), các nhà nghiên cứu có xu hướng lựa chọn các thành phần của CLCS bằng ít nhất một trong các cách sau:
- Thảo luận nhóm: đây là một ý tưởng tốt để lựa chọn các chiều, đặc biệt trong môi trường hỗ trợ và công bằng. Tuy nhiên, trong một số tình huống, những người tham gia bị chia rẽ bởi những xung đột hay bất bình đẳng hoặc thông tin sai lạc.
- Sử dụng một danh sách đã có: gồm những khía cạnh đã nhận được sự đồng thuận lớn và có tính hợp pháp như quyền con người hoặc một số khung kế hoạch quốc gia. Cách này đặc biệt hữu ích khi danh mục thông tin là rộng hoặc khi các thành phần phải được lựa chọn nhanh chóng mà không có khả năng tư vấn.
- Lựa chọn dựa trên một lý thuyết có sẵn hoặc trong nhiều trường hợp là quan điểm của nhà nghiên cứu. Cách này phù hợp với các cộng đồng mà lý thuyết được chấp nhận rộng rãi hoặc phù hợp với danh sách tạo ra bởi các lý thuyết thay thế.
- Lựa chọn dựa trên tính sẵn có của số liệu. Thực ra, đây đơn thuần chỉ là một tiêu chí mang tính khả thi hơn là một quá trình riêng biệt. Nhưng cách này thường được sử dụng kết hợp với một trong các cách trên.
- Xây dựng một danh sách dựa trên cơ sở thông tin kinh nghiệm liên quan đến hành vi và sở thích của con người được rút ra từ các nghiên cứu tâm lý và điều tra hành vi con người. Tuy nhiên, cách này ít khi được sử dụng.
Cuối cùng, khi so sánh các danh sách được tạo ra bởi các quá trình khác nhau, chúng ta có thể tìm ra mức độ tương đồng nổi bật trong đó.
Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu các lý thuyết cơ bản về CLCS, tác giả cho rằng, CLCS là một khái niệm đa chiều và phải được xem xét bằng cả cách tiếp cận chủ quan
và cách tiếp cận khách quan. Các thành phần hay các chiều của CLCS có thể được lựa chọn theo những cách mà Alkire (2008) đã đưa ra ở trên. Tuy nhiên, việc xem xét kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới về đo lường CLCS sẽ rất hữu ích cho việc xây dựng khái niệm và xác định các thành phần của khái niệm CLCS ở Việt Nam.