CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
3.2. Đề xuất phươ ng pháp tính chỉ số tổng hợp chất lượng cuộc sống ở Việt Nam
3.2.2. Xác định trọng số
Xác định trọng số hay nói cách khác là tầm quan trọng tương đối của các chỉ tiêu khi tính chỉ số thành phần hoặc của các thành phần khi tính chỉ số tổng hợp là vấn đề gây nhiều tranh cãi vì trọng số có thể có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số tổng hợp chung và thứ hạng của quốc gia hoặc địa phương trong một quốc gia nếu được xếp hạng. Nhìn chung, việc lựa chọn trọng số phải phù hợp với khung lý thuyết và đặc tính số liệu.
Trọng số có thể được gán một cách chủ quan hoặc khách quan. Trọng số khách quan được xác định bằng các phương pháp thống kê, dựa trên các mô hình toán học, chính vì vậy có tính khách quan và ít gây tranh cãi hơn. Phân tích hồi quy là một trong những phương pháp thống kê nhằm xác định trọng số khách quan của chỉ số tổng hợp.
Thông thường, một phương trình hồi quy tuyến tính bội sẽ được sử dụng nhằm ước tính trọng số của một tập biến theo phương pháp bình phương nhỏ nhất. Tuy nhiên, khó khăn của phương pháp này là phải chỉ ra được biến phụ thuộc phù hợp (không phải ở dạng một chỉ số tổng hợp) trong khi các hiện tượng được đo lường thường là những khái niệm trừu tượng, đa chiều, không thể nắm bắt bởi một chỉ báo, chẳng hạn như khái niệm CLCS. Ngoài ra, có một số phương pháp khác như xây dựng mô hình các thành phần không theo dõi được (Unobserved components model - UCM), phân tích thành phần chính, phân tích nhân tố, phân tích bao phủ dữ liệu (Data Envelopment Analysis - DEA)
… Điểm chung của các phương pháp này thường sử dụng số liệu điều tra để phân tích và xây dựng mô hình. Trong điều kiện không có dữ liệu phù hợp nên luận án không thực hiện được việc xác định trọng số khách quan.
Trọng số chủ quan sẽ được sử dụng để tính chỉ số tổng hợp CLCS ở Việt Nam. Do cấu trúc của khái niệm CLCS bao gồm nhiều thành phần nên trước khi đi đến chỉ số tổng hợp cuối cùng, phải tính được các chỉ số thành phần. Do vậy, trọng số sẽ được xác định trong hai trường hợp, trọng số của các chỉ tiêu riêng biệt khi tính chỉ số thành phần và trọng số của các chỉ số thành phần khi tính chỉ số tổng hợp.
Các trọng số có thể được gán bằng nhau, tức là tất cả các biến đều có cùng trọng số. Hagerty và Land (2007) cho rằng, nếu không có dữ liệu về trọng số khách quan của một chỉ số cụ thể, cách tốt nhất để giảm tranh cãi là đưa ra trọng số bằng nhau.
Trọng số bằng nhau hàm ý rằng tất cả các chỉ tiêu đều có vai trò như nhau trong tính chỉ số, nhưng cũng có thể là hệ quả của việc thiếu thông tin hay dữ liệu để phân tích. Chẳng hạn, khi không có đủ hiểu biết về các mối quan hệ nhân quả hoặc thiếu sự đồng thuận về phương án thay thế. Hơn nữa, nếu các chỉ tiêu được nhóm lại thành các chỉ số thành phần và được tổng hợp lại thành chỉ số chung, khi đó việc áp dụng trọng số
bằng nhau với các chỉ tiêu có thể hàm ý trọng số không bằng nhau với các chỉ số thành phần. Thành phần nào có nhiều chỉ tiêu hơn thường sẽ có trọng số cao hơn. Điều này có thể dẫn đến một cấu trúc không cân bằng trong chỉ số tổng hợp.
Bên cạnh đó, khi sử dụng trọng số bằng nhau, có thể xảy ra vấn đề khi kết hợp các biến có tương quan cao thì một nhân tố được tính hai lần có thể bị đưa vào trong chỉ số.
Vì vậy, cần phải kiểm tra tương quan giữa các chỉ tiêu và chỉ chọn các chỉ tiêu nào có mối quan hệ tương quan thấp hoặc điều chỉnh trọng số tương ứng, ví dụ gán trọng số ít hơn cho các chỉ tiêu tương quan. Hơn nữa, việc giảm thiểu số lượng các biến trong hệ thống chỉ tiêu cũng đảm bảo cho một số yêu cầu khác, chẳng hạn như tính minh bạch và tính khác biệt (OECD, 2008).
Trọng số chủ quan không bằng nhau có thể được xác định với sự tham gia của các bên có liên quan, bao gồm: các chuyên gia, các chính trị gia, người sử dụng hay người dân… Cách tiếp cận này là khả thi khi có cơ sở xác định rõ ràng các chính sách của quốc gia, chẳng hạn như Chiến lược phát triển hay Kế hoạch trong 5 hay 10 năm… Ngoài ra, theo Tăng Văn Khiên (2014), phương pháp này là có cơ sở vì ý kiến của mỗi người là chủ quan nhưng tổng hợp nhiều người với số lượng đủ lớn sẽ là khách quan.
Thông thường các chuyên gia được tham vấn là những người có chuyên môn sâu, hiểu biết tốt về lĩnh vực nghiên cứu. Mỗi chuyên gia sẽ đưa ra ý kiến của mình dựa trên những lý thuyết hay hành vi quan sát được. Dựa trên tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ xác định trọng số cho phù hợp.
Quy trình phân bổ ngân sách (Budget Allocation Processes - BAP) là một phương pháp chuyên gia thường được sử dụng khi xác định trọng số. Theo phương pháp này, mỗi chuyên gia sẽ phân bổ điểm cho các chỉ tiêu/ thành phần riêng biệt sao cho tổng điểm là một con số N cố định nào đó, chẳng hạn 10 hay 100… Những nội dung nào họ muốn đề cao thì sẽ cho điểm số cao hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp khi số lượng chỉ tiêu hoặc thành phần không quá nhiều, tối đa 10-12. Nếu có quá nhiều chỉ tiêu/ thành phần được hỏi sẽ gây khó khăn cho các chuyên gia trong việc cho điểm.
Với phương pháp Phân tích thứ bậc (Analytic Hierarchy Processes - AHP), hệ số của ma trận được tính từ điểm của việc so sánh theo cặp các thành phần, hoặc các chỉ tiêu cùng thứ bậc thông qua các ý kiến chuyên gia. Với mỗi mục tiêu nhất định, các chuyên gia phải cho biết ý kiến giữa hai thành phần hoặc hai chỉ tiêu riêng biệt, cái nào quan trọng hơn và quan trọng hơn bao nhiêu. Điểm số được cho theo thang điểm từ 1 đến 9 với 1 là hai chỉ tiêu ưu tiên như nhau và 9 là vô cùng ưu tiên hay chỉ tiêu này quan trọng hơn 9 lần so với chỉ tiêu còn lại. Các kết quả được biểu diễn trong một ma trận so
sánh. Trọng số tương ứng của chỉ tiêu/ thành phần được xác định dựa trên vector riêng.
Tính nhất quán của ma trận so sánh được đánh giá qua tính giá trị riêng (eigenvalues).
Do ma trận so sánh trong AHP cho thấy ưu tiên thứ tự nên cho phép người nghiên cứu nhận được bộ trọng số tương đối hợp lý thay vì phân bổ một cách tùy tiện. Điều này góp phần làm tăng tính minh bạch của chỉ số. Tuy nhiên, trong trường hợp số cặp so sánh là nhiều, chi phí là tốn kém. Hơn nữa do không có quy tắc trong xếp hạng, nên có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa việc đánh giá và sắp xếp chỉ tiêu. Ngoài ra, kết quả nhận được từ AHP phụ thuộc vào các chuyên gia được chọn và việc thiết lập thử nghiệm.
Trong một số trường hợp, trọng số có thể được xác định theo ý kiến của người sử dụng. Chẳng hạn, chỉ số Better Life Index của OECD đã cung cấp một công cụ trực tuyến, cho phép mọi người đánh giá vai trò của các thành phần trong chỉ số theo ý kiến riêng của họ. Từ đó, OECD lập kế hoạch xây dựng trọng số dựa trên trọng số của các cá nhân. Tuy nhiên, trọng số này có thể không phản ánh chính xác quan điểm của xã hội và những hàm ý về chính sách đối với những kết quả này không được xác định rõ. Để kết quả được chính xác thì thông tin phải được thu thập trên một mẫu lớn, đại diện - mà đây không phải là điều dễ thực hiện trên thực tế. Mặt khác, để các cuộc thăm dò dư luận đạt được kết quả tốt, các vấn đề đưa ra phải thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông, chẳng hạn đó phải là những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự quốc gia, được nhiều người quan tâm.
Như vậy, trong một số trường hợp, ta nhận được một hệ thống trọng số không thay đổi qua thời gian (trọng số tĩnh) do việc phân tích liên quan đến sự biến đổi của các biến nhất định. Nhưng trong một số trường hợp khác, khi mục tiêu của phân tích là xác định thực tiễn tốt nhất hoặc thiết lập các ưu tiên, trọng số cần phải thay đổi qua thời gian (trọng số động). Đây là giải pháp tốt nhất khi trọng số là đầu ra của một quy trình tối ưu hóa tham số.
Tóm lại, có nhiều phương pháp xác định trọng số khác nhau. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng của nó. Cho dù phương pháp nào được chọn thì vấn đề cốt lõi của gán trọng số vẫn là đánh giá giá trị của các thành phần hay chỉ tiêu. Một số nhà phân tích có thể xác định trọng số chỉ dựa trên các phương pháp thống kê nhưng những người khác có thể tăng (hoặc giảm) các thành phần có ảnh hưởng nhiều hơn hoặc ít hơn tùy theo quan điểm của chuyên gia để phản ánh tốt hơn các ưu tiên chính sách hoặc các yếu tố lý thuyết. Vì vậy, cần xem xét kỹ bản chất của hiện tượng, điều kiện số liệu hiện có để quyết định lựa chọn hay kết hợp các phương pháp nào cho phù hợp.
Trong nghiên cứu về CLCS, tác giả đã sử dụng phương pháp chuyên gia để xác định trọng số khi tính chỉ số tổng hợp CLCS. Quá trình xác định trọng số được chia thành hai giai đoạn.
Trong giai đoạn thứ nhất, tác giả đã thực hiện phỏng vấn sâu 10 chuyên gia là những người có trình độ và thâm niên nghiên cứu trong lĩnh vực thống kê, xã hội học, dân số và phát triển… nhằm thăm dò vai trò của các chỉ tiêu riêng biệt cũng như các thành phần của CLCS. Trên thực tế, hầu hết các chuyên gia đã từ chối việc đánh giá mức độ cần thiết của từng chỉ tiêu do số lượng chỉ tiêu trong hệ thống là khá lớn (40-50 chỉ tiêu). Vì thế để đơn giản, nên xem các chỉ tiêu có vai trò như nhau tức có trọng số bằng nhau trong đo lường mỗi thành phần của CLCS.
Tuy nhiên, giữa các thành phần của CLCS, nhiều chuyên gia cho rằng, lý tưởng nhất là coi các thành phần có vai trò như nhau vì CLCS cũng như phát triển con người là phải toàn diện trên tất cả các mặt, các khía cạnh. Vì vậy, không thể nói thành phần nào, điều kiện kinh tế, giáo dục, y tế hay môi trường… là quan trọng hơn khi đánh giá về CLCS. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, có một số yếu tố sẽ có tầm quan trọng lớn hơn, quyết định một cuộc sống có chất lượng hơn như điều kiện kinh tế, nhà ở, giáo dục… Do đó, ở thời điểm hiện tại, có thể đưa ra trọng số khác nhau cho các thành phần.
Kết quả cho thấy, có hai luồng quan điểm đã hình thành: (1) trọng số khác nhau cho các thành phần và trọng số bằng nhau cho các chỉ tiêu trong mỗi thành phần (7 ý kiến); và (2) trọng số bằng nhau cho cả các thành phần và các chỉ tiêu (3 ý kiến).
Tác giả đồng tình với quan điểm của phần lớn chuyên gia, lựa chọn trọng số bằng nhau cho các chỉ tiêu khi tính chỉ số thành phần nhưng trọng số khác nhau cho các chỉ số thành phần khi tính chỉ số tổng hợp.
Trong giai đoạn thứ hai, tác giả sử dụng phương pháp BAP nhằm xác định trọng số của các chỉ số thành phần. Lý do lựa chọn phương pháp này vì đây là một phương pháp tương đối dễ áp dụng. Với 10 thành phần đo lường CLCS khách quan, các chuyên gia sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc cho điểm theo thang điểm có tổng không đổi. Hơn nữa, việc cho điểm các thành phần sẽ dễ dàng hơn so với việc yêu cầu các chuyên gia so sánh từng cặp thành phần như phương pháp AHP. Chính vì thế, có thể xin được ý kiến của nhiều chuyên gia hơn. Ngoài ra, theo OECD (2008), BAP có khả năng phù hợp với mọi phương pháp tổng hợp chỉ số như trung bình cộng, trung bình nhân, đa tiêu chí.
Phiếu khảo sát được thiết kế nhằm xin ý kiến của các chuyên gia về vai trò của từng thành phần CLCS (Phụ lục 1.2). Do CLCS là một khái niệm rộng, có ảnh hưởng đến mọi đối tượng, mọi lĩnh vực nên đối tượng khảo sát là các nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà quản lý, công chức, … hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, dân số, thống kê … tại các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu, các cơ quan Bộ, ngành, tổ chức quốc tế … Ngoài các thông tin về đặc điểm của đối tượng khảo sát, nội dung chính của bảng hỏi yêu cầu các chuyên gia cho điểm từng thành phần theo tầm quan trọng của nó trong đánh giá về CLCS sao cho tổng điểm là 100.
Ý kiến của các chuyên gia có giá trị như nhau. Do vậy, điểm cho từng thành phần được xác định bằng công thức bình quân cộng giản đơn và được lấy làm cơ sở để xác định trọng số của mỗi thành phần.