CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
1.2. Khung lý thuyết chất lượng cuộc sống ở Việt Nam
1.2.2. Cách tiếp cận đo lường chất lượng cuộc sống ở Việt Nam
Như tổng quan nghiên cứu cho thấy, ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào đánh giá một cách đầy đủ về CLCS. Tuy nhiên, CLCS ở Việt Nam đã được đánh giá và xếp hạng bởi một số tổ chức quốc tế trong nhiều năm nay. Chẳng hạn, năm 2013, Việt Nam được EIU xếp hạng 68/80 quốc gia và vùng lãnh thổ về CLCS; năm 2015, website Numbeo.com - trang web dữ liệu lớn nhất về các thành phố và quốc gia trên thế giới đánh giá Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có CLCS thấp nhất trên thế giới, xếp sau Lào và Campuchia; năm 2016, theo xếp hạng của Liên hợp quốc về chỉ số WHI, Việt Nam xếp thứ 96 trên tổng số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, cũng trong năm
2016, Việt Nam được NEF đánh giá có chỉ số HPI đứng thứ 5 thế giới, đứng đầu châu Á. So với năm 2014, Việt Nam đã tụt hạng 3 bậc.
Sự khác biệt về thứ hạng của Việt Nam trong các bảng xếp hạng này là điều tất yếu vì tiêu chí đánh giá của các tổ chức hay nguồn số liệu… là khác nhau. Tuy nhiên, nếu kết quả xếp hạng của EIU, Numbeo hay Liên hợp quốc dường như không quá bất ngờ với đa phần người dân Việt Nam thì đánh giá của NEF đã từng gây ra nhiều tranh cãi. Theo các chuyên gia, HPI không phải là chỉ số thuần túy đo hạnh phúc của quốc gia, điều này có nghĩa là một nước có chỉ số HPI cao chưa chắc đã là nước hạnh phúc thực sự mà có thể vì họ không khai thác quá nhiều tài nguyên. Nhưng dường như điều này không thuyết phục được người dân Việt Nam, đặc biệt sau vụ việc cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền trung vì ô nhiễm môi trường biển do xả thải của Formosa năm 2016 hay hàng loạt vụ phá rừng diễn ra ở khắp nơi trên cả nước trong những năm gần đây.
Mặc dù vậy, người Việt Nam vẫn được đánh giá là những người hạnh phúc. Lý giải điều này, nhiều chuyên gia cho rằng, nó xuất phát từ tính lạc quan cố hữu của người dân Việt Nam. Nghiên cứu của Dương Thị Thu Hương (2012) rút ra từ điều tra “Sự hài lòng với cuộc sống” đã kết luận rằng: “dù sống ở một đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng người dân không hề bi quan và đánh giá thấp mức độ hài lòng về đời sống tinh thần của họ”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sự hài lòng của người dân Việt Nam là khá dễ dãi và những người yếu thế thường có mơ ước đơn giản nên dễ hạnh phúc (NPV, 2012). Ngoài ra, như mô tả của Zaft (1984) (trích dẫn trong Noll, 2013), phần đông người dân Việt Nam đang ở trong trạng thái phải thích ứng với hoàn cảnh sống của mình cho dù nó khó khăn như thế nào. Điều đó rõ ràng là chưa đủ để có được một cuộc sống tốt. Vì thế, việc đánh giá CLCS ở Việt Nam, nếu chỉ sử dụng các đo lường chủ quan thì sẽ bị chệnh.
Ngược lại, việc đánh giá CLCS chỉ bằng các đo lường khách quan có thể sẽ có nhiều thuận lợi. Ngay tổ chức Mercer - nổi tiếng về xếp hạng CLCS của các thành phố trên thế giới hay quốc gia có nhiều nét tương đồng trong khu vực là Malaysia cũng chỉ sử dụng các chỉ tiêu phản ánh điều kiện sống của dân cư để đánh giá CLCS. Ưu điểm của cách đánh giá này là các thông tin có thể thu thập dễ dàng bằng nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt từ các nguồn thống kê chính thức và sẵn có.
Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng các đo lường khách quan để đánh giá CLCS ở Việt Nam thì chưa đủ vì trên thực tế, một người có thể sống trong một thành phố hay một quốc gia được xếp hạng cao nhất về chất lượng sống những vẫn có một CLCS thấp, chẳng hạn do hoàn cảnh cá nhân không may mắn (bệnh tật, thất nghiệp, …). Hơn nữa, đối với các nhà hoạch định chính sách, đánh giá chính xác về CLCS sẽ giúp trả lời một số câu hỏi:
Xã hội có phát triển? Các chính sách hiện hành có đạt được các mục tiêu phù hợp với những lý tưởng của xã hội? Việc đầu tư có đạt hiệu quả nhằm mang lại những kết quả mong muốn?... Đối với mỗi cá nhân, khả năng đánh giá mức độ hạnh phúc cá nhân sẽ giúp họ có được các quyết định quan trọng trong cuộc sống như sống ở đâu và sống như thế nào. Bên cạnh đó, dù mỗi người đều có thể chủ động lựa chọn một cách sống hạnh phúc nhất tùy theo khả năng của mình, nhưng dù có được tổ chức tốt đến đâu chăng nữa thì con người vẫn bị tác động bởi môi trường mà họ đang vận động.
Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã tiến hành phỏng vấn sâu chuyên gia về sự cần thiết phải sử dụng các đo lường khách quan và các đo lường chủ quan trong nghiên cứu CLCS. Tất cả chuyên gia tham gia phỏng vấn sâu đã hoàn toàn đồng ý với phương án mà tác giả đề xuất là kết hợp các đo lường khách quan và đo lường chủ quan.
Như đã đề cập ở trên, mỗi loại đo lường có ưu nhược điểm riêng và giúp nắm bắt được một số khía cạnh khác nhau của CLCS. Hơn nữa, nếu chỉ sử dụng các đo lường chủ quan mà bỏ qua các đo lường khách quan thì thiếu đi một chuẩn mực chung để đảm bảo sự phát triển và khó so sánh, ngoài ra không định hướng được cho các nhà hoạch định chính sách. Ngược lại, nếu chỉ sử dụng các đo lường khách quan mà bỏ qua các đo lường chủ quan thì bộ chỉ tiêu đó sẽ mang tính áp đặt do quan điểm sống, nhu cầu trong cuộc sống của mỗi người là khác nhau. Do vậy, việc kết hợp hai loại đo lường này sẽ tạo ra một bức tranh đầy đủ về CLCS đồng thời tạo ra một mặt bằng chung để có thể so sánh đối chiếu CLCS của các nhóm người với nhau và định hướng cho việc xây dựng chính sách. Cách đánh giá này hoàn toàn phù hợp với xu hướng quốc tế.
Kết luận lại, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, cụ thể là đảm bảo các điều kiện sống của con người vẫn là mục tiêu mà chúng ta phải phấn đấu trong nhiều năm tới. Tuy vậy, các vấn đề về quyền con người cũng như xây dựng một xã hội tự do, dân chủ, công bằng và văn minh cũng rất được coi trọng. Quan điểm phát triển của Việt Nam cho thấy, CLCS ở Việt Nam gắn liền với phát triển con người, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, công bằng xã hội và xây dựng môi trường sống lành mạnh và an toàn.
Chính vì vậy, tác giả cho rằng, CLCS ở Việt Nam nên được đánh giá theo cách tiếp cận năng lực - còn gọi là cách tiếp cận phát triển con người (Cobb, 2000), kết hợp với cách tiếp cận hạnh phúc chủ quan. Điều này có nghĩa là, đo lường CLCS ở Việt Nam cần phải được đánh giá bằng cả yếu tố khách quan và chủ quan. Sự kết hợp các yếu tố chủ quan và các yếu tố khách quan trong đo lường CLCS ở Việt Nam vừa đảm bảo về mặt phương pháp luận vừa phù hợp với mục tiêu phát triển của quốc gia là làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do,
hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).