Chương 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH
1.1. TỔNG QUAN VỀ QTTC TRONG DN
1.1.1. Khái niệm, mục tiêu quản trị TCDN
DN là tổ chức có tên gọi riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Trong nền kinh tế thị trường, để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đòi hỏi DN phải có một số vốn tiền tệ nhất định để mua sắm các yếu tố đầu vào. Từ số vốn tiền tệ này, DN mua sắm máy móc, nguyên - nhiên - vật liệu,…tiến hành sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ để bán và thu được tiền bán hàng. Số tiền đó sau khi bù đắp các khoản chi phí đã tiêu hao và nộp thuế cho Nhà nước, phần còn lại là LNST hay gọi tắt là LN (LN). DN tiếp tục phân phối số tiền này cho các mục đích tích lũy, tiêu dùng. Như vậy, quá trình hoạt động của DN cũng là quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ hợp thành hoạt động tài chính của DN. Điều đó đã làm phát sinh và tạo ra sự vận động của các dòng tiền, bao gồm dòng tiền vào, dòng tiền ra gắn liền với hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh thường xuyên của DN.
TCDN là các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị nảy sinh gắn liền với việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của DN trong quá trình hoạt động của mình, nếu xét về mặt bản chất. Còn về mặt hình thức, TCDN là các quỹ tiền tệ trong quá trình tạo lập, phân phối, sử dụng và vận động gắn liền với hoạt động của DN.
Sự hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của DN luôn gắn liền với sự chuyển dịch của các dòng tiền. Vì vậy, nếu cho rằng: TCDN là các dòng tiền phát sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ gắn với các hoạt động của DN, thì điều đó đã đồng nhất giữa bản chất với biểu hiện bên ngoài của phạm trù TCDN. Đằng sau các dòng tiền phát sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của DN là các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị giữa DN với các chủ thể trong việc phân phối các nguồn lực tài chính – các quan hệ tài chính, còn nếu cho rằng: TCDN là phương thức huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính của DN nhằm đạt những mục tiêu của DN đã đề ra, thì quan điểm này đã đồng nhất “TCDN” – phạm trù kinh tế khách quan – với hoạt động tài chính, một hoạt động mang tính chất chủ quan của các nhà quản trị tài DN.
Hoạt động tài chính là một trong nhiều mặt hoạt động của DN nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của mình. Các hoạt động gắn liền với việc tạo lập, phân phối, sử dụng, vận động chuyển hóa của quỹ tiền tệ thuộc hoạt động tài chính của mỗi DN và nó đều được diễn ra trên cơ sở các quyết định chủ quan của nhà quản trị DN.
Các quyết định trong quản trị TCDN là vấn đề quan tâm và được bàn luận nhiều.
Theo Van Horne và Wachowicz (2001) thì QTTC quan tâm đến mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản DN theo mục tiêu chung được đề ra. Tương tự vậy, nhưng McMahon (1993) lại chi tiết thêm rằng quản trị TCDN quan tâm đến tìm nguồn vốn cần thiết cho mua sắm tài sản và hoạt động của DN, phân bổ các nguồn vốn có giới hạn cho những mục đích sử dụng khác nhau, đảm bảo cho các nguồn vốn được sử dụng một cách hữu hiệu và hiệu quả để đạt mục tiêu đề ra. Các tác giả khác như Brealey và Myers (1996), Ross và nhóm tác giả (2005) đều thống nhất cho rằng TCDN quan tâm đến việc đầu tư, mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản DN nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Tóm lại, mặc dù có nhiều cách hiểu và tiếp cận khác nhau, nhưng có sự đồng thuận khi đều cho rằng TCDN thực chất quan tâm đến 3 vấn đề chủ yếu, đó là: quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn và quyết định phân phối LN nhằm tối đa hóa giá trị DN. Với mỗi quyết định tài chính, nhà quản trị luôn đối mặt với sự mâu thuẫn giữa sinh lời và rủi ro. Một mặt phải đảm bảo tối đa hóa tỷ suất sinh lời cho chủ sở hữu, mặt khác phải tối thiểu hóa rủi ro. Đây là vấn đề vô cùng khó khăn đặt ra cho các nhà QTTC trong quá trình lựa chọn và ra quyết định tài chính phù hợp.
Quyết định đầu tư liên quan đến tổng giá trị tài sản và giá trị từng bộ phận tài sản, ảnh hưởng đến phần tài sản trên Bảng cân đối kế toán, đây được xem là quyết định quan trọng nhất trong các quyết định của TCDN. Quyết định nguồn vốn liên quan
đến việc nên lựa chọn nguồn vốn nào để cung cấp cho các quyết định đầu tư, ảnh hưởng đến phần nguồn vốn trên Bảng cân đối kế toán. Quyết định phân phối LN gắn liền với chính sách cổ tức của DN, quyết định này liên quan đến việc DN theo đuổi chính sách cổ tức như thế nào và chính sách cổ tức đó có tác động như thế nào đến giá trị DN hay giá cổ phiếu của DN trên thị trường.
Quản trị TCDN là việc lựa chọn, đưa ra các quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động của DN. Do các quyết định tài chính của DN đều gắn liền với việc tạo lập, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ trong quá trình hoạt động của DN. Vì thế, quản trị TCDN còn được nhìn nhận theo quy trình 4 khâu của quản trị DN là quá trình lập kế hoạch; tổ chức thực hiện; điều chỉnh và kiểm soát quá trình; phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ đáp ứng nhu cầu hoạt động của DN.
Quản trị TCDN bao gồm các hoạt động của nhà quản trị liên quan đến đầu tư mua sắm, tài trợ và quản lý tài sản của DN nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Có thể thấy, quản trị TCDN liên quan đến 3 loại quyết định chính: đầu tư, huy động vốn và phân phối LN theo hướng có lợi nhất cho chủ sở hữu DN.
Quản trị TCDN là một bộ phận, là nội dung quan trọng hàng đầu của quản trị DN, nó có quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng tới tất cả các mặt hoạt động của DN. Hầu hết các quyết định quản trị DN đều dựa trên cơ sở những đánh giá về mặt tài chính của hoạt động quản trị TCDN. Điều này xuất phát từ chính vai trò của công tác QTTC đối với DN.
1.1.1.2. Mục tiêu quản trị TCDN
Kinh tế học cho rằng mục tiêu của DN khi thực hiện các hoạt động kinh doanh là nhằm tối đa hóa LN. Tối đa hóa LN có thể là một mục tiêu để ra quyết định khi đánh giá LN được tạo ra ở một thời điểm nhất định, nhưng lại không thể giải quyết vấn đề thời gian sinh lời của quyết định đó. Trên thực tế, yếu tố về thời gian buộc các nhà quản trị TCDN phải có cái nhìn xa hơn mục tiêu tối đa hóa LN. Bên cạnh đó, yếu tố rủi ro cũng được xem xét kỹ lưỡng trong các quyết định tài chính.
Nếu nhìn dưới góc độ SXKD thì tối đa hóa LN là mục tiêu phù hợp, nhưng dưới góc độ tài chính thì lợi ích đạt được cho chủ sở hữu phải là tối đa, hay nói cách khác phải tính tới giá trị thời gian của tiền và mức độ rủi ro của khoản đầu tư.
Xem xét dưới góc độ TCDN thì mục tiêu cuối cùng của QTTC là ra các quyết định tài chính nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu. Đối với công ty cổ phần,
tối đa hóa trị tài sản của cổ đông chính là việc tối đa hóa giá trị thị trường của cổ phiếu mà họ đang nắm giữ.
Trong thực tế, các yếu tố ảnh hưởng tới giá cổ phiếu khá phức tạp và khó xác định chính xác mức độ ảnh hưởng. Nhưng nếu xét trong điều kiện thị trường tài chính cạnh tranh hoàn hảo thì giá cổ phiếu sẽ tương đương với giá trị của DN, phản ánh giá trị vốn hóa thị trường của DN và lúc này đã được xem xét đến những yếu tố thời gian và rủi ro.
Nếu một DN cố gắng tối đa hóa giá trị cổ phiếu của mình, điều đó là tốt hay xấu cho xã hội? Câu trả lời thường là tốt nếu loại trừ các hành động bất hợp pháp. Bởi lẽ:
Một là, việc tối đa hóa giá trị cổ phiếu gắn liền với việc kinh doanh có hiệu quả, chi phí thấp. Công tác quản trị DN sẽ phải ứng dụng nhiều biện pháp quản lý hiện đại nhằm khai thác hiệu quả các khoản chi phí phát sinh.
Hai là, việc tối đa hóa giá trị cổ phiếu đòi hỏi các sản phẩm được cung cấp phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về tính năng và giá trị sử dụng.
Từ đó, các công nghệ mới được ứng dụng; các sản phẩm, dịch vụ mới được đưa ra; các việc làm mới được tạo ra tương ứng.
Ba là, việc tối đa hóa giá trị cổ phiếu đòi hỏi dịch vụ được cung cấp phải nhanh chóng, hiệu quả và có tính tiện ích cao. Từ đó, thương hiệu của DN được định vị tốt đối với người tiêu dùng.
Ngoài mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản cho các cổ đông thì các nhà QTTC còn theo đuổi mục tiêu khác cũng quan trọng và có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với tối đa hóa giá trị DN đó là gia tăng trách nhiệm xã hội (Corporate Social Responsibility - CSR). Theo World Bank, thì trách nhiệm xã hội của DN là “cam kết của DN đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng,… theo cách có lợi cho cả DN cũng như phát triển chung của xã hội”.
DN muốn đạt được mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa giá trị tài sản cho các cổ đông một cách bền vững thì cũng cần phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của các đối tượng liên quan. Giải quyết hài hòa các mối quan hệ lợi ích là nguyên tắc chủ đạo để duy trì và phát triển bền vững của bất kỳ mối quan hệ nào trong xã hội, trong đó có quan hệ tài chính.
Tóm lại, mục tiêu quan trọng nhất của của quản trị TCDN là nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu hay tối đa hóa giá cổ phiếu của công ty trên thị trường,
nó được coi là mục tiêu bao trùm của DN, các hoạt động QTTC của DN đều phải hướng đến mục tiêu này.