Các chỉ tiêu định tính phản ánh hiệu quả QTTC

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tại các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam (Trang 103 - 107)

Chương 2. THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ QTTC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP

2.2. THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ QTTC TRONG CÁC DN MAY THUỘC

2.2.2. Thực trạng hiệu quả QTTC trong một số DN may thuộc Vinatex

2.2.2.2. Các chỉ tiêu định tính phản ánh hiệu quả QTTC

Bên cạnh các chỉ tiêu định lượng đã được phân tích ở trên, luận án tiếp tục đi sâu vào phân tích các chỉ tiêu định tính để có thể đánh giá toàn diện hiệu quả công tác QTTC tại các DN may Việt Nam. Dữ liệu phân tích luận án sử dụng từ 2 nguồn chính:

(1) báo cáo đánh giá người đại diện vốn hàng năm của Vinatex; (2) phỏng vấn trực tiếp thành viên Ban giám đốc hoặc Kế toán trưởng tại các DN may Việt Nam. Trên cơ sở đó, luận án tổng hợp và phân tích trên 3 chỉ tiêu sau:

Một là, khả năng xây dựng kế hoạch hóa tài chính.

Hàng năm, 24/26 DN đều có xây dựng kế hoạch tài chính và trong năm được giám sát, kiểm tra thường xuyên. Chất lượng kế hoạch tài chính phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu công tác này tại DN. Về mặt kiến thức chuyên môn, họ là những người được đào tạo từ các cơ sở đào tạo uy tín và hàng năm được cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; 22/26 DN bố trí người đúng chuyên môn; trình độ chủ yếu là Đại học và được bồi dưỡng, đào tạo nội bộ thông qua giao việc trực tiếp tại đơn vị (chỉ có 9/26 DN cử cán bộ đi tập huấn bên ngoài).

Đối với đội ngũ làm công tác chuyên môn về tài chính – kế toán tại DN: về mặt kỹ năng và kinh nghiệm, họ là những người kinh qua vị trí công tác để hiểu bản chất và hình thành tư duy của nhà QTTC. Tuy nhiên, đa phần cán bộ làm công tác tài chính tại DN có tuổi đời và tuổi nghề khá trẻ, 17/26 DN dưới 10 năm kinh nghiệm. Với tuổi nghề dưới 10 năm thường họ chưa có đủ thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế và đủ khả năng phân tích, đề xuất các giải pháp tài chính phù hợp với DN trong từng tình huống cụ thể; về mặt ý thức, thái độ thì họ được giáo dục, định hướng từ lúc vào nghề.

Hai là, nề nếp và tuân thủ kỷ luật tài chính.

Về tuân thủ các nguyên tắc trong QTTC. Đa số các DN may thuộc Vinatex thực hiện tốt vấn đề kế hoạch và đảm bảo các nguyên tắc xác lập, duy trì cơ cấu tài chính mục tiêu như:

(1) Các nguồn tài trợ đảm bảo tính tương thích với nhu cầu đầu tư về thời hạn;

(2) Các DAĐT nhà máy may không thuộc nhóm có rủi ro cao, nên các nguồn vốn được lựa chọn với mức chi phí hợp lý trên thị trường tín dụng;

(3) Nợ vay chủ yếu là ngắn hạn và sử dụng linh hoạt nhiều nguồn khác nhau.

Chiếm tỷ trọng lớn là nợ nhà cung cấp và vay ngắn hạn từ các tổ chức tín dụng;

(4) Tài trợ vốn ngắn hạn bằng các nguồn khá linh hoạt với chi phí không cao nên chi phí sử dụng vốn của các DN này là thấp (tỷ lệ lãi vay so với tổng chi phí bình quân của mẫu là 0,72%/năm; cao nhất là Đà Nẵng với mức bình quân 1,52%/năm, thấp nhất là Hưng Yên với mức bình quân là 0,09%).

Về căn cứ ra các quyết định đầu tư. Kết quả khảo sát cho thấy, 22/26 DN dựa vào chiến lược phát triển, 18/26 DN dựa vào nhu cầu từ thị trường để ra quyết định đầu tư vốn. Như vậy, hầu hết quyết định đầu tư của các DN may xuất phát từ nhu cầu bản thân DN hoặc yêu cầu từ thị trường; Thiết bị của các DN được đầu tư theo hướng phù hợp với sản phẩm (23/26 DN), tiết kiệm năng lượng (20/26 DN). Điều đó cho thấy các DN may khá chủ động trong việc ra quyết định đầu tư; việc lựa chọn thiết bị theo mặt hàng chiến lược mà DN sản xuất hoặc gia công, đồng thời theo hướng tiết kiệm năng lượng. Đầu tư gắn với nhu cầu sử dụng sẽ phát huy tối đa công năng và tiết giảm chi phí vận hành thiết bị.

Tuy nhiên, có 16/26 DN cho rằng việc thực hiện đầy đủ quy trình đầu tư đã ảnh hưởng nhiều tới tiến độ thực hiện của các dự án nên một số dự án đã bị chậm trong quá trình triển khai. Thực tế, một số DN không thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định và lựa chọn dự án nên đã để xảy ra chậm trễ, khi triển khai gặp nhiều khó khăn hoặc giảm hiệu quả khi thông số môi trường kinh doanh thay đổi theo chiều hướng bất lợi.

Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo các DN cho rằng việc ra các quyết định tài chính cần phải linh hoạt theo tình huống (13/26 DN) và họ thường thận trọng, đặc biệt đối với các DN hoạt động kém hiệu quả, đang trong quá trình cơ cấu lại. Rất ít lãnh đạo DN chấp nhận mạo hiểu, thích đổi mới trong điều kiện thị trường biến động mạnh và theo chiều hướng bất lợi như thời gian vừa qua. Điều này cho thấy “khẩu vị rủi ro”

của lãnh đạo các DN may này là không hướng đến sự ổn định và an toàn.

Về quy trình xây dựng, thẩm định và triển khai các DAĐT. Quy trình thẩm định và triển khai đầu tư tại hầu hết các dự án có sự chuyển biến tích cực, mặc dù 16/26 DN cho rằng việc triển khai đầy đủ các bước sẽ làm cho tiến độ đầu tư bị chậm nhưng có 10/26 DN đánh giá việc tuân thủ quy trình và các bước trong đầu tư ảnh hưởng ít hoặc không ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Tính tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định liên quan khác được nâng cao. Công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát các dự án được cải thiện và thực hiện đúng quy trình. Các DAĐT đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm, giảm chi phí đầu tư như: (1) rà soát thiết kế, tính toán đầu tư bổ sung thiết bị trên cơ sở tiết giảm tối đa suất đầu tư và tận dụng vật tư để tăng hiệu quả đầu tư; (2) áp dụng thiết kế chuẩn, mô hình suất đầu tư chuẩn; (3) liên tục cập nhật các

mudule của nhà máy may và hoàn thiện các module chuẩn; (4) lựa chọn thiết bị công nghệ hiện đại, có giá rẻ, cạnh tranh; (5) áp dụng suất đầu tư cho các hạng mục xây mới, cải tạo và các hạng mục phụ trợ.

Tuy nhiên, trong công tác triển khai của một số dự án còn có hạn chế do năng lực chuyên môn, có thể kể đến như:

- Công tác nghiên cứu, lập DAĐT còn theo lối mòn, chưa chủ động, sáng tạo làm cho suất đầu tư cao.

- Thực hiện trình tự đầu tư còn xảy ra sai sót, không tuân thủ quy định về đầu tư, thậm chí một số dự án thực hiện trước khi được phê duyệt.

- Quản lý triển khai dự án còn yếu và thiếu chủ động dẫn đến chậm tiến độ.

- Quá trình đàm phán và thương thảo hợp đồng chưa tốt dẫn đến suất đầu tư chưa tiết giảm được nhiều.

Các chỉ tiêu thường được các DN tính toán và sử dụng khi tiến hành đánh giá về mặt tài chính của dự án bao gồm: tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR, 18/26 DN), giá trị hiện tại thuần (NPV, 17/26 DN), thời gian hoàn vốn đầu tư (PP, 17/26 DN) và tỷ số khả năng trả nợ (DSCR, 15/26 DN).

Về công tác dự báo và điều chỉnh khi thị trường biến động của các DN may thuộc Vinatex thực hiện chưa tốt. Hầu hết các đơn hàng có được là do khách hàng truyền thống mang lại hoặc khách hàng mới tự tìm đến các nhà gia công tại Việt Nam.

Mặt khác, từ đặc điểm này nên các DN may thuộc Vinatex ít chủ động tìm hiểu thị trường để chủ động trong bố trí sản xuất. Chẳng hạn, do ảnh hưởng của khí hậu Châu Âu ấm dần lên lên cộng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đến thu nhập và tiêu dùng của dân cư các thị trường chiến lược Mỹ, EU, Nhật Bản giảm nên đơn hàng gia công vụ thu đông 2014 và xuân hè 2015 của một số DN may lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải thực hiện cho nghỉ luân phiên một số ngày trong tuần để duy trì công việc như: Đức Giang, Hưng Yên ở mùa thấp điểm đơn hàng. Sản phẩm may gia công của các DN may thuộc Vinatex chủ yếu ở phân khúc trung và cao cấp nên rất khó tìm khách hàng thay thế khi không được dự báo sớm. Nếu chuyển sang khách hàng trung bình và cấp thấp thì doanh thu và LN sẽ sụt giảm nhiều.

Hiệu quả QTTC gắn liền với việc thực hiện mục tiêu kinh doanh của DN. Do đó, khi khâu dự báo thị trường và điều chỉnh bị động và kém hiệu quả sẽ kéo theo khâu kế hoạch hóa hoạt động tài chính (về nhu cầu vốn; huy động và sử dụng vốn; LN) của DN sẽ kém theo. Kế hoạch không phù hợp với thực tế, phải điều chỉnh liên tục và xử lý theo kiểu chữa cháy.

Về quy chế quản lý tài chính. 25/26 DN có quy chế quản lý tài chính và 12/26 DN cho rằng hệ thống văn bản các quy chế, quy định trong DN có nhưng thiếu tính đồng độ, nên đôi khi cản trở đến hiệu lực các văn bản đã ban hành.

Bên cạnh đó, các DN đều áp dụng phần mềm trong quản lý công tác tài chính tại đơn vị và 19/26 DN sử dụng máy chủ để lưu trữ dữ liệu, các chuyên viên làm việc tại máy tính trạm nên tính tuân thủ trong quy trình thực hiện nghiệp vụ là rất cao và hạn chế các sai sót.

Thứ ba, vai trò của công tác QTTC trong DN.

Về mặt mô hình tổ chức đối với chức năng tài chính. Nhận thức chung của đội ngũ lãnh đạo DN về công tác quản trị TCDN là chưa tốt, hầu hết chưa đánh giá đúng vai trò của công tác QTTC đối với hoạt động quản trị chung của DN. Không tách bạch giữa chức danh kế toán trưởng với giám đốc tài chính về chức năng, nhiệm vụ. Điều này diễn ra khá phổ biến, 17/26 DN được hỏi cho rằng họ chưa làm được điều này do chưa nhận thức được hết vai trò của Giám đốc tài chính. Đồng thời, 23/26 DN chưa có chức danh Giám đốc tài chính và hiện đang ghép chung vào Kế toán trưởng hoặc Phó tổng giám đốc phụ trách kiêm lĩnh vực tài chính. Thông thường, kế toán trưởng phải kiêm luôn một phần nhiệm vụ của giám đốc tài chính; một phần khác được giao cho một thành viên Ban giám đốc phụ trách công tác tài chính. Việc ôm quá nhiều việc nên người kiêm nhiệm thường không thể hiện hết vai trò của mình trong việc tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo DN ra các quyết định tài chính phù hợp và hiệu quả.

Về mặt phối hợp chức năng tài chính với các chức năng khác trong DN. 14/26 DN cho rằng hiện nay việc phối hợp này là tốt. Tuy nhiên, đi vào phỏng vấn chuyên sâu qua các câu hỏi bổ sung thấy rằng nội dung này chưa thực sự tốt như trả lời trên Phiếu, việc phối hợp còn gây nhiều khó khăn trong quá trình vận hành. Việc tổ chức thành 2 cụm chức năng không liên tục giữa kinh doanh với tài chính – kế toán nên phối hợp thường không nhịp nhàng, tài chính luôn là khâu đi sau của mỗi kế hoạch kinh doanh; không được tham gia bàn bạc, lấy ý kiến khi xây dựng phương án kinh doanh và điều này dẫn tới hệ lụy tất yếu là không tính toán hết các rủi ro có thể gặp phải hoặc các khó khăn về mặt tài chính khi triển khai sẽ khiến cho hiệu quả chung giảm sút, LN giảm sút. Suy cho cùng, mọi nguồn lực sử dụng cho phương án kinh doanh đều liên quan đến tài chính, liên quan đến tiền nên việc thiếu ý kiến tham mưu của người làm công tác tài chính sẽ khiến cho hiệu quả của bất kỳ phương án kinh doanh nào cũng bị ảnh hưởng, thậm chí rất nghiêm trọng đến mức thua lỗ ngay từ trong tính toán.

Về quản trị rủi ro. 16/26 DN chưa có bộ phận chuyên môn thực hiện nghiệp vụ quản trị rủi ro trong phạm vi toàn DN, một số DN hiện nay mới đang trong quá trình nghiên cứu, học tập và dần triển khai.

Qua phân tích thực trạng tại 10 DN may thuộc Vinatex giai đoạn 2009-2017 theo nhóm các chỉ tiêu định lượng và các chỉ tiêu định tính phản ánh hiệu quả QTTC, luận án đã chỉ ra bức tranh khá toàn diện về hiệu quả công tác QTTC tại các DN này. Để luận án có những bằng chứng thuyết phục, giúp cho việc đánh giá trở nên khách quan, chính xác hơn bởi tính phù hợp của thông tin, luận án sử dụng mô hình kinh tế lượng để kiểm định tác động của các yếu tố tới hiệu quả QTTC của các DN may thuộc Vinatex.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tại các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)