Nhóm các yếu tố khách quan

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tại các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam (Trang 52 - 58)

Chương 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

1.2. HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ TCDN

1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả quản trị TCDN

1.2.3.1. Nhóm các yếu tố khách quan

Thứ nhất, môi trường kinh tế vĩ mô.

Môi trường kinh tế vĩ mô bao gồm các yếu tố nằm bên ngoài DN. Sự tác động của các yếu tố của môi trường này có tính chất trực tiếp và năng động hơn so với một số các yếu tố khác của môi trường tổng quát. Những diễn biến của môi trường kinh tế vĩ mô bao giờ cũng chứa đựng những cơ hội và thách thức khác nhau đối với từng DN trong các ngành khác nhau và có ảnh hưởng tiềm tàng đến các chiến lược của DN, do đó nó thu hút sự quan tâm của các nhà quản trị DN. Có rất nhiều yếu tố của môi trường kinh tế vĩ mô nhưng có thể xem xét 5 yếu tố sau có ảnh hưởng lớn đến hoạt động QTTC của DN:

Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế được dự đoán có tỷ lệ tăng trưởng cao, người quản lý TCDN sẽ tăng cường huy động vốn để đầu tư mở rộng các DAĐT. Ngược lại, khi nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống, người quản lý DN sẽ giảm đi vay và tăng sử dụng VCSH để đầu tư vào các dự án của công ty.

Hai là, lãi suất và xu hướng của lãi suất trong nền kinh tế. Lãi suất và xu hướng của lãi xuất trong nền kinh tế có ảnh hưởng đến xu thế của tiết kiệm, tiêu dùng và đầu tư, do vậy ảnh hưởng tới hoạt động của các DN. Lãi suất tăng sẽ hạn chế nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng hoạt động SXKD, ảnh hưởng tới mức sinh lời của DN. Đồng thời, khi lãi suất tăng cũng sẽ khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn và do vậy làm cho nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của DN.

Ba là, chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái cũng có thể tạo cơ hội tốt cho DN, nhưng cũng có thể là thách thức đối với sự phát triển của DN đặc biệt nó tác động điều chỉnh quan hệ xuất nhập khẩu. Thông thường, Chính phủ sử dụng công cụ này để điều chỉnh quan hệ xuất nhập khẩu theo hướng có lợi cho nền kinh tế.

Bốn là, lạm phát. Lạm phát cũng là 1 yếu tố quan trọng cần phải xem xét và phân tích. Lạm phát cao hay thấp có ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư vào nền kinh tế. Khi lạm phát quá cao sẽ không khuyến khích tiết kiệm và tạo ra những rủi ro lớn cho sự đầu tư của DN, sức mua của xã hội bị giảm sút và làm cho nền kinh tế bị đình trệ; việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của DN sẽ gặp khó khăn, từ đó khiến cho tình hình tài chính của DN trở nên căng thẳng hơn.

Năm là, hệ thống thuế và các chính sách kinh tế. Các ưu tiên hay hạn chế của Chính phủ với các ngành được cụ thể hoá thông qua luật thuế hoặc các chính sách. Sự thay đổi của hệ thống thuế hoặc các chính sách kinh tế có thể tạo ra những thuận lợi hoặc khó khăn đối với DN vì nó làm cho mức chi phí hoặc thu nhập của DN thay đổi.

Hầu hết các quyết định trong QTTC trong DN đều trực tiếp hoặc gián tiếp có ảnh hưởng đến thuế thu nhập, do đó ảnh hưởng đến mục tiêu của quản trị TCDN. Hàng năm, DN phải nộp thuế thu nhập DN (Corporate Income Taxes), thuế nhu nhập DN nhiều hay ít phụ thuộc vào thu nhập chịu thuế và mức thuế suất, trong đó mức thuế suất còn thay đổi tùy theo mức doanh thu của năm liền kề phía trước.

Thu nhập chịu thuế được tính bằng doanh thu thuần trừ đi tất cả các khoản chi phí hợp lý, trong đó có khấu hao TSCĐ và lãi vay. Về phía DN, nếu thu nhập chịu thuế thấp sẽ tiết kiệm được chi phí thuế, do vậy, DN có khuynh hướng đưa chi phí khấu hao TSCĐ và lãi vay lớn vào chi phí để tiết kiệm chi phí thuế. Về phía cơ quan Thuế, họ chỉ chấp nhận những khoản chi phí nào hợp lý nhằm hạn chế DN tránh, trốn thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính thường có những quy định cụ thể về cách tính và trích khấu hao TSCĐ nhằm mục đích tính thuế cho hợp lý.

Thứ hai, môi trường pháp lý.

Đây là môi trường mà DN hoạt động trong đó và cần phải tuân thủ những quy định về hình thức tổ chức. Căn cứ vào hình thức sở hữu, mỗi quốc gia thường có những loại hình DN khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản các loại hình DN gồm có: DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH).

Ở Mỹ, DN tư nhân (Sole Proprietorships) là DN chỉ có một chủ sở hữu và chịu trách nhiệm vô hạn đối với tất cả các khoản nợ của DN. Công ty hợp danh (Partnerships) là DN có 2 hay nhiều sở hữu. Công ty hợp danh có thể là công ty hợp danh TNHH hoặc TNHH đối với các khoản nợ của công ty. Trong công ty hợp danh TNHH, các thành viên không chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân đối với các khoản nợ của công ty. Công ty cổ phần (Corporations) là hình thức DN được thành lập theo Luật, có nhiều chủ sở hữu – cổ đông – góp vốn bằng hình thức cổ phần. Cổ đông chịu TNHH trong phạm vi vốn góp của mình. Cuối cùng, công ty TNHH (Limited Liability Companies) là hình thức kết hợp một số đặc tính của công ty cổ phần và công ty hợp danh [36].

Ở Việt Nam, theo luật DN số 68/2014/QH13, hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015, có 4 hình thức pháp lý cơ bản của DN bao gồm: DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần (CTCP) [42].

Hình thức pháp lý tổ chức DN ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức TCDN như:

nguồn hình thành và huy động vốn, phân phối LN và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với khoản nợ của DN,…

Bảng 1.1. Đặc điểm của các loại hình DN

Loại

hình Lợi thế Bất lợi

DN nhân

- Dễ hình thành.

- Chủ sở hữu toàn quyền kiểm soát các quyết định của DN.

- Chủ sở hữu nhận được toàn bộ LN từ việc kinh doanh.

- Thu nhập của DN được đánh thuế một lần ở mức thuế thu nhập cá nhân cùng với các thu nhập khác của chủ sở hữu.

- Chủ sở hữu chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ của DN (không giới hạn trách nhiệm).

- Tuổi thọ có giới hạn, phụ thuộc vào chủ sở hữu.

- Giới hạn quyền huy động vốn bổ sung (không được phát hành chứng khoán, kết nạp thành viên).

Công ty hợp danh

- Các thành viên nhận được LN theo các điều khoản đã thỏa thuận trước.

- Thu nhập từ kinh doanh bị đánh thuế 1 lần như thu nhập cá nhân của thành viên.

- Quyền ra quyết định thuộc về các thành viên.

- Mỗi thành viên phải chịu trách nhiệm về tất cả các khoản nợ của DN.

- Tuổi thọ của DN được xác định bởi thỏa thuận.

- Giới hạn quyền huy động vốn bổ sung (không được phát hành chứng khoán).

Công ty cổ phần

- Mỗi thành viên phải chịu trách nhiệm cho tất cả các khoản nợ của DN trong phạm vi vốn góp.

- Tuổi thọ DN sẽ dựa vào thỏa thuận.

- Giới hạn quyền sử dụng vốn bổ sung.

- LN trả cho cổ đông bị đánh thuế 2 lần.

- Quyền sở hữu và quản lý được chia ra cho nhiều người.

Nguồn: Pamala Peterson Drake và Frank J. Fabozzi (2012), Thị trường tài chính – TCDN và Quản lý danh mục đầu tư

Mỗi loại hình DN đều có những ưu nhược điểm riêng, nhưng trong phạm vi nghiên cứu tác giả sẽ lấy loại hình CTCP làm điển hình để xem xét, trong khi QTTC của các loại hình DN khác chỉ xem xét như là một sự vận dụng của QTTC CTCP.

Sở dĩ loại hình CTCP được chọn làm điển hình nghiên cứu là vì loại hình DN này có nhiều ưu thế và đang được phát triển mạnh ở các nước mà nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó có Việt Nam, bởi vì:

Một là, CTCP dễ dàng huy động vốn. Bởi vì tính trách nhiệm hữu hạn, dễ dàng chuyển nhượng quyền sở hữu thông qua việc mua – bán cổ phiếu phổ thông, linh hoạt trong việc phân chia cổ tức nên CTCP là một thực thể kinh doanh lý tưởng xét dưới góc độ huy động vốn mới. Đây là kênh huy động vốn quan trọng, chưa được các DN may Việt Nam chú trọng khai thác.

Hai là, CTCP có đặc điểm đáng chú ý mà các loại DN khác không có được, đó là có sự tách rời giữa chủ sở hữu DN và người điều hành DN. Sự tách rời đó có thể tạo ra một số ưu thế so với các loại hình DN khác, nhằm chuyên môn hóa công tác quản trị và điều hành DN.

Ba là, sự tách rời quyền sở hữu và việc điều hành còn có thể đưa đến những mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sở hữu và người điều hành, khiến cho QTTC của loại hình DN này có nhiều vấn đề để nghiên cứu hơn QTTC trong các loại hình DN khác.

(Theo số lượng) (Theo VKD bình quân)

Hình 1.1. Cơ cấu giữa các hình thức DN đến 31/12/2015 Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam, niên giám thống kê 2015 [57]

CTCP là DN, trong đó: vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa.

Huy động vốn: ngoài các hình thức huy động vốn thông thường, CTCP có thể phát hành các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) ra công chúng để huy động vốn nếu đủ tiêu chuẩn theo luật định.

Quản lý và chuyển nhượng phần vốn góp: cổ đông CTCP có đầy đủ quyền quản lý đối với chủ sở hữu; có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp có quy định của pháp luật.

Phân chia LN: việc phân phối LNST thuộc quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty theo tỷ lệ vốn góp và tỷ lệ chia cổ tức.

Trách nhiệm với phần vốn góp: cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của DN trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Trong nền kinh tế thị trường ngày nay, loại hình CTCP là loại hình DN chủ yếu, có vai trò to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế do những ưu thế của nó, cụ thể như:

Một là, khả năng huy động vốn lớn: có thể phát hành chứng khoán để huy động vốn trực tiếp trên thị trường tài chính.

Hai là, khả năng tự giám sát cao trong các hoạt động của công ty: là loại hình đa sở hữu và tách rời giữa chủ sở hữu với người điều hành nên tất yếu các chủ sở hữu

Doanh nghiệp tư

nhân;

3,66%

Công ty hợp danh;

0,04%

Công ty cổ phần và TNHH;

96,3%

Doanh nghiệp tư

nhân;

11,16%

Công ty hợp danh;

0,14%

Công ty cổ phần và TNHH;

88,7%

phải xác lập sự giám sát của mình đối với các hoạt động của công ty, đặc biệt là đối với hoạt động tài chính. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định và minh bạch trong CTCP.

Ba là, các cổ đông có thể chuyển nhượng khoản đầu tư dễ dàng, điều này tạo tính thanh khoản, linh hoạt và hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đối với CTCP có sự tách biệt giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu đối với tài sản của công ty nên các cổ đông của công ty được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác (trừ các cổ đông sáng lập có thể bị hạn chế quyền này).

Bốn là, thu nhập của cổ đông bao gồm cổ tức được chia từ LNST và chênh lệch giá cổ phần. Chính điều này đã làm cho các quyết định tài chính trở nên quan trọng, có tác dụng không chỉ đến LN của DN, mà nó còn tác động đến giá cổ phiếu của công ty trên thị trường. Khi đó, lợi ích của chủ sở hữu bị tác động bởi sự thay đổi giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Tóm lại, khi phân tích đánh giá và lựa chọn các quyết định tài chính thì nhà QTTC không thể bỏ qua hình thức pháp lý tổ chức của DN trong điều kiện quy định hiện hành bởi luật pháp, bởi mỗi hình thức sẽ có những đặc điểm khác nhau trong việc lựa chọn các quyết định tài chính, chẳng hạn như quyết định về huy động vốn, quản lý và chuyển nhượng vốn góp hay quyết định về phân phối LN. Mặc dù việc lựa chọn loại hình DN là vấn đề chủ quan của DN, nhưng sau khi đã lựa chọn thì việc vận hành DN phải tuân thủ những quy định của pháp luật về loại hình DN đó.

Thứ ba, sự phát triển của thị trường tài chính và các trung gian tài chính.

Thị trường tài chính có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả QTTC của DN. Đại diện quan trọng của thị trường tài chính là các trung gia tài chính với chức năng chủ yếu là điều tiết vốn trên thị trường, huy động vốn từ các nguồn vốn nhàn rỗi đến các chủ thể cần vốn, từ đó tạo ra lợi ích và sự phát triển của xã hội. Nếu có thông tin dự báo tin cậy cho rằng thị trường vốn trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn, lúc này DN sẽ nhanh chóng quyết định tăng cường việc huy động vốn dài hạn để có thể giảm thiểu chi phí và có thể gia tăng đòn bẩy tài chính lên mức cao hơn.

Thứ tư, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của ngành, nghề kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh của một DN thường được thực hiện trong một hoặc một số ngành nghề kinh doanh nhất định. Mỗi ngành nghề kinh doanh lại có những đặc điểm kinh tế - kỹ thuật riêng có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức tài chính của DN.

Tuy nhiên, những DN may có sản phẩm kinh doanh trực tiếp phải ứng ra lượng VLĐ nhiều hơn từ khâu mua nguyên phụ liệu dự trữ, bán thành phẩm trong sản xuất

và thành phẩm chờ tiêu thụ. Mặt khác, sản phẩm có tính thời vụ thì nhu cầu về VLĐ bằng tiền thường có sự không ăn khớp nhau về mặt thời gian. Đó là điều phải tính đến cho hoạt động của DN cũng như đảm bảo cân đối giữa thu và chi vốn bằng tiền.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Kinh tế: Nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tại các doanh nghiệp may thuộc tập đoàn dệt may Việt Nam (Trang 52 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)