Chương 2. THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ QTTC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HIỆU QUẢ QTTC TRONG CÁC DN MAY THUỘC VINATEX TRONG THỜI GIAN QUA
2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân
2.3.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế
Có thể thấy rằng những hạn chế trên do rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, có chỉ ra một số nguyên nhân chính như sau:
a. Nhóm các nhân tố chủ quan:
Thứ nhất, công tác quản trị TCDN chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức.
Hầu hết các DN vẫn để ghép chức năng tài chính và kế toán trong cùng phòng và lấy tên và phòng Tài chính – kế toán. Thông thường kế toán trưởng sẽ làm luôn một số nhiệm vụ của giám đốc tài chính một cách miễn cưỡng, chính điều này dẫn đến một số hạn chế trong việc tham mưu cho lãnh đạo DN ra các quyết định đầu tư phù hợp với mục tiêu của công tác quản trị TCDN. Do quan điểm và tầm nhìn của kế toán là dựa trên những nguồn lực đã có và chi tiêu tiết kiệm nhất; ngược lại cách tiếp cận của tài chính lại là đi tìm nguồn tài trợ và chi tiêu hiệu quả nhất.
Sự không tách bạch rõ ràng giữa chức năng tài chính và kế toán là minh chứng rõ ràng cho thấy các DN may Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi nhận thức về vai trò của công tác quản trị TCDN, dành sự quan tâm thích đáng thì mới có thể phát huy tối đa hiệu quả quản trị TCDN nhắm tới mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản cho các chủ sở hữu.
Thứ hai, năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác TCDN còn nhiều hạn chế. Nhân sự làm công tác này chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về quản trị TCDN, họ chưa thực sự quan tâm vận dụng các kiến thức quản trị hiện đại, trong đó có lý thuyết hiệu quả quản trị TCDN. Việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức ở bên ngoài không thường xuyên, chủ yếu bồi dưỡng nội bộ thông qua giao việc.
Tầm nhìn chiến lược của không ít nhà QTTC trong các DN thuộc Vinatex còn hạn chế. Các DN hầu hết chưa chú trọng xây dựng được chiến lược tài chính, chiến lược kinh doanh một cách dài hạn, công tác lập kế hoạch dài hạn và dự báo tài chính còn hạn chế, thiếu các phương án SXKD khả thi, có hiệu quả.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn công tác QTTC ở một số DN còn hạn chế về năng lực dẫn đến còn sai sót trong quy trình thực hiện thẩm định và triển khai DAĐT, lập kế hoạch tài chính và dự báo điều chỉnh chưa tốt dẫn tới giảm hiệu quả QTTC của DN. Hầu hết nhân sự làm công tác này tại DN có tuổi đời trẻ và kinh nghiệm công tác chỉ trên dưới 10 năm.
Thứ ba, việc lựa chọn quy mô DN và tổ chức bộ máy quản trị TCDN chưa hợp lý.
Với module đầu tư chuẩn một nhà máy may công nghiệp khoảng 600 người, bộ máy quản lý chiếm từ 5-7% sẽ phát huy hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, do vấn đề tuyển dụng hoặc đơn hàng gặp khó khăn nên nhiều DN lựa chọn quy mô chưa theo module chuẩn nên hiệu quả bị giảm sút. Đồng thời, tỷ lệ giữa bộ phận trực tiếp và gián tiếp trong mỗi dự án chịu ảnh hưởng bởi đơn hàng nên tổ chức bộ máy quản trị TCDN nhiều khi chưa phù hợp có lúc bị quá tải, có lúc dư năng lực.
Thứ tư, sự phối hợp giữa bộ phận tài chính với các bộ phận khác trong DN chưa đồng bộ và thiếu chặt chẽ. Tài chính có quan hệ mật thiết và liên quan đến tất cả các bộ phận chức năng khác trong DN và tài chính phải được tính đến trong mỗi đề xuất hay lớn hơn và phương án SXKD. Tuy nhiên, trên thực tế do sự tách bạch về mô hình tổ chức riêng giữa cụm chức năng tài chính với cụm chức năng kế hoạch thị trường hoặc kinh doanh nên không có sự tham gia của bộ phận tài chính ngay từ đầu khi xây dựng phương án kinh doanh. Bộ phận tài chính đang hoạt động bị động, có phương án
kinh doanh rồi nên phải thu xếp nguồn vốn cho phương án đó; người ta ví rằng nó như hoạt động đi “mua pháo” về cho bộ phận kinh doanh “đốt”.
b. Nhóm các nhân tố khách quan:
Thứ nhất, môi trường kinh doanh không thuận lợi.
Theo “Báo cáo Môi trường kinh doanh 2013” của IFC và WB, thì môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có cải thiện rõ rệt, hiện đang ngày càng tụt hạng (tụt hạng (99/189 nước năm 2013 so với 98/181 năm 2012, 93/183 nước năm 2010).
Các chuyên gia đánh giá tốt Việt Nam ở các lĩnh vực như: Cấp giấy phép xây dựng (đứng thứ 29) và Tiếp cận tín dụng (đứng thứ 42). Tuy nhiên, mặc dù đã thực hiện nhiều cải cách để nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh cho DN thì thứ hạng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện và các nguyên nhân thì khá quen thuộc. Đó là vấn đề về bảo vệ nhà đầu tư, tiếp cận điện năng và nộp thuế. Chỉ số “bảo vệ nhà đầu tư”
chỉ đứng ở mức 157/189 – tăng thứ hạng so với năm trước nhưng vẫn thấp nhất trong các chỉ số được đánh giá. Chỉ số “tiếp cận điện năng” xếp hạng 156. Các chuyên gia WB thống kê, một DN mất trung bình 115 ngày để kết nối điện cho SXKD, mỗi gia đình mất tới 17% thu nhập bình quân để tiêu dùng cho điện. Chỉ số nộp thuế xếp hạng 149/189.
Thứ hai, lãi suất cho vay biến động mạnh tuy đã có sự điều chỉnh.
Lãi suất đồng Việt Nam đã có chiều hướng tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2010, lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao trong quý 1 mức lãi suất này lên tới 17- 18%/năm có nơi lên tới 20%/năm. Sang năm 2011, lãi suất cho vay lại tiếp tục gia tăng. Đến ngày 6/6/2011, NHNN công bố lãi suất cho vay VND bình quân thực tế khoảng 18,3%/năm (tăng 3%/năm so với cuối năm 2010). NHNN nỗ lực giảm lãi suất bằng nhiều biện pháp, một trong số đó là giữ vững trần lãi suất huy động 14%/năm và chấn chỉnh việc huy động vốn. Lãi suất cho vay cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí vay vốn của các DN và đặc biệt là các DN dệt may khi mà nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào vay nợ. Việc gia tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế đang khủng hoảng đẩy các DN trong ngành may mặc càng khó khăn hơn nữa trong hoạt động kinh doanh.
Từ tháng 7/2012 lãi suất cho vay bắt đầu sụt giảm và hiện nay lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức thấp 7-9%/năm, trong đó khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ 6,5 - 7%/năm; lãi suất cho vay đối với lĩnh vực SXKD khác ở mức 9 - 11,5%/năm. Tuy lãi suất đã hạ nhưng chi phí lãi vay vẫn là gánh nặng lớn đối với khu vực DN.
Thứ ba, lạm phát không ổn định.
Năm 2010 lạm phát lên tới 11,75% và năm 2011 là 18,1%. Với chính sách kiềm chế lạm phát của nhà nước, năm 2012 tỷ lệ là 6,8%, năm 2013 tỷ lệ là 6,04% và năm 2014 tỷ lệ là 1,84%. Kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững; sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn. Lạm phát, khủng hoảng kinh tế làm thay đổi mạnh và khó lường giá cả các yếu tố đầu vào cho sản xuất. Đồng thời, làm giảm sức mua của người dân hệ quả là các DN gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm may mặc.
Thứ tư, cơ chế chính sách của nhà nước còn nhiều bất cập.
Pháp luật về giao dịch bảo đảm như thế chấp, cầm cố để vay vốn vẫn còn một số bất cập, các quy định về trình tự, thủ tục đăng ký thiếu thống nhất và do nhiều cơ quan thực hiện. Trong trường hợp một tài sản được cầm cố, thế chấp để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì mỗi lần cầm cố, thế chấp cũng phải đăng ký. Ngoài ra, do pháp luật về đăng ký quyền sở hữu chưa phát triển nên việc đăng ký tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh tài sản gắn liền với đất còn gặp rất nhiều vướng mắc do nhiều loại tài sản gắn liền với đất chưa được đăng ký quyền sở hữu,...
Các văn bản quy phạm liên quan đến hoạt động cho thuê tài chính vẫn còn sơ sài thiếu đồng bộ; hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa hoàn thiện gây khó khăn khi các DN may Việt Nam tìm cách tiếp cận các nguồn vốn khác bên cạnh nguồn truyền thống qua các ngân hàng thương mại.
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành khá đầy đủ hệ thống văn bản về quản lí TCDN nhà nước, còn đối với các DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, việc ban hành hệ thống các văn bản về quy định rủi ro tài chính còn thiếu, chưa đưa ra đòi hỏi đúng mức để DN phải tự bảo đảm an ninh tài chính của đơn vị mình. Chẳng hạn như, Nhà nước chưa có những quy định bắt buộc trong việc phân phối LNST đối với hai khu vực DN trên là phải có trích lập quỹ dự phòng tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro, cũng như, Nhà nước mới chỉ khuyến khích mà chưa quy định có tính chất bắt buộc đối với việc trích lập dự phòng giảm giá HTK; dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chính;
dự phòng nợ phải thu khó đòi; dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp v.v. với các loại hình DN khác. Do đó, trong thực tế việc trích lập các khoản dự phòng đối với DN ở Việt Nam ít thực hiện hoặc khi thực hiện chỉ mang tính hình thức, không đúng với mục đích, ý nghĩa của nó.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 của luận án đã tập trung vào phân tích hiệu quả QTTC thành phần và tổng thể của các DN may thuộc Vinatex trong giai đoạn 2009-2017, có thể thấy một số kết quả đã đạt được như sau: (1) công tác quản trị đầu tư: DAĐT được triển khai nhanh, dứt điểm, tiết giảm chi phí đầu tư; tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản khá, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của DN may; (2) công tác quản trị huy động vốn: đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu SXKD và đầu tư; áp dụng linh hoạt các hình thức vay nợ với chi phí huy động vốn bình quân thấp; một số DN sử dụng có hiệu quả đòn bẩy tài chính; (3) công tác quản trị sử dụng vốn: VCĐ sử dụng có hiệu quả cao, quản trị vốn bằng tiền tốt; quản trị khoản phải thu có hiệu quả, kỳ thu tiền trung bình ngắn;
quản trị HTK ở nhóm DN có phương thức sản xuất hỗn hợp tốt, cải thiện; (4) công tác quản trị phân phối LN: chính sách chi trả cổ tức về cơ bản ổn định, duy trì ở mức khá cao, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư và tác động tốt tới giá cổ phiếu; (5) hiệu quả QTTC tổng thể: sức sinh lời kinh tế của tài sản thấp và có xu hướng suy giảm;
vùng đệm an toàn giữa doanh thu và chi phí mỏng; LNST trên VCSH cao.
Để đảm bảo tính khoa học của các nhận định ở phân tích trên, NCS sử dụng mô hình kinh tế lượng để kiểm định mức độ tác động của các yếu tố đến ROE với bộ dữ liệu thu thập từ 2009 đến 2017 của 10 DN trong mẫu nghiên cứu trên phần mềm SPSS.
Kết quả hồi quy ROE theo các biến TANG, DFL, STATE, SIZE, BS, ROA, MC, DPR đều cho kết quả tương đồng, khẳng định sự đúng đắn của các kết luận.
Bên cạnh đó, công tác QTTC của các DN may thuộc Vinatex còn bộc lộ một số hạn chế như: (i) công tác QTTC chưa được quan tâm và coi trọng đúng mức; (ii) năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ quản trị TCDN còn nhiều hạn chế; (iii) việc lựa chọn quy mô DN và tổ chức bộ máy quản trị TCDN chưa hợp lý; (iv) sự phối hợp giữa bộ phận tài chính và các bộ phận khác trong các DN là chưa đồng bộ và thiếu chặt chẽ.
Để nâng cao hiệu quả QTTC trong thời gian tới, các DN may thuộc Vinatex cần tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời nhanh chóng giải quyết những vấn đề còn tồn tại bằng những giải pháp phù hợp trên cơ sở vận dụng tốt lý thuyết QTTC hiện đại, biết và sử dụng có hiệu quả các công cụ nhằm khuếch đại LNST và hướng tới tối đa hóa giá trị tài sản cho chủ sở hữu.